Ðức Hồng Y Francis Stafford

cử hành Phụng Vụ Lời Chúa

và Nghi Thức Xức Tro

thay thế cho ÐTC Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Francis Stafford, Trưởng Tòa Xá Gỉai Tòa Thánh, cử hành Phụng Vụ Lời Chúa và Nghi Thức Xức Tro thay thế cho Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Tin Vatican (Vat 9/02/2005) - Thứ Tư Lễ Tro năm nay (9/02/2005) là lần đầu tiên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không thể cử hành Thánh Lễ Xức Tro cho cộng đoàn tín hữu. Theo thông cáo của tiến sĩ Navarro-Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, thì Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ sự Thánh Lễ Ðồng Tế tại Phòng Bệnh của ngài ở Bệnh Viện Gemelli, và đã nhận xức tro, do chính ngài làm phép, từ tay vị đồng tế Thánh Lễ với ÐTC.

Ðược biết Thánh Lễ của Thứ Tư Lễ Tro tại Roma, mà theo truyền thống thì luôn luôn được ÐTC cử hành tại Vương Cung Thánh Ðường Kính Thánh Sabina, nằm trên đồi Aventino, bên kia bờ sông Têvêrê đối diện phía bên phải của Ðồi Vatican, thì năm nay (2005) được Ðức Hồng Y Josef Tomko thay mặt ÐTC cử hành vào chiều thứ Tư  9/02/2005, cũng tại Vương Cung Thánh Ðường Kính Thánh Sabina nầy.

 Trong khi đó, vào sáng thứ Tư  9/02/2005, thay thế cho buổi tiếp kiến chung hàng tuần đã được hủy bỏ vì ÐTC Gioan Phaolô II còn dưỡng bệnh ở Nhà Thương, Ðức Hồng Y Francis Stafford, Trưởng Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh, đã chủ sự Nghi Thức Cử Hành Lời Chúa và Xức Tro, cho tín hữu và các nhân viên giáo triều Roma. Sau bài Phúc Âm, Ðức Hồng Y đã nói vài lời như sau:

 

"Chúng ta họp nhau đây quanh mộ Thánh Phêrô, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô nầy, Ðền Thờ ôm trọn cả thế giới vào trong lòng mình, để cử hành Phụng Vụ Xức Tro, ghi dấu lúc bắt đầu Mùa Chay. Thưa anh chị em rất thân mến, khi ngỏ lời với anh chị em, tôi cảm thấy vui và hãnh diện vì được chủ sự phụng vụ Xức Tro nầy thay thế cho Ðức Thánh Cha. Chúng ta cảm được sự hiện diện tinh thần của ngài giữa chúng ta và chúng ta nhớ đến ngài với lòng mộ mến vừa đồng thời xin Chúa ban cho ngài những ơn cần thiết cho đoàn sũng thủ lãnh mà ngài đã lãnh nhận để củng cố anh em trong sự hiệp nhất đức tin. (x. Luca 22,32).

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Gio-el nhân danh Chúa kêu gọi lớn tiếng như sau: "Hãy thành tâm trở về với Ta!" Trong ngôn ngữ cựu ước, quan niệm "trở lại" được diễn tả một cách hết sức cụ thể, qua động từ "quay trở lại". Từ  nơi Kinh Thánh, chúng ta biết rằng dân Israel đã luôn luôn bị cám dỗ đi lạc xa khỏi Thiên Chúa, để theo những con đường không tốt. Vì thế, mỗi lần đi lạc xa, thì Chúa gởi đến họ những vị ngôn sứ để kêu gọi dân "hãy quay trở lại", nghĩa là "hãy đổi hướng đi, hãy đi theo con đường đúng, hãy ăn năn trở lại cùng Chúa". Thật vậy, không phải chúng ta trở lại với một ý thức hệ, nhưng là trở lại với Chúa. Ðức Tin của chúng ta thật sự không phải là một ý thức hệ, nhưng là một sự gắn bó vào Chúa Kitô. Chính Chúa cũng đã tuyên bố như sau: Hãy trở lại với Ta! Và tiên tri Gio-el giải thích và đưa ra lý do tại sao phải trở lại, như sau: "Hãy trở lại cùng Chúa, là Chúa của ngươi, bởi vì ngài rất nhân từ; ngài không làm gì khác hơn là thông cảm và thứ  tha."

Sứ điệp của bài đọc thứ nhất còn đi xa hơn nữa. Tiếng của các tù và vang rộng đến tai tất cả mọi người --- già, trẻ, thiếu niên, các đôi bạn, các tư tế --- bởi vì, như là một dân tộc, họ được kêu gọi quy tụ lại, và được kêu gọi trở lại. Việc trở lại không phải là kinh nghiệm mà chúng ta có thể thực hiện riêng rẽ một mình: việc trở lại, trong Tân Ước, chính yếu phát sinh từ việc quy tụ lại để cử hành phụng tự. Thật vậy, giây phút tế tự, như công đồng Vatican II nhắc lại cho chúng ta, là "nguồn mạch và chóp đỉnh" của đời sống kitô (SC số 10).

