Phỏng Vấn ÐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon

về Tương Lai mối tương quan giữa Giáo Hội

và Nhà Cầm Quyền Cộng Sản tại Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phỏng Vấn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon, về Tương Lai mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Cầm Quyền Cộng Sản tại Việt Nam.

(UCA News 4/08/2004) - "Giáo hội Việt Nam có thể phục vụ xã hội trong các lĩnh vực giáo dục và xã hội, và thậm chí có thể truyền giáo trong một môi trường "tự do có kiểm soát,": đó là nhận định của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục thành phố Saigon.

  Ðức Hồng Y Mẫn, năm nay 70 tuổi, nói rằng trong một môi trường như tại Việt Nam, Giáo hội cần phải "kiên nhẫn" và phải tìm kiếm những điểm tương đồng với Nhà Nước trong các lĩnh vực mà Giáo hội có thể hoạt động để phát triển xã hội.

  Trong khi dự họp ở Bangkok, Ðức Hồng y Mẫn đã nói chuyện với hãng tin UCA hôm 4/08/2004, về việc ÐTC bổ nhiệm ngài làm hồng y, về tầm nhìn của ngài về tổng giáo phận, về phương pháp ngài thực hiện các sứ vụ của Giáo hội, và về các mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà Nước Việt Nam.

Kính mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc phỏng vấn nầy do hãng tin UCA thực hiện tại Bangkok. Và nhân dịp xin giới thiệu công việc phục vụ của UCA NEWS với quý vị và các bạn:

UCA NEWS: Thưa đức hồng y, ngài có đối thoại với Nhà Nước về việc ngài được bổ nhiệm làm hồng y không?

Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn: Tôi đi bước trước đến gặp gỡ các viên chức Nhà Nước để tìm hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi đã nghe những lời đồn về việc tôi được bổ nhiệm từ các linh mục của tôi và các đức giám mục khác.

  Tôi nói (với các viên chức đó) rằng tôi nhận được tin bổ nhiệm này giống như mọi người khác và không biết trước về điều này. Tôi còn nói "hồng y" là một tước hiệu, không phải là một trách nhiệm mới, không có gì thay đổi, ngoại trừ màu sắc của phẩm phục.

Tôi cũng nói với họ rằng tôi phải nhận tước vị đó. Thế rồi viên chức đó bảo tôi viết thư cho thủ tướng để ông công nhận tôi là hồng y. Lúc đó là ngày 1-10-2003, ba ngày sau việc bổ nhiệm. Tôi bay trở về Saigon vào ngày hôm đó, và ngày hôm sau tôi gặp mặt các nhà chức trách thành phố và họ đã chúc mừng tôi. Họ hỏi tôi về việc thuyên chuyển tôi ra Hà Nội. Lúc đó, tôi hiểu được Nhà Nước đã nghĩ rằng trở thành hồng y đồng nghĩa với việc tôi phải chuyển ra Hà Nội. Họ bảo tôi tuân theo bề trên (tức đức giáo hoàng) và chuyển ra Hà Nội. Tôi nói tôi phải tuân thủ những gì tôi có thể làm được, nhưng những gì tôi không thể làm được, thì tôi không thể làm.

  Một tuần sau đó, tôi đến Rôma để dự lễ và Ðức Hồng y Crescenzio Sepe (tổng trưởng Bộ Truyền giáo) nói với tôi rằng đức giáo hoàng vui mừng khi lập một tòa hồng y thứ hai ở Việt Nam.

Hỏi: Thưa Ðức hồng y, Với tư cách là hồng y, ngài có can đảm hơn để nói thẳng ý kiến của mình không?

Ðáp: Tôi không nghĩ là tôi sẽ dũng cảm hơn. Lâu nay tôi luôn nói những gì là thật và công bằng, kể cả trước khi trở thành hồng y. Tôi đã luôn luôn kêu gọi người Công giáo góp phần vào việc phát triển của quốc gia dựa trên sự thật, công lý và bác ái. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành hồng y, đã có nhiều người đến gặp tôi hơn, nhất là các nhà ngoại giao.

Hỏi: Ngài đánh giá như thế nào pháp lệnh tôn giáo mới, sẽ  có hiệu lực vào tháng 11 tới đây (năm 2004), thưa đức hồng y?

