Những hình thức bách hại mới đối với

người Kitô tại Âu Châu ngày nay

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những hình thức "bách hại" mới đối với người Kitô tại Âu Châu ngày nay.

Tin Roma (Apic 6/07/2004) - Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo công giáo "Tương Lai", số phát hành tại Italia, ngày thứ Ba mùng 6 tháng 7 năm 2004, Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, đã nhận định rằng: Âu Châu  được xây dựng trên nền "văn hóa đời thường" vẫn còn phải chịu "những hình thức tinh vi" về bách hại tôn giáo. Trong thế kỷ thứ XX vừa qua,  tại vài quốc gia âu châu, vẫn còn có những vị tử đạo. Những bách hại tôn giáo xem ra tinh vi hơn, nhưng không phải vì thế mà ít tác hại. Nhiều người kitô bị khinh thị vì đức tin của họ; nhiều đôi bạn trẻ bị loại ra ngoài lề xã hội, chỉ vỉ họ muốn có nhiều con cái. Những ai không chấp nhận "sự kết hiệp giữa hai người đồng phát tính" như là một "hôn nhân",  thì bị dư luận "báo chí" chụp mủ như là những kẻ "bất bao dung" tôn giáo.

Ðối với Ðức Hồng Paul Poupard, tất cả những hình thức bách hại như vừa nói trên, trực tiếp hiển nhiên hay ngấm ngầm ẩn khuất, đều sẽ tạo ra những "phản ứng ngược",  nghĩa là sẽ làm trổ sinh những hoa trái tốt trên bình diện sống đức tin.

Nhận định về việc bản Hiến Pháp mới của Liên Hiệp Âu Châu không minh nhiên nhắc đến những gốc rễ kitô giáo của Âu Châu, Ðức Hồng Y Paul Poupard nói như sau: "Việc nhất quyết không đưa vào phần nhập đề của Hiến Pháp mới của Liên Hiệp Âu Châu bất cứ lời minh nhiên nào nhắc đến những gốc rễ kitô của Âu Châu, là dấu cho chúng ta biết rằng luôn luôn có một sự  chống đối thâm độc đối với kitô giáo. Thái độ chống đối như thế vượt quá giới hạn của một thái độ "bài giáo sĩ" thuần túy. Chủ nghĩa "duy thế tục" như vậy sẽ không cổ võ cho một sự thông cảm nhau giữa các nền văn hóa.

Tuy nhiên, dù có những nhận định như vừa nói trên, Ðức Hồng Y Paul Poupard không vì đó mà có thái độ bi quan. Ngài lưu ý đến những dấu chỉ tích  cực cho đời sống đức tin, như hiện tượng càng ngày càng có nhiều người lớn trở về lại với giáo hội sau một thời gian  từ bỏ giáo hội, sự khai sinh những phong trào mới và những cộng đoàn tôn giáo sống đức tin, và sự tham dự đông đảo và sốt sắng của giới trẻ vào những "Ngày Quốc Tế Giới Trẻ" đã được tổ chức.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page