Ðôi dòng sơ lược Cuộc đời của

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

(18/05/1920-2/04/2005)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðôi dòng sơ lược Cuộc đời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Tin Vatican (Vat 2/04/2005) - Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã qua đời lúc 9 giờ 37 phút giờ Roma, tối thứ Bảy mùng 2 tháng 4 năm 2005, tức là lúc 19 giờ 37 phút giờ Quốc Tế, ngày thứ Bảy mùng 2 tháng 4 năm 2005. Nhưng nếu tính sang giờ Việt Nam, thì đã là 2 giờ 37 phút rạng sáng ngày Chúa Nhật mùng 3 tháng 4 năm 2005. Hưởng thọ 84 tuổi.

Ðức Karol J. Wojtyla được các Ðức Hồng Y bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, với tên hiệu là Gioan Phaolô II.

Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, một thành phố nhỏ nằm cách thủ đô Cracow của Balan khoảng 50 cây số. Là con trai thứ hai của ông bà Karol Wojtyla và Emilia Kaczorowska. Thân mẫu của ngài qua đời vào năm 1929. Người anh trai của ngài là Edmund, qua đời vào năm 1932. Và thân phụ của ngài là một sĩ quan, qua đời vào năm 1941.

Ðức Karol J. Wojtyla được Rước Lễ lần đầu vào lúc ngài 9 tuổi, và được lãnh nhận Bí Tích Thêm sức vào lúc 18 tuổi. Sau khi ngài tốt nghiệp trung học cấp III tại trường Marcin Wadowita High School, năm 1938 ngài thi vào phân khoa Kịch Nghệ của trường Ðại Học Cracow's Jagiellonian University.

Sau khi Balan bị Ðức Quốc Xã chiếm đóng, trường đại học bị đóng cửa vào năm 1939, và chàng thanh niên Karol phải đi làm công trong các hầm mỏ từ năm 1940-1944, sau đó làm công nhân tại nhà máy hóa chất Solvay, để kiếm sống và để tránh bị đày qua Ðức.

Vào năm 1942, đáp lại tiếng gọi của Chúa, ngài theo học tại chủng viện Cracow thuộc quyền của Ðức Hồng Y Adam Stefan, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Cracow. Vào lúc đó Cậu thanh niên Karol Wojtyla cũng là một trong những diễn viên tiên phong của đoàn kịch Rhapsodic Theatre.

Sau thế chiến thứ II, khi Ðại Chủng Viện Cracow được mở cửa trở lại, ngài tiếp tục theo học tại Ðại Chủng Viện Cracow. Và sau đó theo học Thần Học tại Trường Ðại Học Jagiellonian University cho đến khi được thụ phong Linh Mục vào ngày 1 tháng 11 năm 1946.

Không bao lâu sau khi thụ phong linh mục, ngài được Ðức Hồng Y Sapieha gửi qua Rome để làm việc mục vụ và học Thần Học tại trường đại học của các cha Dòng Daminh, Angelicum. Lúc đó, Cha Karol được linh mục giáo sư nổi tiếng dòng Ða Minh, là cha Garrigou-Lagrange hướng dẫn. Ngài tốt nghiệp Tiến Sĩ Thần Học vào năm 1948 với luận án về đề tài Ðức Tin và Hành Ðộng, theo tư tưởng của Thánh Gioan Thánh Giá. Trong thời gian này, ngài thực tập công việc mục vụ trong các cộng đoàn BaLan di dân sinh sống tại các nước Pháp, Bỉ, và Hòa Lan.

Vào năm 1948 ngài trở về Balan và làm cha sở của nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận Cracow, và làm tuyên uý cho các sinh viên cho tới năm 1951, trong thời gian này, ngài tiếp tục nghiên cứu về Triết học và Thần Học. Và vào năm 1953, ngài trình luận án tiến sĩ về đề tài "Giá trị và sự khả thể để tìm hiểu về nền luân lý đạo đức công giáo và hệ thống luân lý đạo đức của Max Scheler" tại trường Ðại Học Công Giáo Lublin Catholic University. Sau đó ngài trở thành Giáo Sư Thần Học Luân Lý và Ðạo Ðức Xã Hội của Ðại Chủng Viện Cracow và của Phân Khoa Thần Học của Trường Ðại Học Lublin.

