Của cải, sức khỏe, và
sự hạnh phúc đích thực của con người
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Của cải, sức khỏe, và sự hạnh phúc đích thực của con người.
(Radio
Veritas Asia 26/01/2005) - Quý vị và các bạn thân mến. Ngày 25
tháng Giêng năm 2005, Giải Nam Diễn Viên xuất sắc của Quả
Cầu Vàng năm nay đã được trao cho tài tử Leonardo Di Caprio,
trong cuốn phim có tựa đề Nhà Hàng Không (The Aviator). Nhà
Hàng Không mà cuộc đời được kể lại trong cuốn phim này
là ông Howard Hughes.
Leonardo Di Caprio vai Howard Hughes trong cuốn phim The Aviator (Nhà Hàng Không). |
Howard Hughes chào đời trong đêm Giáng Sinh năm 1905. 18 năm sau ông trở thành triệu phú vì được thừa kế công ty sản xuất đồ cơ giới của cha mình. Tuy nhiên, chàng thanh niên Howard Hughes không hứng thú với các thứ máy móc, anh dùng tài sản do cha để lại để xây dựng sự nghiệp trong thế giới điện ảnh. Năm 1927, ông bỏ tiền ra sản xuất phim, và 3 năm sau tự mình đứng ra làm đạo diễn cho một cuốn phim nổi tiếng về Không Lực Hoa Kỳ trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến. 3 phi công đã thiệt mạng khi quay cuốn phim, và chính bản thân ông cũng suýt chết khi đang điều khiển chiếc máy bay biểu diễn. Năm 1932, ông lập công ty sản xuất máy bay Hughes, và cho xuất xưởng chiếc máy bay có tên là H1. 3 năm sau, máy bay do ông sản xuất đạt được tốc độ kỷ lục vào thời đó là 352 dặm/giờ. Năm 1938, ông bay vòng quanh thế giới cũng với thời gian kỷ lục là 3 ngày và 19 giờ. Thành công hầu như trong bất cứ lãnh vực nào ông dấn thân vào. Nhưng sang thập niên 40, vì sơ ô nhiễm cho nên ông trở nên sợ hãi và lang thang khắp nơi. Tại trung tâm điện ảnh Hollywood, hãng phim của ông rơi vào tình trạng rắn mất đầu vì ông thường xuyên vắng mặt. Công việc kinh doanh của ông sa sút vì ông không thể hoàn thành hai hợp đồng cung cấp máy bay cho chính phủ Hoa Kỳ. Năm 1946, ông bị tai nạn khi điều khiển chiếc máy bay thám thính do chính ông thiết kế. Năm sau, loại máy bay đậu được trên nước do công ty của ông sản xuất cũng phải về vườn sau chuyến bay đầu tiên. Mệt mỏi và chán chường, Howard Hughes chuyển tới khách sạn tại Las Vegas, về một dãy phòng tầng trên cùng, rồi sau đó mua cả cơ ngơi này để không bị đuổi khỏi nơi ẩn náu. Từ nơi ẩn dật Howard Hughes điều khiển cả một vương quốc gồm sòng bạc, khách sạn, đài truyền hình và ngay cả hãng hàng không TWA. Nhưng tiền bạc một lần nữa cũng chẳng mang lại hạnh phúc cho con người tài ba này. Những năm cuối đời của ông là khoảng thời gian tăm tối nhất. Các chất gây nghiện như thuốc an thần Vallium và Codine đã trở thành vật bất ly thân đối với ông. Ông tự giam mình trong phòng tối, cất giữ nước tiểu trong chai lọ, dùng hộp giấy làm giày và để móng chân dài. Không ai nhận dạng được một Howard Hughes hào hoa khi ông qua đời vào năm 1976. Lúc bấy giờ cảnh sát đã phải dùng mẩu vân tay để xác định danh tính của ông. Kết quả chụp quang tuyến X cho thấy có những kim tiêm gãy vụn dưới da ông, còn cơ thể tàn tạ của ông thì chẳng khác nào thân hình của một tù binh bị giam giữ lâu ngày.
*
* *
Quý vị và các bạn thân mến,
Có những yếu tố ngoại tại cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc. Các tiện nghi vật chất mang lại thoải mái và như vậy có thể đóng góp vào việc làm cho con người hạnh phúc. Sức khỏe cũng đương nhiên góp phần vào hạnh phúc. Bạn bè và những người chúng ta sống với, cũng giúp gia tăng hạnh phúc cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu không có cái tâm bình an, thì tất cả những yếu tố ấy cũng không làm cho cuộc sống con người được sung mãn. Như vậy, của cải, các tiện nghi, và rất nhiều yếu tố ngoại tại khác không đương nhiên làm cho con người hạnh phúc. Cái tâm bình an là cái tâm biết chấp nhận chính mình, và nhất là biết sống cho người khác. Tựu trung, như cô gái Anne France 16 tuổi, nạn nhân của Ðức Quốc Xã, đã ghi lại trong nhật ký của mình: Hạnh phúc là người biết làm cho người khác hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con, trong khi tìm kiếm và hưởng dùng những của cải chóng qua ở đời này, luôn biết hướng về những giá trị vĩnh cửu trên trời.
(Mai Hương)