Năm Thánh Thể

Những Gợi ý Và Những Ðề Nghị

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Văn Kiện của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích bổ túc cho Tông Thư của Ðức Thánh Cha về Năm Thánh Thể.

(Radio Veritas Asia - 17/02/2005) - Khi kết thúc Tông Thư về Năm Thánh Thể (x. số 29), ÐTC Gioan Phaolô II đã báo trước rằng: Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích sẽ đưa ra những gợi ý và những đề nghị thực hành, nhắm giúp cử hành Năm Thánh Thể tại các Giáo Hội địa phương. Tông Thư về Năm Thánh Thể đã được ÐTC Gioan Phaolô II ấn ký ngày 7 tháng 10 năm 2004, ngày lễ kính Ðức Mẹ Mân Côi, và liền đó vào ngày 8 tháng 10 năm 2004, Tông Thư đã được Ðức Hồng Y Francis Arinze, tổng trưởng bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích giới thiệu cho giới báo chí.

Tiếp theo đó, ngày 15 tháng 10 năm 2004, ngày lễ kính thánh nữ Têrêsa Avila, Ðức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng, và Ðức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino, Tổng Thư Ký bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã cùng ấn ký Văn Kiện có tựa đề là "Năm Thánh Thể: Những Gợi Ý và Những Ðề Nghị". (xin gọi vắn tắt là "Văn Kiện Gợi Ý").

Ðược phân thành 45 số, Văn Kiện Gợi Ý gồm có 5 chương chính, không kể phần nhập đề và kết luận.

Chương I : Vài Ðiểm Liên Hệ đến Năm Thánh Thể.

Chương II : những khung phụng vụ của Năm Thánh Thể.

Chương III : những đường nét chính của Tu Ðức Thánh Thể.

Chương IV : những sáng kiến và những dấn thân mục vụ để cử hành Năm Thánh Thể.

Chương V : những khía cạnh văn hóa, hay đúng hơn, những sinh hoạt văn hóa biểu lộ Năm Thánh Thể.

Sau đây chúng ta hãy đọc Văn Kiện Gợi Ý này:

 

Nhập Ðề

Khoảng một năm sau khi bế mạc Năm Mân Côi, một sáng kiến mới của ÐTC được công bố: đó là Năm Thánh Thể kéo dài từ tháng 10 năm 2004 đến tháng 10 năm 2005. Hai sáng kiến này (Năm Mân Côi và Năm Thánh Thể) tiếp nối nhau, và được đặt trong khung cảnh của hướng mục vụ do ÐTC đề ra cho toàn thể Giáo Hội qua tông thư Bước vào ngàn năm mới; hướng mục vụ đó đặt việc chiêm ngắm dung mạo Chúa Kitô vào trung tâm dấn thân của Giáo Hội, theo con đường của Công Ðồng Vaticanô II và của Ðại NămThánh 2000 (x. Mane nobiscum Domine, chương 1).

Thật vậy, với tông thư về Kinh Mân Côi --- (Rosarium Virginis Mariae, Kinh Mân Côi của Ðức Trinh Nữ Maria), --- Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô với cái nhìn và tâm hồn của Mẹ Maria. Kế đến được công bố thông điệp Ecclesia de Eucharistia, "Giáo Hội sống nhờ Bí Tích Thánh Thể", để hướng dẫn chúng ta đến "nguồn mạch và chóp đỉnh" của trọn cả đời sống kitô, vừa mời gọi chúng ta hãy canh tân lòng sốt sắng cử hành và tôn thờ bí tích Thánh Thể. Trong tương quan với thông điệp về Bí Tích Thánh Thể, huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích của Ơn Cứu Chuộc) nhắc lại bổn phận của tất cả mọi tín hữu hãy bảo đảm sao cho có một phụng vụ thánh thể xứng đáng với Mầu Nhiệm cao cả như thế.

Giờ đây, được giới thiệu và được hướng dẫn bởi tông thư về Năm Thánh Thể, Mane Nobiscum Domine (Lạy Thầy, xin hãy ở lại với chúng tôi!), Năm Thánh Thể cống hiến cho chúng ta một dịp quan trọng trên bình diện mục vụ, ngõ hầu toàn thể cộng đoàn kitô được gây ý thức để làm cho Bí Tích và Hy Tế kỳ diệu trở thành con tim của cuộc sống mình.

ÐTC Gioan Phaolô II đã để cho các Giáo Hội địa phương có những sáng kiến cử hành trong suốt Năm Thánh Thể. Tuy nhiên, ngài đã yêu cầu bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích hãy đóng góp thêm những gợi ý và những đề nghị (x. Mane Nobiscum, Domine, số 29) có thể hữu ích cho những ai, --- những chủ chăn và những tác viên mục vụ trên mọi cấp bậc --- được mời gọi góp phần của mình vào việc cử hành Năm Thánh Thể.

Từ mục tiêu trên, chúng ta có thể nhận ra đặc tính thực hành của Tài Liệu bổ túc này. Tài liệu không nhằm liệt kê tất cả mọi sáng kiến, nhưng chỉ giới hạn vào việc đề nghị vài gợi ý thực hành, và đôi khi chỉ nhắc một cách tổng quát đến những trách vụ và những đề tài không nên bỏ qua mà thôi.

Có một chương của Văn Kiện Gợi Ý --- (tức chương III của Văn Kiện) --- nói về Tu Ðức Thánh Thể; chương này có thể được xem như là hữu ích, ít ra để khơi dậy những sáng kiến trong việc giảng dạy giáo lý và việc huấn luyện. Thật vậy điều quan trọng là làm sao để Bí Tích Thánh Thể được đón nhận, không những trong những khía cạnh có tính cách cử hành, mà còn như là "nguồn sống", là "dự án cho đời sống", là căn bản cho một nền tu đức đích thực có tính cách thánh thể.

Chúng tôi cám ơn Ðức Thánh Cha vì món quà "Năm Thánh Thể" tặng cho Giáo Hội và chúng tôi phó thác thành quả của Năm Thánh Thể này cho lời cầu bào của Mẹ Thiên Chúa. Ước gì nơi trường học của Mẹ Maria, "người nữ của Thánh Thể", được khơi dậy "lòng khâm phục" trước Mầu Nhiệm Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Và mong sao Giáo Hội sống nhờ Bí Tích Thánh Thể với lòng sốt sắng to lớn hơn nữa.

 

Chương I : Vài Ðiểm Liên Hệ Ðến Năm Thánh Thể

Chương I này gồm có 6 số như sau:

(1) Khung cảnh chung

(2) Ðức tin vào Bí Tích Thánh Thể

(3) Việc cử hành Thánh Thể và việc phụng vụ thánh Thể ngoài Thánh Lễ.

(4) Nền Tu Ðức Thánh Thể

(5) Mẹ Maria: hiện ảnh của Giáo Hội Thánh Thể

(6) Những vị thánh là chứng nhân của đời sống thánh thể.

1. Khung Cảnh Nền Tảng

Chân trời --- được Năm Thánh Thể mở ra --- cung cấp cho chúng ta nhiều khoảng rộng để hành động theo nhiều chiều kích khác nhau của việc "sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Giáo Hội". Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể không phải là một "chủ đề" giữa bao chủ đề khác, nhưng là chính con tim của đời sống kitô. "Việc cử hành Thánh Lễ, --- xét như là hành động của Chúa Kitô và của Dân Chúa, một dân được tổ chức có phẩm trật, --- (việc cử hành Thánh Lễ) kết thành trung tâm của trọn cả cuộc sống kitô, trên bình diện giáo hội phổ quát, cũng như trên bình diện Giáo Hội địa phương, và cho từng cá nhân tín hữu. Thật vậy, trong Thánh Lễ, người ta có được chóp đỉnh của hành động mà nhờ đó Thiên Chúa thánh hoá thế gian qua Chúa Kitô, cũng như chóp đỉnh của việc phụng tự mà con người dâng lên Thiên Chúa Cha, vừa tôn thờ Ngài nhờ qua Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, trong Thánh Lễ, Giáo Hội tưởng nhớ trong chu kỳ một năm, những mầu nhiệm của ơn Cứu Ðộ, vừa làm cho những mầu nhiệm này một cách nào đó được hiện diện. Tất cả những hành động thánh thiện khác và mỗi hành động của đời sống kitô, đều có tương quan chặt chẽ với Thánh Lễ, phát sinh từ thánh lễ và hướng về Thánh Lễ. (x. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, số 16).

Vì thế khía cạnh Thánh Thể của Năm Ðặc Biệt này muốn làm sáng tỏ những hoạt động căn bản của đời sống Giáo Hội, một Giáo Hội nói chung bao gồm tất cả mọi thành phần cũng như một Giáo Hội nói riêng như được thể hiện nơi mỗi thành phần của mình. Chính Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến chìa khóa này để đọc hiểu về Năm Thánh Thể, vừa đặt sáng kiến cử hành Năm Thánh Thể trong toàn bộ chương trình mục vụ, đã được đề ra cho Giáo Hội, bằng những ngôn ngữ có tính cách kitô học và hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi, trong những năm chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh 2000; chương trình mục vụ này còn đang được "khai triển" từ từ trong những năm kế tiếp Ðại Năm Thánh 2000, khởi đầu với tông thư "Bước vào ngàn năm mới" (Novo Millenio ineunte"). Như thế Năm Thánh Thể được đặt vào trong khung cảnh nền tảng mỗi ngày một được triển khai thêm một cách phong phú hơn, dù vẫn luôn trung thành ăn rễ sâu vào chủ đề về Chúa Kitô và về việc chiêm ngắm dung Nhan Người. Một cách nào đó, Năm Thánh Thể được đề ra như là năm tổng hợp, như là chóp đỉnh của trọn cả con đường đã được đi qua" (Mane Nobiscum Domine, số 10).

