Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II

cho các tham dự viên

Cuộc Gặp Gỡ lần thứ XVIII

về Con Người và các Tôn Giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho các tham dự viên Cuộc Gặp Gỡ lần thứ XVIII về "Con Người và các Tôn Giáo".

(Radio Veritas Asia 20/09/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, trong những ngày từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 9 năm 2004, Cộng Ðoàn Thánh Egidiô cùng với Tổng Giáo Phận Milanô đã đứng ra tổ chức cuộc Gặp Gỡ Lần Thứ XVIII về "Con Người và các tôn giáo". Qua trung gian của Ðức Hồng Y KASPER, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô, và cũng là một trong những tham dự viên của cuộc Gặp Gỡ, ÐTC đã gởi đến tất cả các tham dự viên một sứ điệp. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt nguyên văn Sứ Ðiệp của ÐTC cho các tham dự viên Cuộc Gặp Gỡ lần thứ XVIII về "Con Người và các Tôn Giáo" như sau:

 

Kính Gởi Chư Huynh đáng kính, Hồng Y WALTER KASPER,

Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Hiệp Nhất Kitô,

Qua Ðức Hồng Y, Tôi hết sức vui mừng được gởi lời chào và tâm tình quý trọng đến tất cả những đại diện của các Giáo Hội và các cộng đồng giáo hội, và những đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới, họp nhau tại Milanô trong Cuộc Gặp Gỡ Lần Thứ  XVIII theo chủ đề: "Các Tôn Giáo và Các Nền Văn Hóa: sự can đảm của thuyết nhân bản mới". Tôi vui mừng và cảm thấy được an ủi biết bao, khi nhìn thấy rằng cuộc hành hương Hòa Bình, do chính tôi bắt đầu tại thành phố ASSISI vào tháng 10 năm 1986, nay không những không bị dừng lại, nhưng được tiếp tục và được gia tăng về số người tham dự cũng như về những kết quả.

Tôi cũng vui mừng được gởi lời chào đến Giáo Hội đáng mến của Thánh AMBROSIANO, cùng với vị Tổng Giám Mục đứng đầu, là Ðức Hồng Y DIONIGI TETTAMANZI, vì đã tiếp đón một lần nữa và một cách quảng đại cuộc Gặp Gỡ quan phòng nầy. Tôi cũng cám ơn cộng đoàn Thánh Egidiô vì đã tiếp nhận tầm quan trọng của điều mà tôi gọi là "tinh thần Assisi", và vì đã tiếp tục đề nghị lại tinh thần nầy cách can đảm và kiên trì từ năm 1986, vừa cung cấp sức sống cho công cuộc dấn thân trên con đường hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta hôm nay, một thế giới bị ghi dấu bởi những hiểu lầm sâu xa và những xung đột trầm trọng.

Năm 1993, các vị lãnh đạo tôn giáo đã họp nhau lần đầu tiên tại Milanô trong Cuộc Gặp Gỡ lần thứ VII về "Con Người và Các Tôn Giáo"; các ngài đã để lại cho thế giới lời kêu gọi như sau: "Không một hận thù nào, không một xung đột nào, không một cuộc chiến nào có thể gặp được sự khích lệ nơi các tôn giáo. Chiến tranh không thể nào do các tôn giáo gây ra. Ước chi những ngôn từ của các tôn giáo luôn là những ngôn từ của hòa bình! Ước chi con đường của lòng tin dẫn đến sự đối thoại và hiểu nhau! Ước chi các tôn giáo hướng dẫn các tâm hồn đến việc "ổn định hòa bình" trái đất nầy! Trong những năm qua, biết bao người đã nhận được lời kêu gọi nầy và đã dấn thân phục vụ cho hòa bình và đối thoại, tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Nhiều lúc tinh thần đối thoại và thông cảm đã hướng dẫn những con đường đưa đến sự hòa giải. Nhưng đáng buồn thay, những cuộc xung đột mới được khai sinh, và tệ hơn nữa đã được phổ biến một tâm thức cho rằng cuộc xung đột giữa các tôn giáo và giữa các nền văn minh là một điều dường như không thể tránh được trong lịch sử.

