ÐTC Gioan Phaolô II

và những biến cố tại Ðông Âu và Liên Sô

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

ÐTC Gioan Phaolô II và những biến cố tại Ðông Âu và Liên Sô.

(Radio Veritas Asia - 07/04/2005) - ÐTC Gioan Phaolô II và những biến cố tại Ðông Âu và Liên Sô hồi cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, đây là đề tài mà chúng tôi xin được ôn lại khi tiếc thương và cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng này mới qua đời vào ngày 2/04/2005.

ÐTC Gioan Phaolô II đã dành năm kỷ niệm 25 năm triều đại Giáo Hoàng của ngài để kêu gọi thế giới gia tăng cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi. Sự kiện này hẳn phải có một ý nghĩa đặc biệt. Ai cũng biết rằng vị Giáo Hoàng này có một lòng tôn kính và yêu mến Ðức Mẹ một cách đặc biệt. Khẩu hiệu "Totus Tuus" (Tất Cả Cho Mẹ) mà ngài đã chọn cho triều đại Giáo Hoàng của ngài, đã nói lên tình yêu mến, ngài dành cho Mẹ Thiên Chúa. Ðức Gioan Phaolô II luôn tin tưởng nơi sự can thiệp của Ðức Mẹ vào các biến cố của lịch sử nhân loại. Một cách đặc biệt, ngài tin rằng sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản tại Ðông Âu và Liên Sô là một ứng nghiệm của lời tiên báo của Ðức Mẹ tại Fatima hồi năm 1917. Hiện nay các nhà Sô Viết học vẫn còn bất đồng về những nguyên nhân tại sao chế độ Cộng Sản đã sụp đổ ngay tại chiếc nôi khai sinh của chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng điều vẫn khiến cho các nhà phân tách và các sử gia bức tóc bù đầu là tốc độ của những diễn biến xảy ra tại Ðông Âu và Liên Sô. Trong chuyến viếng thăm Liên Sô hồi năm 1988, cố tổng thống Pháp Francois Mitterant đã hỏi Tổng Bí Thư Mikhai Gorbachev "bao giờ thì hai nước Ðức mới thống nhất?" Tổng Bí Thư Gorbachev trả lời rằng "Chỉ nên nêu lên câu hỏi ấy một thế kỷ sau". Nhà lãnh đạo của Liên Sô có ý nói rằng chế độ Cộng Sản vẫn mãi tồn tại và việc thống nhất hai miền của nước Ðức sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Thế nhưng không đầy một năm sau, bức tường ô nhục Berlin đã bị đạp đổ.

Vào khoảng cuối năm 1989, đảng Cộng Sản mất quyền cai trị và khả năng kiểm soát các phương tiện truyền thông. Sau đó, tất cả các chế độ Cộng Sản tại Ðông Âu lần lượt sụp đổ. Ðầu năm 1990, các Cọng Hòa trong Liên Bang Sô Viết lần lượt dành được độc lập. Năm 1991, Ðảng Cộng Sản Nga cũng mất độc quyền cai trị, và tháng 8 năm đó quân đội đã thất bại trong cuộc đảo chánh để ủng hộ những thành phần cứng rắn trong đảng Cộng Sản Nga. Tất cả mọi cơ cấu tổ chức của đảng đều tan rã. Siêu cường Cộng Sản vốn sử dụng guồng máy nhà nước như một khí cụ để thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới và nhuộm đỏ thế giới bằng chủ nghĩa vô thần, hoàn toàn tan rã.

