ÐTC Gioan Phaolô II

lên tiếng chống lại nền văn hóa sự chết

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Gioan Phaolô II lên tiếng chống lại nền văn hóa sự chết.

Tin Vatican (Apic 9/09/2004) - Sáng thứ Năm, mùng 9 tháng 9 năm 2004, ÐTC đã tiếp 2,000 thành viên của phong trào giáo dân, --- gọi là phong trào Schooenstatt --- tại Castel Gandolfo, nhân dịp phong trào khánh thành Nhà Nguyện dâng kính Ðức Mẹ, dưới tước hiệu là "Mẹ Giáo Hội", và trung tâm quốc tế của phong trào tại Roma.

Phong trào Schoenstatt đã được Linh Mục Joseph Kentenich, người Ðức, sáng lập tại một địa điểm có tên là "Schoenstatt", nên được gọi là phong trào Schoenstatt, vào thời thế chiến thứ nhất, hay đúng hơn vào tháng 10 năm 1914, và hiến chương tu đức của phong trào đã được Hội Ðồng Tòa Thánh về giáo dân phê chuẩn năm 1964. Ðường hướng tu đức chính của Phong Trào có "đặc tính thánh mẫu", được xây dựng trên sự tận hiến cho và giao ước với Mẹ Maria, qua câu châm ngôn nổi tiếng nhất của Phong Trào, là "Con không làm bất cứ điều gì mà không có Mẹ cùng làm với con". Hiện tại phong trào đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới, và được phổ biến mạnh nhất là tại các quốc gia Ðức, Argentina, Brazil và Chilê.

Trong bài diễn văn dành cho các thành viên của Phong trào trong buổi tiếp kiến sáng thứ Năm mùng 9 tháng 9 năm 2004, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng chống lại nền "văn hóa của sự chết" được phổ biến khắp nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. ÐTC kêu gọi phong trào hãy dấn thân trong việc bảo vệ sự sống con người, chống lại tệ nạn phá thai. ÐTC nói như sau: "Chính đó là môi trường phong trào chúng con cần dấn thân vào để dựng lên những dấu chỉ soi đường mà thế giới ngày nay đang cần đến". ÐTC nhắc đến trách nhiệm của mọi thành viên phong trào trong việc đưa tinh thần kitô vào trong mọi sinh hoạt xã hội, vừa lưu ý rằng gia đình phải là tế bào căn bản của Giáo Hội, của văn hóa và của xã hội.

Nhắc đến lòng yêu mến Giáo Hội nơi mỗi thành viên của Phong Trào, ÐTC nhận định rằng việc thiết lập một Nhà Nguyện và một Trung Tâm Quốc Tế của Phong Trào tại Roma, gia tăng mối giây liên kết giữa phong trào với những đấng kế vị Thánh Phêrô và với Giáo Hội Mẹ.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page