Bài phát biểu của
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
tại Ðại hội các Tổ chức của Giáo Hội
Hoạt động cho Công lý và Hoà bình
tại Roma
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài phát biểu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tại Ðại hội các Tổ chức của Giáo Hội Hoạt động cho Công lý và Hoà bình tại Roma.
(Radio
Veritas Asia 29/10/2004) - Quý
vị và các bạn thân mến. Mục
thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài
phát biểu của Linh Mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, tại Ðại Hội
các tổ chức Giáo Hội Hoạt Ðộng Cho Công Lý và Hòa
Bình. Ðại Hội được Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và
Hoà bình tổ chức lần đầu tiên, tại Roma, từ ngày 27 đến
30 tháng 10 năm 2004, với chủ đề Loan
báo Tin Mừng Công lý và Hoà bình. Linh Mục Antôn Nguyễn
Ngọc Sơn đã nói như sau:
Vấn đề công lý và hoà bình luôn là mối ưu tư của toàn thể nhân loại, nhất là khi những cuộc chiến tranh, khủng bố, xung đột diễn ra hằng ngày. Hàng trăm, hàng ngàn tổ chức, quốc gia cũng như quốc tế, đang hoạt động để tìm kiếm công lý và hoà bình cho con người. Khi tham dự Ðại hội này, tôi tự hỏi làm sao có thể loan báo Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô để mang lại công lý và hoà bình cho mọi người, trong tư cách là một người đang sống giữa xã hội Việt Nam hôm nay, cũng như trong tư cách là thành viên của Uỷ ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam? Liệu con người thời nay còn muốn nghe Tin Mừng của Ðức Giêsu nữa hay không?
Tôi đang sống tại Việt Nam, một đất nước với hơn 80 triệu dân, trong đó số người biết về Tin Mừng Ðức Kitô chỉ chiếm 7% trong tổng số dân (tức khoảng 5,667,000 người công giáo) và số người loan báo Tin Mừng lại càng ít hơn.
Việt Nam lại là một nước nghèo với 74% dân số sống ở nông thôn và 45% nông dân sống dưới mức nghèo khổ, nghĩa là mỗi người chưa kiếm được 1USD/ngày và khoảng hơn 60% dân số cả nước chưa kiếm được 2USD/ngày. Sự xung đột đang diễn ra gay gắt giữa nhiều tầng lớp trong xã hội: người giàu với người nghèo, người ở thành thị với người ở nông thôn, người có quyền lực với thường dân, người Kinh (chiếm 84% dân số) với 53 dân tộc thiểu số còn lại -- (phần lớn là những người nghèo sống tại các vùng cao nguyên), -- người bản địa và di dân (khoảng 4 triệu người)... Tất cả những người chịu thiệt thòi trong các cuộc xung đột này đang đòi hỏi công bằng.
Họ đòi được trả lương xứng đáng cho sức lao động của họ, được trả lại những phần đất của tổ tiên, được hưởng những quyền lợi căn bản nhất của con người, như tự do đi lại, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận...
Giống như nhiều quốc gia tại châu Á, Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tham nhũng nặng nề, gây bất mãn trong nhân dân và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Những nhà lãnh đạo chân chính đang muốn ngăn chặn tệ nạn này nhưng chưa thực hiện được. Sự tham nhũng đã làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo và làm cho sự xung đột trong xã hội thêm trầm trọng. Nhờ đồng tiền tham nhũng, nhiều người đang lao vào cuộc sống hưởng thụ, ăn chơi gây ra nhiều tệ nạn xã hội như: mãi dâm, ma tuý, nghiện ngập, cờ bạc...
Những xung đột này cũng tạo nên sự bất an, đặc biệt trong chính tâm hồn con người, dù Việt Nam đang là một trong những nước được đánh giá có trật tự xã hội ổn định nhất thế giới. Sự bất an này bắt nguồn từ những nghi kỵ, khép kín đối với người khác.
