Những ý nghĩa của việc Tặng Quà

trong ngày Tết Ðầu Năm Mới

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Những ý nghĩa của việc Tặng Quà trong ngày Tết Ðầu Năm Mới.

(Radio Veritas Asia 9/02/2005) - Quí vị và các bạn thân mến. Tặng quà cho nhau trong mỗi dịp xuân về là một nét đẹp cổ truyền vốn có từ lâu đời của hầu hết mọi dân tộc trên thế giới.

- Tại Phi Châu, người dân Quần Ðảo Chirs thường mang đến một tảng đá to đặt trên bàn tiệc mùa xuân của gia đình bà con bạn bè và nói những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Cuối lời chúc bao giờ cũng có câu: "Mong sao năm mới sẽ có khối vàng nặng như tảng đá này đến nhà bạn".

- Tại Hungary, sáng ngày đầu năm khi cả nhà quây quần bên bàn tiệc tân niên, con cái sẽ kính cẩn tặng ông bà cha mẹ những cuốn sách vừa mới xuất bản trong năm, hoặc những đôi tất ấm và khăn quàng mùa đông, để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của mình. Trẻ em thì được tặng xe trượt tuyết, hoặc những đồ chơi đặc biệt mà ông bà cha mẹ thấy con cháu mình ưa thích nhất.

- Tại một số vùng nông thôn bên Pháp, bạn bè thân quen đến thăm nhau ngày đầu năm thường mang tặng nhau những thanh củi lớn tượng trưng cho sự ấm cúng hạnh phúc của năm mới. Ở miền Nam nước Pháp vẫn còn đang lưu truyền một tập tục tốt đẹp khác nữa. Ðó là sáng mồng một tết, người phụ nữ đầu tiên nào ra lấy nước ở khu công cộng, sẽ để lại đó một chiếc bánh ngọt do mình tự tay làm ra. Người thứ hai sẽ lấy chiếc bánh đó đi, và sẽ để lại đó chiếc bánh của mình. Cứ thế trong những ngày đầu xuân, các bà nội trợ trong làng trao đổi với nhau những chiếc bánh ngon, vừa để chúc mừng nhau năm mới, vừa để khoe tài nội trợ của mình.

- Bên Scotland, trong đêm giao thừa và ngày mồng một tết, tất cả mọi gia đình đều mở rộng cửa để đón khách đến chúc tết. Ghé vào bất cứ nhà nào bạn cũng được tiếp đãi nhiệt tình và được mời ăn uống no say, nhưng bạn hãy nhớ mang theo một hòn than đá và ném vào lò sưởi của gia đình chủ nhà với lời cầu chúc như sau: "Mong rằng ngọn lửa trong nhà này sẽ cháy mãi không bao giờ tắt". Với câu nói ấy người ta có ý muốn chúc nhau một năm mới đầm ấm và hạnh phúc.

- Tại Nam Dương (Indonesia), phần đông dân chúng theo Hồi Giáo, họ luôn cố gắng sống và nghiêm túc theo lời dạy của Chúa, đừng bao giờ lạnh lùng trước những nỗi bất hạnh đói khổ của đồng bào, đồng loại của mình. Chính vì thế mà trong những ngày đầu năm thay vì ăn uống no say linh đình, người ta thường nhịn ăn bớt tiêu xài để mua những tặng vật tặng cho những người nghèo, trẻ mồ côi, và những người già không nơi nương tựa. 

- Tại những nước láng giềng của Việt Nam như Lào, Cam Bốt và Thái Lan, trong những ngày tết của dân tộc, để chúc nhau may mắn và sức khỏe, người ta thường có tục tạt nước vào nhau. Nước là biểu tượng của sự trong sạch, tươi mát và sự sống. Tạt nước vào nhau trong những ngày tết là mong muốn cho bạn bè, bà con, người thân của mình được sống trong sạch, sống đẹp, và ngập tràn hạnh phúc trong năm mới. Người ta cũng cầu mong cho năm mới được mưa thuận gió hòa, cỏ cây xanh tốt, mùa màng bội thu, và cuộc đời được ấm no.

Nói chung, khắp nơi trên thế giới, mỗi dân tộc đều có những tục lệ và cách tặng quà tết riêng của mình. Nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm là muốn khẳng định rằng: Mùa xuân là mùa của tình người. Qua việc trao tặng cho nhau những món quà đầu năm, ở đâu con người cũng muốn gửi gấm cho nhau tất cả những tình cảm thương nhớ, tấm lòng quí trọng, và sự biết ơn chân thành của mình. Tựu trung, Tết là dịp để nhắc con người cố gắng sống cho phải đạo làm người hơn.

*

* *

Lạy Chúa, trong suốt năm qua, Chúa đã cho chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa qua bao nhiêu nghĩa cử yêu thương mà người khác đã dành cho chúng con. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì đã không tỏ ra đủ quảng đại trong cách cư xử của chúng con. Với tâm tình cảm mến biết ơn, chúng con xin dâng lên Chúa năm mới này. Xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người Việt Nam chúng con trong năm mới này được bình an mạnh khỏe càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu sống trọn đạo làm người theo đúng nghĩa lễ gia phong mà tổ tiên chúng con đã để lại.

 

(Mai Hương)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page