Vị Cha Chung Bênêđictô XVI
Hiền Lành và Khiêm Nhượng
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Vị Cha Chung Bênêđictô XVI: Hiền Lành và Khiêm Nhượng.
BORSUM - Ðức quốc, ngày 03.5.2005 - Tôi không ngờ một vị Hồng Y người Ðức mà được đa số 2/3 của 114 vị Hồng Y khác tín nhiệm bầu làm Giáo Hoàng thứ 265 của Hội Thánh Công Giáo. Nước Ðức là một quốc gia ít được lòng mến chuộng từ các dân tộc khác vì nước này đã gây ra và để lại cho lịch sử thế giới biết bao nhiêu thương đau về chiến tranh thứ nhất (1917) và thứ hai (1945), nhất là tội ác diệt chủng 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung khủng khiếp bằng hơi ngạt và lò thiêu xác. Trong thời gian đen tối này đã gây nên bao nhiêu đau buồn tang tóc cho chính người Ðức và các quốc gia láng giềng. Với niềm vui và lẫn tủi hổ người Ðức kỷ niệm 60 năm được chấm dứt chiến tranh do quân đội đồng minh đổ bộ giải thoát họ khỏi chủ nghĩa Ðức quốc xã vào ngày 9 tháng 5 năm 1945. Những hậu quả đó vẫn con lưu truyền dai dẳng cho đến ngày nay. Rồi họ lại còn chịu cảnh chia đôi đất nước trong 45 năm trời cho đến ngày thống nhất đất nước 03.10.1990: Ðông theo chủ nghĩa cộng sản và Tây theo khối dân chủ tự do. Về tôn giáo tại Ðức cũng là nơi nổi dậy phong trào thệ phản tin lành vào thế kỷ thứ XV đã làm cho người Kitô Hữu phải đau thương chia phương rẽ hướng theo Tin Lành và Công Giáo.
Qua biến cố bầu Giáo Hoàng người Ðức vào ngày 19.4.2005 đang làm cho dân tộc này hãnh diện ngẩng đầu lên và không còn mặc cảm đối với thế giới. Ðức Giáo Hoàng người Ðức là một biểu tượng quan trọng nói lên điều: cộng đồng thế giới công nhận họ và đã xóa đi quá khứ đau thương của họ. Một nhà thần học tại Rôma đã phát biểu: "Từ thời Martin Luther (1483 - 1546) đến nay người Ðức không còn ai gây nên ấn tượng lớn lao về thần học như một người CON của tiểu bang Bayern." Hơn thế nữa có nhà bình luận tại Tòa Thánh lại nói thêm: "Hồng Y Joseph Ratzinger là bộ não của Vatican." Ðiều chắc chắn trong thời đại này tại nước Ðức không có một ai nổi bật về tư tưởng triết lý và thần học như Hồng Y Joseph Ratzinger. Ngạc nhiên đúng với cách nói dân gian "bụt nhà không thiêng" vì các nhà chỉ trích Ngài phần đông đều là người Ðức. Cách đây 10 năm có sự tranh chấp gay gắt giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Ðức về các văn phòng tư vấn gia đình của Giáo Hội Ðức (do tiền trợ cấp của chính phủ) được cấp giấy chứng nhận cho các phụ nữ mang thai, với giấy chứng nhận này họ có quyền phá thai mà không bị truy tố ra tòa về tội giết thai nhi. Ðiều quyết định của Toà Thánh lúc bấy giờ cũng là sự quyết định của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger bắt buộc đóng cửa các cơ quan tư vấn gia đình của Giáo Hội Ðức không được gián tiếp giết thai nhi dưới 10 tuần lễ. Chính vì lập trường bảo vệ giáo lý đức tin, luân lý rõ ràng không thỏa thuận với tội ác mà nhiều người Ðức và cả khối Tin Lành gán cho Ngài là bảo thủ, là "quân canh" của Giáo Hoàng.
Lúc
24 tuổi cha Joseph Ratzinger chịu chức linh mục. Năm 30 tuổi trở
thành giáo sư thần học thực thụ, cho đến nay Ngài vẫn là
vị giáo sư trẻ nhất của nước Ðức. Ngài đam mê nghiên
cứu thần học và về nhiều lãnh vực khoa học nghệ thuật.