Dựa trên những gì vừa nói, những sáng kiến trong Năm Thánh Thể cần lưu ý đến những lãnh vực khác nhau và cung cấp những khích lệ trên nhiều khía cạnh khác nhau. Nơi chương thứ nhất này, chúng tôi muốn gợi ra một cách tổng hợp, vài viễn tượng có tính cách vừa thần học vừa mục vụ, để làm "khung quy chiếu" cho những gợi ý và những đề nghị tiếp sau.

Sau những lời trên, Văn Kiện Gợi Ý khai triển những yếu tố chính sau đây kết thành "khung quy chiếu" cho những gợi ý và đề nghị để cử hành Năm Thánh Thể:

- Ðức Tin vào Bí Tích Thánh Thể

- Việc Cử Hành Bí Tích Thánh Thể và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ.

- Nền Tu Ðức Thánh Thể

- Mẹ Maria, "hiện ảnh của Giáo Hội Thánh Thể"

- Các Thánh, những chứng nhân của đời sống thánh thể.

2. Ðức Tin Vào Bí Tích Thánh thể

Là "Mầu nhiệm Ðức Tin" (x. Thông Ðiệp Giáo Hội từ Thánh Thể, chương I), Bí Tích Thánh Thể được hiểu theo ánh sáng của Mạc Khải trong Kinh Thánh và của Thánh Truyền trong Giáo Hội. Sự quy chiếu về Kinh Thánh và Thánh Truyền là cần thiết, ngõ hầu Bí Tích Thánh Thể có thể biểu lộ đặc tính của mình như là "Mầu nhiệm ánh sáng" (x. Mane Nobiscum Domine, chương II), làm cho chúng ta cách nào đó đi lại con đường đức tin được mô tả trong bài tường thuật của phúc âm về hai môn đệ trên đường đi Êmau, mà ÐTC đã chọn như là "biểu hiện" (hay: hiện ảnh, icona) cho Năm Thánh Thể. Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm ánh sáng, hoặc bởi vì mầu nhiệm này đòi buộc và giả thiết phải có ánh sáng của Lời Chúa, hoặc bởi vì chính việc "bẻ bánh" chiếu tỏ ánh sáng trên Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: chính trong biến cố Vượt Qua chết và sống lại của Chúa Kitô, và do đó trong việc "tưởng nhớ Thánh Thể" (tức Thánh Lễ), mà Thiên Chúa mạc khải chính mình cách trọn vẹn như là Thiên Chúa Tình Yêu.

Năm Thánh Thể trước hết biểu lộ chính mình như là "thời gian mạnh" để giảng dạy giáo lý nhiều hơn về Bí Tích Thánh Thể, được tin thờ trong Giáo Hội. Việc giảng dạy giáo lý này cần lưu ý đến những điều sau đây:

2.1. Kinh Thánh: từ những bản văn chuẩn bị cho Mầu Nhiệm Bí Tích Thánh Thể trong Cựu Ước, cho đến những bản văn trong Tân Ước nói về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể cũng như về những chiều kích khác nhau của Bí Tích này (x. chẳng hạn như những bản văn đã được trích trong Sách Bài Ðọc cho Thánh Lễ ngoại lệ kính Bí Tích Thánh Thể).

2.2. Thánh Truyền: từ những giáo phụ đến những khai triển tiếp sau đó về thần học, để giảng dạy, với chú ý đặc biệt đến Công Ðồng Tridentino, Công Ðồng Vaticanô II, và những Văn Kiện của Huấn Quyền. Những con đường giảng dạy giáo lý do các Giáo Hội địa phương dọn ra nên đặt điểm tựa nơi Sách Giáo Lý của Giáo Hội; Sách Giáo Lý này là điểm quy chiếu có uy tín và nhiều gợi ý.

2.3. Việc giải thích Mầu nhiệm, hay việc dẫn nhập được đào sâu về Mầu Nhiệm được thực hiện qua việc giải thích những nghi thức và những lời nguyện dùng trong Thánh Lễ, như ta có thể gặp thấy trong Những Quy Ðịnh Cử Hành Thánh Lễ (Ordo Missae) và trong văn kiện về việc Rước Lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ.

2.4. Những sự phong phú đến từ lịch sử Tu Ðức, với việc làm nổi bật cho thấy Bí Tích Thánh Thể được tin thờ và được cử hành, được thể hiện như thế nào trong đời sống các vị Thánh (x. TÐ Giáo Hội nhờ Thánh Thể, số 62).

2.5. Nghệ thuật thánh như là chứng từ đức tin cho Mầu Nhiệm Thánh Thể.

3. Việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ

Ðược lãnh nhận từ Chúa Kitô, Ðấng đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Thánh này được Giáo Hội cử hành trong hình thức được chính Giáo Hội quy định (x. Những Quy Ðịnh trong Sách Lễ Roma). Việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ được liên kết chặt chẽ với việc cử hành Thánh Thể và được quy hướng về đó.

"Một dấn thân cụ thể của Năm Thánh Thể có thể là dấn thân học hỏi đến tận cùng, trong mọi cộng đồng giáo xứ, văn kiện "Huớng Dẫn Tổng Quát của Sách Lễ Roma". Con đường ưu tuyển để được hướng dẫn vào trong mầu nhiệm của ơn cứu rỗi được thể hiện nơi những dấu chỉ thánh, là con đường trung thành tuân theo diễn biến của Năm Phụng Vụ" (Mane Nobiscum Domine, 17).

Như là một liệt kê tổng quát theo chủ đề, để giúp cho những tác viên mục vụ, chúng tôi xin nêu ra đây những khía cạnh được nhắc đến cách đặc biệt trong NămThánh Thể này, nhắm thực hiện một cử hành thánh thể cho xứng đáng và một việc tôn thờ Mầu Nhiệm thánh thể sốt sắng hơn. Cùng với những văn kiện căn bản đã được nhắc đến trên đây, thì Huấn Thị "Redemptionis Sacramentum" --- (Bí Tích của Ơn Cứu rỗi, huấn thị nói về việc cần cử hành ThánhThể đúng theo những quy định) --- có thể trợ giúp hữu hiệu. Cần lưu ý đến những điểm sau đây:

3.1. Những nơi cử hành: nhà thờ, bàn thờ, bục bệ, và ghế ngồi.

3.2. Cộng đoàn cử hành phụng vụ: ý nghĩa và cách thức tham dự của cộng đoàn: trọn vẹn, có ý thức, và tích cực (x. SC, số 14).

3.3. Những vai trò khác nhau: linh mục hành động như thể chính Chúa Kitô (in persona Christi), rồi đến các thầy phó tế, các tác viên khác và những việc phục vụ.

3.4. Diễn tiến cử hành: từ bánh Lời Chúa đến bánh Thánh Thể. (x. Ordo Lectionum Missae, 10).

3.5. Thời gian cử hành Thánh Thể: Chúa nhật, ngày trong tuần và năm phụng vụ.

3.6. Tương quan giữa bí tích Thánh Thể với những bí tích khác, và những những cử hành phụ bí tích, những nghi thức đặc biệt...

3.7. Việc tham dự nội tâm và bên ngoài: đặc biệt là việc tuân giữ những giây phút thinh lặng;

3.8. Những bài hát và âm nhạc;

3.9. Việc tuân giữ những quy định phụng vụ;

3.10. Việc đem Mình Chúa cho những bệnh nhân;

3.11. Việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, việc cầu nguyện cá nhân trước Thánh Thể.

3.12. Những cuộc rước kiệu Thánh Thể.

Trong Năm Thánh Thể này, nên kiểm điểm lại việc thực hành những điều vừa kể trên. Chắc chắn trong sinh hoạt mục vụ của từng cộng đoàn, người ta không thể nào đạt đến mức độ tuyệt hảo cách dễ dàng, nhưng cần phải nhắm đến điều đó. "Nếu thành quả của Năm Thánh Thể chỉ là làm sống lại nơi tất cả mọi cộng đoàn kitô việc cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật và gia tăng việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, thì Năm Ân Sủng này kể như là đã đạt được kết quả có ý nghĩa rồi. Ðiều tốt là nên nhắm đến mục tiêu cao hơn, và không bằng lòng với những tiêu chuẩn bình thường, bởi vì chúng ta biết rằng mình có thể luôn cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa" (Mane nobiscum Domine,29).