Sự nghi kỵ, khép kín này thường dẫn đến đời sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa và những xung đột, tranh chấp về quyền lợi.
Sự bất an của con người còn gia tăng do sự toàn cầu hoá về văn hoá và những phương tiện truyền thông xã hội khiến cho nhiều người Việt bỏ đi những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, những nét đặc trưng của người châu Á như: chung thuỷ trong gia đình, kính trọng người già, bảo vệ sự sống, gần gũi thiên nhiên... để lao vào lối sống hưởng thụ vật chất. Kết quả là cả nước có 54% đàn ông uống và nghiện rượu.
Việt Nam là một trong những nước có số người nghiện thuốc lá nhiều nhất thế giới, 180,000 người nghiện ma tuý (trong danh sách quản lý của Nhà Nước), khoảng 197,000 người nhiễm HIV (theo dự báo của Bộ Y tế), số gia đình bất hoà và li dị ngày càng cao, Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng người phá thai nhiều nhất thế giới (1 đến 2 triệu vụ/mỗi năm), sự ô nhiễm môi trường rất nặng nề, nạn phá rừng ngày một gia tăng.
Những người cần hoà bình là những người trẻ, chiếm 60% dân số, đang bị cuốn hút vào cơn lốc hưởng thụ vật chất và nền văn minh kỹ thuật; là 5 triệu người khuyết tật đang mong muốn được tôn trọng và đối xử bình đẳng trong xã hội; là rất nhiều phụ nữ đang bị nạn bạo hành trong gia đình do chế độ gia trưởng còn tồn tại; gần 3 triệu phụ nữ goá bụa, nhất là những người cao tuổi do chiến tranh, đang sống nghèo khổ; hơn 1 triệu trẻ mồ côi, trong số đó có 50,000 trẻ em đường phố, đang cần được nuôi dưỡng, học hành...
Trong một xã hội với những con người đang khao khát công lý và hoà bình như thế, tôi tự hỏi mình có thể làm gì để giúp đỡ họ? Tôi không có quyền lực để dẹp nạn tham nhũng, tôi cũng không có nhiều tiền để tác động vào nền kinh tế, tôi lại càng không có tài năng lớn lao để biến đổi xã hội như những nhà chính trị, quân sự, khoa học,... Cũng như bất cứ một tín hữu bình thường nào, tôi chỉ có Ðức Kitô và Tin Mừng của Ngài để có thể loan báo cho mọi người.
Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân để thấy rằng Tin Mừng Ðức Kitô thật sự mang lại công lý, bình an cho người khác.
Khi giảng dạy tại Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Saigon, có một vài sinh viên được cha mẹ hằng tháng cung cấp một số tiền khá lớn. Họ là con cái của một vài viên chức nhà nước hoặc những nhà kinh doanh lớn. Tôi đã giúp các em sinh viên này hiểu rằng số tiền mà họ nhận được từ cha mẹ là do sự tham nhũng hay buôn bán bất chính, họ cần phải sống trung thực và cao thượng bằng những đồng tiền do chính mình làm ra để cảm nghiệm được bình an và niềm vui của một lương tâm trong sáng. Các em đã làm nhiều công việc như: dạy kèm, phục vụ tại các quán ăn... để trả học phí và sống trong những căn phòng nhỏ hẹp của ký túc xá thay vì những biệt thự sang trọng của gia đình. Khởi đầu, cha mẹ các em rất giận dữ khi thấy con mình từ chối sự giúp đỡ của gia đình, từ chối cả tương lai mà họ vẽ ra cho con cái. Nhưng sau đó, họ thấy con mình thật sự là những con người đáng quý trọng, họ cảm nghiệm được bình an và niềm vui khi lấy những đồng tiền bất chính ấy giúp cho những người nghèo khổ. Họ đã phần nào bớt đi tham nhũng, bất công và xây dựng sự công bình xã hội.
