Vài nét về Diễn văn

của ÐTC Gioan Phaolô II

gửi Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Bốn thử thách to lớn cho nhân loại

lúc bước vào năm 2005

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

- Vài nét về Diễn văn của ÐTC Gioan Phaolô II gửi Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh: Bốn thử thách to lớn cho nhân loại lúc bước vào năm 2005.

Tin Vatican (Apic 10/01/2005) - Lúc 11 giờ sáng thứ Hai, mùng 10 tháng Giêng năm2005, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, đến chúc mừng năm mới. Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hiện nay gồm cố 174 vị đại sứ, đại diện cho những quốc gia có liên lạc ngoại giao với quốc gia Vatican. Vị niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hiện nay, là  Giáo Sư Giovanni Galassi, đại sứ của một cộng hòa bé nhỏ nằm trong lãnh thổ Italia, là cộng hòa  San Marino.

Sau diễn văn chào chúc của vị niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh tòa thánh, ÐTC đã đáp lại với bài diễn văn dài bằng tiếng Pháp. Ðược biết, ÐTC đã không đọc trọn bài diễn văn, nhưng chỉ đọc một đoạn, phần còn lại là do Ðức Ông Francois Duthel, trưởng ban pháp ngữ tại phủ quốc vụ khanh tòa thánh, đọc thay.

Nội dung chính của bài diễn văn cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh được xoay quanh bốn thách thức to lớn vào khởi đầu năm 2005; đó là:

(1) việc bảo vệ sự sống con người,

(2) lương thực cho tất cả mọi người,

(3) vấn đề Hòa Bình trong thế giới,

và (4) vấn đề tự do tôn giáo.

Cuộc tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh diễn ra vào thời điểm tiếp liền sau việc bầu Ông Mahmoud Abbas, vào chức vụ Chủ Tịch chính quyền Palestine, thay thế cho lãnh Tụ Arafat đã qua đời. Nên nhân đó, ÐTC đã nói lên nhận định của ngài rằng tại Trung Ðông dường như được mở ra một hướng chính trị tiến về đối thoại và thương thuyết, và rằng thái độ đối đầu bằng sức mạnh của vũ khí xem ra như đang từ từ dịu xuống.

Nhìn lại năm 2004 vừa kết thúc, trên bình diện tiêu cực, ÐTC trước hết đã nhắc đến thiên tai khủng khiếp đã giáng xuống nhiều quốc gia vùng đông nam châu á và vùng bờ biển phía đông châu phi, hôm ngày 26 tháng 12 năm 2004. Ngài cũng không quên nhắc đến những hành động khủng bố dã man tại Iraq, tại Madrid thủ đô Tây Ban Nha, những sự bất nhân gây ra cho dân chúng tại Darfur, bên Sudan, và những sự bạo tợn gây ra cho dân chúng trong vùng Ðại Hồ ở Phi Châu.

Tuy nhiên, ÐTC không vì thế mà bi quan. Ngài nhắc đến những thách thức to lớn của nhân loại và áp dụng vào trong những tương quan quốc tế lời khuyên của thánh Phaolô tông đồ: "Ðừng chịu thua sự dữ, nhưng hãy chiến thắng sự dữ bằng điều tốt". Ðây cũng là chủ đề của Sứ Ðiệp cho Ngày Quốc Tế Hòa Bình mùng 1 tháng Giêng năm 2005.

(1) Thách thức to lớn thứ nhất là thách thức tôn trọng và bảo vệ sự sống con người. Thai Nhi không thể nào là "món đồ vật" trong phòng thí nghiệm. ÐTC nhắc lại lập trường rõ ràng của Giáo hội Công giáo như sau: "Thai nhi là một chủ thể con người như một đứa trẻ sắp sinh ra và như một con người đã được sinh ra từ thai nhi đó. Bởi thế cho nên không một điều gì xúc phạm đến sự toàn vẹn và phẩm giá của thai nhi, mà có thể được chấp nhận trên bình diện luân lý." Mặc dù cổ võ công cuộc nghiên cứu khoa học trong lãnh vực truyền sinh, trong đó có việc nghiên cứu về tế bào gốc vô sinh, nhưng ÐTC quả quyết rằng thật là không xứng với phẩm vị con người việc rút gọn thai nhi lại như là một món đồ vật trong phòng thí nghiệm.

Ðức Thánh Cha cũng lưu ý rằng gia đình, "cung thánh của sự sống" đang bị đe dọa bởi những yếu tố xã hội và văn hóa đang áp lực mạnh trên gia đình, làm cho sự ổn định của gia đình trở nên khó khăn. Ám chỉ đến tình trạng xảy ra tại Âu Châu, ÐTC quả quyết rằng "tại vài quốc gia, gia đình bị đe dọa bởi một nền lập pháp xúc phạm đến cơ cấu tự nhiên của gia đình; và cơ cấu tự nhiên của gia đình không thể nào khác hơn là một sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, được xây trên hôn nhân". "Người ta không thể chấp nhận để cho gia đình bị đe dọa bởi những điều luật được thiết lập bởi một quan niệm hẹp hòi về con người và chống lại bản tính tự nhiên."