4. Tu Ðức Thánh Thể

Trong tông thư "Spiritus et Sponsa" Thánh Thần và vị Hôn Thê" để kỷ niệm 40 năm ban hành hiến chế về Phụng Vụ Thánh, Ðức Gioan Phaolô II đã ước mong được khai triển trong Giáo Hội "Một Tu Ðức Phụng Vụ". Ðây là viễn tượng của một sinh hoạt phụng vụ nuôi sống và định hướng cuộc sống của tín hữu, bằng cách nhào nắn điều được sống thật nơi tín hữu như là một "việc tôn thờ thiêng liêng" đích thực (x. Roma 12,1). Không có việc vun trồng một "tu đức phụng vụ", thì hành động phụng vụ dễ dàng bị rút gọn về một thứ như là "cử hành hình thức" và làm ra vô ích ân sủng phát sinh từ việc cử hành.

Ðiều này có giá trị một cách đặc biệt cho Bí Tích Thánh Thể: "Giáo Hội sống nhờ / từ bí tích Thánh Thể". Thật vậy, việc cử hành bí tích Thánh Thể là trong tương quan với việc sống trong Chúa Kitô, trong Giáo Hội, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên cần phải chăm sóc cho hướng tiến từ bí tích Thánh Thể được cử hành đến bí tích Thánh Thể được sống thật: từ mầu nhiệm được tin nhận đến đời sống được canh tân. Vì thế, Văn Kiện bổ túc này cống hiến một chương nói riêng về tu đức Thánh Thể. Trong vài lời mở đầu nơi đây, thật là hữu ích nếu chúng ta chú ý đến vài điểm đặc biệt có ý nghĩa như sau:

4.1. Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch (culmen et fons) của đời sống thiêng liêng xét như là đời sống thiêng liêng, vượt ra ngoài mọi con đường thiêng liêng khác nhau.

4.2. Việc thường xuyên nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể nâng đỡ cho ân sủng ơn gọi của từng nguời và nâng đỡ cho từng bậc sống (thừa tác viên có chức thánh, đôi bạn, cha mẹ, những nguời tận hiến, vân vân...) và soi sáng cho những hoàn cảnh sống khác nhau (vui buồn, những vấn đề, những dự định, bệnh tật và những thử thách....)

4.3. Tình bác ái, sự đồng tâm, tình thuơng huynh đệ là hoa trái của Thánh Thể và làm cho hữu hình sự kết hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong bí tích Thánh Thể; đồng thời, việc thực thi bác ái trong tình trạng ân sủng là điều kiện ngõ hầu có thể cử hành cách trọn vẹn bí tích Thánh Thể: Thánh Thể là nguồn mạch, và cũng là "epifania" sự thể hiện, sự "hiển linh" của sự hiệp thông (x. Mane Nobiscum Domine, chương III).

4.4. Sự Việc Chúa Kitô sống trong chúng ta và giữa chúng ta khơi dậy chứng tá trong cảnh sống hằng ngày, gieo men tốt cho công cuộc xây dựng xã hội trần thế: Bí Tích Thánh Thể là nguyên lý và là dự án cho việc thi hành sứ mạng (x. Mane nobiscum Domine, chương IV)

5. Mẹ Maria: hiện ảnh (icona) của Giáo Hội Thánh Thể

"Nếu chúng ta muốn khám phá lại trong trọn cả sự phong phú của nó mối tương quan mật thiết liên kết Giáo Hội với bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào quên Mẹ Maria, Mẹ và là mẫu gương của Giáo Hội". Chương VI của thông điệp Bí Tích Thánh Thể nhắc chúng ta như thế. Nơi chương VI này, Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại tương quan sâu xa mà Mẹ Maria có đối với Bí Tích Thánh Thể và đối với Giáo Hội, một Giáo Hội sống nhờ bí tích Thánh Thể. Cuộc gặp gỡ với Ðấng là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" bao gồm Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria.

Năm Thánh Thể là dịp thuận tiện để đào sâu khía cạnh này của Mầu Nhiệm. Ðể sống cách sâu xa ý nghĩa của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, và để làm cho việc cử hành này khắc dấu vào trong đời sống chúng ta, không có cách gì tốt hơn là để Mẹ Maria giáo dục chúng ta, Mẹ là Người Nữ Thánh Thể.

Về phương diện này, điều quan trọng là hãy nhớ tất cả những gì Ðức Gioan Phaolô II đã nói trong thông điệp về "Chuỗi Mân Côi của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, số 15, về đề tài này," đặt chúng ta một cách tự nhiên vào trong đời sống của Chúa Kitô và làm cho chúng ta được như là"hít thở" những tâm tình của Mẹ. Ðàng khác, --- như Ðức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp về Bí Tích Thánh Thể-trong việc cử hành Thánh Thể, một cách nào đó, chúng ta luôn lãnh nhận, cùng với kỷ niệm cái chết của Chúa Kitô, lãnh nhận hồng ân Mẹ Maria, mà Ðấng chịu đóng đinh đã trao cho chúng ta nơi môn đệ Gioan (Ðây là Mẹ con, Gn 19,27): "Trong bí tích Thánh Thể, sống tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô kéo theo hệ quả là luôn luôn lãnh nhận hồng ân Mẹ Maria. Có nghĩa là, theo gương của tông đồ Gioan, nhận lãnh về nhà mình Ðấng đã được trao ban cho chúng ta để làm Mẹ chúng ta. Ðồng thời cũng luôn có nghĩa là dấn thân trở nên giống như Chúa Kitô, nhờ đặt mình nơi trường học của Mẹ Maria, và để Mẹ đồng hành với chúng ta. Mẹ Maria hiện diện, với Giáo Hội và như là Mẹ của Giáo Hội, trong mỗi cử hành thánh thể chúng ta thực hiện" (Bt TT số 57). Ðó là những đề tài đáng được chúng ta suy niệm đặc biệt trong Năm Thánh Thể này (tt Mane nobiscum Domine, 31)

Về việc cử hành bí tích Thánh thể trong sự kết hiệp với Mẹ Maria, vừa noi gương những thái độ tôn thờ nổi bật của Mẹ, chúng ta có thể khảo cứu những Thánh lễ Ngoại Lịch về Ðức Mẹ, nơi các chỉ dẫn 12-18.

6. Các Vị Thánh nhân chứng cho đời sống bí tích Thánh Thể

Trong tông thư "Bước vào ngàn năm mới (Novo Millenio ineunte), số 30, Ðức Thánh Cha mời gọi hãy đặt trọn cả chương trình mục vụ của Giáo Hội trong viễn tượng của "sự thánh thiện". Ðiều này không thể nào không có giá trị một cách đặc biệt cho suốt Năm hoàn toàn thấm nhuần trong tu đức Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành những người thánh; và không thể nào có sự thánh thiện mà không được hòa nhập vào trong đời sống Thánh Thể. "Ai ăn thịt ta, thì sẽ sống nhờ ta" (Gn 6,57).

Sự thật này được "chứng minh" bởi "sensus fidei" - ý thức đức tin - của toàn thể dân Chúa. Nhưng một cách đặc biệt, các vị Thánh là những chứng nhân cho sự thật này; nơi các ngài chiếu tỏa mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Ðức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp về Bí Tích Thánh Thánh Thể, số 62 như sau: "Chúng ta hãy đến học nơi trường của các vị thánh, thưa anh chị em rất thân mến; các ngài là những người diễn dịch vĩ đại cho lòng đạo đức thánh thể đích thật. Nơi các ngài, thần học về Bí Tích Thánh Thể có được trọn vẹn sự chiếu sáng của điều được sống thực; thần học đó "lôi cuốn" chúng ta và, có thể nói dược là, hâm nóng chúng ta. Ðó là điều xảy ra cho tất cả các vị thánh.

Vài vị trong các ngài đã sống chiều kích này một cách mạnh mẽ đặc biệt và với những hồng ân riêng của chúa Thánh Thần, vừa làm cho các anh chị em tín hữu được nóng sốt lên tình thương đối với bí tích Thánh Thể (x. Tông thư về Năm Thánh Thể, số 31). Những thí dụ có lẽ sẽ vô cùng tận : từ thánh Ignaxiô thành Antiochia cho đến thánh Ambrogio, từ thánh Bernardo đến thánh Thomaso Aquino, từ thánh Pasquale Baylon đến thánh Alphonso Maria dei Liguori, từ thánh Caterina thành Siêna cho đến thánh Têrêsaa d' Avila, từ thánh Pietro Giuliani Eymard, cho đến thánh Pio da Pietrelcina, cho đến những vị tử đạo của Thánh Thể xưa và nay, từ thánh Tarcisio đến thánh Nicola Pieck và các bạn, đến thánh Pietro Maldonado.

Năm Thánh Thể sẽ cho ta dịp để khám phá lại những vị thánh chứng nhân, hoặc trong số những vị nổi tiếng hơn trong bình diện Giáo Hội phổ quát, hoặc trong số những vị được nhắc đến nhiều nhất tại những Giáo Hội dịa phương. Ðiều đáng mong ước là chính nghiên cứu thần học nên hướng đến các ngài, xét vì điều dược các vị Thánh sống thực hành là một "locus theologicus" (một môi trường thần học) có ý nghĩa: Thiên Chúa nói nơi các vị Thánh (x. Lumen Gentium số 50) và kinh nghiệm thiêng liêng của các vị thánh (x. Dei Verbum, số 8), được sự phân định của Giáo Hội bảo đảm cho, chiếu soi ánh sáng trên Mầu Nhiệm. Bước đi theo ánh sáng của các vị thánh và trên con đường các ngài đã đi, sẽ dễ dàng hơn để bảo đảm sao cho Năm Thánh Thể này được thật sự phong phú.

