Tường Thuật về Thánh lễ

sáng thứ Hai, 18/04/2005, để cầu nguyện

cho việc Bầu vị Tân Giáo Hoàng

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường Thuật về Thánh lễ sáng thứ Hai, 18/04/2005, để cầu nguyện cho việc Bầu vị Tân Giáo Hoàng.

Tin Vatican (Vis 18/04/2005) - Trong Lần Bầu đầu tiên của Mật Viện vào chiều thứ Hai, ngày 18 tháng 4 năm 2005, 115 vị Hồng Y cử Tri chưa bầu được vị Tân Giáo Hoàng. Khói đen đã thoát ra khỏi ống khói của Nhà Nguyện Sistina, lúc 8 giờ 04 phút tối thứ Hai, ngày 18/04/2005, giờ Roma, tức lúc 1 giờ 04 phút khuya thứ Hai rạng sáng thứ Ba, ngày 19/04/2005, giờ Việt Nam.

Trước đó, vào lúc 9 giờ 57 phút sáng thứ Hai, ngày 18 tháng 4 năm 2005, 115 vị Hồng Y cử tri --- (tức dưới 80 tuổi, còn quyền vào Mật Viện để bầu giáo hoàng) --- đã đồng tế Thánh Lễ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để cầu nguyện cho việc bầu giáo hoàng. Thánh Lễ do Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, niên trưởng hồng y đoàn, chủ tế và thuyết giảng.

Tất cả những Vị Hồng Y khác, trên 80 tuổi, không vào Mật Viện, các vị Tổng Giám Mục, Giám Mục, và linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, tham dự Thánh Lễ. Trong bài giảng, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger đã giải thích ba bài đọc được chọn dùng cho Thánh Lễ ngoại lịch nầy, vừa gợi lên vài suy tư về hiện trạng giáo hội và thế giới, trước giờ phút bắt đầu Mật Viện bầu giáo hoàng.

Bài đọc thứ nhất, từ sách Tiên Tri Isaia, nhắc lại những lời mà Vị Thiên Sai dùng để mô tả về chính mình, như là Ðấng được sai đi "rao giảng Năm Ân Sũng của Thiên Chúa và công bố Ngày báo phục của Chúa". Ðức Hồng Y Ratzinger giải thích và áp dụng những lời đó như sau: "Chúng ta được mời gọi công bố Năm Ân Sũng của Chúa, không những bằng lời nói mà còn bằng đời sống và với những dấu chỉ hữu hiệu của các Bí Tích." Nhắc đến "ngày báo phục của Chúa", Ðức Hồng Y Ratzinger giải thích đây là những lời nói liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, để cứu chuộc con người. Ðức Hồng Y nói: "Chúa Giêsu mang lấy trọn cả gánh nặng của sự dữ, trọn cả sức mạnh tàn phá của nó, nơi Thân Xác Người và trong Tâm Hồn Người... Ngày báo phục  và Năm Ân Sũng của Chúa cùng hòa nhập với nhau trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, trong đó Chúa Kitô đã chết và sống lại. Sự báo phục của Thiên Chúa: đó là chính Ngài, nơi Con Một mình, đã gánh chịu đau khổ vì chúng ta". Ðức Hồng Y lưu ý về bài học được rút ra từ đó rằng: "Lòng nhân từ của Thiên Chúa không phải là "hồng ân đã bị giảm giá". Lòng nhân từ Chúa không có nghĩa là điều ác, điều dữ, đã trở nên như "điều tầm thường".