Trong Phúc âm theo thánh Mathêo, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta ba cách thức để sống sự trở lại: đó là bố thí, có nghĩa là chia sẻ; là cầu nguyện, nghĩa là tín thác vào Chúa; là ăn chay, có nghĩa là khả năng đặt ra cho mình những giới hạn. Nhưng những việc làm trên không nói lên việc trở lại đích thực, nếu chúng được thi hành chỉ vì sự "tiện lợi theo hình thức bên ngoài"; "Khi con bố thí, ước gì tay trái không biết việc tay phải con làm". Ðối với việc ăn chay cũng như việc cầu nguyện, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến khía cạnh nội tâm. Lời cầu nguyện đích thật, --- khi được liên kết với việc trở lại đích thật phát sinh từ cầu nguyện, --- phải được phát sinh từ một con tim đã nhất quyết trở lại. Thật vậy, theo Kinh Thánh, chính trong tâm hồn mà vận mệnh của con người tùy thuộc vào.

Chúa Giêsu đã không làm gì khác hơn là thôi thúc chúng ta sống việc trở lại nội tâm nầy,  trong giây phút cầu nguyện cá nhân, cũng như và nhất là trong lời cầu nguyện phụng vụ.

Thánh Tông đồ Phaolô giúp chúng ta rút ra những kết luận từ việc chúng ta lắng nghe Lời Chúa. Ngài khuyến khích các tín hữu Corintô hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa. Thật vậy, trở lại là hòa giải. Hòa giải với Thiên Chúa, mà mọi người Kitô trước hết cần thực hiện trong tâm hồn; và tương ứng với việc hòa giải với Thiên Chúa, là sự hòa giải với anh chị em. Giờ đây, nếu sự trở lại phát sinh từ việc quy tụ phụng vụ nầy, chúng ta cần tự vấn xem đời sống chúng ta có phải là một tổng hợp chân thành giữa ba điều: phụng vụ, trở lại và hoà giải...

 

Ngỏ lời đặc biệt với quý đức hồng y, tổng giám mục, giám mục, quý nhân viên làm việc tại giáo triều Roma, Ðức Hồng Y Francis Stafford mọi người hãy nêu gương đời sống kitô khổ hạnh, luôn mưu tìm lợi ích của anh chị em mình. Thế giới hiện nay đặt ra câu hỏi: Thiên Chúa thật chúng ta đang tôn thờ hiện đang ở đâu? Và chúng ta phải trả lời cho câu hỏi nầy bằng chứng tá đời sống tốt lành, có sức thuyết phục. Ðức Hồng Y Stafford mời gọi mọi người hãy thực sự trở về cùng Thiên Chúa, thật sự hòa giải với Thiên Chúa và với nhau.

Kết thúc bài giảng, Ðức Hồng Y Francis Stafford đề nghị ba điểm như sau:

 

(1) Ðứng trước hiện tượng phổ biến về thái độ do dự trong đức tin, phụng vụ của giáo hội là phương thế đầu tiên để rao giảng phúc âm đích thực; điều nầy được gợi hứng từ cảnh các môn đệ trên đường đi về Emmau nhìn ra Chúa trong lúc bẻ bánh, sau khi đã được Chúa giải thích Lời Chúa cho họ dọc suốt cuộc hành trình.

(2) Với ngày chúa nhật, chúng ta hãy khám phá lại Bí Tích Thánh Thể! Chúng ta hãy có "sự khâm phục thánh thể"; đây là sự khâm phục đã hướng dẫn ÐTC trong việc thảo ra tông thư về Năm Thánh Thể (các số 5-6). Nhưng chúng ta hãy chú tâm khám phá thái độ sống nầy trong chiều kích "bữa tiệc" và trong chiều kích  hy tế, --- chiều kích không thể bỏ đi được, --- bởi vì "bí tích Thánh Thể là hồng ân hết sức cao cả, đến độ không thể chấp nhận sự mập mờ và sự giảm thiểu nào (số 10).

(3) Với bí tích Thánh Thể, chúng ta khám phá lại tương quan giữa phụng vụ và cuộc sống, như được ÐTC mô tả trong tông thư về Năm Thánh Thể. Chú tâm đến nhân đức khó nghèo trong mọi hình thức của nó và cùng với tình thương hỗ tương, (chú tâm nầy) sẽ làm cho chúng ta nhìn nhận nhau như là những đồ đệ thật của chúa Kitô. Ðây là tiêu chuẩn căn bản để thẩm định tích cách đích thực của những cử hành thánh thể của chúng ta (số 28). Mối tương quan giữa Thánh Thể và cuộc sống đòi buộc chúng ta nhất quyết làm chứng cho những giá trị thật, như sự sống, gia đình, sự thành thật nơi bản thân, và những dấn thân để sống mối giây liên kết hôn nhân, để sống việc độc thân linh mục, để sống việc tân hiến trong đời tu trì, để thi hành nghề nghiệp trong xã hội; không sống những giá trị đích thực đó, thì không có đức khó nghèo đích thực.

 

Ðó là vài điểm nội dung chính trong bài giảng của Ðức Hồng Y Francis Stafford, trong nghi thức Cử Hành Lời Chúa và Xức Tro vào sáng thứ Tư Lễ Tro 9/02/2005, tại Roma.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page