 

Chương III : Vài nét Tu Ðức Thánh Thể

20. Bàn về vấn đề Tu Ðức Thánh Thể có lẽ sẽ đòi hỏi nhiều điều hơn là những gì được viết ra nơi những trang này. Chúng tôi chỉ giới hạn trong vài điểm, với lòng tin tưởng rằng các Giáo Hội địa phương sẽ bàn đến vấn đề này, vừa cung cấp những khích lệ và những nội dung rộng rãi hơn cho những sáng kiến chuyên biệt giảng dạy giáo lý và huấn luyện. Ðiều quan trọng là Bí Tích Thánh Thể cần được đón nhận không những trong khía cạnh cử hành, mà còn như là "dự án cho đời sống" và nằm ở nền tảng của một tu đức Thánh Thể đích thật.

Năm Thánh Thể là dịp thuận tiện để mở rộng cái nhìn qua khỏi phạm vi những cử hành. Chính bởi vì là con tim của đời sống kitô, nên bí tích Thánh Thể không được đóng khung trong nhà thờ, nhưng đòi được đưa vào cuộc sống của kẻ tham dự vào bí tích Thánh Thể. Bí Tích Mình Thánh Chúa Kitô được nới rộng ra để xây dựng nhiệm thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Những thái độ thánh thể mà việc cử hành đã luyện cho chúng ta có được, nay cần được vun trồng trong đời sống thiêng liêng, tùy theo ơn gọi và bậc sống của mỗi người. Bí Tích Thánh Thể là thật của ăn thiết yếu cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, không phân biệt tuổi tác và điều kiện.

Những suy tư mà chúng tôi đưa ra nơi đây, mô tả vài hướng để suy nghĩ, khởi sự từ những điểm trong phụng vụ Thánh Lễ theo bản latinh. Làm thế, người ta muốn nhấn mạnh cho thấy như thế nào tu đức phụng vụ có những đặc điểm của nó trong nội dung sâu xa của những dấu chỉ, những nghi thức, những lời nói trong khi cử hành và có thể gặp thấy nơi đó lương thực bảo đãm và dồi dào.

Sau những lời nhập đề như trên, chương III bàn về những điểm sau đây noi các số tiếp theo:

21. Lắng nghe Lời Chúa.

22. Hoán cải

23. Tưởng Niệm

24. Hy Tế

25. Cảm Tạ

26. Sự Hiện Hiện của Chúa Kitô

27. Sự Hiệp thông và Bác Ái

28. Sự Thinh Lặng

29. Sự Thờ Lạy

30. Niềm Vui

31. Sứ mạng

Sau đây, chúng ta hãy tiếp tục đọc qua từng số như sau:

21. Lắng nghe Lời Chúa.

"Ðó là Lời Chúa" "Verbum Domini".

Lúc kết thúc các bài đọc Kinh Thánh, lời tuyên xưng "Verbum Domini" (Ðó là Lời Chúa), nhắc chúng ta nhớ lại tầm quan trọng của những gì thoát ra từ miệng Thiên Chúa, và làm cho chúng ta cảm nghiệm đây không phải là một bản văn "xa xưa", dù là bản văn được linh ứng, nhưng như là lời sống động Thiên Chúa dùng để kêu gọi chúng ta: chúng ta sống trong khung cảnh của một cuộc đối thoại thật sự giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, một cuộc đối thoại trong đó được công bố những việc kỳ diệu của ơn cứu rỗi và được đề nghị lại mãi mãi những đòi buộc của Giao Ước"(Dies Domini, 41).

Phụng vụ Lời Chúa là phần kết thành của Bí Tích Thánh Thể (x. SC.56; Dies Domini, 39-41). Chúng ta tụ họp nhau trong cộng đồng cử hành phụng vụ, để lắng nghe điều mà Chúa muốn nói với chúng ta: nói với tất cả và với mỗi người. Ngài nói tại đây và bây giờ, nói với chúng ta đang lắng nghe với đức tin, vừa tin rằng chỉ mình Ngài có những lời ban sự sống đời đời, và rằng lời ngài là ánh đèn soi bước chúng ta.

Tham dự vào Thánh Thể có nghĩa là lắng nghe Chúa, để rồi đem ra thực hành những gì ngài mặc khải cho chúng ta, đòi hỏi nơi chúng ta, và mong muốn từ cuộc sống chúng ta. Hoa trái của việc lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta, khi người ta đọc Sách Thánh trong nhà thờ (x. SC 7), (hoa trái đó) được chín mùi trong điều được sống thực hàng ngày (x. Mane Nobiscum Domine, 13).

Thái độ lắng nghe nằm ở khởi đầu của đời sống thiêng liêng. Tin vào Chúa Kitô là lắng nghe lời ngài và đem ra thực hành. Là vâng phục theo tiếng nói của Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm hướng dẫn chúng ta đến sự thật trọn vẹn, không phải chỉ đến với sự thật để biết, mà còn đến với sự thật để thi hành.

Ðể thật sự lắng nghe Chúa trong Phụng Vụ Lời Chúa, thì cần phải "bén nhạy" trong việc lắng nghe bằng con tim. Chuẩn bị cho việc lắng nghe này là việc cá nhân đọc Kinh Thánh, vào lúc và dịp cố định, và không nên để tùy theo giờ rãnh có thể. Và ngõ hầu những gì được lắng nghe trong cử hành Thánh Thể không biến mất khỏi trí và con tim khi bước ra cửa nhà thờ, thì nên tìm cách để kéo dài việc lắng nghe Chúa nói với chúng ta; Ngài có ngàn cách để đưa lời nói ngài đến với chúng ta, qua những hoàn cảnh cuộc sống hằng ngày.

22. Việc hoán cải.

Agnoscamus peccata nostra ut apti simus ad sacra mysteria celebranda.

Kyrie eleison. Christe eleison. Xin Chúa thương xót chúng con.

Domine Deus, Agnus Dei, Filius Patris, qui tollis peccata mundi, miserere nobis.

Agnus Dei, qui tollis peccata mundi: miserere nobis. Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian, xin thương xót chúng con.

Domine, non sum dignus ut intres.... Lạy Chúa, con chẳng đáng....

Như chúng ta vừa thấy từ những bản văn được trích dẫn trên, chiều kích đền tội hiện diện rõ ràng trong việc cử hành Thánh Thể. Chiều kích này xuất hiện không những vào lúc đầu trong nghi thức thống hối, với nhiều công thức khác nhau khẩn cầu lòng nhân từ Thiên Chúa, nhưng còn trong lời khẩn cầu Chúa Kitô trong kinh Vinh Danh, trong bài ca Lạy Chiên Thiên Chúa lúc bẻ bánh, và trong lời cầu nguyện mà chúng ta nói lên cùng Chúa trước khi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể khuyến khích việc hoán cải và thanh luyện con tim thống hối, ý thức về những nỗi khổ của mình và ước ao được Chúa tha thứ, mặc dù bí tích Thánh Thể không thay thế cho việc xưng thú tội lỗi trong bí tích Hòa Giải, phương thế thông thường duy nhất trong trường hợp những tội trọng, để lãnh nhận sự hòa giải với Thiên Chúa và với gíao hội.

Thái độ tinh thần này cần được kéo dài trong ngày sống chúng ta, được nâng đỡ bởi việc xét mình, nghĩa là việc đối chiếu tư tưởng, lời nói, việc làm, những bỏ sót của chúng ta, trong tương quan với Phúc âm Chúa Giêsu.

Nhìn thấy rõ ràng những yếu đuối của mình, việc này giải thoát chúng ta khỏi thái độ tự mãn, gìn giữ chúng ta trong sự thật trước nhan Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta đến việc tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa Cha Ðấng ngự trên trời, vạch ra cho chúng ta con đường trước mắt, dẫn chúng ta đến với Bí Tích Hòa giải. Sau đó, thái độ tinh thần này còn hướng chúng ta đến việc chúc tụng và cảm tạ. Cuối cùng giúp chúng ta có thái độ thân thiện với người lân cận, biết cảm thông với anh chị em trong những mỏng dòn yếu đuối, và tha thứ cho anh chị em. Lời cảnh báo của Chúa Giêsu hãy hòa giải với người anh chị em, trước khi dâng của lễ trên bàn thờ (x. Mt 5,23-24), và lời mời gọi củaThánh Phaolô hãy kiểm điểm lại lương tâm trước khi tham dự vào Bí Tích Thánh Thể (x. I Co 11,28), tất cả cần được chúng ta nghiêm chỉnh lắng nghe. Không vun trồng những thái độ vừa nói, Bí Tích Thánh Thể bị mất đi một trong những chiều kích sâu xa của nó.

23. Tưởng Nhớ (Memoria)

Memores igitur, Domine, ejusdem Filii tui salatiferae passionis necnon mirabilis resurrectionis et ascentionis in caelum (Kinh Nguyện Thánh Thể III). Lạy Chúa, chúng con nhớ đến cuộc thương khó, sống lại và lên trời...

