Tông Thư của

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

cho Năm Thánh Thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tông Thư của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho Năm Thánh Thể.

"Lạy Thầy, xin hãy ở lại với chúng tôi" (Mane nobiscum, Domine).

 

Phần Nhập Ðề

1. "Lạy Thầy, xin hãy ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều" (x. Luca 24,29). Ðó là lời yêu cầu khẩn thiết mà hai môn đệ trên đường về Emmau vào chiều ngày Chúa sống lại, đã ngỏ với Vị Khách Lữ Hành đã bước vào cùng đi với họ trên đường. Tâm trí đầy những tư tưởng ưu buồn, hai môn đệ đã không nghĩ rằng Vị Khách Lữ Hành nầy lại là chính Thầy của họ, giờ đây đã sống lại. Tuy nhiên, hai môn đệ cũng đã cảm nghiệm tâm hồn họ "nóng lên" (x. lc 24, 32) khi Vị Khách Lữ Hành đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho họ. Ánh sáng của Lời Chúa đã đánh tan sự cứng cỏi nơi tâm hồn họ và đã "mở mắt" họ ra (x.Lc 24,31). Giữa những bóng tối chiều tà và sự u tối chiếm đầy trong tâm hồn, thì vị Khách Lạ kia đã là một tia sáng khơi dậy niềm hy vọng và mở rộng tâm hồn họ hướng đến ánh sáng trọn đầy. Hai môn đệ khẩn khoản yêu cầu: "Xin Thầy hãy ở lại với chúng tôi". Và người Khách Lạ đồng ý. Và không lâu sau đó, dung mạo Chúa Giêsu biến đi, nhưng vị Thầy vẫn còn "ở lại" ẩn mình trong hình "chiếc bánh được bẻ ra", trước mắt họ giờ đây đã được mở ra để nhận ra Người.

2. Hình Ảnh về những Môn Ðệ trên đường về Emmau rất thích hợp để hướng dẫn một Năm Ðặc Biệt trong đó Giáo Hội dấn thân sống mầu nhiệm bí tích Thánh Thể. Trên con đường của những vấn nạn và những lo âu của chúng ta, và cả đôi khi của những thất vọng của chúng ta, Vị Khách Thần Linh tiếp tục đồng hành với chúng ta, để đưa chúng ta vào trong sự hiểu biết những Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, qua việc giải thích Kinh Thánh. Và khi chúng ta gặp Người cách trọn vẹn, chúng ta sẽ từ ánh sáng của Lời Chúa, mà đến với ánh sáng phát sinh từ "Bánh hằng sống"; với "Bánh Hằng Sống" nầy Chúa Kitô hoàn thành cách trọn vẹn lời hứa của Người "ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế" (x.Mt 28,20).

3. Việc "bẻ bánh" --- và bí tích Thánh Thể đã được gọi như vậy vào lúc khởi đầu --- (việc bẻ bánh) đã luôn luôn nằm ở trung tâm đời sống của Giáo Hội. Nhờ qua việc bẻ bánh --- (tức nhờ qua bí tích Thánh Thể) --- Chúa Kitô làm cho hiện diện, trong dòng thời gian, (làm cho hiện diện) mầu nhiệm chết và sống lại của Người. Trong bí tích Thánh Thể, chính Chúa là đấng được "tiếp nhận" như là "bánh hằng sống từ trời xuống" (Gn 6,51); và cùng với Chúa, chúng ta được ban cho bảo chứng sự sống đời đời, mà nhờ đó chúng ta được nếm trước bàn tiệc đời đời của Giêrusalem trên trời. Ðã nhiều lần qua, và mới đây, trong thông điệp "Giáo Hội từ Thánh Thể", lần theo con đường giáo huấn của các Giáo Phụ, của Công Ðồng Vaticanô II và của những vị giáo hoàng tiền nhiệm, tôi đã mời gọi Giáo Hội hãy suy tư về  bí tích Thánh Thể. Vì thế, với tông thư nầy, tôi không có ý định đưa ra lại giáo huấn đã được trình bày; tôi chỉ muốn nhắc đến giáo huấn đó và mong muốn nó được đào sâu thêm và đưa vào trong cuộc sống. Tôi cho rằng để thực hiện mục tiêu vừa nói, thì dành hoàn toàn một Năm cho bí tích huyền diệu nầy là điều có thể mang lại lợi ích lớn lao.

