Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Gởi Cho Ðức Hồng Y Francis Arinze

nhân dịp phiên Họp Khoáng Ðại

của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II Gởi Cho Ðức Hồng Y Francis Arinze, nhân dịp phiên Họp Khoáng Ðại của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Tin Vatican (Vat. 3/03/2005) - Như quý vị và các bạn đã biết qua phần tin tức tuần qua, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị từ bệnh viện Gemelli, hôm thứ Năm mùng 3 tháng 3 năm 2005, đã gởi một sứ điệp cho Ðức Hồng Y Francis Arinze, nhân dịp Phiên Họp Khoáng Ðại của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Nội dung của sứ điệp bàn đến những điểm quan trọng trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, trong khung cảnh Năm Thánh Thể đang diễn ra trong toàn thể giáo hội toàn cầu. Mở đầu sứ điệp, ÐTC đã gởi những lời chào chúc và cảm tạ như sau:

 

Thưa hiền đệ đáng kính,

Tôi vui mừng gởi đến hiền đệ lời chào thân tình. Tôi cũng xin chào quý vị Hồng Y, Tổng giám mục, Giám Mục và linh mục, tham dự Phiên Họp Khoáng Ðại của Bộ. Tôi biết rằng trong phiên họp Khoáng Ðại nầy, nhiều đề tài quan trọng được bàn đến, trong khung cảnh dấn thân cử hành Năm Thánh Thể đặc biệt nầy.

Tôi xin nói với mọi người là tôi hiện diện gần bên tất cả với tâm tình thân thương. Vài vị tham dự viên Phiên Họp Khoáng Ðại đã cộng tác với sinh hoạt của Bộ từ nhiều năm, và một số vị khác thì mới lãnh lấy trách nhiệm nơi Bộ. Với những bổ nhiệm gần đây, thì quả thật là tốt được nhìn thấy rõ ràng, Bộ Phụng Tự không những được thêm các thành viên, mà còn trở nên đại diện cho toàn thể giáo hội trên tất cả mọi đại lục.

Tôi cám ơn từng Vị. Một cách đặc biệt, tôi nói lên lòng biết ơn đối với hiền đệ, vì những lời đầy tình thương và sự bảo đảm cầu nguyện đặc biệt mà hiền đệ gởi đến tôi nhân danh cho tất cả mọi người, cũng  như vì sự quảng đại dấn thân của hiền đệ để hướng dẫn Bộ Phụng Tự.

Trong Phiên Họp Khoáng Ðại nầy, người ta chú ý đến công việc đã được Bộ thực hiện trong những năm gần đây, trong sự hòa hợp với chương trình mục vụ mà Tôi đã nêu lên cho toàn thể Dân Chúa, khi mời gọi hãy càng ngày càng trở nên chuyên môn trong "nghệ thuật cầu nguyện" (x. Tông thư Bước vào ngàn năm mới, số 35). Tôi đặc biệt cám ơn Bộ vì đã mau mắn đáp ứng những chỉ dẫn của Thông Ðiệp "Giáo Hội từ Thánh Thể" và của Tông Thư về Năm Thánh Thể, --- có tựa đề là "Lạy Thầy, xin hãy ở lại với chúng tôi", --- qua việc  soạn ra trước hết Huấn Thị "Bí Tích của ơn cứu rỗi" (Redemptionis Sacramentum), rồi sau đó là văn kiện "Những Gợi Ý và Ðề Nghị" để cử hành Năm Thánh Thể. Tôi ước mong nhờ qua những Văn Kiện nói trên, cộng đoàn kitô được lớn lên trong tình yêu đối với Bí Tích Cực Thánh và được trợ giúp để cử hành mỗi ngày một xứng đáng hơn Hy Tế Thánh Thể, trong sự phù hợp với những quy luật phụng vụ và nhất  là với sự tham dự nội tâm đích thực.