"Nếu những người kitô cử hành Thánh Thể ngay từ khởi đầu và trong hình thức cố định - nơi điểm thiết yếu - trải qua những thời kỳ khác nhau và trong những phụng vụ khác nhau, thì đó là bởi vì chúng ta biết mình được liên kết với mệnh lệnh của Chúa, vào chiều áp ngày Chúa chịu thương khó, như sau: "Chúng con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (1 Co 11, 24-25 )". (CCC. 1356).

Theo một nghĩa đặc biệt, Bí Tích Thánh Thể là "việc tưởng niệm" cái chết và sự sống lại của Chúa. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo Hội tưởng nhớ đến Chúa Kitô, tưởng nhớ những gì Chúa đã làm và đã nói, tưởng nhớ đến việc nhập thể, cái chết, sống lại, và lên trời. Trong Chúa, Giáo Hội nhớ lại toàn thể lịch sử cứu rỗi, được diễn tả trước trong Cựu Ước.

Giáo Hội nhớ lại điều mà Thiên Chúa - Cha, Con và Thánh Thần, - đã và còn đang làm cho toàn thể nhân loại, từ lúc tạo dựng trời đất cho đến lúc "tái tạo dựng" trong Chúa Kitô, trong khi chờ đợi Chúa trở lại vào lúc cuối cùng thời gian, để phục hồi tất cả mọi sự trong ngài.

Việc "tưởng nhớù" Thánh Thể, --- từ việc cử hành mà đi vào trong những thái độ sống của chúng ta, --- thôi thúc chúng ta nhớ lại với lòng tri ân tất cả những hồng ân nhận được từ Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô. Phát sinh từ đó một đời sống trong tâm tình tri ân, cùng với ý thức về sự nhưng không vừa đồng thời cũng là trách nhiệm.

Thật vậy, nhớ lại những gì Thiên Chúa đã và còn đang làm cho chúng ta, nuôi dưỡng bước đường thiêng liêng. Lời kinh Lạy Cha nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta là con cái của Cha trên trời, là anh em của Chúa Giêsu, được đóng dấu ấn Chúa Thánh Thần được đổ tràn xuống trong tâm hồn chúng ta.

Nhớ lại những hồng ân của trật tự tự nhiên như sự sống, sức khỏe, gia đình... làm cho chúng ta luôn sống trong tâm tình cảm tạ và trong dấn thân làm cho những hồng ân đó thêm giá trị.

Nhớ lại những hồng ân của trật tự Ân Sủng (-- bí tích Rửa tội và những bí tích khác; những nhân đức kitô...) làm cho sống đâộng, ngoài tâm tình biết ơn ra, còn có sự dấn thân, để không trở nên vô ích những "nén bạc Chúa ban", mà ngược lại làm trổ sinh những hoa trái.

24. Hy Tế

Hoc est Corpus Meum. Hic est calix sanguis mei novi et aeterni testamenti. Ðây là Mình Ta. Ðây là Chén Máu Ta...

Bí Tích Thánh Thể là bí tích của Hy Tế Vượt Qua của Chúa Kitô. Từ việc nhập thể trong cung lòng của Ðức Nữ Ðồng Trinh cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá, đời sống của Chúa Giêsu là một hiến lễ không ngừng, một việc kiên trì vâng phục những ý định của Thiên Chúa Cha. Chóp đỉnh là Hy Tế của Chúa Kitô trên đồi Calvario: "mỗi lần hy tế thập giá, -- mà với hy tế này, Chúùa Kitô chiên vượt qua chúng ta đã hiến tế chính mình (1 Co 5,7) --- (mỗi lần hy tế thập giá) được cử hành trên bàn thờ, thì cộng việc cứu chuộc chúng ta được thực hiện) (Lumen gentium, 3; CCC 1364).

Hy Tế duy nhất và đời đời này được làm cho hiện diện thật sự trong bí tích Bàn Thờ. Thật vậy, "hy tế củõa Chúa Kitô và hy tế của bí tích Thánh Thể là một hy tế duy nhất" (CCC 1367).

Giáo Hội kết hợp hy tế của mình với hy tế này, để trở nên một Thân xác và một tinh thần trong Chúa Kitô, mà dấu chỉ cho việc trở nên một này là sự hiệp thông bí tích (tức việc rước lễ) (x. TÐ về Bí Tích Thánh Thể, các số 11-16). Tham dự vào bí tích Thánh Thể, vâng phục Phúc Âm mà chúng ta lắng nghe, ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, điều này có nghĩa là làm cho đời sống chúng ta trở thành Hy tế đẹp lòng Thiên Chúa: per Cristo, con Cristo e in Cristo, Nhờ Người, với Người và trong Người.

Cũng như hành động nghi thức của Bí Tích Thánh Thể được thiết lập trên hy tế đã được Chúa Kitô hiến dâng một lần thay cho tất cả mọi ngày trong cuộc đời trần gian của Chúa (x. Dt 5,7-9), và lặp lại hy tế đó một cách bí tích, thì cũng thế việc tham dự của chúng ta vào việc cử hành Thánh Thể, cần phải mang theo việc hiến dâng đời sống chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội hiến dâng hy tế của Chúa Kitô vừa hiến dâng chính mình cùng với Chúa (x. SC 48; IGMR,79; TÐ về Bí Tích Thánh Thể, số 13).

Như thế chiều kích hy tế của bí tích Thánh Thể mời gọi dấn thân. Từ đó, tu đức của hy sinh, của việc trao ban chính mình, của việc cho đi nhưng không, của hiến dâng cho kẻ khác, là điều đòi buộc của mọi cuộc sống kitô.

Ðời sống chúng ta được biểu hiệu trong bánh và rượu chúng ta mang lên bàn thờ: đó là đau khổ và sự dấn thân sống như Chúa Kitô và theo mệnh lệnh của Người cho các môn đệ.

Trong việc Rước lấy Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, được nói lên lời "thưa vâng " của chúng ta, để cho Chúa suy nghĩ, nói và hành động trong chúng ta.

Tu Ðức Thánh Thể của Hy Tế cần phải thấm nhuần những ngày sống chúng ta: việc làm, những liên lạc, và trăm ngàn công việc chúng ta làm; sự dấn thân thực hiện ơn gọi của đời đôi bạn, của bậc làm cha mẹ, của con cái; việc tận tụy hy sinh cho thừa tác vụ giám mục, linh mục và phó tế; chứng tá của những người tận hiến; ý nghĩa kitô của đau khổ thể xác và đau khổ tinh thần; trách nhiệm xây dựng xã hội trần gian, trong nhiều khía cạnh của nó, theo ánh sáng của những giá trị tin mừng.

25. Cảm Tạ

Vere dignum et justum est, aequum etr salutare, nos sempre et ubique gratias agere. Thật là chính đáng công bình, việc chúng tôi luôn luôn ca tụng Chúa...

Vào áp ngày Chịu nạn, buổi tối trong đó Chúa đã thiết lập bí tích của hy tế vượt qua của người, Chúa Giêsư cầm lấy Bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ... Hành động cảm tạ của Chúa Giêsu hiện diện trong mọi cử hành Thánh Thể.

Từ "eucaristia", theo nguyên ngữ hy lạp, có nghĩa là Tạ Ơn (x.CCC 1328). Ðây là chiều kích xuất hiện rõ ràng trong cuộc đối thoại dẫn vào Kinh Nguyễn Thánh Thể; khi linh mục mời gọi: "Hãy cảm tạ Chúa, là Thiên Chúa chúng ta", thì cộng đoàn tín hữu đáp lại như sau: "Thật là chính đáng". Lời mở đầu Kinh Nguyện Thánh Thể luôn là công thức đặc biệt nói lên ý nghĩa của cuộc tụ hợp để cầu ngyuyện với những lời những sau: "Lạy Cha rất thánh, Thật là chính đáng, là bổn phận và là nguồn mạch cứu rỗi, việc cảm tạ Chúa mọi nơi và mọi lúc..."

Những công thức này, diễn tả điều chúng ta muốn nói trên trong cử hành Thánh Thể, nói lên một thái độ không nên thiếu trong tinh thần của những kẻ đã được Chúa Kitô tái sinh: cảm tạ là đặc điểm riêng của người cảm thấy mình dược yêu tương cách nhưng không, được canh tân và tha thứ. Thật là chính đáng cảm tạ Chúa luôn luôn và mọi nơi.

Từ đó chiếu tỏa tu đức của lòng cảm tạ vì tất cả mọi hồng ân đã lãnh nhận từ Thiên Chúa (sự sống, sức khỏe, gia đình, ơn gọi, bí tích rửa tọäi, v.v.v...)

Cảm tạ Thiên Chúa không những trong những dịp trọng đại, mà còn "luôn luôn"; Các Thánh đã cảm tạ Chúa trong thử thách, trong giờ tử đạo, vì hồng ân thập giá... Ðối với ai sống tinh thần thánh thể, mọi hoàn cảnh cuộc sống là dịp thích hợp đêå cảm tạ Thiên Chúa (x. Mane nobiscum Domine, số 26).

Cảm tạ luôn luôn và mọi nơi: trong những môi trường sinh sống hằng ngày, nhà ở, nơi làm việc, nhà thương, trường học, vân vân...