4. Như mọi người biết, Năm Thánh Thể kéo dài từ tháng 10 năm 2004 cho đến tháng 10 năm 2005. Tôi được dịp thuận tiện để thực hiện sáng kiến Năm Thánh Thể nhờ hai biến cố xảy ra đúng lúc, một vào khởi đầu và một vào lúc kết thúc Năm Thánh Thể; đó là Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004, tại Guadalajara bên Mêhicô, và biến cố Khóa Họp Thông Thường của Thượng Hội Ðồng Giám Mục tại Vatican từ ngày 2 đến 29 tháng 10 năm 2005 về đề tài: "Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội". Tôi còn được hướng dẫn bởi một nhận định khác nửa: đó là trong Năm Thánh Thể, sẽ được tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại thành phố Colonia bên Ðức, từ ngày 16 đến 21 tháng 8 năm 2005. Bí Tích Thánh Thể là trung tâm sống động, quanh đó tôi muốn cho các bạn trẻ tề tựu về, để nuôi sống đức tin và lòng nhiệt thành của họ. Từ lâu tâm trí tôi đã nghĩ về một sáng kiến tương tự đối với Bí Tích Thánh Thể; thật vậy sáng kiến nầy là sự phát triển tự nhiên của chiều hướng mục vụ mà tôi đã muốn khắc ghi vào giáo hội, nhất là kể từ những năm chuẩn bị Ðại Năm Thánh 2000; và sau đó cho những năm tiếp theo.

5. Trong tông thư nầy, tôi muốn nhấn mạnh đến sự liên tục trong chiều hướng mục vụ nói trên, ngõ hầu tất cả có thể tiếp nhận tầm quan trọng thiêng liêng của Năm Thánh Thể cách dễ dàng hơn. Còn về việc thực hiện Năm Thánh Thể một cách cụ thể như thế nào, thì tôi tin tưởng vào việc chăm sóc riêng của những vị Chủ Chăn của các giáo hội địa phương; lòng sùng mộ của các ngài đối với mầu nhiệm cao cả chắc chắn sẽ gợi ra những chương trình hành động thích hợp. Những anh em giám mục của tôi sẽ dễ dàng nhận ra rằng sáng kiến Năm Thánh Thể, tiếp liền với Năm Mân Côi vừa kết thúc, nhắm đến bình diện thiêng liêng sâu xa đến độ không gây trở ngại chút nào cho những chương trình mục vụ của các giáo hội địa phương. Trái lại, sáng kiến Năm Thánh Thể có thể soi sáng cách hữu hiệu cho những chương trình mục vụ nầy, bằng cách làm cho những chương trình đó ăn sâu vào Mầu Nhiệm kết thành gốc rễ và bí quyết của đời sống thiêng liêng của các tín hữu cũng như của từng sáng kiến của giáo hội địa phương. Vì thế, Tôi không yêu cầu ngưng những chương trình mục vụ mà các giáo hội địa phương đang thực hiện, nhưng tôi xin hãy nhấn mạnh đến chiều kích thánh thể của những chương trình ấy; và chiều kích thánh thể là đặc điểm của toàn bộ đời sống kitô. Về phần tôi, với tông thư nầy, tôi muốn cống hiến vài định hướng căn bản, vừa tin tưởng rằng Dân Chúa, với những thành phần khác nhau, sẽ đón nhận đề nghị của tôi với sự sẵn sàng vâng phục và với tình thương sốt sắng.

(còn tiếp)

 

(Ðặng Thế Dũng chuyển dịch)

 

(Chú ý: sau bản dịch, chúng tôi sẽ có phần giải thích về Tông Thư nầy).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page