Người công giáo và dân chủ
Prepares for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Người công giáo và dân chủ.
Radio Veritas Asia 27/10/2004 - [viết theo Zenit 16/10/2004] - Mối tương quan phức tạp và đầy tranh cải giữa chính trị và niềm tin: đó là chủ đề của Tuần Lễ Xã Hội diễn ra tại Bologna, bên Ý từ ngày 7 đến 10 tháng 10 năm 2004. Ðược tổ chức lần đầu tiên năm 1907. Tuần lễ xã hội lần thứ 44 này qui tụ khoảng 1,200 tham dự viên gồm có hồng y, giám mục, chính trị gia, kinh tế gia và các học giả. Các bài tham luận và hội thảo bàn tròn xoay quanh các đề tài như:
- vai trò của người công giáo trong sinh hoạt chính trị,
- chính trị và quyền lực,
- thông tin và dân chủ,
- kinh tế và khoa học.
Trong bài diễn văn chào mừng đại hội, đức cha Carlo Caffara, tổng giám mục Bologna đã nhấn mạnh rằng dân chủ phải được xây dựng trên đạo đức. Trích dẫn Hiến Chế "Vui Mừng và Hy vọng" của Công đồng Vatican II, đức tổng giám mục Bologna giải thích rằng đạo đức có thể được tìm thấy trong chính bản chất thiêng liêng và luân lý của con người.
Theo đức cha Caffara, hai kẻ thù ngăn cản sự phát triển của con người và đạo đức trong thế giời ngày nay là: ảnh hưởng của chủ trương tương đối hoá đạo đức nhằm chối bỏ sự hiện hữu của những chân lý khách quan trong đạo đức, công lý và chính trị và kế đó là thiếu sự hài hoà giữa tự do cá nhân và những nghĩa vụ xã hội.
Về phần mình, trong bài thuyết trình đầu tiên, đức hồng y Camillo Ruini, chủ tịch Hội đồng giám mục Ý, đã nói đến vai trò của người công giáo trong xã hội Ý. Ngài nói rằng người tín hữu kitô có thể có những chọn lựa và lập trường khác nhau trong sinh hoạt chính trị, nhưng với điều kiện là lập trường đó không đi ngược lại với bản sắc công giáo của họ.
Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng giám mục Ý nhắc lại lời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong một cuộc gặp gỡ tại Palermo dạo tháng 11 năm 1995. Ðức Thánh Cha khẳng định rằng Giáo hội không hề liên minh với bất cứ đảng phái chính trị nào. Nhưng theo đức hồng y, điều đó không có nghĩa là tất cả mọi phe phái chính trị và xã hội đều phù hợp với đức tin công giáo, một cách cụ thể trong những gì liên quan đến sự sống con người, gia đình, tình liên đới và thăng tiến công lý và hoà bình.
Ðức hồng y nói rằng sự đóng góp chủ yếu của người công giáo cho dân chủ chính là bảo vệ tính siêu việt của con người, tức khả năng có thể biết và thay đổi thực tại. Trong ý nghĩa đó, thật là lầm lẫn khi cho rằng Giáo hội chống lại tiến bộ khoa học mỗi khi Giáo hội đưa ra lập trường của mình về những vấn đề đạo đức sinh học. Giáo hội không hề chống lại sự tiến bộ của khoa học. Giáo hội chỉ đòi hỏi rằng sự tiến bộ đó không được tách lìa với những nguyên tắc đạo đức.
Tự do cũng là một chiều kích khác của tính siêu việt nơi con người. Ðức hồng y Ruini nói rằng tự do phải tôn trọng nguyên tắc theo đó con người tự nó là một cứu cánh và không bao giờ bị giản lược thành một phương tiện. Chỉ khi nào nguyên tắc này được tôn trọng thì người ta mới có thể nói đến các quyền con người khi đề cập đến dân chủ.
Trong các cuộc hội thảo bàn tròn, đức hồng y Dionigi Tettamanzi, tổng giám mục Milano, đã đặc biệt chú ý đến công ích trong sinh hoạt chính trị. Trong bài phát biểu của ngài, đức tổng giám mục Milano giải thích rằng, giáo huấn xã hội của Giáo hội, vốn xây dựng trên Tin Mừng, có một vai trò quan trọng khi đề ra nền tảng nhân học vững chắc cho nền dân chủ. Cần phải dựa vào nền tảng nhân học này để tránh những ý tưởng sai lầm về con người, về các quan hệ xã hội, về vấn đề tính dục cũng như tương quan với thế giới. Một nền dân chủ đích thực lẽ ra phải xem con người là trọng tâm, thì trái lại thường tìm cách lèo lái hay ngay cả huỷ diệt sự phát triển con người.
Ðức hồng y Tettamanzi cũng nói đến những mối đe doạ cho nền dân chủ như chủ trương tương đối hoá đạo đức, mị dân và tập trung thái quá vào các phương tiện truyền thông và chạy theo quyền lực kinh tế. Ngài kêu gọi những người công giáo hãy giúp canh tân ý thức luân lý và công dân của nước Ý bằng cách thăng tiến những giá trị như liên đới và tôn trọng luật pháp.
Trong các giáo huấn của các vị chủ chăn trong Tuần Lễ Xã Hội tại Bologna, dĩ nhiên người ta không thể quên đuợc giáo huấn của chính Ðức thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong sứ điệp gởi đến các tham dự viên, Ðức thánh cha nói đến sự cần thiết của những nguyên tắc đạo đức trong việc xây dựng xã hội.
Nhắc lại thông địêp có tựa đề "kỷ niệm 100 năm thông điệp về các vấn đề xã hội của Ðức giáo hoàng Lêô 13", Ðức Gioan Phaolô II khẳng định rằng Giáo hội đề cao hệ thống dân chủ, bởi vì hệ thống này bảo đảm cho người dân đuợc tham gia vào việc cai trị đất nước. Nhưng theo đức thánh cha, một nền dân chủ đích thực chỉ có đuợc khi có một quan niệm đúng đắn về con người mà thôi.
Cũng như các vị chủ chăn tham dự Tuần Lễ Xã hội tại Bologna, Ðức thánh cha cũng nói đến những đe doạ cho nền dân chủ như khuynh hương tuơng đối hoá trong đạo đức. Chủ trương tương đối hoá này có thể dẫn đến sai lầm khi cho rằng gắn bó với chân lý là đi ngược lại với dân chủ. Nhưng Ðức Thánh Cha khẳng định rằng Chân lý, như được Chúa Kitô mạc khải, là một bảo đảm cho con người có được tự do đích thực và đầy đủ. Chân lý này là liều thuốc chống lại các ý thức hệ cuồng tín, dù là chính trị hay tôn giáo.
Ðức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu công giáo hãy tỏ ra tích cực trong xã hội và đời sống chính trị, dựa trên giáo huấn xã hội của Giáo hội.
(Chu Văn)