Bí Tích Thánh Thể còn huấn luyện chúng ta biết hiệp nhau trong lời cảm tạ dâng lên từ những kẻ tin vào Chúa Kitô sống rải rác khắp nơi trên thế giới, vừa kết hiệp lời cảm tạ chúng ta với lời cảm tạ của chính Chúa Kitô.

26. Sự Hiện Diện của Chúa Kitô

Dominus vobiscum. Chúa ở cùng anh chị em.

Gloria tibi Domine. Lạy Chúa, vinh danh Chúa...

Laus tibi Christe

Mortem tuam annuntiamus, Domine, et tuam resurrectionem confitemur, donec venies.

Ecce Agnus Dei... Domine, non sum dignus...

"Trong việc cử hành Thánh Lễ, được làm nổi bật từ từ những cách thức chính của sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội. Trước hết Chúa hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu họp nhau nhân danh Ngài; Ngài hiện diện trong Lời Ngài, khi người ta đọc Kinh Thánh trong nhà thờ và giải thích Lời Chúa; Ngài hiện diện trong con người của thừa tác viên; cuối cùng và nhất là Ngài hiện diện trong hình Bánh và Rượu: sự hiện diện này là tuyệt đối duy nhất, bởi vì trong bí tích Thánh Thể, có Chúa Kitô trọn vẹn, đầy đủ, vừa Thiên Chúa và con nguời, theo bản thể và liên tục. Chính vì thế sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hai hình bánh và rượu sau khi đã được truyền phép, được gọi là sự hiện diện thật: "hiện diện thật, không có tính cách loại bỏ những sự hiện diện khác, nhưng là hiện diện thật và một cách đặc biệt (per anomasia) (Mysterium fidei, 39)" (De sacra communione, 6).

Một cách đặc biệt, cần phải vun trồng, trong cử hành Thánh Lễ cũng như trong việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, vun trồng ý thức sống động về sự hiện diện thật của Chúa Kitô, vừa quan tâm làm chứng cho sự hiện diện này, với cung giọng của lời nói, với những cử chỉ, những di động, với toàn bộ thái độ cư xử" (Mane nobiscum Domine,18).

Dấu chỉ hữu hình của những thực tại vô hình, dấu chỉ bí tích có chứa đựng điều mà nó chỉ. Bí Tích Thánh Thể trước hết là opus Dei (Công Việc của Chúa): Chúa nói và hành động, bây giờ, tại đây, cho chúng ta, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. CCC 1373). Chúng ta diễn tả đức tin vào sự hiện diện của Chúa, chẳng hạn như trong những lời thưa trực tiếp mà chúng ta nói với Chúa, liền sau khi nghe Lời Ngài: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa; và trước khi chúng ta rước lấy Mình Máu ngài, chúng ta thưa: Lạy Chúa, con chẳng đáng rước Chúa vào nhà con, nhưng xin hãy phán một lời, thì con sẽ được sạch".

Việc cử hành bí tích Thánh Thể cần dẫn đưa chúng ta đến lời tuyên xưng, như các tông đồ, sau khi đã gặp được Chúa Phục Sinh: "Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa" (Gn 20,25). Việc thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô là thông hiệp với Ðấng Phục Sinh, thần được ban sự sống đời đời, bảo đảm cho vinh quang tương lai.

Sự hiện diện, sự nồng ấm, ánh sáng của Thiên Chúa với chúng ta, cần ở lại trong chúng ta và chiếu toả ra trong trọn cả đời sống chúng ta. Hiệp thông với Chúa Kitô giúp chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của sự hiện diện của chúa trong thế giới và biểu lộ những dấu chỉ đó cho tất cả những ai chúng ta gặp.

27. Hiệp thông và Bác Ái.

Una voce dicentes, --- cùng nhau ruyên xưng rằng ---

Concede, ut, qui Corpore et sanguine Filii tui reficimur, Spiritu ejus Sancto repleti, unum corpus et unus spiritus inveniamur in Christo

(Kinh nguyện thánh thể III)

"Khi cộng đoàn đã quy tụ lại": thì những chỉ dẩn Lễ Quy (Ordo Missae) bắt đầu với những lời vừa trích. Dấu Thánh Giá vào lúc khởi đầu Thánh Lễ nói lên rằng Giáo Hội là dân được quy tụ lại nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Việc quy tụ tất cả lại một nơi, để cử hành những mầu nhiệm thánh, là việc đáp lại Thiên Chúa Cha trên trời đang kêu gọi các con cái Ngài, để hiệp nhất họ lại vì Ngài trong Chúa Kitô, trong tình thương của Chúa Thánh Thần.

Bí Tích Thánh Thể không phải là việc tư riêng, nhưng là hành động của Chúa Kitô, Ðấng luôn liên kết Giáo Hội với Người bằng mới dây liên kết không thể phân rẽ (x. Mane nobiscum Domine, chương III).

Trong phụng vụ Lời Chúa, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, nguồn mạch của sự hiệp thông giữa tất cả những ai thực hành Lời Chúa.

Trong Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta dâng lên đời sống chúng ta, trong lễ vật Bánh và Rượu: đây là lễ vật chung của Giáo Hội đang sẵn sàng thông hiêäp với Chúa Kitô, trong những mầu nhiệm thánh.

Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, trong lễ vật của Giáo Hội, được hiện diện Hy Tế của Chúa Kitô: hy tế thiêng liêng duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. (Xin Cha hãy thương nhìn thấy trong lễ vật của Giáo Hội, Ðấng được hiến tế để cứu chuộc chúng con). Hoa Trái của sự liên kết này với hy tế sống động và thánh thiện, được thể hiện bởi sự hiệp thông bí tích: "và cho chúng con, một khi được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh của Con Cha, xin hãy ban cho chúng con được tràn đầy Chúa Thánh Thần, ngõ hầu chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Chúa Kitô" (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Ðó là nguồn mạch không bao giờ cạn của sự hiệp thông Thánh Thể, được thánh Gioan làm nổi bật qua hình ảnh cây nho và những ngành nho, và bởi thánh Phaolô tông đồ qua hình ảnh thân thể. Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Họâi (x. TÐ Bí Tích ThánhThể), vừa làm cho Giáo Hội được tràn đầy tình thương Chúa và thôi thúc Giáo Họäi thực thi bác ái. Cùng với Bánh và Rượu, việc dâng những lễ vật bằng tiền của hay những món quà khác, nhắc lại rằng Bí Tích Thánh Thể là sự dấn thân sống tình liên đới và chia sẻ. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi khẩn thiết về vấn đề này như sau: "Thử hỏi tại sao chúng ta không làm cho Năm Thánh Thể này trở nên thời gian trong đó các cộng đồng giáo phận và giáo xứ dấn thân một cách đặc biệt để đến gặp trong tình huynh đệ thiết thực, một vài trong số biết bao sự nghèo cùng trên thế giới? (Mane nobiscum Domine, 28).

Lời nguyện phụng vụ, dù liên hệ đến từng người tham dự, nhưng luôn luôn được diễn tả bằng cụm từ "chúng tôi": đây là tiếng nói của vị Hôn Thê dâng lời chúc tụng và khần cầu, una voce dicentes, cùng chung tiếng nói.

Những cử chỉ của các tham dự viên cũng nói lên sự hiệp thông giữa mọi thành phần của cùng một đoàn thể duy nhất: "thái độ chung của đoàn thể, được tất cả mọi tham dự viên tuân giữ, là dấu chỉ của sự hiệp nhất tất cả mọi thành phần của cộng đoàn kitô họp nhau để cử hành phụng vụ thánh: nó diễn tả và cổ võ ý định và tâm tình của những ai tham dự vào." (IGMR,42).

Việc trao đổi cái hôn bình an trước khi Rước Lễ (hoặc trước khi dâng của lễ trên bàn thờ, như trong nghi thức ambrosianô) diễn tả ý nghĩa sự hiệp thông Giáo Hội, cần thiết để hiệp thông bí tích với Chúa Kitô (rước lễ). Hoa trái của việc Rước Lễ là việc xây dựng Giáo Hội, phản chiếu hữu hình của sự hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa (x. TÐ về Bí Tích Thánh Thể, số 34).

Từ đây, chúng ta có được tu đức của sự hiệp thông (x. Tông huấn Buớc vào ngàn năm mới, 43-45): do bí tích Thánh Thể đòi buộc, và được khơi dậy bởi việc cử hành Thánh Thể (x. Mane nobiscum Domine, 20-21).

Sự hiệp thông giữa các đôi bạn được phỏng theo sự hiệp thông Thánh Thể, được thanh luyện và nuôi dưỡng bởi việc tham dự vào bí tích Thánh Thể.

Thừa tác vụ của các vị chủ chăn Giáo Hội và sự tuân phục của các tín hữu vào giáo huấn của các ngài, được cũng cố bởi Bí Tích Thánh Thể.

Sự thông hiệp vào những đau khổ của Chúa Kitô, đối với các tín hữu đau yếu, được ghi dấu bởi sự tham dự vào Bí Tích Thánh Thể.

Sự hòa giải bí tích, sau những lầm lỗi, được trọn vẹn bởi sự thông hiệp Thánh Thể (rước lễ).