Ðáp: Pháp lệnh tôn giáo mới vẫn còn giữ cơ chế củ là "xin-cho" đối với mọi thứ. Kiểu hệ thống này thay đổi quyền tự do thành cho phép tự do. Tôi nói với Nhà Nước nhiều lần rằng khi các nhà ngoại giao nước ngoài hỏi tôi là tôi có đồng ý với họ là Việt Nam không có tự do không, tôi nói: "Không! Việt Nam không có "quyền" tự do, nhưng có tự do "trong sự cho phép". Ở đây chúng tôi có tự do, nhưng phải được phép, bị hạn chế và bị kiểm soát.

Tôi nói với Nhà Nước rằng cái tự do mà người dân muốn có là lớn bằng cái bàn. Nhưng cái tự do ở Saigon thì giống như một cái đĩa trên cái bàn này, và ở những nơi khác thì chỉ bằng cái tách. Ðó là một thực tế. Vì thế ---(thông qua pháp lệnh mới này) --- họ cố làm cho các thứ cởi mở hơn. Nhưng tôi vẫn nhận thấy có cùng một hệ thống. Chúng tôi phải đòi hỏi và chờ đợi để có tự do.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðiều này ảnh hưởng như thế nào đến người Công giáo và việc sống đức tin ở Việt Nam?

Ðáp: Người Công giáo với tư cách là cá nhân không gặp khó khăn nào trong việc đi nhà thờ và sống đạo của mình. Nhưng Nhà Nước không công nhận một tổ chức tôn giáo như là một cơ quan. Sống đức tin trong môi trường hiện nay là rất khó. Chẳng hạn, ở trường học, dù là trường tiểu học, trung học hay đại học, không phải tất cả, nhưng đa số học sinh có tính gian lận. Học sinh Công giáo suy nghĩ về đức tin của mình như thế nào trong môi trường này? Lại còn có quá nhiều tham nhũng trong công ty và cơ quan. Người Công giáo sống như thế nào trong môi trường này? Ðây là vấn đề lớn thách thức họ.

Hỏi: Sứ mệnh chính của Giáo hội là rao giảng Tin mừng. Việc này có thể thực hiện được trong một xạ hội chính thức theo thuyết vô thần không, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi nói với giáo dân rằng có quá nhiều khó khăn và tệ nạn xã hội trong xã hội. Họ và gia đình họ thôi cũng không thể vượt qua những khó khăn này. Họ nên đoàn kết lại (để truyền giáo). Hiện nay tôi đã thành lập một nhóm các bác sĩ y khoa với khoảng 100 thành viên; một nhóm nghệ sĩ Công giáo, gần 100; một nhóm doanh nhân Công giáo, vài trăm người; một nhóm giáo viên Công giáo, vài ngàn người. Tôi cũng sẽ tập họp những người Công giáo nằm trong số các viên chức Nhà Nước đã được trúng cử.

Tôi hỏi họ là làm người Công giáo trong môi trường hiện tại này như thế nào. Tôi bảo họ nên bảo vệ sự thật, công lý và bác ái trong công việc phát triển xã hội và đất nước. Họ có thể làm điều đó như thế nào? Ðó là nhiệm vụ họ phải khám phá. Ðây là truyền giáo.

Qua các dòng tu, tổng giáo phận đã thành lập các hội truyền giáo tại những vùng không có người Công giáo, thành lập các trường học cho người tàn tật, trường dạy nghề, và trường mẫu giáo. Chúng tôi còn có nhiều hoạt động "chui." Tôi nói cho các viên chức nhà Nhà Nước biết về công việc giúp đỡ những cô gái hành nghề mại dâm mà một số dòng tu đã thực hiện. Các tu sĩ tập hợp những người phụ nữ này lại, đưa họ về nhà, giúp những người mang thai sinh con, nuôi những đứa trẻ đó và tìm việc làm mới cho những phụ nữ này. Nhiều nhà dòng đã có một số ngôi nhà như thế và Nhà Nước biết họ. Một dòng tu thậm chí đã thuê một ngôi nhà của một viên công an.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Thách thức khó khăn nhất của ngài là gì, và ngài đương đầu với những thách thức đó ra sao?

Ðáp: Một lần tôi đã hỏi khoảng 10 nghị sĩ Hoa Kỳ, những người đến thăm tôi và hỏi tôi là họ có thể làm được điều gì để giúp tôi không, chỉ cho tôi cách thay đổi quan niệm, hay ý nghĩ của người dân. Và họ đã cười. Một nghị sĩ Công giáo nói với tôi rằng "ngài nên cầu nguyện chăm chỉ. Vì thế tôi đã yêu cầu họ cầu nguyện với tôi."

Ðể đối thoại ngài nên tìm ra những ý tưởng chung, và đồng thời ngài cũng phải thật kiên nhẫn.