(2) Trên bình diện lương thực, ÐTC lưu ý rằng những con số về nạn đói trên thế giới là hết sức bi thảm. ÐTC kêu gọi trách nhiệm của những tổ chức quốc tế lớn và những tổ chức phi chính phủ, và ngài yêu cầu động viên dư luận quốc tế trên bình diện luân lý, nhất là vận động những kẻ có trách nhiệm chính trị, cách riêng tại những quốc gia đã đạt đến mức độ có một cuộc sống thoải mái và sung túc."

 

- ÐTC Gioan Phaolô II nhắc đến những thách thức về Hòa Bình và Tự Do Tôn Giáo trong buổi tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn Cạnh Tòa Thánh. (tiếp theo)

Tin Vatican (Apic 10/01/2005) - ÐTC Gioan Phaolô II đã nhìn về hiện trạng thế giới trong bài diễn văn đọc trong dịp tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn Cạnh Tòa Thánh  vào đầu năm mới 2005, hôm thứ Hai, mùng 10 tháng Giêng năm 2005. ÐTC đã đặc biệt lưu ý đến bốn thách thức nổi bật sau đây:

(1) thách thức bảo vệ sự sống con người,

(2) thách thức cung cấp lương thực cho tất cả mọi người,

(3) thách thức xây dựng hòa bình,

và (4) thách thức thực hành sự tự do tôn giáo.

Trong bản tin lần trước, chúng ta đã nghe qua về hai thách thức bảo vệ sự sống con người và cung cấp lương thực cho tất cả mọi người. Hôm nay, chúng ta hãy theo dõi tiếp hai thách thức về  xây dựng hòa bình và thực thi tự do tôn giáo.

(3) ÐTC đã dành nhiều trang trong bài diễn văn của ngài cho ngoại giao đoàn cạnh TòaThánh, để nói về thách thức xây dựng Hòa Bình trên thế giới. Ngài đã kể ra những dấu hiệu đáng khích lệ trên thế giới, tại Phi Châu, Trung Ðông và tại Âu Châu, trên bình diện xây dựng hòa bình. Tại Âu Châu, ÐTC lưu ý rằng "những quốc gia đã một thời chiến tranh khốc liệt với nhau, nay lại hiệp nhất với nhau trong một Liên Hiệp Âu Châu. Và Liên Hiệp nầy, theo nhận định của ÐTC, sẵn sàng thâu nhận thêm những quốc gia thành viên mới, với điều kiện là những quốc gia muốn được làm thành viên sẵn sàng chấp nhận thi hành những đòi hỏi của việc gia nhập nầy.

(4) Về việc thực thi tự do tôn giáo, ÐTC nhận định rằng tại nhiều quốc gia, quyền tự do tôn giáo đã không được nhìn nhận cách đầy đủ. ÐTC giải thích thêm rằng người ta không nên lo sợ sự tự do tôn giáo đúng đắn sẽ giới hạn những sự tự do khác, hoặc làm hại cho những tương quan trong xã hội. Một cách đặc biệt, ÐTC quả quyết thêm rằng người ta không nên lo sợ việc nhìn nhận tự do tôn giáo cho giáo hội công giáo, sẽ gây thiệt thòi cho sự tự do chính trị và những công vụ của Nhà Nước. Giáo Hội Công Giáo biết phân biệt rõ ràng những gì thuộc về Cêsar, và những gì thuộc về Thiên Chúa, và luôn cộng tác tích cực để phục vụ công ích của xã hội.

Ðược biết, trong lời chào chúc Năm Mới dành cho Ðức Gioan Phaolô II, vị Ðại Sứ của cộng hòa San Marino cạnh Tòa Thánh, Ông Giovanni Galassi, niên trưởng Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh, đã cám ơn ÐTC vì đã đề ra "con đường cần thiết" cho nhân loại ngày nay. Ông đã nhấn mạnh như sau: Ngàn Năm Thứ Ba của chúng ta xem ra như bị ghi dấu bởi một loạt những thảm họa, như nạn khủng bố quốc tế, chiến tranh dai dẳng tại Iraq, hiện tình căng thẳng tại Trung Ðông, tình hình bạo lực tại các quốc gia Châu Phi, những thiên tai, cộng thêm thái độ lo sợ và ích kỷ đóng kín con người trong hiện tại. Ông kêu gọi thực thi tình liên đới quốc tế và hằng ngày và nhấn mạnh tầm quan trọng của những tổ chức quốc tế đặc trách phát triển và thương mại, để cân bằng với những thế lực chỉ nghĩ đến lợi lộc kinh tế mà thôi. Cuối cùng Ông đã lên tiếng mời gọi gia đình nhân loại hãy xây dựng một nền văn minh của tình thương, khuyến khích mọi người thực thi đối thoại và liên lỉ hoạt động phục vụ cho hòa bình.

 

(Ðặng Thế Dũng)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page