Bàn về Bối cảnh và Viễn Tượng

của Năm Thánh Thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bàn về Bối cảnh và Viễn Tượng của Năm Thánh Thể.

(Radio Veritas Asia 12/10/2004) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2004, để giới thiệu Tông Thư của Ðức Thánh Cha cho Năm Thánh Thể, sau khi Ðức Hồng Y Francis Arinze trình bày tổng quát về nội dung của Tông Thư, thì Ðức Tổng Giám Mục Ðôminicô Sorrentino, Tổng Thư ký Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, giải thích về Bối Cảnh và Viễn Tượng của Tông thư.

Mục thời sự hôm nay (12/10/2004) xin gửi đến quý vị và các bạn vài lời tóm lược về phần giải thích nầy.

Trước hết, Ðức Tổng Giám Mục, Tổng thư ký bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, xác định rằng Tông Thư của ÐTC cho NămThánh Thể, không phải là một sáng kiến "nằm ngoài thời gian", nhưng được đặt trong một bối cảnh cụ thể, tiếp liền với Ðại Năm Thánh 2000 và với Công Ðồng Vaticanô thứ hai. Năm Thánh Thể là như một "Năm Tổng Hợp", một  chóp đỉnh của trọn một con đường đã đi qua.

Trong tông thư  để kết thúc Ðại Năm Thánh 2000 vừa đồng thời để đề ra chương trình hành động cho mọi thành phần giáo hội vào khởi đầu ngàn năm mới --- tức tông thư  có tựa đề "Bước Vào Ngàn Năm Mới" ---, ÐTC đã đưa ra ba "chiều kích" căn bản của đời sống kitô. Ba chiều kích đó là: (1) một cuộc  khởi hành mới từ Chúa Kitô, (2) một nếp sống kitô nổi bật đặc tính chiêm niệm, và (3) một chứng tá bằng đời sống đức tin đích thực.

 

1. Về chiều kích thứ nhất, -- một cuộc khởi hành mới từ Chúa Kitô.

Tông thư  "Bước Vào Ngàn Năm mới" đã đưa ra một  công thức thường được lặp đi lặp lại nhiều lần sau đó; đó là công thức "Hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô". Kết thúc Ðại NămThánh 2000, ÐTC Gioan Phaolô II trao cho toàn thể cộng đoàn kitô một Dung Mạo để chiêm ngắm, một con người cụ thể để gặp gỡ; Dung mạo đó, con nguời đó, chính là Chúa Giêsu Kitô. Theo Ðức Thánh Cha, người kitô hôm nay, vào lúc khởi đầu ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên kitô, cần phải đi lại con đường của những môn đệ đầu tiên, những kẻ đã gặp được Chúa Giêsu Kitô nơi bờ hồ Galilêo hoặc nơi bờ sông Giordanô, đã lắng nghe những lời giảng dạy của Chúa trong vòng ba năm, đã được sức mạnh của Chúa Phục Sinh tái tạo sau khi đã trải qua cơn khủng hoảng do cái chết của Chúa gây ra.

Trong tông thư vừa được công bố cho Năm Thánh Thể, --- tông thư có tựa đề là: "Lạy Chúa, xin hãy ở lại với chúng con!" --- ÐTC Gioan Phaolô II đã cố ý chọn  biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra cho hai môn đệ trên đường về Ê-Mau, làm hình ảnh gợi hứng cho Năm Thánh Thể. Ðó là con đường của những môn đệ đầu tiên của Ðấng Phục Sinh. Ðó cũng phải là con đường của những đồ đệ của Chúa vào lúc khởi đầu ngàn năm thứ ba. Ðức Gioan Phaolô II chủ ý nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Cám dỗ của người kitô trong những giai đoạn lịch sử đã qua, và nhất là của giai đoạn lịch sử hiện tại, là cám dỗ rút gọn Chúa Giêsu Kitô, Thầy mình, về những chiều kích theo mẫu mực riêng của mình. Ðôi khi, với những ý định tốt của việc đối thoại, người ta rơi vào nguy hiểm "giãm giá" Chúa Kitô, giãm bớt Ðức Tin vào mầu nhiệm Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, nhập thể làm người. Vì thế cần phải tái khẳng định vai trò trung tâm của Chúa Kitô, như Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã làm trong bản Kinh Tin Kính, được gọi là "Lời Tuyên Xưng Ðức Tin" của Ðức Phaolô Ðệ Lục. Ðức Gioan Phaolô II đã bắt đầu triều giáo hoàng với lời tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Kitô, trong thông điệp đầu tiên về Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc con người. Sau đó, trong NămThánh 2000 và trong thời gian hậu Năm Thánh, Ðức Gioan Phaolô II thường trở lại với kinh nghiệm gặp gỡ nầy. Năm Mân Côi vừa kết thúc cũng đã mời gọi toàn thể giáo hội hãy gặp gỡ Chúa Kitô, nhờ Mẹ Maria, qua lời kinh Mân Côi. Trong thông điệp "Giáo Hội từ Thánh Thể", Ðức Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ đề nghị lại vai trò trung tâm của Chúa Kitô. Và như thế, chúng ta được dẫn đến "Năm Thánh Thể", và được nhắc nhớ rằng Chúa Kitô trao ban chính mình cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đến gặp con người, trở nên "của ăn" nuôi sống con người, nhờ qua Bánh và Ruợu đã được "biến thể" thành Mình và Máu Thánh Chúa. Năm Thánh Thể là thời gian thuận tiện để giúp cho cộng đoàn kitô được ý thức mạnh mẽ về mầu nhiệm nầy.

