Vài nhận định của TòaThánh

về giải pháp giảm bớt Nạn Nghèo Ðói

Trên Thế Giới

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của TòaThánh về giải pháp giảm bớt Nạn Nghèo Ðói Trên Thế Giới.

(Radio Veritas Asia 11/07/2004) - Hôm thứ Sáu, mùng 9 tháng 7 năm 2004, Tòa Thánh đã công bố bức thư của ÐTC Gioan Phaolô II gởi cho Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, nhân dịp khóa Học Hội Quốc Tế, được Hội Ðồng bảo trợ tổ chức tại Vatican, hôm thứ Sáu  9/07/2004, về chủ đề: Nạn Nghèo Ðói và Hiện Tượng Toàn Cầu Hóa: việc trợ giúp Tài Chánh cho công cuộc Phát Triển, kể cả những mục tiêu của công cuộc phát triển trong Ngàn năm mới.

Tuy được công bố ngày 9 tháng 7 năm 2004, nhưng bức thư đã được ÐTC viết đề ngày 5 tháng 7 năm 2004.

Sau khi bảo đảm với các tham dự viên Khóa Học Hội những lời cầu nguyện và sự khuyến khích của ngài, ÐTC ghi nhận rằng "những  hoàn cảnh nghèo cùng tột độ đang ảnh hưởng trên hàng triệu người, làm cho cộng đồng quốc tế phải quan tâm nghiêm chỉnh. Với dấn thân phục vụ ưu tiên cho người nghèo, Giáo Hội chia sẻ mối quan tâm nầy và mạnh mẽ ủng hộ mục tiêu của Ngàn Năm Mới, là cắt giảm xuống phân nửa con số những người phải sống trong cảnh nghèo cùng, từ nay đến năm 2015."

Ðược biết, trong phiên họp Khoáng Ðại năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 phải làm sao để giảm xuống phân nửa con số những người phải sống trong cảnh nghèo cùng. Giờ đây, ÐTC rõ ràng nói lên sự ủng hộ của Tòa Thánh đới với mục tiêu nầy. ÐTC viết tiếp như sau trong  bức thư gởi cho Ðức Hồng Y Renato Martino:

"Qua sự trợ giúp của nhiều người công giáo và qua các cơ quan trợ giúp  phát triển của mình, Giáo Hội đóng góp phần của mình vào những cố gắng trợ giúp, và như thế tiếp tục công việc của chính Chúa Kitô, Ðấng đã đến để mang Tin Mừng đến cho người nghèo, mang lương thực đến nuôi sống kẻ đói, và dấn thân phục vụ anh chị em chớ không phải để được phục vụ.". "Ðiều chúng ta cần đến hiện nay, là một tinh thần sáng tạo mới trong việc thi hành tình thương bác ái. Cần phải tìm ra những phương tiện mới để phân phối công bằng hơn những tài nguyên trên thế giới."

Nhìn đến tương lai, ÐTC viết trong bức thư của ngài như sau: "Ðã có nhiều chương trình đã được thực hiện để giảm bớt gánh nặng nợ nần đang đè xuống trên những quốc gia nghèo; nhưng còn phải thực hiện nhiều chương trình hơn nữa, nếu muốn giúp cho những quốc gia nghèo đang  trên đường phát triển được thoát ra khỏi những hậu quả tiêu cực của việc thiếu vốn đầu tư, và nếu những quốc gia giàu có muốn thật sự chu toàn bổn phận liên đối với những anh chị em kém may mắn hơn trên thế giới. Trong thời gian từ ngắn hạn đến trung hạn, một dấn thân gia tăng trợ giúp tài chánh từ  nước ngoài, xem ra là giải phát duy nhất để tiến tới, và do đó Giáo Hội ủng hộ việc kiếm tìm những giải pháp có tính cách sáng tạo mới, chẳng hạn như "Quỷ Quốc Tế về Tài Chánh".

Một trong những tham dự viên khóa Học Hội, Ông bộ trưởng Tài Chánh của Chính Phủ Anh Quốc, Ông Gordon Brown, đã giải thích cho khoảng 50 tham dự viên khóa Học Hội nói trên, rằng "Quỷ Quốc Tế  về Tài Chánh" nhắm huy động, trong khoảng thời gian dài 10 năm, mỗi năm một số vốn 50 tỉ mỹ kim, để trợ giúp tài chánh cho công cuộc Phát Triển của các quốc gia nghèo. Nhưng các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ðức Quốc, thì xem ra không xác tín ưng thuận với sáng kiến vừa nói.

Nhưng không phải chỉ có một chiều, tức chiều trợ giúp từ nước giàu cho các quốc gia nghèo,   mà còn cần phải có chiều ngược lại, tức là sự cộng tác và tinh thần trách nhiệm của những quốc gia lãnh nhận sự trợ giúp.

ÐTC viết thêm như sau trong bức thư  ngài gởi cho Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình: "Việc trợ giúp tài chánh từ các quốc gia giàu có, kéo theo một  bó buộc  cho quốc gia lãnh nhận, phải chứng tỏ sự trong sáng và trách nhiệm trong việc xử dụng những trợ giúp tài chánh nầy. Tôi xác tín rằng các chính phủ của những quốc gia nghèo cũng như giàu, cần nghiêm chỉnh lãnh lấy trách nhiệm đối với nhau cũng như đối với dân chúng trong đất nước của họ."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page