Bài giảng của

Ðức Thượng Phụ Bartolomêô đệ I

trong thánh lễ trọng kính

hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô

tại Roma ngày 29 tháng 6 năm 2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thượng Phụ Bartolomêô đệ I, trong thánh lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại Roma ngày 29 tháng 6 năm 2004.

(Radio Veritas Asia 2/07/2004) - Quý vị và các bạn thân mến, Lễ Trọng Kính Hai Thánh Phêrô và Phaolô tại Roma năm 2004 là đặc biệt với sự hiện diện của Ðức Thượng Phụ Bartolomeo I, giáo chủ Chính thống giáo Costantinopoli. Và không phải chỉ hiện diện mà thôi, Ðức Bartolomeo I đã giảng trong thánh lễ cùng với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài nói về những điều kiện để hiệp nhất hoàn toàn giáo hội. Ðiều kiện căn bản nhất là sống thực tinh thần của Chúa Kitô. Sau đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi nguyên văn bài giảng của ngài:

 

Thưa Ðức Thánh Cha,

Với những tâm tình vừa vui và cũng vừa buồn, chúng tôi đến  đây với quý Chư Huynh, trong ngày quan trọng nầy của Lễ Trọng Kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, để nói lên tình yêu thương của chúng tôi đối với chính Ðức Thánh Cha và đối với tất cả mọi thành phần của Giáo Hội anh em tại Roma, đang mừng lễ thánh quan thầy. Chúng tôi vui mừng cùng với quý Chư Huynh đang vui mừng, tuy nhiên chúng tôi lấy làm tiếc bởi vì còn thiếu điều đáng lý ra phải làm cho niềm vui của đôi bên được trọn vẹn, đó là việc thiết lập lại sự hiệp thông hoàn toàn giữa các giáo hội chúng ta.

Ngày hôm nay, chúng tôi chú ý đến việc mừng kỷ niệm 40 năm cuộc gặp gỡ --- vào năm 1964 --- của những vị tiền nhiệm đáng ghi nhớ của chúng ta tại Giêrusalem; cuộc gặp gỡ nầy đã kết thúc được con đường chúng ta đi ra xa nhau và đã là giây phút khởi đầu cho con đường các giáo hội tiến lại gần nhau.

Trên con đường mới nầy, đã thực hiện được nhiều bước tiến xích lại gần nhau hơn. Ðã có những cuộc đối thoại, đã có những gặp gỡ với nhau, đã có những trao đổi thơ từ; tình  yêu thương được gia tăng, nhưng chúng ta chưa được đạt đến mục tiêu mong muốn. Trong 40 năm qua, thật không thể loại bỏ hết những lập trường chống đối nhau, đã được chồng chất trong lịch sử dài hơn chín trăm năm.

Niềm hy vọng --- một niềm hy vọng được khai triển với đức tin và với một tình thương luôn hy vọng --- là một trong những hồng ân quan trọng của Thiên Chúa. Cả chúng ta cũng hy vọng rằng điều đã không làm được cho đến hôm nay, thì sẽ đạt được trong tương lai, và --- chúng ta cầu chúc cho một tương lai gần đây. Nhưng có lẽ cũng là một tương lai xa, nhưng sự chờ đợi của chúng ta và tình  yêu thương của chúng ta, tất cả đều không bị áp đặt vào trong những giới hạn trần thế. Niềm hy vọng của chúng ta ngày hôm nay, tại nơi đây, nói lên cách hiển nhiên ước muốn chân thành của chúng ta muốn cất đi tất cả mọi trỡ ngại có tính cách giáo hội, nhưng không phải là những trở ngại tín lý hay thiết yếu, ngõ hầu quan tâm của chúng ta được tập trung vào việc nghiên cứu những khác biệt thiết yếu và những sự thật tín lý, những sự thật mà cho tới nay vẫn còn gây chia rẽ các giáo hội chúng ta, cũng như về cách thức sống sự thật kitô của giáo hội hiệp nhất.

Thay cho ước muốn liên kết tên tuổi chúng ta với những gì mà chỉ mình Chúa Thánh Thần mới có thể làm được, chúng ta không gán cho những hành động của chúng ta một sự hữu hiệu to lớn hơn sự hữu hiệu mà Thiên Chúa muốn ban cho những hành động đó. Tuy nhiên, khi nói lên ước muốn của mình, chúng ta hoạt động không mệt mõi cho điều mà hằng ngày chúng ta cầu xin; đó là:"sự hiệp nhất của tất cả mọi người kitô". Do lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta biết rõ thật là cần thiết biết là chừng nào sự hiệp nhất của chúng ta --- ngõ hầu thế gian tin rằng Chúa đến từ Thiên Chúa Cha. Chúng tôi cộng tác với quý Chư Huynh, ngõ hầu sự hiệp nhất nầy được đạt dến, và chúng tôi khuyến khích tất cả hãy cầu nguyện sốt sắng cho những cố gắng chung của chúng ta được thành công.

Thưa anh chị em kitô rất thân mến,

Sự Hiệp Nhất các giáo hội --- mà chúng tôi nói đến và xin anh chị em cầu nguyện cho, --- không phải là một sự "liên kết trần tục", giống như những liên kết của các quốc gia, những liên hiệp nhân sự và cơ cấu để thực hiện một "tổ chức liên hiệp cao hơn". Ðiều nầy là thật dễ đạt đến,  và tất cả các giáo hội đã thiết lập rồi những tổ chức khác nhau, trong đó các giáo hội cộng tác với nhau trong nhiều lãnh vực.

