Vài Nhận Ðịnh của
Ðức Tổng Giám Mục CHOI
Tổng Giáo Phận KWANGJU Nam Hàn
về Hiện Tình Giáo Hội Công Giáo
Tại Châu Á
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Vài Nhận Ðịnh của
Ðức Tổng Giám Mục CHOI, Tổng Giáo Phận KWANGJU Nam Hàn, về
Hiện Tình Giáo Hội Công Giáo Tại Châu Á.
(Radio
Veritas Asia 21/08/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, trong bài
giảng Thánh Lễ Khai Mạc Hội Nghị Toàn Thể lần thứ VIII của
Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Ðức Tổng Giám Mục
KWANGJU và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nam Hàn, đã nói
như sau: "Chúng ta đều biết rằng tất cả các vấn đề
trong gia đình và trong xã hội, phát sinh
do bởi việc chúng ta coi trọng và lo lắng về Thần tài
nhiều hơn là về Thiên Chúa hay Lời Ngài."
Vị
lãnh đạo Giáo hội của nước chủ nhà, đăng cai hội nghị
toàn thể của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nói thêm như
sau: "Giáo hội không phải là một ngoại lệ." Ngài
thừa nhận rằng khó cho người giàu có thể vào nước
thiên đàng và trung thành theo ý Chúa. "Nếu Giáo hội đặt
các mối quan ngại chính của mình về tiền bạc, thay vì Lời
Chúa, thì Giáo hội xa rời Nước Chúa." Tiếp sau đây, trong
mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi
vài đoạn trích từ bài Giảng của Ðức Tổng Giám Mục CHOI
trong thánh lễ khai mạc Hội Nghị Toàn Thể lần thứ VIII của
Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Nam Hàn. Ðức Tổng
Giám Mục Choi, đã nói như sau:
Kính thưa quý đức
hồng y, quý đức tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ,
và tất cả anh chị em trong Chúa,
Một lần nữa tôi xin gởi
lời biết ơn sâu sắc và lời chào chân thành của tôi đến
với tất cả quý vị đã đến tham dự Hội nghị Toàn thể lần
thứ tám của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Từ trước
đây, người dân Hàn Quốc lúc nào cũng vui mừng hoan nghênh
các bạn đến từ rất xa. Nhân dịp này, tôi cũng muốn nói
cho quý vị biết niềm vui sướng của chúng tôi khi có các vị
là khách của chúng tôi, qua câu nói của người xưa: "Tôi
vui sướng biết bao khi có người bạn từ nơi xa đến viếng
thăm tôi!" Thật vậy, tiếp đón tất cả quý vị là niềm
vui lớn của chúng tôi.
Thực ra, tháng Tám
là thời gian nóng nhất và ẩm ướt nhất ở Hàn Quốc. Chúng
tôi đang lo là sức nóng và độ ẩm này có thể làm quý vị
kiệt sức. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ
chức một biến cố lớn và
quan trọng trong vùng như thế này, vì thế các vị có thể nhận
ra những việc không hoàn hảo hay còn thiếu trong khâu chuẩn bị.
Là người Á châu,
chúng ta có nhiều vấn đề chung, như nghèo nàn về kinh tế,
khoảng cách biệt lớn giữa người giàu và người nghèo, sự
phân hóa do ngôn ngữ khác nhau, sự chia rẽ dân tộc và những
xung đột về ý thức hệ, và các vấn đề về môi trường.
Trong số những vấn đề khác, chúng ta không thể lờ đi vấn
đề gia đình, từng là một trong những báu vật của truyền
thống châu Á, nhưng hiện đang bị hủy hoại.
Vì thế, chúng ta sẽ
thảo luận kỷ vấn đề gia đình tại cuộc họp của chúng ta.
Ở Hàn Quốc, sự tiếp nhận văn hóa tây phương mà không
có phê bình đánh giá, đã làm
biến đổi mô hình gia đình mở rộng theo truyền thống thành
gia đình hạt nhân, và gây ra tỉ lệ sinh sản thấp và dân số
bị lão hóa. Ngoài ra, sự phóng khoáng trong tình dục, lạm dụng
tình dục và ly dị cũng gia tăng nhanh. Tôi cho rằng hiện tượng
này không chỉ giới hạn ở Hàn quốc, nhưng có thể được
chứng kiến ở nhiều vùng khác ở châu Á, nơi các vị đang
sống.
Người ta khắp nơi
đều công nhận rằng hầu hết các tội ác trong xã hội đều
bắt nguồn từ những tổn thương trong gia đình. Chúng ta cũng
có thể biết được điều này từ Kinh thánh. Tội lỗi chung
của Adam và Eve (cf. Gen 3,12-16) đã dẫn đến tội giết em của
Cain (cf. Gen 4,1-8), và vấn đề trong gia đình này đã trở thành
những vấn đề xã hội.
Lời Chúa hôm nay
cho chúng ta biết rằng người giàu khó mà vào được nước
trời và khó trung thành làm theo ý Chúa. Ðiều này cho thấy,
nhiều tội ác xảy ra trong gia đình và xã hội liên quan chặt
chẽ với khía cạnh kinh tế.