Sự hiệp thông giữa nhiều ơn đoàn sủng, vai trò, dịch vụ, nhóm, phong trào bên trong Giáo Hội, được bảo đảm bởi mầu nhiệm Thánh Thể.

Sự hiệp thông giữa nhiều người dấn thân trong những họat động khác nhau, trong những việc phục vụ, trong những hiệp hội của một giáo xứ, được biểu lộ bởi sự tham dự vào cùng một bí tích Thánh Thể.

Những tương quan chặt chẽ về hòa bình, đồng tâm, và hòa hợp trong xã hội trần thế, được nâng đỡ bởi bí tích Thánh Thể, bí tích của Thiên Chúa ở với chúng ta và vì chúng ta.

28. Sự Thinh Lặng

Quiesce in Domino et exspecta eum (TV 37,7)

Trong nhịp cử hành, sự thinh lặng là cần thiết để tĩnh tâm, để nội tâm hóa, để cầu nguyện trong tâm hồn (x. Mane nobiscum Domine,18). Thinh lặng không có nghĩa là trống vắng, nhưng là hiện diện, lãnh nhận, phản ứng đáp lại Thiên Chúa đang nói với chúng ta, tại nơi đây và lúc này, và đang tác động qua chúng ta, nơi đây và lúc này. Thánh Vịnh 37, 7 nhắc: Hãy thinh lặng dừng trước nhan Thiên Chúa".

Thật vậy, lời cầu nguyện, với những thể thức khác nhau - chúc tụng, khẩn cầu, kêu van, cảm tạ - được thể hiện từ giây phút thinh lặng.

Giữa những giây phút khác, trong việc cử hành Thánh Thể, sự thinh lặng sau khi lắng nghe Lời Chúa, và nhất là sau khi rước lễ, có tầm quan trọng đặc biệt. (x. Ordo Missae, 28; IGMR 128,130,136; x. IGMR 164).

Những giây phút thinh lặng này một cách nào đó, được kéo dài, bên ngoài việc cử hành, trong việc dừng lại chiêm niệm tôn thờ, trong những giây phút cầu nguyện, chiêm ngắm trước Mình Thánh Chúa.

Sự thinh lặng của truyền thống đan viện, của những lúc cấm phòng, những ngày tĩnh tâm, phải chăng không phải là sự kéo dài của giây phút thinh lặng của việc cử hành Thánh Thể, ngõ hầu sự hiện diện của Chúa có thể được ăn rễ và trổ sinh hoa trái trong chúng ta hay sao?

Cần đi từ kinh nghiệm thinh lặng trong phụng vụ đến tu đức của thinh lặng, đến chiều kích chiêm niệm của đời sống (x. Tông thư Spiritus et Sponsa, 13). Nếu không được ăn rễ trong thinh lặng, lời nói có thể bị mất đi hiệu năng, bị biến thành tiếng động ồn ào, làm dinh tai nhức óc mà thôi.

29. Tôn Thờ

Procidebant ante sedentem in trono et adorabant viventem in saecula saeculorum (KH 4,10)

Vị thế mà chúng ta có trong khi cử hành Thánh Thể -- ngồi, đứng, quỳ -- diễn tả thái độ nội tâm của con tim. Ðó là những độ rung động của cộng đoàn cầu nguyện.

Cử chỉ Ðứng nói lên sự tự do của những con cái Chúa, do Chúa Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta; Ngài đã đưa chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi; cử chỉ Ngồi diễn tả thái độ lãnh nhận chân thành của Maria, ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời ngài; cử chỉ Quỳ hoặc Cúi Mình sâu nói lên thái độ chúng ta muốn trở nên bé nhỏ trước nhan Chúa, trước Ðấng tối cao (x. Fil 2,10).

Việc linh mục và giáo dân Bái Gối trước Thánh Thể nói lên đức tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong bí Tích Thánh Thể (x. CCC 1387).

Qua những dấu chỉ thánh, phụng vụ trên thiên quốc được phản ảnh trên trần gian này, qua những dấu chỉ thánh; chúng ta bắt chước các vị trưởng lão được mô tả trong sách Khải Huyền: "họ sấp mình trước Ðấng ngự trên ngai và tôn thờ Ðấng hằng sống muôn đời" (KH 4,10).

Nếu trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa ngự với chúng ta và vì chúng ta, thì tâm tình cảm nghiệm này cần được kéo dài và được nhận thấy trong tất cả mọi việc chúng ta làm, suy nghĩ. Cơn cám dỗ, luôn luôn nguy hiểm khi chúng ta quan tâm đến những việc trên trần gian này, là cám dỗ bái quỳ trước những thần tượng, và không còn bái quý tôn thờ một mình Thiên Chúa nữa.

Những lời Chúa Giêsu nói chống lại những gợi ý của ma quỷ cám dỗ trong sa mạc, cần phải được vang lên trong lời nói, suy tư và việc làm hằng ngày của chúng ta; đó là những lời: Hãy tôn thờ Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi" (Mt 4,10).

Quỳ gối cầu nguyện trước Thánh Thể, tôn thờ Con Chiên đã làm cho chúng ta được ăn lễ Vượt Qua với ngài, việc làm này huấn luyện chúng ta khỏi cúi mình trước những ngẫu tượng do bàn tay con nguời tạo nên, và nâng đỡ chúng ta trong việc vâng phục Ðấng mà chúng ta nhìn nhận là Chúa duy nhất của Giáo Hội và thế giới, vâng phục với hết lòng trung thành, dễ dạy và kính trọng.

30. Niềm Vui

Et Ideo, choris angelicis sociati, te laudamus in gaudio confitentes: Sanctus... Vì thế, hiệp cùng các thiên thần, chúng con chúc tụng Chúa và tuyên xưng rằng: Thánh, Thánh, Thánh...

"Xét theo yếu tính, niềm Vui kitô là tham dự vào niềm vui khôn lường, vừa thần linh vừa nhân trần, nơi tâm hồn Chúa Giêsu Kitô vinh hiển" (Gaudete in domino, II); và sự tham dự vào niềm vui của Chúa "không thể nào được tách rời ra khỏi việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể" (Gaudete in Domino, IV), nhất là khỏi việc cử hành Thánh Thể vào ngày của Chúa, dies Domini, Ngày Chúa Nhật.

"Ðặc tính vui mừng của Thánh Thể ngày Chúa Nhật diễn tả niềm vui mà Chúa Kitô thông truyền cho Giáo Hội, qua hồng ân Chúa Thánh Thần. Niềm Vui là một trong những hoa trái của ChúaThánh Thần (x. Roma 14,176; Gal 5,22) (Dies Domini, 56).

Nhiều yếu tố khác nhau trong Thánh Lễ nhấn mạnh đến niềm Vui của cuộc gặp Chúa Kitô và gặp gỡ anh chị em, trong những lời như Kinh Vinh Danh, kinh Tiền Tụng, cũng như trong những cử chỉ và trong bầu khí mừng lễ (việc đón tiếp, những bông hoa trang trí, việc xử dụng âm nhạc thích họp, tùy theo mùa phụng vụ).

Một thể hiện của niềm Vui trong tâm hồn là bài hát; và bài hát không phải là để làm đẹp bên ngoài cho việc cử hành thánh thể (x. IGMR, 39; dies domini 50;..)

Cộng đoàn thiên quốc, mà cộng đoàn Thánh Thể trên trần gian này được kết hiệp với khi cử hành những mầu nhiệm thánh, vui mừng hát lời chúc tụng Con Chiên đã bị hiến tế, nhưng vẫn hằng sống muôn đời, bởi vì với Ngài, không còn tang chế, không còn than khóc nữa.

Việc "Hát Thánh Lễ", và không phải chỉ đơn thuần "hát trong thánh lễ", cho phép chúng ta cảm nghiệm rằng Chúa Giêsu ngự đến để hiệp thông với chúng ta "ngõ hầu niềm vui của Chúa được ở trong chúng ta và niềm của chúng ta được trọn vẹn" (x. Gn 15,11; 16,24; 17,13). Lạy Chúa, bằng sự hiện diện của ngài, xin hãy đổ tràn niềm vui của Chúa xướng trên chúng con!

Niềm vui của việc cử hành thánh thể được phản chiếu trong ngày Chúa Nhật, dạy chúng ta biết vui lên trong Chúa luôn, biết nếm hưởng niềm vui của cuộc gặp gỡ huynh đệ và niềm vui của tình bằng hữu, biết chia sẻ niềm vui đã lãnh nhận (x. Dies Domini, 55-58).

Sẽ là điều vô nghĩa cho những ai tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, mà lại để mình bị thống trị bởi ưu buồn. Niềm vui Kitô không chối bỏ sự đau khổ, bận tâm, và sự đau đớn. Trong tiếng khóc của nỗi cực ra đi gieo giống, người ta học đón nhận niềm vui của mùa gặt. Trong đau khổ của ngày thứ sáu tuần thánh, người ta chờ đợi niềm vui của sáng Phục Sinh.

