Thánh lễ Nghi Thức Ðông Phương

của Tuần Chín Ngày cầu nguyện

cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh lễ Thứ VII của Tuần Chín Ngày cầu nguyện cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Tin Vatican (Apic 15/04/2005) - Lúc 5 giờ chiều thứ Năm, 14 tháng 4 năm 2005, Thánh Lễ thứ VII của tuần Chín Ngày cầu nguyện cho đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã được cử hành trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, theo nghi thức Ðông Phương, do Ðức Hồng Y Giáo Chủ Antiokia của người Maronites, là Ðức Giáo Chủ Pierre Nasrallah Sfeir, người Liban, chủ tế. Có thể nói đây là Thánh Lễ đặc biệt của các cộng đồng Giáo hội Công giáo Ðông phương, để cầu nguyện cho Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ðức Hồng Y Lubomyr Husar, Tổng Giám Mục Cả của Lviv, giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương theo nghi thức Hy Lạp tại Ukraine, và Ðức Hồng Y Ignaxio Moussa Daoud, Tổng Trưởng Bộ Các Giáo Hội Ðông Phương, cựu giáo chủ Antiokia của người Syrie, cùng đồng tế với Ðức Giáo Chủ Sfeir. Ngôn ngữ được sử dụng trong Thánh Lễ nầy là tiếng Arab-Syro-Aramê-en, thứ tiếng còn gần với ngôn ngữ Aramêen của thời Chúa Giêsu.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Ðức Giáo Chủ Pierre Nasrallah Sfeir, của người công giáo Liban, đã cám ơn Hồng Y Ðoàn vì đã có thể cử hành Thánh Lễ theo nghi thức Ðông Phương, để cầu nguyện cho Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau đó, ngài nhắc đến những sáng kiến của Ðức Thánh Cha vì lợi ích của Các Giáo Hội Ðông Phương. Ngài ca ngợi những chuyến viếng thăm của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại các giáo hội Ðông Phương ở Liban, Syrie, Ấn Ðộ, và Israel. Nhiều tín hữu thuộc các giáo hội Ðông Phương đã tham dự  Thánh Lễ nầy.

Ðược biết các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương gồm có những giáo hội đông phương sau đây:

- Giáo Hội Chalđê,

- Giáo Hội Syro –malabar,

- Giáo Hội Armêni công giáo,

- Giáo Hội Syri công giáo,

- Giáo Hội Eāthiopi công giáo,

- Giáo Hội Maronit

- và Giáo Hội Melkit công giáo.

Tất cả những giáo hội đông phương nầy duy trì nghi thức phụng vụ riêng, khác với nghi thức latinh của Giáo hội Công giáo Roma, nhưng tất cả đều nhìn nhận quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page