Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II

trong thánh lễ phong chân phước

cho ba vị thành viên của

Phong Trào Công Giáo Tiến Hành

sáng Chúa Nhật 5/09/2004, tại Loreto

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong thánh lễ phong chân phước cho ba vị thành viên của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành, sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 9 năm 2004, tại Loreto.

(Radio Veritas Asia - 6/09/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 9 năm 2004, tại một quảng trường gần bên Ðền Thánh Ðức Mẹ Loreto, đã có hơn 200,000 tín hữu tham dự thánh lễ phong Chân Phước. Và ba vị tân chân phước thành viên của phong trào Công Giáo Tiến Hành; đó là Linh Mục Pedro Tarres y Claret, người Tây Ban Nha, sinh năm 1905 và qua đời năm 1950; hai vị còn lại là hai giáo dân trẻ người Italia, là anh Alberto Marvelli sinh năm 1918 và qua đời năm 1946, và cô Pina Surianô, sinh năm 1915 và qua đời năm 1950. Như  thế, đây là những vị chân phước của thời đại chúng ta, những vị vừa kết thúc cuộc đời trên trần gian vào thập niên 40 và 50. Sau đây là bài giảng của ÐTC trong thánh lễ sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 9 năm 2004 tại Loreto.

 

"Ai có thể biết được ý muốn của Thiên Chúa?" (Kn chương 9 câu 13). Câu hỏi, từ sách Khôn Ngoan, được trả lời như sau: Chỉ một mình Con Thiên Chúa, Ðấng đã xuống thế làm người trong cung lòng Ðức Trinh Nữ Maria, để cứu rỗi chúng ta, chỉ một mình Người mới có thể mạc khải cho chúng ta biết ý định của Thiên Chúa. Chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô mới biết được đâu là con đường để "đạt được sự khôn ngoan của con tim" và nhận được hòa bình và ơn cứu rỗi.

Và thử hỏi con đường nầy như thế nào? Chúa đã nói cho chúng ta biết trong bài phúc âm hôm nay rằng: đó là con đường của thập giá. Những lời của Chúa thật là rõ ràng: "Ai không vác Thập giá mình mà theo Ta, thì không thể là môn đệ của Ta" (Lc 14 27).

"Vác lấy thập giá mà theo Chúa Giêsu", điều nầy có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Ðiều nầy có nghĩa là không đặt bất cứ điều gì và bất cứ ai lên trước Chúa, kể cả những người thân yêu nhất, và kể cả chính  mạng sống mình."

"Anh chị em rất thân mến, anh chị em đã muốn quy tụ lại nơi đây, dưới cái nhìn của Ðức Mẹ Loreto, để canh tân sự dấn thân của anh chị em sống trung thành gắn bó với Chúa Giêsu Kitô.

Anh chị em biết rõ điều nầy: sống gắn bó với Chúa Kitô là một chọn lựa rất đòi hỏi. Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu nói đến "Thập Giá". Tuy nhiên, Chúa đã nói tiếp liền đó rằng "để đi theo Ta" --- Vác lấy thập giá để đi theo Chúa ---. Ðây là lời có ý nghĩa sâu xa: chúng ta không một mình vác lấy thập giá. Có Chúa đi trước chúng ta, mở đường cho chúng ta với ánh sáng của mẫu gương Người và với sức mạnh của tình yêu Người.

Thập giá, nếu được chấp nhận với tình yêu, thì sẽ làm phát sinh sự tự do. Thánh Phaolô tông đồ đã kinh nghiệm được điều nầy. Trong thư gởi cho Philêmon, chính thánh nhân đã xác định mình  "đã cao niên và đang bị cầm tù vì Chúa Giêsu Kitô", nhưng trong thâm tâm ngài cảm thấy hoàn toàn tự do. Ðây chính là điều chúng ta học được từ trang thư chúng ta vừa đọc: Thánh Phaolô đang bị cầm tù, nhưng tâm hồn ngài rất tự do, bởi vì có tình yêu Chúa Kitô ngự trị trong đó. Vì thế, từ  trong tối tâm của nhà tù trong đó ngài chịu đau khổ vì Chúa, thánh nhân có thể nói về sự tự do với một người bạn sinh sống bên ngoài nhà tù. Ông Philêmon là một người Kitô thuộc cộng đoàn Colossê: thánh Phaolô viết thư cho ông để xin ông chấp nhập cho người giúp việc Onesimô được tự do; theo luật của thời đó, ông Ônesimo còn là một người nô lệ, nhưng đã trở thành "người anh em" nhờ bí tích rửa tội đã lãnh nhận. Vậy, khi từ bỏ, không chiếm hữu người khác như sở hữu của mình, Ông Philêmon sẽ nhận lại món quà "một người anh em".