Bí Tích Thánh Thể huấn luyện ta biết vui lên với anh chị em, không giữ lại chỉ riêng cho mình niềm vui đã lãnh nhận. Thiên Chúa ở cùng chúng ta và vì chúng ta; Ngài ghi dấu sự hiện diện của Ngài trên những ưu buồn của chúng ta, giữa những đau đớn của chúng ta, và trong chính chúng ta đang lâm cảnh khổ. Mời gọi chúng ta hiệp thông với Ngài, Chúa an ủi chúng ta trong mọi nỗi gian truân, ngõ hầu chúng ta đến phiên mình có thể an ủi những ai đang gặp phải bất cứ sự buồn phiền nào (x. 2Co 1,4).

31. Sứ Mạng.

Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành.

Ite, missa est. Hãy ra đi bằng an!

Benedicat vos omnipotens Deus... Xin Thiên Chúa toàn năng.. chúc lành cho chúng ta...

Ðược kết thành bởi các tín hữu thuộc mọi tiếng nói, mọi dân tộc và mọi quốc gia, Giáo Hội là hoa trái của sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ và không ngừng được thôi thúc bởi mệnh lệnh truyền giáo. (x. Mt 28,16-20). "Từ Hy tế Thập Giá luôn tồn tại trong Bí Tích Thánh Thể và từ sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội múc lấy sức mạnh thiêng liêng cần thiết để chu toàn sứ mạng của mình. Như thế, Thánh Thể trở nên nguồn mạch và chóp đỉnh của trọn cả cộng việc rao giảng Phúc âm, bởi vì mục đích của Giáo Hội là hiệp thông con người với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô mà kết hiệp với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần" (TÐ về Bí tích Thánh Thể, s ố 22).

Trong lời cầu nguyên giáo dân, trong Kinh Nguyện Thánh Thể, trong những lời cầu nguyện của những Thánh Lễ cho các nhu cầu riêng, lời khẩn cầu của Giáo Hội khi cử hành các mầu nhiệm thánh, ôm trọn thế giới, ôm trọn những niềm vui và nỗi buồn của nhân loại, những đau khổ và tiếng kêu của người nghèo, khát vọng công bằng và hòa bình từ khắp nơi trên mặt đất này (x. Mane nobiscum Domine, 27-28).

Lời chào kết thúc việc cử hành Thánh Thể không phải đơn thuần là thông báo cho biết hành động phụng vụ đã kết thúc: Lời chúc phúc, nhất là theo những công thức long trọng, đi trước lời chào kết thúc, nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta buớc ra khỏi nhà thờ với sứ mạng làm chứng cho thế gian biết rằng chúng ta là người kitô. Ðức Gioan Phaolô II đã nhắc điều này như sau: "Lời chào lúc kết thúc Thánh Lễ là một mệnh lệnh, thôi thúc người kitô dấn thân cho công cuộc phổ biến Phúc Âm và cho việc linh động xã hội theo tinh thần kitô" (Mane nobiscum Domine, 24). Chương IV của Tông thư về Năm Thánh Thể, bàn về bí tích Thánh Thể như là nguyên lý và là dự án của mọi công cuộc truyền giáo.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô không phải là nén bạc để đem chôn, nhưng để làm trổ sinh hoa trái trong hành động và lời nói. Việc rao giảng Phúc âm và chứng tá truyền giáo phát sinh từ bàn tiệc Thánh Thể (x. Dies Domini, 45). Sứ mạng là mang Chúa Kitô, một cách đáng tin, vào trong những môi trường của cuộc sống, của lao động, của mệt nhọc, đau khổ, vừa làm sao cho tinh thần của Phúc âm được trở nên như chất men của lịch sử, và trở thành "dự án cho những tương quan con người được ghi dấu hướng về tình liên đới và hòa bình. " Thử hỏi Giáo Hội có thể thực hiện được hay không, ơn gọi riêng của mình mà không vun trồng một tương quan liên lỉ với bí tích Thánh Thể, mà không nuôi dưỡng mình bằng của ăn Thánh Thể, một của ăn có sức thánh hóa, mà không nương tựa vào sự nâng đỡ thiêng liêng cần thiết cho công việc truyền giáo? Ðể rao giảng Phúc Âm cho thế giới, thì cần những tông đồ "chuyên viên" trong việc cử hành, tôn thờ và chiêm ngắm Bí Tích ThánhThể. (GP II, sứ điệp cho ngày quốc tế truyền giáo, năm 2004, số 3).

Thử hỏi làm sao rao giảng Chúa Kitô, nếu không trở lại thường xuyên với việc biết Chúa trong những mầu nhiệm?

Làm sao làm chứng cho Chúa mà không múc lấy thức ăn nơi nguồn mạch là sự thông hiệp thánh thể với Chúa?

Làm sao tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, và vượt qua được nguy cơ của chủ thuyết cá nhân, mà không vun trồng mối giây thánh thể liên kết tất cả mọi anh em có lòng tin, hay hơn nữa với tất cả mọi người?

Bí Tích Thánh Thể có thể dược gọi là "Bánh của Sứ Mạng"; một hình ảnh đẹp, theo nghĩa này, là của ăn được ban cho tiên tri Eâlia, ngõ hầu tiên tri tiếp tục chu toàn sứ mạng của mình, mà không lùi bước trước những khó khăn của cuộc hành trình: "với sức mạnh được lương thực ban cho, tiên tri Êlia đã đi bộ trong vòng 40 ngày đêm cho đến núi Oreb, Núi Thánh của Chúa" (1 Vua 19,8).

 

Kết Luận

45. Kết thúc những trang này, sau nhiều gợi ý và đề nghị, chúng ta hãy trở về với điểm thiết yếu và nhớ lại rằng Ðức Thánh Cha, trong tông thư về Năm Thánh Thể (Mane Nobiscum Domine), đã nói đến "Năm Ân Sủng". Thật vậy, tất cả những gì chúng ta có thể thực hiện, sẽ có ý nghĩa, nếu được đặt vào trong viễn cảnh của Ân Sủng Chúa ban. Những sáng kiến chỉ là như những con đường được mở ra, ngõ hầu Ân Sủng, luôn được Thánh Thần Chúa trao ban, được chảy tràn xuống và được từng cá nhân cũng như các cộng đoàn đón nhận. Lời thưa "xin vâng" của Ðức Nữ Ðồng Trinh cần một lần nữa mang đến âm điệu cho lời thưa "xin vâng" của toàn thể Giáo Hội, một Giáo Hội luôn lãnh nhận món quà Mình và Máu Thánh Chúa Kitô cùng với hồng ân "Tình Mẫu Tử của Mẹ Maria": "Ðây là Mẹ Con!" (x. Giáo Hội từ Thánh Thể, số 57).

Thành quả của Năm Thánh Thể chắc chắn tùy thuộc vào chiều sâu của việc cầu nguyện. Chúng ta được mời gọi cử hành Bí Tích Thánh Thể, lãnh nhận Thánh Thể, và tôn thờ Thánh Thể, với đức tin của những vị Thánh. Trong ngày công bố Văn Kiện Gợi Ý này, ngày phụng vụ cử hành lễ kính nhớ Thánh Têrêsa thành Avila, làm sao có thể quên được lòng sốt sắng của nhà đại huyền bí người Tây Ban Nha, và là tiến sĩ  Hội Thánh này? Về việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể (việc rước lễ), thánh nữ Têrêsa Avila đã viết như sau: "Không cần phải đi thật xa để tìm kiếm Chúa. Bao lâu sức nóng tự nhiên không làm tan mất đi những yếu tố chất thể của bánh, thì bấy lâu Chúa Giêsu nhân lành còn hiện diện giữa chúng ta: chúng ta hãy tiến đến gần Người!" (Con đường trọn lành, 8).

Năm Ðặc Biệt này (tức Năm Thánh Thể) phải giúp chúng ta gặp được Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và giúp chúng ta sống nhờ ngài. Việc giảng dạy giáo lý về Mầu Nhiệm Thánh Thể cũng cần nhắm đến mục tiêu này. Ðức Thánh Cha yêu cầu các vị mục tử hãy dấn thân đặc biệt vào việc giảng dạy giáo lý này (x. Mane nobiscum, Domine). Lặp lại lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha, chúng tôi muốn kết thúc với một đoạn trích từ "mầu nhiệm luận" của Giáo Hội Tây Phương, từ tập sách nói về Các Mầu Nhiệm (De Mysteriis) của thánh Ambrogio như sau:

"Chính Chúa Giêsu tuyên bố: "Ðây là Mình Ta" ... Trước việc chúc tụng bằng những lời trên thiên quốc, thì Lời Chúa chỉ cho thấy một yếu tố đặc biệt. Sau việc truyền phép, Lời Chúa chỉ về Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô đã gọi đây là Máu của Ta. Trước khi được truyền phép, bánh đó được gọi bằng một tên gọi khác. Sau khi được truyền phép, thì được gọi là Máu Thánh Chúa. Và con thưa: Amen, có nghĩa là "ước được như thế". Ðiều miệng nói ra, thì trí hiểu xác nhận. Ðiều lời nói công bố, thì con tim cảm nghiệm".

 

Ban hành từ Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, ngày 15 tháng 10 năm 2004, ngày lễ kính thánh Têrêsa Avila, trinh nữ và tiến sĩ Hội Thánh.

(Ấn ký)

Hồng Y Francis Arinze (Bộ Trưởng)

TGM Domenico Sorrentino, tổng thư ký.

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch Việt ngữ)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page