Tư tưởng của Ngài đã để lại nhiều dấu vết tại các
đại học Ðức ở Freising, Bonn, Munster, Tubingen, Regensburg... Sự
uyên bác của ngài đã vượt khỏi không gian đến tận Công
Ðông Vaticanô II, để trở thành chuyên gia thần học cho Công
Ðồng. Ðọc lại tiểu sử của Ngài cho thấy nhiều đại học
đánh giá cao và trao cho Ngài bằng tiễn sĩ danh dự (7 bằng
tiến sĩ). Các tác phẩm lớn với hơn 40 cuốn sách giá trị,
mặc dù có sách đã viết từ 1968 vẫn trở thành sách gối
đầu giường cho sinh viên thần học ngày nay. Có sách đã
được dịch thuật qua 17 thứ tiếng khác nhau. Ngài còn là
thành viên của nhiều viện khoa học lớn trên thế giới.
Ngoài đời cũng trao tặng cho Ngài nhiều giải thưởng và huy
chương danh dự quốc gia. Ngài cũng là một người nghệ
thuật chơi đàn Piano giỏi, đặc biệt thích nhạc của thần
đồng Mozart. Bộ óc thông minh của ngài đã dồn được 10
ngôn ngữ khác nhau vào trong đó và sử dụng được thuần
thục.
Ðức ông Georg Ratzinger, người anh ruột của ÐTC Benedictô XVI. |
Ngài được nuôi dưỡng trong một gia đình đạo hạnh và được hướng dẫn về đạo lẫn đời và về văn hóa. Cha mẹ chỉ có 3 người con gồm 2 trai 1 gái, nhưng cả hai người con trai đều dâng mình cho Thiên Chúa. Vào ngày 29.6.1951 hai anh em Georg và Joseph Ratzinger cùng được chịu chức linh mục chung tại nhà thờ chính tòa Freising. Người anh ruột tên Georg Ratzinger còn đang sống, được phong chức Ðức Ông và là giáo sư về Thánh Nhạc tại Regensburg. Mấy ngày trước bầu cử Giáo Hoàng được phỏng vấn, người anh ruột trả lời là không muốn em mình làm Giáo Hoàng vì đã lớn tuổi, tuổi này cần được nghỉ ngơi.
Tại Roma người ta luôn nhìn thấy Hồng Y Joseph Ratzinger hằng ngày cắp cặp táp màu đen, mặc áo chùng thâm, đầu đội nón nỉ màu đen và nhẹ nhàng thả bộ từ chỗ ở (Piazza della Citta Leonina) băng ngang qua công trường Thánh Phêrô tiến vào thành Vatican đến nơi làm việc. Ðã 24 năm Ngài đi bộ như vậy, không người thư ký đi kèm, không người bảo vệ, nhìn qua hình ảnh này thì thấy Ngài thực sự khiêm nhượng như một người bình thường trong chúng ta.
Thông thường, ai có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với Ngài thì sẽ nhận ra rằng Ngài là một người rất khiêm tốn, lắng nghe, hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ và dịu dàng. Khi tiếp chuyện người ta không thể ngờ được Ngài là một người cầm cân nẩy mực của Tòa Thánh trong một phần tư thế kỷ. Hơn thế nữa Ngài còn là một thần học gia chuyên tâm cầu nguyện rất sốt sắng. Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger nguyên là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, và là vị tổng trưởng lâu dài nhất trong triều đại Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bao gồm 24 năm, trong thời này đã xảy ra 6 vụ về các nhà thần học lạc giáo mà trong đó đã có 4 người Ðức (như Hans Kung, Drewermann...) và Ngài đã cắt chức giáo sư của các vị này. Trong những năm vừa qua nói chung nền Thần Học Công Giáo được yên ổn. Ngài chính là cánh tay mặt của Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về tư tưởng, triết lý cũng như thần học. Có thể nói mọi việc liên quan với Giáo Hội Hoàn Vũ đều có ý kiến đóng góp của Ngài. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Ngài đã xin từ chức đến lần thứ 3 mà Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn chưa chịu cho Ngài nghỉ hưu. Tại Ðức người ta đặt danh hiệu cho Ngài là "Cỗ Xe Tăng của Giáo Hội."