Kể từ khi vết rạn nứt đầu tiên đã được nhìn thấy trong guồng máy cai trị của chế độ Cộng Sản tại Ba Lan, không ai có thể chối cải được vai trò của ÐTC Gioan Phaolô II trong quá trình ấy. Bởi vì nếu không có vị Giáo Hoàng người Ba Lan này thì Giáo Hội tại Ba Lan và Công Ðoàn Ðoàn Kết cũng như các phong trào khác sẽ thiếu sự tập trung, lòng tin tưởng, cũng như sự hỗ trợ quốc tế cần thiết cho hoạt động của họ. Tuy nhiên, đối với chính Ðức Thánh Cha, những yếu tố làm thay đổi cục diện không chỉ có tính chính trị hay tuyên truyền. Với vị Giáo Hoàng này thì đây là một cuộc chiến cho chân lý của con người, và như thế cũng là cuộc chiến vì Thiên Chúa. Không thể loại bỏ sự quan phòng của Thiên Chúa ra khỏi diễn tiến của sự việc. Dĩ nhiên không ai có thể chứng minh được hoạt động của Chúa quan phòng trong giòng lịch sử của nhân loại. Thánh Tôma tiến sĩ chẳng hạn, luôn khẳng định rằng hoạt động của Chúa quan phòng là điều không thể chứng minh được. Thế giới lệ thuộc vào Thiên Chúa, nhưng sự lệ thuộc ấy diễn ra như thế nào thì lý trí con người không thể thấy được. Tuy nhiên, có những dấu chỉ cho thấy rằng, Thiên Chúa quan phòng luôn có mặt trong lịch sử nhân loại, và Kinh Thánh luôn báo trước sự can thiệp nhiệm mầu ấy của Thiên Chúa. Chẳng hạn nhiều người tin rằng những biến cố diễn ra tại Liên Sô và Ðông Âu dưới triều đại của vị Giáo Hoàng này, một cách nào đó, đã được tiên báo trong những trang đầu tiên của Sách Sáng Thế Ký và Sách Khải Huyền của thánh Gioan. Sự kiện một người sống dưới chế độ Cộng Sản được bầu làm Giáo Hoàng. Sự kiện ngài bị Ali Agca mưu sát mà vẫn thoát khỏi nanh vuốt của tử thần. Sự Kiện sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản diễn ra trùng với những ngày lễ kính Ðức Mẹ là điều đáng suy nghĩ. Sự kiện ba trẻ em mục đồng non dại không có chút hiểu biết gì về chính trị, xã hội và ý thức hệ bỗng quảng bá sứ điệp hãy ăn năn sám hối và cầu nguyện cho nước Nga trở lại bằng không nó sẽ gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới. Ðây quả là một sự kiện đáng suy nghĩ.

Trong tác phẩm "Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng", khi nhận định về sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản tại Ðông Âu và Liên Sô, ÐTC Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng nếu chủ nghĩa Cộng Sản có sụp đổ là do chính sự yếu kém nội tại của nó. Ngày nay, chính các nhà Sô Viết học cũng đồng ý rằng chủ trương tái cấu trúc và cỡi mở mà chủ tịch Gorbachev đã đề ra để cứu nguy chủ nghĩa Cộng Sản, thực ra chỉ tạo thêm nhiều mâu thuẩn cho một chế độ vốn đã yếu kém về việc quản trị kinh tế và chính sách cai trị, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ Cộng Sản. Tuy nhiên, ngoài cái nhìn chính trị, kinh tế, xã hội, và nhân bản trên đây, Ðức Thánh Cha còn tin một cách chắc chắn rằng chính do sự can thiệp của Ðức Mẹ mà các chế độ Cộng Sản đã sụp đổ. Nếu không tin tưởng diều đó, thật khó mà giải thích được lời hứa của Ðức Mẹ cho ba trẻ em mục đồng tại Fatima hồi năm 1917, trước khi cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga xảy ra. Niềm xác tín của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng được rất nhiều vị lãnh đạo của các giáo hội thầm lặng tại Ðông Âu chia sẻ. Xét về mặt văn hóa, nước Nga vốn là một xã hội nông nghiệp xây dựng trên niềm tin tôn giáo, chưa bao giờ là một mãnh đất thuận tiện cho chủ nghĩa Marxist Lêninist. Nhưng người có niềm tin có thể giải thích một cách khác. Nước Nga theo truyền thống được mệnh danh là Nhà Của Mẹ Maria. Mẹ sẽ không bao giờ vĩnh viễn rời khỏi ngôi nhà của Mẹ. Có hai bức tượng vẫn mãi mãi là biểu trưng của sự chiến thắng của Trái Tim Mẹ. Một là tượng Ðức Mẹ tại trung tâm Thánh Mẫu Fatima, ÐTC Gioan Phaolô II đã cho gắn vào triều thiên trên đầu Ðức Mẹ viên đạn đã đi xuyên qua con người của ngài ngày 13 tháng 5 năm 1981. Với cử chỉ này, Ðức Gioan Phaolô II muốn ghi nhớ rằng chính Ðức Mẹ Fatima đã can thiệp để cứu sống ngài. Một bức tượng Fatima khác đã được ÐTC cho đặt tại một ngôi nhà bằng gỗ trong một khu rừng tại Ba Lan hướng về biên giới Nga. Bức tượng này đã có mặt tại đây đúng một năm trước khi chủ tịch Bresnev của Liên Sô qua đời. Năm 1942, khi nói về nước Nga, Ðức cố Giáo Hoàng Piô XII đã ghi nhận rằng không có một gia đình Chính Thống nào mà không có một bức ảnh Ðức Mẹ, dù cho ngày nay có được cất dấu là cũng để mai sau sẽ được chưng bày.

Chúng tôi xin tạm ngưng mục Thánh Mẫu Lavang tuần này tại đây, xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

Kính chào quý vị và các bạn.

 

(Mai Hương) 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page