Vì thế tôi nghĩ đến việc các Kitô hữu có thể loan báo Tin Mừng của Ðức Kitô cho những người đang sống quanh mình theo cách này. Họ giống như những người bật lên những que diêm ở trong đêm tối của xã hội hôm nay để giúp cho những người lạc lối tìm được con đường chính đáng và đạt đến ngày sáng của tương lai.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác đặt ra cho tôi là làm sao tôi cũng như những Kitô hữu khác dám loan báo Tin Mừng công lý và hoà bình này? Tôi nghĩ rằng, mỗi Kitô hữu cần phải ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ðức Kitô, cũng là sứ mạng cứu độ con người mà Chúa Cha đã giao phó cho chúng ta. Khi nhận lãnh sứ mạng cao quý này, Ngài cũng ban cho chúng ta nhiều ân sủng và quyền năng của Thánh Thần để giúp ta hoàn thành sứ mạng đó.
Trong 3 năm qua, tôi có giúp một số thanh niên nghiện ma tuý, trong số đó có một số nhiễm HIV. Nhiều bệnh nhân và gia đình họ dường như tuyệt vọng vì đã tái nghiện nhiều lần. Nhưng khi tôi giới thiệu Ðức Giêsu Kitô cho họ và giúp họ hồi phục lòng tin vào Ðức Kitô, sống theo Tin Mừng của Ngài, rất nhiều người đã từ bỏ được ma tuý. Một vài phụ huynh, khi thấy con em mình được chữa lành, đã tạ ơn Chúa và bỏ ra những số tiền lớn giúp chúng tôi xây dựng 2 cơ sở để cứu chữa những người nghiện ma tuý. Như thế, chính Ðức Kitô và Tin Mừng của Ngài đã đem lại bình an cho những con người này.
Một ưu tư nữa là làm sao người khác, nhất là giới trẻ, tiếp xúc được với Tin Mừng của Ðức Kitô? Làm sao họ có thể chấp nhận một lối sống đi ngược với trào lưu của xã hội?
Chúng ta biết rằng, Giáo Hội có nền thần học rất vững chắc và giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng rất phong phú. Tuy nhiên, chúng dường như ngày càng xa lạ với con người, nhất là với giới trẻ, vì không được diễn tả bằng những loại hình ngôn ngữ của họ. Người loan báo Tin Mừng rất cần có đời sống cầu nguyện và được Thánh Thần tác động như các Tông đồ xưa để vượt qua những khác biệt về ngôn ngữ. Nhưng trong việc loan báo Tin Mừng công lý và hoà bình, có lẽ cần phải có một sự cộng tác rộng rãi hơn giữa những nhà thần học, luân lý với những văn nghệ sĩ, những nhà tạo mẫu, những phóng viên và những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Tôi xin nêu lên một thí dụ cụ thể qua tấm ảnh chúng tôi gửi đến các tham dự viên của Ðại hội, nội dung là một lời kinh gửi các bạn trẻ chứa đựng những suy tư thần học và yêu cầu về luân lý, nhưng được diễn tả thành lời thơ nhờ sự cộng tác của văn sĩ và thi sĩ. Lời kinh ấy thu hút bạn trẻ vì được in trên tấm ảnh đẹp do những nhà tạo mẫu, in ấn thực hiện.
Tóm lại, một khi người loan báo Tin Mừng gắn bó mật thiết với Ðức Kitô, họ sẽ cảm nghiệm được hoà bình và tạo nên công lý cho người khác vì Ðức Kitô chính là Tin Mừng sống động và những người lắng nghe họ, khi đón nhận Ðức Kitô, cũng sẽ cảm nghiệm được như thế để tất cả đều trở nên Tin Mừng sống động của Ðức Giêsu Kitô, vị Hoàng Tử của bình an.
Roma 27/10/2004
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là bài phát biểu của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn,
Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)