Là
người uyên bác và sẵn sàng tranh luận tư tưởng, mà mỗi
khi như vậy thì hầu như Ngài không có đối thủ ngang tầm
vóc. Tuy vậy dưới cái nhìn của nhóm chống đối lạc đạo,
phần đông là người Ðức vì đã bị pha trộn giữa Tin
Lành và Công Giáo lại được hỗ trợ bởi giới truyền
thông lá cải, thì Ngài thường được xem như là một "quân
canh", lạnh lùng, cứng rắn, bảo thủ sẵn sàng giáng vạ
tuyệt thông xuống cho những thần học gia bướng bỉnh đi
chệch đường lối Giáo Hội, hay là nhẹ hơn cho họ thời gian
hối lỗi. Nhóm người Ðức chống đối này chỉ là một con
số rất nhỏ, không có ảnh hưởng gì đến Giáo Hội Ðức,
lâu lâu có dịp thì mới phóng loa ra (như trong những ngày
vừa qua). Ðể ý nhìn vẻ mặt của họ như là những người
bệnh hoạn, bất bình thường. Ðiều ngạc nhiên hơn nữa là
những vị mục sư tin lành cũng tham gia vào sự chống đối
này - mà đối với họ chẳng liên quan gì đến giáo lý
Công Giáo chúng ta, ngay cả một nữ giám mục của họ cũng
trỏ mồm trong truyền hình bình phẩm. Vị nữ giám mục này
mở tiếng chỉ trích thái quá và rất nhiều lần trong tuần khi
Hồng Y Ðoàn bầu Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger lên ngôi Giáo Hoàng, đến
nỗi người phỏng vấn đã nhẹ nhàng hỏi: "Hình như bà
đang ghen tị với Giáo Hội Công Giáo chăng?" thì bà ta ú
ớ không trả lời được. Ðiều trớ trêu là nhà thờ tin
lành của họ thì vắng bóng giáo dân đến đọc kinh thờ
phượng vào những ngày Chúa nhật, nếu có thì rất ít. Nội
bộ họ chẳng có gì tốt hơn, đắm chìm trong khủng hoảng và
nhiều mâu thuẫn với các mục sư đồng tình luyến ái sống
chung trong nhà xứ tin lành hoặc có những nữ mục sư ly dị
đến 3 đời chồng, thử hỏi làm sao họ đứng trên bục
giảng gương mẫu nói về tình yêu, sự trung thành và hạnh
phúc gia đình cho giáo dân được. Các văn phòng tư vấn gia
đình của Giáo Hội Tin Lành vẫn sẵn sàng cấp giấy chứng
nhận cho các phụ nữ mang thai để được phép phá thai mà
không bị truy tố ra tòa về tội giết thai nhi...
ÐHY Ratzinger với LM Tuấn ngày 21.1.2001. |
Tôi được may mắn học thần học tại Ðức và nghiên cứu vài tác phẩm của Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, hầu như các tư tưởng thần học phức tạp khó hiểu trong thần học nền tảng được Ngài dẫn dải bằng ngôn ngữ bình dị dễ hiểu và đi ngay vào vấn đề. Ngài diễn tả tư tưởng rất rõ ràng và chính thống. Nghe những bài giảng trong những lần vừa qua (ngày 08.4. và 18.4.2005) thì chúng ta càng hiểu rõ Ngài muốn gì và nhận ra đường hướng của Ngài một cách mạch lạc. Ngài nhắc nhở chúng ta như những con thuyền lạc lõng trong sóng gió biển khơi được đánh bóng bằng mỹ từ "tự do và cá nhân chủ nghĩa." Tôi ghi nhớ đoạn văn này trong bài giảng cho tuần khai mạc Mật Viện Hồng Y bầu Giáo Hoàng, hôm 18.4.2005: "Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên vừa qua... Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác-xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy tâm huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa hỗn tạp, v.v... Nhiều giáo phái mới được sinh ra mỗi ngày và thường xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nhắc về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (x. Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình "bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý" dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất..."