Bài học từ tất cả câu chuyện rất rõ ràng: không có tình yêu nào to lớn hơn tình yêu của thập giá; không có sự tự do nào đích thật hơn là sự tự do của tình yêu; không có tình huynh đệ nào trọn vẹn hơn tình huynh đệ phát sinh từ thập giá của Chúa Giêsu.

 

Sau những lời trên, ÐTC đề cao mẫu gương của từng vị tân chân phước. Bằng tiếng Tây Ban Nha, ÐTC nhắc đến mẫu gương của vị tân chân phước Linh Mục Pedro Tarrés y Claret, --- sinh năm 1905 và qua đời năm 1950 --- với những lời như sau:

 

Chan Phuoc Pedro Tarre y Claret

"Chân Phước Pedro Tarres y Claret, --- trước hết như một bác sĩ, và sau đó như là linh mục, --- đã tận hiến chính mình cho công việc tông đồ giáo dân giữa những người trẻ của Công Giáo Tiến Hành tại BarCêlona, rồi sau đó trở thành tuyên úy cho họ. Khi hành nghề y sĩ, ngài dấn thân hết sức mình để chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo nhất, với xác tín rằng "bệnh nhân là tượng trưng cho Chúa Kitô đang đau khổ". Khi trở thành linh mục, ngài dấn thân với hết lòng can đảm và quảng đại cho những bổn phận của thừa tác vụ, luôn trung thành với quyết tâm vào áp ngày lãnh chức tư tế; quyết tâm đó được thể hiện nơi lời ngài cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, con chỉ có một mục tiêu mà thôi là trở nên linh mục thánh thiện, dù phải trả giá như thế nào đi nữa". Ngài đã chấp nhận với đức tin và sự kiên nhẫn đến mức độ anh hùng một cơn bệnh khủng khiếp, dẫn đưa ngài đến cái chết, lúc mới được 45 tuổi. Mặc cho đau khổ đang chịu, ngài thường lặp đi lặp lại như sau: "Chúa tốt lành với tôi biết là chừng nào." Và câu: "Tôi thật sự hạnh phúc".

 

Kế đến , Ðức Thánh Cha nhắc đến mẫu gương của tân chân phước Alberto Marvelli, với những lời như sau:

 

Chan Phuoc Alberto Marvelli

"Chân phước Alberto Marvelli là người trẻ cương quyết và tự do, là người con của giáo hội tại Rimini và của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành; chân phước đã quan niệm về cuộc sống ngắn ngủi của mình như là món quà tình thương cho Chúa Giêsu để mưu ích cho anh chị em mình. Chân phước đã viết trong nhật ký như sau: "Chúa Giêsu đã bao phủ lấy tôi với những ân sũng của ngài." "Tôi chỉ nhìn thấy ngài, tôi chỉ nghĩ đến một mình Ngài mà thôi". Hằng ngày, Chân phước Alberto Marvelli lấy bí tích Thánh Thể làm trung tâm cho đời sống mình. Trong cầu nguyện, ngài tìm lấy nguồn hứng khởi cho sự dấn thân vào trong lãnh vực chính trị, với niềm xác tín về sự cần thiết phải sống trọn vẹn như những con cái của Thiên Chúa trong lịch sử, để biến lịch sử thành "lịch sử cứu rỗi".

Trong thời thế chiến thứ hai đầy khó khăn, thời gieo rắc chết chóc và gia tăng đau khổ và bạo lực dữ dằn, Chân Phước Alberto đã sống một đời sống thiêng liêng thật sâu xa; tình yêu đối với Chúa Giêsu đã dẫn đưa ngài đến việc quên đi chính bản thân để luôn luôn mang lấy thập giá của người nghèo cùng.

