Ðức Ông Luigi Giussani

vị sáng lập phong trào

Hiệp Thông và Giải Phóng

đã qua đời ngày 22/02/2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Ông Luigi Giussani, vị sáng lập phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" đã qua đời tại Milanô, Bắc Italia, vào khuya ngày 21 rạng sáng ngày 22 tháng 2 năm 2005.

Tin Italia (Apic 22/02/2005) - Thứ Năm 24 tháng 2 năm 2005, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ giáo lý Ðức Tin, đã được ÐTC Gioan Phaolô II cử đến chủ tế thánh lễ an táng Ðức Ông Luigi Giussani, vị sáng lập phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng", đã qua đời tại Milanô, bắc Italia, vào khuya ngày 21 rạng sáng ngày 22 tháng 2 năm 2005, hưởng thọ 82 tuổi. Thánh Lễ an táng được cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Milanô, lúc 3 giờ chiều, giờ địa phương. Nhưng, theo nguồn tin của hãng thông tấn Công giáo Thụy Sĩ,  (Apic) thì việc an táng nơi phần mộ sẽ được cử hành vào ngày thứ Sáu 25 tháng 2 năm 2005.

Ðức Ông Luigi Giussani là một trong những dung mạo nổi bật không những của Giáo hội Công giáo Italia, mà còn của giáo hội phổ quát nữa, qua phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng", do chính Ðức Ông thành lập vào thập niên 50, tại Italia, và hiện nay đang có mặt tại 75 quốc gia trên thế giới, với hơn 100,000 thành viên.

Tiền thân của phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" là phong trào "giới trẻ sinh viên học sinh" do chính cha Luigi Giussani thành lập và hướng dẫn tại Trung Học Berchet de Milano, từ năm 1954 cho đến năm 1969, là năm Phong trào được gọi với danh hiệu mới như được biết hiện nay là phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng". Phong trào đã được Tòa Thánh chính thức công nhận như là phong trào giáo hội vào năm 1982. Phong trào có tôn chỉ đưa giáo hội vào trong mọi lãnh vực của cuộc sống hiện nay. Phong trào nhắc nhở các thành viên rằng sống đức tin kitô giáo là sống trong sự hiệp thông, ngõ hầu mang đến sự giải phóng đích thực cho con người. Phong trào có ảnh hưởng rất mạnh trên sinh hoạt giáo dục, chính trị và văn hóa của đất nước Italia. Nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng của Italia, như  Thượng Nghị Sĩ và cũng là cựu Thủ Tướng Chính Phủ Italia, Ông Giulio Andreotti, đã là thành viên của Phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng".

Với hai đặc tính như là phong trào thiêng liêng và trí thức, phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức những cuộc gặp gỡ có tính cách chính trị và tôn giáo, điều hành những trung tâm huấn luyện và xuất bản những tờ báo. Một trong những cuộc gặp gỡ nổi tiếng do Phong Trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" tổ chức hằng năm, là cuộc Gặp Gỡ "Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc tại Rimini", quy tụ những nhân vật nổi tiếng trên bình diện chính trị, tôn giáo và tư tưởng, và hàng trăm ngàn dân chúng tham dự.

Trên bình diện tổ chức, phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng, có bốn cơ cấu chính như sau:

(1) Huynh Ðoàn "Hiệp Thông và Giải Phóng", là huynh đoàn quy tựu những anh chị em giáo dân, thuộc quyền giáo hoàng, và là huynh đoàn nằm ở trung tâm của phong trào hiệp thông và giải phóng, với khoảng 44,000 đoàn viên nam nữ, được chia thành những nhóm nhỏ chuyên về huấn luyện, về tổ chức tỉnh tâm, về những dự án bác ái, truyền giáo và văn hóa.

(2) Những Giáo Dân Tận Hiến hoặc sống thành cộng đoàn, hoặc sống tại chính môi trường sinh sống hiện tại của họ. Những giáo dân tận hiến này được gọi bằng danh xưng riêng là "memores Domini"

(3) Huynh Ðoàn linh mục của những nhà truyền giáo của Thánh Carlo Borromêô; các linh mục thuộc huynh đoàn nầy đến từ khắp năm châu.

(4) Hội Tu "Các Nữ Tu Bác Ái của Mẹ Lên Trời", gồm có khoảng 100 nữ tu dấn thân làm việc tông đồ.

Dù ở cấp bực nào trong phong trào, các thành viên của phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng", nói chung, dấn thân hết mình trong những công tác thật đa dạng, áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ công việc trợ giúp từ thiện đến những kinh doanh kinh tế nhỏ và trung cấp, và những tổ chức văn hóa. Phong trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" có nhiều trung tâm văn hóa trên thế giới; và Trung Tâm nổi tiếng nhất là Trung Tâm Văn Hóa ở Milanô, miền Bắc Italia.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page