Thực vậy, trong nhiều
trường hợp ở tận gốc rễ của các vấn đề trong gia đình
có vấn đề tài chính. Ngày nay ở Hàn Quốc, có một câu nói
châm biếm là "chúng ta có thể thấy được gia đình đó
như thế nào tại đám tang của người bố hoặc của người
mẹ". Nói cách khác, nếu con cái đã trưởng thành của
người quá cố thân thiện với nhau sau khi bố mẹ họ mất, người
ta nghĩ rằng bố mẹ đó không để lại nhiều tài sản cho con
cái họ. Trái lại, nếu con cái bất hòa với nhau, người ta
cho là họ có thừa hưởng một gia tài lớn. Chúng ta có thể
áp dụng điều này chung cho xã hội. Nơi nào có nhiều vấn đề,
hầu như luôn luôn có liên quan đến vấn đề tiền bạc. Mọi
rắc rối đều xuất phát từ sự tôn thờ đồng tiền.
Giáo hội không phải
là một ngoại lệ. Nếu Giáo hội đặt mối quan ngại chính của
mình vào đồng tiền thay vì Lời Chúa, Giáo hội sẽ xa rời Nước
Chúa. Từ sách Tông đồ Công vụ, chúng ta có thể hình dung
ra hình ảnh hòa hợp của Giáo hội sơ khai nơi người giàu và
người nghèo hòa thuận với nhau. Chúng ta nên phục hồi hình
ảnh này của Giáo hội. Chúng ta đều biết rằng tất cả các
vấn đề trong gia đình và trong xã hội nổi lên khi chúng ta
coi trọng và lo lắng về Thần tài nhiều hơn là về Chúa hay Lời
Ngài.
So với châu Âu hay
châu Mỹ, châu Á là một lục địa nằm trong điều kiện kinh
tế nghèo nàn hơn. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của Lời Chúa
hôm nay cho thấy chúng ta gần với Nước Thiên Chúa hơn. Tôi
hy vọng Giáo hội ở châu Á, không phải bởi vì nghèo nhưng
bởi vì yêu mến Chúa và Lời Ngài, có thể càng ngày càng
tiến đến gần Nước Thiên Chúa hơn.
Khi Giáo hội đặt
Thiên Chúa và Lời Ngài ở vị trí hàng đầu, càng ngày sẽ
có càng nhiều gia đình Kitô hữu tập trung cuộc sống của mình
vào Chúa hơn. Và các gia đình này hiển nhiên sẽ trở thành
ánh sáng và muối cho thế giới.
Những vấn đề đang
đặt ra trước xã hội và Giáo hội ở châu Á là những
vấn đề phức tạp và nghiêm trọng. Ðương đầu với những
vấn đề này, chúng ta bị lôi cuốn vào việc giải quyết chúng,
từ những thái độ duy vật chất hay tư bản. Nhưng cách
giải quyết này thực sự không thể thực hiện được, giống như lạc đà chui qua lỗ kim vậy. Tuy nhiên, chúng
ta có hy vọng. Dù là chúng ta không phải là thần thánh mà
chỉ là con người, nhưng chúng ta biết được Chúa nhập thể,
chúng ta hy vọng nơi Ngài và chúng ta tin rằng mọi sự có thể
được giải quyết nơi Ngài. Chúng ta cũng tin mầu nhiệm cứu
chuộc qua đó Thiên Chúa làm người trong lòng Ðức Trinh Nữ
Maria bởi phép Chúa Thánh Thần.
Hy vọng "Hội nghị
Toàn thể" lần thứ VIII của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á
Châu có thể tiến hành theo Lời Chúa và Ý Chúa, tôi cầu
xin Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta. "Lạy Chúa Thánh
Thần, xin hãy đến làm ngập tâm hồn các tín hữu Chúa và
thắp sáng lên trong họ ngọn lửa tình yêu của Ngài" để
Nhiệm Thể Ðức Kitô có thể được tái sinh trong lục địa
châu Á này. Tôi cũng cầu xin lời cầu bầu của Ðức Mẹ,
người đã cưu mang Ngôi Lời bởi phép Chúa Thánh Thần và
đã trao ngài cho chúng ta như là Ðấng Cứu chuộc chúng ta.
"Lạy Mẹ Maria, Mẹ Ðấng Cứu chuộc và là Mẹ Giáo hội,
xin cầu cho Giáo hội. Amen." Ngoài ra, tôi muốn cầu xin lời
cầu bầu của các Thánh Tử đạo Hàn Quốc, những người đã
gieo trồng các hạt giống đức tin và nuôi dương các hạt giống
này trong tâm hồn chúng ta. "Lạy Thánh Andrew Kim Tae-gon và
các thánh tử đạo Hàn Quốc khác, xin cầu cho Giáo hội.
Amen."
Vừa rồi là vài đoạn trích từ bài giảng của Ðức Tổng Giám Mục CHOI, trong thánh lễ khai mạc Hội Nghị Toàn Thể lần thứ VIII của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Hàn Quốc. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng trich lại từ nguồn tin UCA News)