 

Và cuối cùng, ÐTC nhắc đến mẫu gương của vị tân chân phước thứ ba là cô Pina Surianô, như sau:

 

Chan Phuoc Pina Suriano

"Chân phước Pina Surianô, người quê  ở Partinicô, thuộc  giáo phận Monrealê, Italia, yêu mến Chúa Giêsu, với một tình yêu nồng nhiệt và trung thành, đến độ có thể viết ra với hết lòng chân thành như sau: "Tôi không làm gì khác hơn là sống cho Chúa Giêsu mà thôi!" Chân phước tâm sự với Chúa Giêsu với con tim như của một vị hôn thê như sau: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con thuộc về Chúa mỗi ngày một hơn. Lạy Chúa Giêsu, con muốn sống và chết cùng với Chúa và cho Chúa mà thôi."

Lúc còn là thiếu nhi, chân phước đã gia nhập Nhóm Trẻ của Công Giáo Tiến Hành; sau nầy, chân phước trở nên người lãnh đạo của Công Giáo Tiến Hành tại giáo xứ, vừa gặp thấy trong Phong Trào sự khích lệ quan trọng để trưởng thành trên bình diện nhân bản và văn hóa, trong bầu khí của tình bằng hữu thân tình. Chân Phước đã từ từ trưởng thành trong ý muốn đơn sơ và mạnh mẽ nầy là muốn tận hiến cuộc đời tươi trẻ của mình cho Thiên Chúa, như một món quà của tình yêu, đặc biệt để cầu nguyện cho sự thánh hóa và kiên trì của các linh mục.

 

Kết thúc bài giảng, sau khi đã nhắc đến mẫu gương thánh thiện của từng vị tân chân phước như trên, ÐTC đã nói như sau:

 

"Anh chị em rất thân mến, hỡi những người bạn của Công Giáo Tiến Hành, đang tựu về Loreto nầy, từ Italia, từ Tây Ban Nha, và từ nhiều nơi trên thế giới! Qua việc tôn phong chân phước cho ba Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, Chúa muốn nói với mỗi người ngày hôm nay rằng: Sự Thánh Thiện là món quà cao cả nhất mà anh chị em có thể dâng tặng cho giáo hội và cho thế giới.

Anh chị em hãy mang trong tâm hồn mình những gì Giáo Hội mang trong mình; đó là ước chi nhiều người nam nữ của thời đại chúng ta được chinh phục do sức hấp dẫn của Chúa Kitô; ước chi Tin Mừng được chiếu tỏa lại như là ánh sáng hy vọng cho người nghèo, người đau bệnh, người đói khát sự công bằng; ước chi các cộng đồng kitô càng ngày càng có tinh thần cởi mở, đầy sức thu hút; ước chi các thành phố trở thành nơi tiếp nhận tất cả mọi người sinh sống; ước chi nhân loại có thể đi theo những con đường của hòa bình và tình huynh đệ.

Thưa anh chị em giáo dân, chính tùy thuộc vào anh chị em để làm chứng cho đức tin nhờ qua những nhân đức riêng biệt của người giáo dân như: trung tín và dịu dàng yêu thương trong gia đình, có khả năng trong việc làm, kiên trì phục vụ cho công ích, liên đới trong những tương quan xã hội, có sáng kiến  mở ra những công việc hữu ích cho công việc rao giảng phúc âm và phát triển con người. Cũng tùy thuộc vào anh chị em để chứng tỏ, trong sự hiệp thông với các vị chủ chăn, rằng: Phúc Âm vẫn còn giá trị thời sự, và rằng đức tin không đem tín hữu ra khỏi dòng lịch sử, nhưng hội nhập tín hữu sâu xa hơn nữa vào trong lịch sử.

Hỡi anh chị em thuộc Phong Trào Công Giáo Tiến Hành, hãy can đảm lên! Nguyện xin Chúa hướng dẫn bước đường canh tân của anh chị em! Nguyện Xin Ðức Nữ Ðồng Trinh  của Loreto đồng hành với anh chị em và chăm sóc cho anh chị em với hết tình mẫu tử; Giáo Hội nhìn về anh chị em với lòng tin tưởng; vị giáo hoàng nầy xin gởi lời chào anh chị em, nâng đỡ anh chị em và ban phép lành cho anh chị em.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là bài giảng của ÐTC trong thánh lễ phong chân phước sáng Chúa Nhật mùng 5 tháng 9 năm 2004 tại Loreto. Các vị tân chân phước là những người đã từng hoạt động trong phong trào Công Giáo Tiến Hành. Vì thế, ÐTC đã nêu cao mẫu gương tông đồ của các ngài.

Xin chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page