Lời phát biểu của

Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore

tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore phát biểu rằng "Cổ vũ kêu gọi gìn giữ hòa bình thì nhiều nhưng những thiện ý chính trị thì quá ít".

New York (Zenit 2/11/2004) - "Cổ vũ kêu gọi gìn giữ hòa bình thì nhiều nhưng những thiện ý chính trị thì quá ít". Ðó là lời phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc trong khóa họp lần IV của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc về Những hoạt động cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cho những người tỵ nạn Palestine tại vùng Cận Ðông. Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore đã phát biểu như sau:

 

Thưa quí vị,

Chúng tôi muốn bắt đầu bài phát biểu của chúng tôi với một vài nhận định về bản tường trình của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc về những công cuộc cứu trợ cho những người tỵ nạn Palestine tại vùng Cận Ðông và những hoạt động của cơ quan này trong năm vừa qua.

Ðối với chúng ta, những người thường theo dõi vấn đề này, thì nội dung của bản tường trình quá quen thuộc. Chúng tôi đến với cuộc họp này một lần nữa để nhìn lại những hoạt động cứu trợ đang nằm kẹt giữa những vòng lẫn quẩn không kết thúc của những bạo động và khủng bố, của những tấn công và những phản công bằng vũ lực, của những hậu quả bởi hàng loạt các vụ trả thù mà chỉ tạo thêm những bạo động. Về phương diện cứu trợ, những công việc nhân đạo giúp đỡ cho những người Palestine của tổ chức Liên Hiệp Quốc và của những tổ chức quốc tế khác đang hoạt động rất tốt để cung cấp những nhu cầu cần thiết cho những người tỵ nạn mà trong những hoàn cảnh bình thường là những công việc và trách nhiệm của chính các nhà cầm quyền địa phương.

Nhưng phân tích kỷ với hoàn cảnh thực tế, chúng ta thấy đã có rất nhiều những cổ vũ kêu gọi gìn giữ hòa bình nhưng những thiện ý chính trị để giải quyết những xung khắc thì qúa ít. Cách miễn cưởng, với áp lực của cộng đồng quốc tế đòi hỏi, những nhà lãnh đạo của Israel và Palestine ngồi lại với nhau để có những cuộc thương thuyết trong tinh thần xây dựng, nhưng trong thực tế, những làn ranh ngăn cách vẫn chưa được cất bỏ.

Thiếu sót những thương thuyết cần thiết này, sẽ không có cơ hội để hòa giải, để tha thứ, để mưu cầu hay hợp tác với những nỗ lực giải quyết hòa bình trong vùng. Sự cảm thông sẽ là yếu tố rất cần thiết để mang lại cho nhau những khác biệt từ nhiều thành phần khác nhau. Không thể nào có có được hòa bình khi những sự ngăn cách vẫn còn đó. Bởi vậy, giữa những cố gắng tiêu cực này, nhu cầu cứu trợ mà các tổ chức của Liên Hiệp Quốc và của nhiều tổ chức nhân đạo khác đang nỗ lực cho những người tỵ nạn sẽ cứ mãi tiếp tục không kết thúc...

Thưa quí vị, điều mong ước của chúng tôi là, hãy tìm ra một phương thức nào đó để giải quyết những vấn nạn đa diện trong đó có cả vấn đề của Thánh Thánh Jerusalem. Lập trường của Tòa Thánh là Thánh địa Jerusalem phải được đặt dưới sự bảo vệ của một đạo luật quốc tế đặc biệt. Jerusalem là gia sản chung của thế giới và của các tín đồ. Do vậy những nhà lãnh đạo đang nắm giữ Jerusalem nên đáp ứng đòi hỏi của cộng đồng quốc tế là để việc ra vào thánh địa và các di tích thánh không bị cản trở vì mối bất hòa giữa các chính quyền khác nhau.

Thưa quí vị, hòa bình chưa có thể đến được trong những vùng này khi mà những bạo động và những tranh chấp về kinh tế, chính trị còn tồn tại, cũng như khi mà còn thiếu những giải quyết thỏa đáng cho những xung đột tranh chấp về lãnh vực tôn giáo trong vùng. Thật là đau lòng để nhìn thấy trên mãnh đất đã được công bố Sứ mệnh của yêu Thương, của Sự Sống, của tình Huynh Ðệ, của Hòa Bình và được gọi là Miền Ðất Thánh, lại xảy ra những tranh chấp và chết chóc.

Ðại gia đình nhân loại, các thủ lãnh của các quốc gia và Liên Hiệp Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm tái tạo hòa bình cho miền đất này. Chỉ có công lý và một sự hòa bình chân chính mới là những điều mà những người dân trong vùng đang thật tình chờ đợi và mong ước...

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page