Có lẽ qua những bài giảng hùng hồn và tỏ rõ tư tưởng đó, chính Ngài vô tình hay hữu ý đã đạt được lòng mọi người và có một ảnh hưởng sâu rộng trong số các vị Hồng Y cử tri trong cuộc bầu Giáo Hoàng vừa qua. Vậy đây là cuộc bầu cử rất ngắn của 115 Hồng Y hiện diện và cũng nói lên sự "đồng tâm nhất trí" của các Hồng Y dành cho Hồng Y Joseph Ratzinger, cuộc bầu cử chỉ kéo dài trong 26 tiếng đồng hồ và trong vòng bầu thứ tư của ngày bầu thứ hai. Theo giới báo chí phỏng đoán Ngài đã chiếm được khoảng 90% lá phiếu của 115 Hồng Y, nghĩa là khoảng 100 người đã tin tưởng chọn Ngài. Một con số mơ ước cho kết quả bầu cử của những nhà chính trị trên thế giới.
Tôi vui mừng hạnh phúc chứng kiến Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giang tay chúc lành "Urbi et Orbi" cho thành Roma và thế giới vào chiều ngày 19.4.2005, tôi nhìn thấy trong Ngài là người xứng đáng kế vị Thánh Phêrô và tiếp tục đi theo đường hướng của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi hạnh phúc đã được nói chuyện riêng với Ngài vào dịp lễ phong chức Hồng Y của Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Thuận (ngày 21.2.2001). Và tôi càng tự hào hơn khi nghe được điều khen ngợi của Ngài nói với tôi dành cho Ðức Cố Hồng Y Phanxicô Thuận: "Er ist ein grober Mann in der Kirche" (Ðức Hồng Y Phanxicô Thuận là một vĩ nhân trong Giáo Hội). Tôi còn được nghe Ngài khoe: "Những bài giảng cấm phòng của Ðức Hồng Y Thuận cho ÐGH (vào Năm Thánh 2000) rất hay và nước Ðức đang cần đến những tư tưởng đạo đức này." Chính Ngài lại nói thêm: "Cha đang lo thúc đẩy người nữ thư ký riêng của Cha dịch sách tĩnh tâm này từ tiếng Ý (Testimoni della Speranza) sang tiếng Ðức cho người Ðức." Sách tiếng Ðức "Hoffnung, die uns tragt" (Chứng Nhân Hy Vọng) đã trở thành sách tâm linh được ưa thích tại Ðức. Khi hồi tưởng đến những điều này tôi lại nhớ đến và gần gũi Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhiều hơn, vì đa đoan nhiều công việc tại giáo triều Roma, mà Ngài vẫn còn làm được những việc yêu thương vĩ đại như thế cho Ðức Hồng Y Phanxicô Thuận và cho danh tiếng người Việt chúng ta.
Là linh mục lo cho Mục Vụ Giới Trẻ Việt Nam tại Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005, tôi vui mừng hơn nữa khi Ngài để ý đến Giới Trẻ với câu nói đơn sơ lúc Ðức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Koln đến hôn nhẫn chúc mừng ngay sau cuộc bầu Giáo Hoàng tại nhà nguyện Sixtine: "Du, ich komme nach Koln." - Này Bạn ơi, tôi sẽ đến Koln (dịp Ðại Hội Giới Trẻ-2005). Ðấy là chương trình công du đầu tiên của Ngài chỉ quyết định sau vài phút làm Giáo Hoàng, như thế Giới Trẻ phải chiếm được một chỗ đặc biệt lắm trong trái tim của Ngài. Qua ngày hôm sau khi cử hành thánh lễ tạ ơn với Hồng Y Ðoàn Ngài lại gửi thêm thông điệp đến Giới Trẻ trong bài giảng bằng giọng ưu ái yêu thương như một người ông dịu dàng ôm hôn đứa cháu: "Cha đặc biệt nghĩ đến các bạn trẻ. Ðối với các con, những người bạn đặc biệt của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha gởi cái hôn thân ái nhất của Cha đến cho các con, với hy vọng theo như ý Chúa sẽ được gặp gỡ các con tại Koln nhân ngày Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 sắp tới. Cùng với các con, những người bạn trẻ thân thương của Cha, Cha sẽ tiếp tục duy trì một cuộc đối thoại, lắng nghe những khát vọng của chúng con để nỗ lực giúp các con trở nên những chứng tá sống động hơn nữa trong cuộc sống và vẫn luôn trẻ mãi trong Chúa Kitô."
