ÐTC Gioan Phaolô II

chủ sự lễ Phong Chân Phước

cho 5 Ðầy Tớ Chúa

vào ngày Chúa Nhật 3/10/2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Gioan Phaolô II chủ sự lễ Phong Chân Phước cho 5 Ðầy Tớ Chúa vào ngày Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2004.

Tin Vatican (Apic 1/10/2004) - Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2004, ÐTC Gioan Phaolô II chủ sự lễ Phong Chân Phước cho 5 Ðầy Tớ Chúa, nâng tổng số các vị chân phước đã được chính ngài tôn phong từ 1,337  vị lên đến 1,342 vị. Năm Vị Tân Chân Phước gồm 2 vị người Pháp, 1 nữ Tân Chân Phước người Ðức, và 1 nữ tu người Italia, tất cả 5 vị như sau đây:

(1) Tân Chân Phước người Pháp, Linh Mục Pierre Vigne (1670 - 1740 ), thuộc giáo phận Viviers, nhà truyền giáo đi khắp nơi trong giáo phận để rao giảng, giảng đạy giáo lý, chăm sóc các bệnh nhân, thành lập Dòng các Nữ Tu của Thánh Thể vào năm 1715;

(2) Tân Chân Phước người Pháp, Linh Mục Joseph Marie Cassant (1878 - 1903), thuộc dòng Trappiste nằm trong giáo phận Toulouse. Ngài qua đời vì bệnh lao, lúc mới được 25 tuổi, và vừa thụ phong linh mục được 8 tháng. Khẩu hiệu sống của ngài là: "Tất cả cho Chúa Giêsu, tất cả nhờ Mẹ Maria".

(3) Nữ Tân Chân Phước người Ðức là nhà thần bí Anne Catherine Emmerick (1774 - 1824). Ðạo Diễn Mel Gibson đã dựa vào những thị kiến của Nữ Chân Phước nầy để xây dựng một số chi tiết  trong cuốn phim "Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô".

(4) Nữ Tân Chân Phước người Italia, Nữ Tu Maria Ludovica de Angelis (1880 - 1962), thuộc dòng Nữ Tử của Thiên Chúa Nhân Từ. Nữ Chân Phước Maria Ludovica de Angelis đã sống trọn vẹn khẩu hiệu: "Làm điều tốt cho tất cả mọi người". Ði truyền giáo bên Argentina, Chân Phước Nữ Tu Maria Ludovica de Angelis, đã điều khiển bệnh viện nhi đồng tại La Plata, Argentina, trong vòng hơn 50 năm, đến độ khi bà qua đời lúc 82 tuổi (1962), thì bệnh viện được đổi tên lại mang lấy tên của bà, là "BệnhViện Mẹ Bề Trên Ludovica".

(5)  Tân Chân Phước người Áo, thuộc hoàng tộc, Hoàng Ðế Charles Áo Quốc và là Vua của Hungari (1887 - 1922). Nhiều hoàng tộc tại Âu Châu đến tham dự lễ phong chân phước của ngài. Ðặc biệt có khoảng 700 vị thuộc dòng hoàng tộc HABSBOURG, là hoàng tộc của chân phước Hoàng Ðế Charles Áo Quốc. Vị đứng đầu hoàng tộc Habsbourg hiện còn sống, là chính người con cả của chân phước hoàng đế Charles, là Otto de Habsbourg, năm nay đã 91 tuổi, cựu dân biểu âu châu, và hiện sinh sống ở miền Baviere, miền nam nước Ðức. Ngoài ra còn có mặt ba người con của Chân Phước hoàng đế Charles Áo Quốc, là Stephan sinh sống ở Hungari; Karl Ludwig, sinh sống ở  Bỉ; và Felix, sinh sống bên Mêhicô.

Khi loan báo về lễ Phong Chân Phước cho Năm Vị, vào Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2004, thông cáo của TòaThánh đã nêu lên con đường thánh thiện của các ngài như sau: "Tính Cách Trung Tâm của Bí Tích Thánh Thể được biểu lộ trong đời sống của Năm Vị Tân Chân Phước, như là nguồn mạch của đức bác ái và của sứ mạng giáo hội. Chứng Tá của các ngài là một lời mời gọi cho tất cả mọi tín hữu hãy bắt đầu Năm Thánh Thể với tinh thần vui tươi và dấn thân." Ðược biết ÐTC Gioan Phaolô II sẽ khai mạc Năm Thánh Thể vào chiều ngày 17 tháng 10 năm 2004, với Thánh Lễ bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô và tiếp liền đó là Chầu Thánh Thể. Ngày 17 tháng 10 năm 2004 cũng là ngày Bế Mạc Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Guadalajara bên Mêhicô.   Trong số Năm Vị Tân Chân Phước, được tôn phong Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2004, người ta chú ý nhiều đến Tân Chân Phước Hoàng Ðế Charles, vị hoàng đế cuối cùng của đế quốc Áo-Hungari.

