Bài Diễn Văn của

Ðức Hồng Y Angelo Sodano

tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Diễn Văn của Ðức Hồng Y Angelo Sodano tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc nói lên lập trường của Giáo Hội Công Giáo ủng hộ chương trình chống nạn nghèo đói trên thế giới.

(Radio Veritas Asia 22/09/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, Thứ Ba, ngày 21 tháng 9 năm 2004, Ðức Hồng Y ANGELO SODANO, quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đọc bài diễn văn trong cuộc Họp của Các Ðại Diện Các Chính Phủ tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc, ở New-York. Cuộc Họp do tổng thống Brazil, Ông LUIZ  LULA da SILVA, chủ tọa. Và Ðức Hồng Y đã nói lên lập trường của Giáo Hội Công Giáo luôn ủng hộ những sáng kiến chống lại nạn nghèo đói trên thế giới. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt bài diễn văn của Ðức Hồng Y Angelo Sodano như sau:

 

Thưa Ngài Tổng Thống,

Tôi lấy làm vinh dự được nói lên nơi đây sự gắn bó của Tòa Thánh cũng như  của chính cá nhân Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị với sáng kiến quan trọng của cuộc gặp gỡ nầy, một sáng kiến do Tổng Thống Cộng Hòa Liên Bang Brazil cổ võ và đã được nhiều chính phủ hiện diện nơi đây ủng hộ.

Về vấn đề nầy, tôi xin được nói lên cách vắn tắt vài nhận định.

Tất cả chúng ta đều ý thức tính cách trầm trọng của nạn đói trên thế giới. Tòa Thánh đặc biệt quan tâm đến vấn đề nầy, và muốn nói lên nơi đây lời bảo đãm rằng Giáo Hội Công Giáo cố gắng hết sức mình để loại bỏ khổ nạn nầy ra khỏi thế giới. Thật vậy, mỗi người Kitô đều phải có thái độ của Chúa Kitô đối với những anh chị em đồng bào của mình không có lương thực nuôi sống: "Thầy thương đoàn người nầy, vì họ không có gì để  ăn!" (Mc 8,2).

Về phần mình, Tòa Thánh đã luôn ủng hộ nhiều sáng kiến của cá nhân cũng như tập thể, để giải quyết thảm cảnh nầy. Do đó, cần nhắc đến những hoạt động nhân đạo rộng rãi của các tổ chức Công Giáo trên thế giới, đặc biệt tại những vùng truyền giáo và tại những quốc gia nghèo nhất.

Tòa Thánh cũng đã ủng hộ những sáng kiến của các tổ chức khác nhau của Liên Hiệp Quốc, và một cách đặc biệt là Tổ Chức FAO, tổ chức IFAD, và Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (WFP), là những tổ chức trực tiếp dấn thân vào trong những hoạt động chống nạn đói và sự bất ổn định thực phẩm.

Những nguyên tắc gợi hứng cho lập trường của TòaThánh trong khung cảnh nói trên đã được làm sáng tỏ cách rộng rãi trong bài diễn văn của tôi tại Tổ Chức FAO năm 1996; Ðó là những nguyên tắc nhắc đến sự tôn trọng phẩm giá con người, việc áp dụng nguyên tắc liên đới, việc thi hành nguyên tắc về những tài nguyên của trái đất là cho tất cả mọi người, và việc cổ võ cho hòa bình.

Chính vào năm 1996 mà tất cả các quốc gia đã long trọng cam kết; rồi những cam kết đó được củng cố thêm trong dịp cử hành chào đón ngàn năm thứ ba. Tòa Thánh cũng đã gắn bó với những cam kết long trọng của các vị nguyên thủ quốc gia và của các vị lãnh đạo chính phủ; những cam kết nầy được ghi trong bản "Phúc Trình năm 1996 của Phiên Họp Thượng Ðỉnh về Thực Phẩm Trên Thế Giối", và sau đó, trong "Tuyên Bố của Liên Hiệp Quốc năm 2000".