Nhưng không phải như vậy! Hòa Bình luôn là điều có thể được! Người ta phải luôn luôn cộng tác với nhau để bứng ra khỏi nền văn hóa và khỏi cuộc sống những mầm giống của sự chua cay và không thông cảm có mặt trong đó, cũng như cần phải bỏ đi ý định muốn đặt mình trên kẻ khác;  cần bỏ đi sự đề cao lợi lộc riêng mình và khinh dễ thực thể của kẻ khác. Thật vậy chính trong những tâm tình tiêu cực nầy mà phát sinh những nền móng cho một tương lai đầy bạo lực và chiến tranh. Cuộc xung đột không bao giờ là điều không thể tránh được! Và các tôn giáo có một vai trò đặc biệt trong việc làm cho tất cả mọi người nam nữ  được ý thức  lại điều vừa nói trên; và ý thức nầy  đồng thời là hồng ân của Thiên Chúa và là kết quả của kinh nghiệm lịch sử qua bao thế kỷ. Ðó là điều mà tôi đã gọi là "tinh thần của Assisi". Thế giới chúng ta cần đến tinh thần nầy. Thế giới chúng ta cần đến những xác tín và những cách cư xử  phát xuất từ tinh thần Assisi nầy; Những xác tín và những cách cư xử đó làm cho nền hòa bình được vững chắc hơn, vừa củng cố những cơ cấu quốc tế và cổ võ cho sự hòa giải. "Tinh Thần của Assisi" khuyến khích các tôn giáo hãy đóng góp xây dựng thuyết nhân bản mới, mà thế giới hiện đại hết sức cần đến.

Một cách đặc biệt, con đường khởi sự từ Assisi vào năm 1986 và tiếp tục với sự dấn thân tham dự của biết bao vị lãnh đạo tôn giáo, (con đường đó) gặp được sức nuôi sống và sự khích lệ trong "mối giây liên kết chặt chẽ giữa thái độ tôn giáo đích thật và hòa bình" (Assisi, diễn văn kết thúc năm 1986). Tại Assisi, trước hết là vào năm 1986 và sau đó vào năm 2002, tôi đã muốn nhấn mạnh đến mối giây liên kết quý báu nầy, mà tôi cho là căn bản cho con đường chúng ta đã bắt đầu đi vào lúc đó. Như tôi đã viết trong Sứ  Ðiệp gởi cho cuộc Gặp Gỡ tại  Louvain và Bruxelles, "lời cầu nguyện mà chúng ta cùng chung nhau dâng lên Chúa, dù không xóa bỏ được những khác biệt, nhưng nói lên mối giây liên kết sâu xa, làm cho chúng ta trở nên những con người khiêm tốn đi tìm hòa bình mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể trao ban" (10-9-1992). Thế giới đang cần có Hòa Bình. Nhưng mỗi ngày đều có những tin tức về bạo lực, về những tấn công khủng bố, về những hành động quân sự. Phải chăng thế giới đang từ bỏ niềm hy vọng đạt đến hòa bình? Nhiều khi người ta có cảm tưởng rằng con người đã từ từ quen với việc xử dụng bạo lực và đổ máu người vô tội. Trước những dữ kiện đáng lo ngại như trên, tôi ưu tư tìm đến Kinh Thánh và gặp được những lời trấn an của Chúa Giêsu như sau: "Thầy để lại cho chúng con sự bình an; thầy ban cho chúng con sự bình an. Không phải như thế gian ban cho, Thầy ban cho chúng con bình an! Ước chi tâm hồn chúng con đừng xao xuyến và chúng con đừng lo sợ" (Gn 14,27). Ðó là những lời khơi dậy niềm hy vọng trong chúng ta, những người kitô có Ðức Tin vào Chúa, Ðấng là "Hòa Bình của chúng ta" (Ephêsô 2,14). Tuy nhiên, tôi muốn ngỏ lời với tất cả mọi người, để yêu cầu họ đừng chiều theo đường lối hành động của bạo lực, trả thù, và giận ghét, nhưng trước hết hãy kiên trì trong việc đối thoại. Cần phải bẻ gãy chuổi hành động gây chết chóc đang cầm tù và gây đổ máu quá nhiều nơi trên trái đất nầy. Các tín đồ của tất cả các tôn giáo có thể làm được nhiều điều để đạt đến mục tiêu vừa nói. Hình ảnh Hòa Bình phát xuất từ cuộc Gặp Gỡ tại Milanô khuyến khích biết bao người bước đi trên con đường hòa bình.

Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ tưởng nhớ đến biến cố khủng khiếp của ngày 11 tháng 9 (năm 2001), biến cố mang chết chóc vào trung tâm đất nước Hoa Kỳ. Ba năm đã qua rồi, và khởi sự từ ngày đó, buồn thay, nạn khủng bố xem ra như đang gia tăng những hăm dọa muốn tàn phá thêm nữa. Chắc chắn là người ta cần đến sự cứng rắn và nhất quyết trong việc chống lại những kẻ gây chết chóc. Tuy nhiên, đồng thời, cần phải hành động cách nào đó, để bứng đi tất cả những gì cổ võ việc củng cố con đường gây ra sự khủng khiếp: đặc biệt là nạn nghèo cùng, sự thất vọng, và sự trống rỗng trong tâm hồn. Chúng ta đừng để mình bị đè bẹp bởi sự sợ hãi làm cho chúng ta đóng kín trong chính mình và gia tăng sự  ích kỷ trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Cần có sự can đảm để "toàn cầu hóa" tình liên đới và hòa bình. Tôi đặc biệt nghĩ đến Châu Phi, một đại lục xem ra như thể hiện sự mất quân bình hiện có giữa Bắc Bán Cầu giàu có và Nam Bán Cầu nghèo cùng" (Sứ điệp cho lần Gặp  Gỡ thứ XVI, Con Ngưòi và Tôn Giáo, tại Palermo, 29 tháng 8 năm 2002),  và Tôi quan tâm đến dân chúng tại Irak; hằng ngày Tôi cầu xin Thiên Chúa ban xuống Hòa Bình cho Irak, một nền hòa bình mà con người không biết tạo ra cho chính mình.

Cuộc Gặp Gỡ tại Milanô cho ta thấy được nhu cầu cần phải quyết tâm đi trên con đường Hòa Bình; con đường hòa bình nầy không bao giờ đi qua bạo lực, nhưng luôn luôn đi qua đối thoại. Thật rõ ràng rằng bạo lực luôn gây ra bạo lực; và đặc biệt những ai đến từ những vùng đất đẩm máu vì những cuộc xung đột, thì biết rõ điều nầy. Chiến tranh mở ra những cánh cửa đưa đến vực sâu của sự dữ. Với chiến tranh, tất cả mọi sự đều có thể, kể cả điều không hợp lý chút nào cả. Vì thế, chiến tranh luôn bị xem như là một sự thất bại: sự thất bại của lý trí và của nhân loại. Ước gì mau đến một lời thì thầm khích lệ thiêng liêng và văn hóa để đưa con nguời đến việc ngăn cấm chiến  tranh. Phải, không bao giờ nên có chiến tranh nữa! Tôi đã có xác tín như thế vào tháng 10 năm 1986 tại Assisi, khi tôi yêu cầu những tín đồ của mọi tôn giáo hãy quy tụ lại bên nhau, để khẩn cầu Thiên Chúa ban xuống hòa bình. Ngày nay, tôi xác tín về điều nầy nhiều hơn nữa: khi sức mạnh của thân thể tôi trở nên yếu đi, thì tôi càng cảm thấy sức mạnh của lời cầu nguyện trở nên sống động hơn.

Vì thế  thật là có ý nghĩa việc Cộng Ðoàn Thánh Egidiô chọn cho cuộc Gặp Gỡ năm nay (2004), chủ đề vừa được nhắc đến trên đây, như sau: "Các Tôn Giáo và Các Nền Văn Hóa: sự can đảm của chủ thuyết nhân bản mới." Cách thức gặp nhau như thế nầy làm phát sinh một chủ thuyết nhân bản, nghĩa là một cách thức mới để nhìn về nhau, để hiểu nhau, để suy nghĩ về thế giới và để hoạt động cho hòa bình. Nơi cuộc Gặp Gỡ, các tham dự viên là những con người có khả năng đứng gần bên nhau, và gặp được tình bạn làm cho con người cảm nghiệm được phẩm giá cao cả của mỗi người và cảm nghiệm được sự phong phú thường đi đôi với sự khác biệt.

 

Từ  Castel Gandolfo, ngày 3 tháng 9 năm 2004,

Gioan Phaolô II (ấn ký)

 

(bản dịch của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page