Sự hiệp nhất mà các Giáo Hội khao khát đạt đến, là một cuộc đi tìm thiêng liêng nhắm đến việc sống chung với nhau sự hiệp thông thiêng liêng với chính Chúa Giêsu Kitô chúng ta. Sự hiệp nhất đó có thể đạt đến, khi tất cả mọi người chúng ta có được "tâm trí của Chúa Kitô", "tình thương của Chúa Kitô", "đức tin của Chúa Kitô", "thái độ hiến tế của Chúa Kitô", và --- cách chung --- khi chúng ta sống tất cả những gì thuộc về Chúa Kitô như chính Chúa đã sống ngày xưa, hay ít ra khi chúng ta chân thành mong muốn sống, như ngài mong muốn chúng ta sống.

Trong cố gắng thiêng liêng hết sức tế nhị nầy, nẩy sinh những khó khăn do bởi sự việc đa số chúng ta thường trình bày những lập trường riêng, những ý kiến và những đánh giá riêng, dường như thể đó là những thể hiện của tinh thần, của tình thương, và cách chung của tinh thần của Chúa Kitô. Bởi vì những ý kiến và những thẩm định cá nhân nầy không phù hợp với nhau  và cũng không phù hợp với điều được Chúa Kitô "sống thực", nên mới phát sinh những bất hòa. Với lòng chân thành, nhờ qua những đối thọai liên giáo hội, chúng ta hãy cố gắng hiểu nhau với tâm hồn tràn đầy yêu thương; chúng ta hãy cố gắng nhận định xem điều gì và tại sao chúng ta lại khác biệt nhau trong điều chúng ta sống, và được biểu lộ bằng những công thức  tín lý khác nhau. Chúng ta không lập luận cách trừu tượng về những vấn đề lý thuyết mà theo đó lập trường của chúng ta không có những hậu quả trên đời sống. Chúng ta hãy cố gắng, giữa những điều được sống thực hành và được diễn tả bằng những công thức khác nhau, chúng ta hãy cố gắng tìm điều diễn tả đúng, hay ít ra diễn tả cách trọn vẹn nhất có thể, tinh thần của Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhớ lại thái độ của hai môn đệ Chúa Kitô, khi Chúa không được dân chúng tại một vùng nào đó không chấp nhận. Hai môn đệ nổi giận và hỏi Chúa Kitô xem họ có thể xin Thiên Chúa cho lửa bởi trời xuống thiêu đốt những kẻ từ chối tiếp rước Chúa hay không. Câu trả lời của Chúa Kitô là câu trả lời đã được nói cho biết bao người kitô qua bao thế kỷ. Ðó là câu: "Chúng con không biết mình có tinh thần như thế nào, bởi vì Con Người không đến để làm hư mất các linh hồn, nhưng để cứu rỗi họ" (Lc 9,55-56). Biết bao lần, vài tín hữu, qua các thế kỷ, đã xin Chúa Kitô ưng thuận với những việc làm của họ không phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô. Tệ hơn nữa, họ gán cho Chúa Kitô những giáo huấn và những ý kiến riêng của họ, cho rằng ý kiến nầy ý kiến kia diễn tả tinh thần của Chúa Kitô. Vì thế mà phát sinh những bất đồng giữa các tín hữu; và hậu quả là các tín hữu bị chia rẽ thành từng nhóm như những giáo hội khác nhau ngày hôm nay.

Ngày nay, những cố gắng chung đang hướng đến việc sống tinh thần của Chúa Kitô, trong cách thức mà Chúa đồng ý nếu người ta hỏi ý kiến Chúa. Một thái độ sống như thế đòi hỏi tâm hồn trong sạch, những mục tiêu vô vị lợi, nhân đức khiêm tốn, tắt một lời, đó là đời sống thánh thiện. Những đối nghịch chồng chất và những vụ lợi từ bao thế kỷ không cho phép chúng ta nhìn thấy rõ ràng và làm chậm trể sự hiểu biết chung về tinh thần của Chúa Kitô; chính theo tinh thần nầy của Chúa Kitô mà phát sinh sự hiệp nhất đang được mong ước giữa các giáo hội, một sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, trong cùng một tinh thần, trong cùng một Mình Thánh và trong cùng một Máu Thánh Chúa. Dĩ nhiên, theo bình diện thiêng liêng, không có ý nghĩa nếu chỉ chấp nhận và thực hiện sự hiệp nhất bên ngoài, khi mà vẫn còn đó sự khác biệt trong tinh thần.

Như thế thật là dễ hiểu, việc người ta không đi tìm sự san bằng những truyền thống, những xử dụng, những thói quen của các tín hữu, nhưng chỉ cố gắng cùng nhau sống chính Chúa Giêsu Kitô, đấng duy nhất và không thay đổi, trong Chúa Thánh Thần, cố gắng sống sự hiệp thông trong cái "Sống Thực" của biến cố nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và của việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trong Giáo Hội, cũng như  cố gắng "Sống Thực" chung với nhau của biến cố Giáo Hội như là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, Ðấng hướng tất cả mọi sự về chính mình. Việc Sống Thực Thiêng Liêng mà chúng ta đi tìm, kết thành cái sống thực cuối cùng của con người, kết thành sự kết hiệp của con người với Chúa Kitô, và do đó việc đối thoại về vấn đề nầy là điều quan trọng nhất. Vì thế chúng tôi đã yêu cầu và hiện đang yêu cầu những người kitô cầu nguyện sốt sắng cùng Chúa Chúa Giêsu Kitô, ngõ hầu ngài hướng các con tim đạt đến mục tiêu của niềm khao khát hiệp nhất, sao cho, một khi đạt đến đó, chúng ta có thể mừng chung với nhau, theo ý Chúa muốn, mọi cử hành của giáo hội trong sự hiệp thông thiêng liêng hoàn toàn và trong niềm vui. Amen.

 

(bản dịch của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page