Trong ngày Chúa nhật, 24.4.2005 Khi Ngài cử hành long trọng thánh lễ đăng quang Giáo Hoàng, lúc ấy hàng trăm ngàn bạn trẻ hiện diện và hô to danh hiệu: Bê-nề-đết-tô (tiếng Ý nhái đúng theo âm điệu cũ, khi các bạn trẻ hoan hô chào mừng: Giovanni Paolo). Ngài cảm nhận được bầu khí của ngày này là Giáo Hội sống mạnh và rất Trẻ Trung, cũng như Giáo Hội đang mang trên vai trọng trách tương lai của thế giới, như vậy Giáo Hội sẽ hướng dẫn con đường tương lai cho từng người và cho giới trẻ chúng ta. Giới Trẻ được nêu cao trong ngày đăng quang Giáo Hoàng vì lần đầu tiên có đại diện giáo dân lên cầm tay Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô tuyên hứa sự trung thành với người Kế Vị Thánh Phêrô và hân hạnh có 2 thiếu niên đại diện cho Giới Trẻ. Không lạ gì khi Ngài vui sướng đọc được những hàng chữ lớn trên các biểu ngữ của các bạn trẻ Ðức: "Heiliger Vater, Wir lieben DICH" - Chúng con yêu mến Ðức Thánh Cha. Các bạn trẻ Ý cũng biểu lộ sâu đậm bằng hàng chữ phất phới trước gió: "Siamo con TE - Papa Benedetto" - Chúng con đồng hành với Ðức Thánh Cha.
Sáng thứ Hai, 25.4.2005 Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đón tiếp các phái đoàn nói tiếng Ðức khoảng trên 10,000 ngàn người Ðức tại đại thính đường Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Dịp này Ngài lại trực tiếp khen ngợi Giới Trẻ: "Cha biết một điều không đúng sự thật là Giới Trẻ chỉ muốn hưởng thụ, đua đòi chạy theo vật chất, nhưng sự thật là các con muốn tìm điều cao thượng hơn..."
Tôi thầm cảm tạ Thiên Chúa đã hướng dẫn Hồng Y Ðoàn để chọn được Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cho thời đại chúng ta. Thời đại đang tụt dốc trầm trọng về mọi phương diện tại các nước tân tiến. Cái nhìn tiên tri của Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô là phải trở về truyền thống nền tảng của Kitô giáo, từ đó mới xây dựng được xã hội và con người. Tôi cảm động đón nhận lời vàng ngọc khiêm tốn đầu tiên của Giáo Hoàng: "Sau Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các Hồng Y đã bầu tôi làm Giáo Hoàng. Tôi chỉ là người thợ tầm thường, khiêm nhu trong vườn nho của Thiên Chúa. Quan trọng là Thiên Chúa bù đắp cho những thiếu sót của tôi. Tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của Anh Chị Em. Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ bầu cử cho tất cả chúng ta."
Vâng, qua những ngày này từ vị bảo vệ (không nhường bước) vững chắc Ðức Tin Công Giáo trong 24 năm qua, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã trở nên vị Giáo Hoàng thương mến và khiêm nhường, lúc nào cũng nở nụ cười nhân ái trên môi. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đang trao tặng cho Giáo Hội vị Mục Tử hiền từ.
Chúng ta nhớ cầu nguyện cho Ðức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người Cha Chung khiêm nhượng và rất thương mến của mọi người chúng ta. Tôi thầm hát: "Này con là Ðá, trên viên Ðá này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên trung...", và "Ta hãy cầu xin cho Ðức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô..."
LM Phaolô Phạm Văn Tuấn