Bài giảng của

cha Tổng Phục Vụ Dòng Phan Sinh

trong Thánh Lễ

cầu nguyện cho Ðức Gioan Phaolô II

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bài giảng của cha Tổng Phục Vụ Dòng Phan Sinh trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Ðức Gioan Phaolô II.

Trung ương Dòng ngày 13 tháng 4 năm 2005

Tu sĩ José Rodriguez Carballo, ofm

Tổng Phục vụ,

Anh chị em thân mến,

Xin Chúa ban bình an cho anh chị em!

Một lần nữa, chúng ta lại quy tụ chung quanh bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Cùng với cuộc tưởng niệm này, chúng ta thương tiếc nhớ đến Ðức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II yêu dấu của chúng ta. Chúng ta tin chắc rằng, vì Ngài đã cùng chịu đau khổ với Ðức Kitô và đã cùng chết với Ðức Kitô, nên Ngài cũng đã được liên kết với sự Phục sinh của Ðức Kitô.

Trong suốt những ngày này, chúng ta sống trong những cảm xúc mãnh liệt: nỗi đau đớn khủng khiếp của Ðức Giáo hoàng; tình cảm mà biết bao người trên thế giới dành cho Ngài: người trẻ, người cao niên, người mạnh khỏe và bệnh nhân; lời cầu nguyện liên lỉ cho Ngài, ngay cả của những người không hiệp thông trong cùng một đức tin với chúng ta; lòng kính trọng của những nhân vật lớn trên trái đất dành cho một vị Giáo hoàng già yếu, bệnh tật và như nhận định của một số người, bảo thủ về phương diện giáo thuyết.

Tôi thường tự hỏi đâu là nguyên nhân của những tình cảm này. Cá nhân tôi, tôi chỉ thấy một câu trả lời: vì Ngài là một con người của Thiên Chúa. Phải, Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II là một con người say mê Thiên Chúa, si mê Ðức Kitô. Và sự say mê, phải lòng này đã khiến Ngài say mê những người nam nữ, những người được Ngài bảo vệ bằng một sự tự do đáng kinh ngạc từ khi Ngài lên ngôi Giáo hoàng cho tới lúc qua đời. Chính sự tự do này cho phép Ngài kịch liệt lên án chiến tranh trong mọi trường hợp; lên án mafia tại chính quê hương của nó; lên án khủng bố và bạo lực bất kể xuất phát từ nơi nào; bảo vệ sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết, và bảo những người bị tước đoạt nhân quyền. Chính sự tự do này, hoa quả của tình yêu đối với Ðấng là Chân lý - "chân lý sẽ giải phóng anh em" -, đã biến Ngài trở thành người rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất, theo sự ủy nhiệm mà Ðức Giêsu ký thác cho chúng ta.

Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là một tôn sư lỗi lạc và đã để lại cho chúng ta một huấn quyền, mà chúng ta sẽ mất nhiều năm trời để nghiên cứu sự phóng phú đa dạng của nó: 14 thông điệp, 15 tông huấn, 11 tông hiến, 45 tông thư, cũng như nhiều bài giáo lý trình bày trong các cuộc tiếp kiến chung và các bài diễn văn mà Ngài đã đọc khắp mọi nơi trên thế giới trong hơn 100 cuộc tông du. Nhưng lời giáo huấn đầy thẩm quyền, sâu sắc và sinh hoa kết quả dồi dào hơn cả chính là lời giáo huấn của Ngài trong những ngày cuối đời. Một Giáo hoàng già yếu và bệnh tật, được mọi người theo dõi, nhất là giới trẻ; một Giáo hoàng câm lặng, không còn nói được, "đã nói" với mọi người bằng sự im lặng và khổ đau của mình, điều đó xác nhận những lời của Ngài là chân thật. Từ trên chiếc ghế của khổ đau, Ngài là một vị tôn sư lỗi lạc và vì thế, người ta có lý khi tôn xưng Ngài là Gioan-Phaolô cả. Thêm vào đó, Ngài còn để lại cho chúng ta một chứng tá tuyệt vời về lòng đạo đức, đời sống thánh thiện và tình phụ tử phổ quát, vì lẽ đó Ngài được tung hô là "thánh" ngay sau khi Ngài đi về nhà Cha. Tuy nhiên, trên hết mọi sự, trong suốt cuộc đời, Ngài đã hiến thân cho Lời. Cũng như Phêrô, Ngài đã tuyên xưng tình yêu đối với Chúa Giêsu. Biết bao lần Ngài đã thưa với Chúa: "Thầy biết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy". Cũng như Phêrô, Ngài đã chấp nhận sứ vụ chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Chúa, và đã dấn thân không mệt mỏi thực hiện sứ vụ đó cho đến giây phút cuối cùng. Cũng như Phêrô, Ngài đã lắng nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Hãy theo Ta", và Ngài đã đi theo Ðức Giêsu khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, khi sống cũng như lúc chết. Bởi thế, Ngài "đã được Chúa đón nhận". Ngài đã biết cách đặt niềm hy vọng vào Vị Mục tử nhân lành, như được biểu lộ rõ ràng trong di chúc để lại cho chúng ta, và vì thế, cây gậy và quyền lực của Vị Mục tử nhân lành bảo vệ Ngài. Ngài luôn luôn phó thác bản thân cho lòng thương xót của Thiên Chúa và vì thế, Ngài đã hoàn tất cuộc đời bằng cách "làm sự lành cho mọi người", "bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài ".

Ðồng lòng với ước nguyện của Ðức Gioan-Phaolô II bày tỏ trong Di chúc, chúng ta khẩn cầu cùng Chúa Cha giàu lòng thương xót, "để Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn mãi rạng rỡ trên sự yếu hèn và bất xứng của Ngài", và chúng ta muốn dâng lên Ðức thánh Cha lời cảm tạ tri ân. Tôi hành động như thế nhân danh toàn thể Anh em Hèn mọn trên khắp thế giới, tôi hành động như thế nhân danh Gia đình Phan sinh và cách riêng, nhân danh tất cả những người quy tụ tại đây chiều hôm nay. Cảm ơn Ðức thánh Cha vì chứng từ đức tin của Cha, cám ơn cha vì lòng can đảm có tính ngôn sứ của cha trong việc loan báo Tin mừng và lên án tất cả những gì trái nghịch với Tin mừng; cám ơn cha vì cha đã không chấp nhận "bước xuống khỏi cây thập giá", khi biết bao người kêu gào: hãy xuống đi, hãy xuống đi! Cám ơn cha đã yêu thương chúng con là con cái cha; cám ơn cha vì trước khi rời xa chúng con, cha đã nghĩ đến chúng con và trao phó chúng con trong tay Mẹ của Thầy chúng con. Cám ơn Ðức Thánh Cha! Xin cha bầu cử cho chúng con, để khi chúng con tuân theo lời mời gọi và gương sáng của cha, chúng con có thể mở rộng các cánh cửa đời sống chúng con cho Ðức Kitô và luôn luôn bước theo Người khi mạnh khỏe cũng như khi ốm đau, khi sống cũng như khi chết. Vâng, kính lạy Ðức thánh Cha, xin cha cầu bầu cho chúng con, để chúng con bây giờ và mãi có thể thưa như cha: "Totus Tuus".

 

Lm. Phan Du Sinh, OFM

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page