2. Chiều kích thứ hai của đời sống kitô là sự chiêm niệm.

Giáo Hội trở thành trường dạy cầu nguyện. Chiều kích "chiêm niệm" của kitô giáo được làm nổi bật. Bên trong cộng đoàn kitô, sau hàng chục năm chịu ảnh hưởng của sự trần tục hóa, sự phục hưng đời sống thiêng liêng được thể hiện trong nhiều hình thức khác nhau. Ðiều nầy cho thấy nhu cầu chiêm niệm không thể nào hủy diệt được trong tâm hồn con người. Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến sự khẩn thiết phải trao lại cho cộng đoàn kitô những kho tàng của sự chiêm niệm kitô. Trong tông thư được công bố vào tháng 12 năm 2003, để kỷ niệm 40 năm Hiến Chế về Phụng Vụ của Công Ðồng Vaticanô II, Ðức Gioan Phaolô II đã yêu cầu hãy đào sâu công cuộc canh tân do Công Ðồng thực hiện, nhất là trong lãnh vực tu đức phụng vụ. Trong bối cảnh nầy, ý nghĩa của NămThánh Thể được làm nổi bật. Bí Tích Thánh Thể được nhắc đến trong Năm Thánh Thể, cũng là bí tích Thánh Thể của mọi ngày, nhưng được cộng đoàn giáo hội chú ý đến nhiều hơn, ngõ hầu bí tích Thánh Thể trở nên --- trong tâm hồn tín hữu --- (trở nên)  nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô.

3. Khía cạnh thứ ba của đời sống kitô là "tính cách đích thực của một chứng tá bằng đời sống".

Trong nhiều lần khác nhau, khởi sự từ tông thư "Bước Vào Ngàn Năm mới" được công bố lúc kết thúc Ðại Năm Thánh 2000, cho đến tông thư "Lạy Chúa, hãy ở lại với chúng con!" vừa được công bố để cử hành Năm Thánh Thể, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn chú ý nhắc lại cho cộng đoàn kitô rằng Ðức Tin phải được thể hiện trong chứng tá bằng đời sống. Ðức Gioan Phaolô II luôn nói đến một nền tu đức về hiệp thông và nhấn mạnh đến sự dấn thân thực hiện đức bác ái. Thay vì chỉ chiếm một giây phút riêng rẻ nào đó, Bí Tích Thánh Thể chiếu tỏa và bao trùm trọn hết mọi giây phút của đời sống kitô. Bí tích Thánh Thể thôi thúc tín hữu trở thành chứng nhân của Ðấng Phục Sinh, để biến đổi thế giới, làm cho thế giới được dậy men những giá trị phúc âm. Trong tông thư, ÐTC không chỉ dừng lại ở những khía cạnh cử hành và chiêm niệm của bí tích Thánh Thể, nhưng còn tiến xa hơn, để nhấn mạnh đến sự dấn thân của tín hữu trong lịch sử, nhất là trong việc xây dựng hòa bình và trong việc phục vụ cho những kẻ bé nhỏ nhất.

Tuy nhiên ÐTC không đi vào những chi tiết thực hành cụ thể. ÐTC chỉ đề ra những điểm thiết yếu, những định hướng căn bản, và ngài dành trách nhiệm tổ chức cách cụ thể những sinh hoạt của NămThánh Thể cho vị giám mục, chủ chăn của cộng đoàn giáo hội tại địa phương.

Kết thúc cho những giải thích của mình, như được trình bày vắn tắt trên đây, Ðức Tổng Giám Mục, Tổng Thư Ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã cho biết thêm rằng, trong vòng một tuần lễ nữa, Bộ Phụng Tự sẽ công bố tập Phụ Lục, để đề ra vài sinh hoạt bổ túc cho những định hướng căn bản của Tông Thư. Tập Phụ Lục nầy sẽ chú ý nhiều đến khía cạnh "tu đức Thánh Thể". 

Bí Tích Thánh Thể được TIN Yêu, được cử hành, và được sống thật trong đời sống của tín hữu. Ðó là viễn tượng lý tưởng của Năm Thánh Thể, từ tháng 10 năm 2004 cho đến tháng 10 năm 2005.

Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page