Vào ngày 4 tháng 7 năm 1958, ngài được ÐTC Piô XII bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Cracow, và được tấn phong Giám Mục vào ngày 28 tháng 9 năm 1958 tại Nhà Thờ Chánh Tòa Cracow bởi Ðức Tổng Giám Mục Baziak.

Vào ngày 13 tháng Giêng năm 1964, ngài được ÐTC  Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tổng Giám Phận Cracow, và sau đó, được thăng tước Hồng Y vào ngày 26 tháng 6 năm 1967 (cũng bởi ÐTC Phaolô VI).

Ngoài việc tham dự Ðại Hội Nghị Công Ðồng Vatican II với những công việc soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng, Ðức Hồng Y Karol Wojtyla cũng tham gia những Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Từ ngày kế nghiệp Ngai Tòa Thánh Phêrô vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, Ðức Gioan Phaolô II đã hoàn thành 104 cuộc viếng thăm ngoài Italia và 142 cuộc viếng thăm trong Italia. Với tư cách là Giám Mục Roma, ngài đã đi thăm mục vụ 301 địa điểm trong số 334 giáo xứ trong giáo phận Roma.

Các Giáo Huấn của ngài, kể cả 14 Thông Ðiệp, 13  Tông Huấn, 11 Tông hiến  và 42 Tông Thư. ÐTC Gioan Phaolô II cũng đã xuất bản 6 cuốn sách: "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng" (Crossing the Threshold of Hope - tháng 10 năm 1994); "Hồng Ân và Mầu Nhiệm: Kỷ niệm Kim Khánh 50 năm Linh Mục của Tôi" (Gift and Mystery: On the 50th Anniversary of My Priestly Ordination - tháng 11 năm 1996); và tập thơ Suy Niệm "Roman Tryptych - Meditations" (tháng 3 năm 2003). Hai tập sách mới nhất là cuốn: "Hãy Chổi Dậy, Nào Chúng Ta Cùng Ði" (2004)  về kinh nghiệm mục vụ đời giám mục, và cuốn  "Ký Ức Và Căn Tính" mới được giới thiệu cho giới báo chí tại Roma, tháng 2 năm 2005.

Trong suốt triều giáo hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã chủ sự 138 lần Phong Chân Phước (cho 1,310 vị Chân Phước) và 48 lần Phong Thánh (cho 469 vị Hiển Thánh). Ngài đã 18 lần cử hành Công Nghị Hồng Y, để thăng tước Hồng Y cho 201 vị, và 6 lần triệu tập Công Nghị Hồng Y cho những vấn đề đặc biệt.

Từ năm 1978, Ðức Gioan Phaolô II đã triệu tập 18 khóa Thượng Hội Ðồng Giám Mục; 9 khóa Thông Thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1994, 2001), không kể khóa đã được loan báo cho tháng 10 sắp đến về Bí Tích Thánh Thể; 1 khóa ngoại thường (1985) và 8 khóa đặc biệt (1980, 1991, 1994, 1995, 1997, 1998 (2 lần), và 1999).

Ðiều đáng chú ý, là chưa có vị giáo hoàng nào vượt kỷ lục như Ðức Gioan Phaolô II về việc tiếp kiến các khách hành hương: hơn 16,700,000 khách hành hương đã được ngài tiếp kiến chung vào các ngày Thứ Tư hằng tuần (hơn 1,000 lần). Con số này chưa kể đến những khách hành hương tham dự các lễ nghi do ngài cử hành (thí dụ, chỉ riêng cho Năm Thánh 2000, đã có hơn 8 triệu khách hành hương tham dự) và hàng triệu tín hữu tham dự trong các lễ nghi của các cuộc viếng thăm mục vụ trong Italia và khắp thế giới. Cũng còn cần phải kể đến vô số những cuộc tiếp kiến các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong các cuộc viếng thăm chính thức của ngài và trong 690 cuộc tiếp kiến những vị thủ lãnh của các quốc gia, và 226 vị thủ tướng của các nước đến viếng thăm ngài tại Roma.

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page