Từ trước đến nay, trong lịch sử giáo hội, cũng có những nhân vật thuộc hoàng gia, như  Vua, Hoàng Ðế, Hoàng Hậu, được tôn phong hiển thánh hay á thánh. Chẳng hạn như người ta có thể nhắc đến:

- Thánh Nữ Hêlêna, Hoàng Hậu, Thân Mẫu của Hoàng Ðế Constantin. Thánh Nữ Hêlêna qua đời năm 327; và theo tục truyền, thì Thánh Nữ Hêlêna là người đã tìm gặp Thập Giá thật của Chúa Giêsu Kitô, nhân chuyến hành hương tại Giêrusalem.

- Kế đến là Vua Thánh Louis IX của Pháp (1214 - 1270). Ngài đã được phong thánh năm 1297;  Bà Chị của Vua Thánh Louis, là Thánh Nữ Isabelle của Pháp (1225 - 1270), vị sáng lập các Nữ Tu Clarisses ở Longchamp; bà được phong chân phước năm 1521.

- Thánh Sigismond, qua đời năm 523, Vua những người Burgondes, tổ tiên xa xa của dòng hoàng tộc Bourguignons.

- Thánh hoàng hậu Adélaide (931 - 999), hoàng hậu của Ðế Quốc Roma-Ðức.

- Trong thế giới Slavô, vị thánh nổi tiếng là Thánh Vladimir (956 - 1015), vua của vương quốc Russie vừa được thiết lập.

- Vua Thánh Stêphanô Ðệ Nhất, vị sáng lập Vương Quốc Hungari, cùng với những thành phần khác trong gia đình và dòng tộc của ngài, cũng được phong thánh.

Vương Quốc Anh cũng có hai vị Thánh, là:

- Vua Thánh Edouard tử đạo (962 - 978)

- và Vua Thánh Edouard, hiển tu (1002 - 1066).

- Tây Ban Nha có thánh hoàng đế Ferdinand III thuộc dòng tộc Castille (1199 - 1252).

Về phía hoàng hậu, có:

- thánh Hoàng Hậu  Marguerite của Ecosse,

- thánh Hoàng Hậu Edvige của BaLan,

- và thánh hoàng hậu Elisabeth của Bồ Ðào Nha.

Ðược biết, ÐTC Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đã phong chân phước và hiển thánh nhiều nhất trong lịch sử giáo hội. Thánh Lễ Phong Chân Phước mà ÐTC Gioan Phaolô II chủ sự vào Chúa Nhật  mùng 3 tháng 10 năm 2004, là lễ phong thứ 147. Tổng cộng, Ðức Thánh Cha tôn phong 1,342 vị chân phước và 483 vị thánh. Trong thời gian trước đó, --- nghĩa là kể từ năm 1588, là năm thành lập cơ quan tại giáo triều Roma để lo việc phong thánh cho đến năm 1978, là năm Ðức  Karol Wotyla được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, --- các vị giáo hoàng tiền nhiệm của Ðức Gioan Phaolô II chỉ tôn phong tổng cộng 1,201 vị chân phước và 302 vị thánh. Như thế, chúng ta thấy, Ðức Gioan Phaolô II một mình ngài đã tôn phong tổng cộng nhiều chân phước và hiển thánh hơn tất cả những vị giáo hoàng tiền nhiệm ngài chung lại.

Tưởng cũng nên nhắc lại đây cách ngắn gọn lịch sử phong thánh trong Giáo hội Công giáo. Từ đầu cho đến thế kỷ thứ XI, việc phong thánh là thuộc trách nhiệm của đức giám mục thẩm quyền, và vị giáo hoàng tại Roma không can thiệp gì vào việc nầy. Vào  thế kỷ XII, giáo hội Roma bắt đầu  lấy về mình quyền quyết định việc phong thánh; sau đó thể thức quy định cho việc phong thánh được đặt ra vào thế kỷ thứ XVIII; Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã canh tân lại thể thức phong thánh nầy vào năm 1986, và trao trách nhiệm cho giám mục thẩm quyền địa phương thực hiện bước khởi đầu thiết lập hồ sơ phong thánh, thu thập những bằng chứng cho sự thánh thiện của đương sự.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page