Như thế, một liên kết đã được thiết lập để chống lại nạn đói trên thế giới; nhưng rồi sau đó, dần dần người ta khám phá không có đủ phương tiện tài chánh để thực hiện chương trình ổn định thực phẩm trên thế giới. Thật đáng khen những cố gắng đã có khi gặp những hoàn cảnh khẩn thiết, do bởi thiên tai hay chiến tranh gây ra. Nhưng  vấn đề còn rộng rãi hơn nhiều. Cuộc chiến chống lại nạn đói, --- và tôi cũng có thể nói thêm nạn khát, --- vượt quá mức những trường hợp khẩn thiết; cuộc chiến chống nạn đói và khát nầy phải đối diện với một loạt những yếu tố phức tạp, chẳng hạn như nhu cầu  phải đầu tư  vào nhân sự nơi dân chúng địa phương (-- tôi nghĩ đến những lãnh vực giáo dục và sức khỏe) -- nhu cầu chuyển giao những phương tiện kỹ thuật thích hợp và bảo đãm sự công bằng trong lãnh vực thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tính cách phức tạp nầy không nên  làm ta nản lòng trong việc soạn thảo chương trình có thể dẫn đến việc loại bỏ nạn đói và khát trên thế giới.

Như thế, chúng tôi ủng hộ cố gắng mới để "gia tăng những nguồn vốn sẵn sàng để giải quyết những thách thức" vừa nói trên, và còn hơn thế nữa, để "nghiên cứu tìm những nguồn vốn khác nữa, nhắm cung cấp ngân quỷ cần thiết cho công cuộc phát triển" (trích thơ của  tổng thống Brazile gởi cho ÐTC Gioan Phaolô II, ngày 25 tháng 6 năm 2004).

Chắc chắn rằng một trong những vấn đề chính làm cho chương trình hành động trở nên khó khăn, là vấn đề cung cấp ngân quỷ. Một bên, chúng ta sẽ phải nhắc lại cho tất cả những quốc gia cung cấp ngân quỷ về cam kết của họ để gia tăng sự trợ giúp phát triển lên 0.7 phần trăm tổng  sản lượng của từng quốc gia. Sau đó cần phải theo đuổi những con đường mới, đang được gợi ra, vừa nhớ đến sự đồng thuận đã được nói lên tại Monterry và ủng hộ những sáng kiến đặc biệt như  sáng kiến về "Nguồn Tài Chánh Quốc Tế".

Về phần mình, Tòa Thánh sẽ ủng hộ vấn đề nầy. Ðây sẽ là công cuộc to lớn, cùng với công cuộc đã được chu toàn chống lại bệnh tật và nghèo cùng nói chung. Như thế, điều gì cần thiết để sống, sẽ được tạo ra cho mọi người, tạo vật được Thiên Chúa yêu thương, với một  phẩm vị cao cả,  được giống hình ảnh Thiên Chúa. Tôi đã nói nhiều đến sự cùng cực và không nói nhiều đến sự nghèo khổ, bởi vì sự nghèo khổ luôn hiện diện với chúng ta theo nhiều cách khác nhau, mặc dù vẫn cần phải gia tăng cố gắng để giải quyết nó! Vì thế, quả là hợp lúc những lời sau đây của vị giám mục của đất nước Brazil của ngài, thưa ngài chủ tịch, là Ðức Cha Helder CAMARA, vị đã nói như sau: "Người nghèo chỉ có điều hết sức cần để sống và không có gì hơn nữa; nhưng kẻ cùng cực thì không có cả điều hết sức cần thiết."

Và chính "cái hết sức cần thiết" nầy là điều mà chúng ta phải cung cấp cho mọi người!

 

Vừa rồi là bài diễn văn của Ðức Hồng Y ANGELO SODANO trước những vị đại diện các chính phủ họp nhau tại Trụ Sở của Liên Hiệp Quốc ở NEW-YORK, để nói lên lập trường của Tòa Thánh luôn luôn ủng hộ những sáng kiến chống nạn nghèo đói trên thế giới. Hẹp gặp lại quý vị và các bạn.

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page