ÐTC Gioan Phaolô II bày tỏ

niềm mong ước có được một nền hòa bình

và hòa giải cho Ðất Thánh

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

ÐTC Gioan Phaolô II bày tỏ niềm mong ước có được một nền hòa bình và hòa giải cho Ðất Thánh sau khi hay tin chủ tịch Yasser Arafat của Palestine qua đời.

Tin Vatican (Zenit 11/11/2004) - ÐTC Gioan Phaolô II bày tỏ niềm mong ước có được một nền hòa bình và hòa giải cho Ðất Thánh sau khi hay tin chủ tịch Yasser Arafat của Palestine qua đời.


Chủ tịch Yasser Aarafat (1929-2004) của Palestin, người đã từng được giải thưởng Nobel Hoà Bình, đã qua đời tại một bệnh viện ở Paris  vào ngày thứ Năm 11/11/2004. Trong hình: ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến Chủ Tịch Yasser Arafat trong một dịp ông viếng thăm Vatican.


Trong một điện văn chia buồn của Tòa Thánh ghi rằng "Vào giờ phút đau buồn về sự ra đi của Chủ Tịch Yasser Arafat, ÐTC Gioan Phaolô II đặc biệt hướng về gia đình của người quá cố, đến chính phủ và nhân dân Palestine, và tin tưởng phó thác linh hồn của người quá cố trong tay nhân từ của Thiên Chúa."

Ðiện văn chia buồn đã được Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay mặt ÐTC Gioan Phaolô II để gửi tới ông Rawhi Fatthu, chủ tịch quốc hội của Palestine.

Trong điện văn, Tòa Thánh nói rằng "nguyện xin Hoàng Tử của Hòa Bình là ngôi sao của sự hòa giải sẽ chiếu tỏa rạng ngời trên Ðất Thánh và cho hai dân tộc (Israel và Palestine) được sống hài hòa bên nhau như hai quốc gia độc lập.

Ngay sau khi tin buồn về sự qua đời của vị chủ tịch của Palestine được công bố, Phát Ngôn Viên của Tòa Thánh Vatican, tiến sĩ Navarro-Valls, cho ấn hành một bài văn tưởng niệm chủ tịch Arafat, đề cao ông như là một vị lãnh đạo đầy lòng bác ái, luôn yêu thương dân tộc của ông và kiên cường tranh đấu tìm kiếm một nền độc lập cho đất nước của ông.

Vị giám đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh phát biểu: "Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ tiếp nhận linh hồn ông và ban hòa bình cho Ðất Thánh, để cho hai quốc gia (Iarael và Palestine) được sống độc lập trong một nền hòa bình và hòa giải với nhau".

Trong suốt 26 năm triều Giáo Hoàng, ÐTC Gioan Phaolô II và Chủ Tịch Yasser Arafat đã gặp nhau 12 lần. Lần gắp gỡ đầu tiên là vào tháng 9 năm 1982, và lần cuối cùng là vào tháng 10 năm 2001. Vị chủ tịch của Palestine và ÐTC cũng đã có một buổi gặp gỡ tại Bethlem trong dịp ÐTC hành hương Ðất Thánh vào tháng 3 năm 2000.

Trong những buổi gặp gỡ này, ÐTC luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết để tái tạo một nền an ninh cho Israel cũng như để bảo đảm có được một nền độc lập vững chắc cho đất nước Palestine.

Vào ngày 25 tháng 10 năm 1994, Tòa Thánh phát biểu rằng "Tổ Chức Mặt Trận Giải Phóng Palestine và Tòa Thánh cần phải có những trao đổi với nhau để mở đường cho những phát triển tốt đẹp, hầu tạo nên những quan hệ thân thiện, đầy hiểu biết và cùng hợp tác."

Vào ngày 15 tháng 2 năm 2000, ÐTC tiếp ông Arafat và phái đoàn chính phủ của Palestine và ký kết một hiệp ước giữa Tòa Thánh và Tổ Chức Mặt Trận Giải Phóng Palestine. Hiệp ước này nhìn nhận sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo trên những lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Palestine.

Vào ngày thứ Năm11/11/2004, Ðức Thượng Phụ Michel Sabbah của Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latinh tại Jerusalem phát biểu trên Ðài Vatican rằng, "Cá nhân chủ tịch Yasser Arafat đã nhiều lần can thiệp để bảo đảm cho các quyền lợi của Giáo Hội Công Giáo cũng như quyền tự do tôn giáo trên những lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Palestine."

Tác giả Marcello Filotei, đã viết một bài báo trên Tờ Báo Quan Sát Viên Roma ấn bản tiếng Ý, ghi lại thành quả lớn lao của chủ tịch Arafat khi ông cùng với ông Yizhak Rabin, Thủ Tướng của Israel, ký kết một Tuyên Ngôn về các Nguyên Tắc đã được Thỏa Thuận giữa hai bên tại Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 1993.

Theo ông Marcello Filotei, sau cuộc thất bại của hiệp ước Wye River vào năm 1998, cũng là mở đầu cho những xung đột mới vào tháng 9 năm 2000, chủ tịch Arafat trở thành một nhà tranh đấu không ngừng nghỉ.

Ông nói rằng, "một đằng, Israel và Hoa Kỳ chủ trương cương quyết chống khủng bố, nhưng một đằng những thành phần cấp tiến của Palestine lại cho rằng Arafat quá nhân nhượng trong những thương lượng với đối phương.

Bài viết cũng nói rằng, chủ tịch Arafat cũng đã cảnh cáo những khủng hoảng trong nội bộ chính quyền Palestine một vài tuần trước khi ông qua đời.

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page