Một khó khăn nữa là phát triển quốc gia. Thách thức hệ tại ở công việc giáo dục . Về phần tôi, tôi không thể xây bệnh viện hay trường học, nên tôi đã lập ra một nhóm thương gia Công giáo để thực hiện công việc như thế. Các sứ vụ của chúng tôi phải được thực hiện theo đức tin của chúng tôi để chỉ cho người Việt Nam thấy được Chúa yêu thương họ.

Hỏi: Liên Hội đồng Giám mục Á châu đang quan tâm về vấn đề gia đình. Những thách thức nào đối mặt với gia đình ở Việt Nam, thưa đức hồng y?

Ðáp: Sau khi Việt Nam mở cửa, cả điều tốt và điều xấu đều nhảy vào. Toàn cầu hóa tràn vào. Với toàn cầu hóa, các bạn có "văn hóa sự chết," một đe dọa cho gia đình. Nhiều bà mẹ đã viết thư xin tôi cầu nguyện cho gia đình họ, bởi vì con cái của họ đang dính líu đến các tệ nạn xã hội. Các bà mẹ khác viết thư cho tôi nói rằng con trai và con gái của họ đã bị đưa vào các trại giam nhiều năm rồi.

Ở Saigon, cách đây ba năm Nhà Nước đã có một danh sách 17,000 thanh niên nghiện ma túy. Nhà Nước đã đưa họ vào các trung tâm xã hội, nhưng các trung tâm này được quản lý giống như nhà tù. Hiện nay không phải là 17,000 nữa, nhưng là 32,000 thanh niên  trong 15 trung tâm. Trong số đó, có người Công giáo. Thành phố này hiện trông có vẻ là sạch sẽ.

Vì nhiều thanh niên tại các trung tâm này bị nhiễm HIV/AIDS, nên các trung tâm quyết định đưa họ vào một trại. Vì trại này không có người chăm sóc họ, nên Nhà Nước đã yêu cầu tôi phái các nữ tu đến chăm sóc họ. AIDS là một vấn đề lớn, và số bệnh nhân đã càng ngày càng tăng lên đến vài ngàn.

Tôi đã lập một ủy ban mục vụ cho người nhiễm HIV/AIDS, nhằm tổ chức một cuộc vận động chống AIDS và chăm sóc những người mắc căn bệnh này. Ủy ban này đã tổ chức huấn luyện cho các tu sĩ và giáo dân nhằm trang bị cho họ biết cách chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS trong thành phố. Cuộc vận động này nhằm hướng đến hơn 120,000 gia đình, hay khoảng 600,000 người Công giáo sinh sống trong 200 giáo xứ của tổng giáo phận. Chúng tôi cũng dự định làm các đĩa CD nói về cách chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS và cách ngăn chặn việc lây nhiễm HIV, sẽ được gởi đến cho khoảng 500 linh mục trong tổng giáo phận.

HIV/AIDS là một tệ nạn xã hội, không phải là tệ nạn duy nhất. Tôi kêu gọi các gia đình luôn tập trung cầu nguyện với nhau và tự bảo vệ mình khỏi sự đe dọa của nền văn hóa sự chết này.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Tại sao ngài đã mời rất nhiều hồng y sang Việt Nam?

Ðáp: Lý do sâu xa là sự hiệp thông của Giáo hội, nhất là ở châu Á. Lý do thứ hai là để mở rộng cửa hơn. Từ năm 1975 (sau khi hai miền Nam-Bắc Việt Nam thống nhất), không có vị giám mục nào, kể cả hồng y trong nước, có thể mời các giám mục nước ngoài đến ở qua đêm tại nơi ở của mình. Không có người nào! Vì thế trong năm 2002, tôi bắt đầu làm việc đó bằng cách mời Ðức Tổng Giám mục Paul Josef Cordes, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng "Ðồng Tâm" (Cor Unum)  sang thăm Việt Nam. Cuối năm ngoái (2003), tôi cũng mời các hồng y ở châu Á đến dự lễ tạ ơn hồng y của tôi. Trước đây tôi phải trình đơn thỉnh cầu. Nay tôi chỉ nói với họ rằng đây là những gì tôi dự tính làm.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng y, Ngài có vẻ như lạc quan về tương lai của Giáo hội ở Việt Nam. Có phải vậy không?

Ðáp: Ðúng vậy!

 

Vừa rồi là bài phỏng vấn phỏng vấn Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài Gòn, do hãng tin UCAN thưc hiện, khi Ðức Hồng Y đến Bangkok họp, đầu tháng 8 năm 2004. Xin Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng ghi lại theo bản tin của UCAN) 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page