Trong bài đọc thứ hai, trích từ thư Ephêsô nơi đoạn Thánh Phaolo Tông Ðồ nói về "mức độ trọn hảo của sự sung mãn nơi Chúa Kitô". Ðây là lý tưởng mà chúng ta được mời gọi đạt đến, để trở thành người trưởng thành trong đức tin. Ðức Hồng Y rút ra bài học như sau: "Chúng ta không được dừng lại ở mức độ trẻ nhỏ trong Ðức Tin". Theo Ðức Hồng Y, "mức độ trẻ nhỏ trong Ðức Tin" có nghĩa là để mình như bị lôi cuốn, trôi giạt theo mọi chiều gió giáo lý. Ðức Hồng Y nói: "Ðây là một mô tả thật gợi ý. Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên qua! Biết bao nhiêu dòng ý thức hệ! Biết bao nhiêu trường phái tư tưởng! Con thuyền nhỏ tích chứa những suy nghĩ của nhiều người kitô thường bị nhận chìm bởi những làn sóng nầy, bị đưa từ thái cực nầy sang thái cực khác: từ chủ nghĩa marxít sang chủ nghĩa duy tự do, và cả cho đến mức chỉ đề cao sự tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân quá khích, từ chủ thuyết vô thần sang chủ nghĩa huyền nhiệm tôn giáo mập mờ, từ chủ nghĩa vô tri sang chủ nghĩa hỗn tạp, vân vân... Mỗi ngày đều có những giáo phái mới; và những lời của Thánh Phaolô nói đến sự thất vọng của con người, cũng như nói đến "tài mánh mung" làm cho con người nhận sự sai lầm như là sự thật. Có một Ðức Tin rõ ràng, đúng theo Lời Tuyên Xưng Ðức Tin của giáo hội, thì thường bị mang nhãn hiệu là "quá khích thủ cựu" (fundamentalism). Trong khi chủ nghĩa tương đối hóa, --- nói cách khác là chủ trương chạy theo mọi chiều gió giáo lý --- thì được xem như là thái độ duy nhất phù họp với thời đại".

Từ đó, Ðức Hồng Y rút ra kết luận như sau: "Chúng ta có một mức độ khác để noi theo: đó là Con Thiên Chúa và là con người thật. Ngài là mẫu mực cho mọi lý thuyết nhân triển đích thực. Ðức Tin của người lớn không chạy theo những làn sóng thời trang và những điều mới mẽ nhất; một đức tin người lớn và trưởng thành là đức tin ăn rễ sâu vào trong tình bạn thân nghĩa thiết với Chúa Kitô... Chúng ta phải làm cho đức tin nguời lớn nầy đạt đến mức trưởng thành; và chúng ta phải hướng dẫn đoàn chiên của Chúa Kitô đến đức tin trưởng thành nầy. Và chính Ðức Tin trưởng thành nầy tạo nên sự hiệp nhất và là đức tin được thực hiện trong tình bác ái... Trong mức độ chúng ta tiến gần đến Chúa Kitô, thì sự thật và đức bác ái được hòa hợp chung trong đời sống chúng ta.

Và cuối cùng, giải thích bài Phúc âm theo thánh Gioan nhắc lại những lời của Chúa Giêsu gọi các môn đệ là "những bạn hữu" và sai họ ra đi, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận  định như sau: "Chúa Kitô tin tưởng vào chúng ta và trao phó Giáo Hội, nhiệm thể của Người, cho chúng ta. Ngài trao phó sự Thật của ngài cho trí óc non nớt và cho đôi tay yếu hèn của chúng ta... Ngài làm cho chúng ta trở thành bạn hữu của ngài. Thử hỏi chúng ta đáp lại như thế nào? Chúng ta cần cảm thấy mình được thôi thúc bởi sự hăng say không ngừng nghỉ, để mang hồng ân đức tin và tình bạn hữu với Chúa, đến cho  mọi người... Chúng ta hãy lên đường và cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta trổ sinh những hoa trái, và là những hoa trái tồn tại... Chúng ta hãy cầu xin cùng Chúa, xin ngài, sau khi đã ban cho chúng ta món quà vĩ đại là Ðức Gioan Phaolô II, thì xin ngài hãy ban cho chúng ta một Vị Chủ Chăn đúng theo lòng Chúa mong ước, một vị chủ chân hướng đẫn chúng ta đến sự hiểu biết Chúa Kitô, đến với tình yêu của Chúa và đến niềm Vui đích thực".

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page