Trong viễn tượng nầy, trong chương trình nghị sự của Phiên Họp Khoáng Ðại, chủ đề về "nghệ thuật cử hành" (ars celebrandi) mặc lấy ý nghĩa quan trọng; "nghệ thuật cử hành" nầy được thẩm định theo ánh sáng của cái nhìn thần học về phụng vụ, như đươc thể hiện trong hiến chế của Công Ðồng về Phụng Vụ (Sacrosanctum Concilium). Phụng Vụ là hành động được chính Chúa Kitô hoàn tất; Chúa là Thầy Cả Thượng Phẩm và Ðời Ðời của Tân Ước, có liên hệ đến toàn Nhiệm Thể của Người (x. Hiến chế Thánh Công Ðồng, số 7). Chúa Kitô hiện diện nhất là trong việc cử hành Thánh Thể, --- một diễn tả sống động của Mầu Nhiệm Vượt Qua;  Hành động của Chúa được chúng ta tham dự vào và chia sẻ trong những cách thức thích hợp với bản tính nhân loại chúng ta,  một nhân loại cần lời nói, cần những dấu chỉ, và những nghi thức. Sự hữu hiệu của Hành động Chúa là kết quả của tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng đòi buộc sự đáp trả của con người. Nghệ thuật cử hành (ars  celebrandi) nói lên chính khả năng của những thừa tác viên có chức thánh và của toàn thể cộng đoàn quy tụ lại để cử hành, (nói lên khả năng) làm lại và sống ý nghĩa của mỗi hành động phụng vụ. Chính đây là một nghệ thuật để thực hiện sự hiệp nhất giữa dấn thân chiêm niệm và dấn thân sống đức tin. Qua những nghi thức và những lời cầu nguyện, chúng ta được chạm đến và được kết hiệp sâu xa với mầu nhiệm.

 

Ðến đây, ÐTC đã lưu ý đến Bài Giảng trong Phụng Vụ, với những lời như sau:

 

Thật là đúng lúc, khi người ta lưu ý đặc biệt đến bài giảng, được Công Ðồng Vaticanô xem như là phần không thể tách rời khỏi việc phụng vụ, để phục vụ cho Lời Chúa (x. hiến chế Thánh Công Ðồng về Phụng Vụ số 52). Bài giảng có một dung mạo khác với việc giảng dạy giáo lý thông thường và mang đến cho người giảng một trách nhiệm song đôi: trách nhiệm đối với Lời Chúa vừa là trách nhiệm đối với cộng đoàn. Bài giảng cần phải cổ võ cho sự gặp gỡ, --- thân tình nhất và hữu ích nhất có thể, --- giữa Thiên Chúa Ðấng nói ra, và cộng đoàn lắng nghe. Ðiều quan trọng là bài giảng không được thiếu, nhất là trong việc cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật. Trong khung cảnh của công cuộc tái rao giảng Phúc âm, bài giảng là một dịp thuận tiện, hết sức quý báu và duy nhất, để huấn luyện.

Một chủ đề khác nữa được phiên Họp Khoáng Ðại chú ý đến là vấn đề huấn luyện phụng vụ; đây là điều căn bản không những cho việc huấn luyện chuẩn bị những linh mục tương lai và các thầy phó tế, các thừa tác viên được thiết lập chính thức và các tu sĩ, nhưng còn là chiều kích thường xuyên của việc giảng dạy giáo lý cho tất cả mọi tín hữu. Trong những cộng đoàn giáo xứ, trong các hiệp hội và trong các phong trào giáo hội, cần phải bảo đảm cho có những chương trình huấn luyện tương xứng, ngõ hầu phụng vụ được biết đến một cách tốt đẹp hơn, trong ngôn ngữ phong phú của nó và được sống cách trọn vẹn. Trong mức độ người ta càng thực hiện việc huấn luyện phụng vụ, thì người ta càng thấy được những ảnh hưởng hữu ích của việc huấn luyện nầy trên đời sống cá nhân và cộng đồng.

Tôi khuyến khích Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của hiền đệ hãy kiên trì trong sự cộng tác thân tình và đầy tin tưởng với các Hội Ðồng Giám Mục và với từng vị Giám Mục, kiên trì trong dấn thân cổ võ phụng vụ. Công cuộc canh tân Phụng Vụ của Công Ðồng Vaticanô thứ II đã làm trổ sinh những hoa trái tốt, nhưng cần phải từ "giai đoạn canh tân" chuyển sang "giai đoạn đào sâu" (tông thư Spiritus et Sponsa, số 6), ngõ hầu Phụng Vụ có thể ghi dấu sâu xa hơn đời sống của từng tín hữu và của các cộng đoàn, vừa trở thành nguồn mạch tuôn trào sự thánh thiện, sự hiệp thông và sức hăng say truyền giáo.

Thưa Ðức Hồng Y, trách vụ được trao phó cho Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, mà Ðức Hồng Y là chủ tịch, là thật to lớn. Nguyện xin tác động của Chúa Thánh Thần và sự trợ giúp hiền mẫu của Mẹ Maria, làm cho mọi cố gắng của hiền đệ được trổ sinh hoa trái phong phú. Tôi cầu nguyện  và chúc lành cho tất cả anh em và tất cả những ai cộng tác vào trong những hoạt động khác nhau của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

 

Từ  Bệnh Viện Gemelli, ngày 3 tháng 3 năm 2005.

n Ký,

Gioan Phaolô II, giáo hoàng.

 

(bản dịch Việt Ngữ của Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page