Bài giảng của

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

trong thánh lễ trọng

kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thánh lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

(Radio Veritas Asia 12/06/2004) - Lúc 6.30 chiều thứ Năm, 10/06/2004, đúng ngày Lễ Trọng Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, ÐTC Gioan Phaolô II đã chủ sự Thánh Lễ tại Quảng Trường Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và phụ trách phần giảng trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, chính thánh lễ thì do Ðức Hồng Y RUINI chủ tế. Trong bài giảng về Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, ÐTC đã công bố mở Năm Thánh Thể, từ tháng 10 năm 2004, với biến cố Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế  tại Mêhicô, cho đến tháng 10 năm 2005, với biến cố Khóa Họp Thông Thường Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế  Giới, về đề tài Bí Tích Thánh Thể. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi nguyên văn bài giảng của Ðức Thánh Cha. Nội dung chính của bài giảng giải thích về Bí Tích Thánh Thể.

Mở đầu bài giảng, ÐTC trích câu kinh thánh từ thơ 1 Corintô, chương 11, câu 26, như sau:

"Khi anh em ăn bánh và uống chén rượu nầy, anh em loan truyền cái chết của Chúa, cho đến khi Người lại đến" (I Co 11,26).

Với những lời trên, Thánh Phaolô nhắc những người kitô tại Côrintô nhớ rằng "Bữa Tiệc Ly của Chúa" không phải chỉ là cuộc họp nhau quanh bàn tiệc, nhưng còn là - và nhất là - cuộc tưởng niệm hy tế cứu rỗi của Chúa Kitô. Bất cứ ai tham dự vào đó --- thánh tông đồ Phaolô giải thích --- thì liên kết chính mình với mầu nhiệm cái Chết của Chúa, trở nên "sứ giả" của Ngài. Vì thế, có mối tương quan thật chặt chẽ giữa việc "cử hành Bí Tích Thánh Thể" và "rao giảng Chúa Kitô"â. Bước vào trong mối tương quan hiệp thông với Chúa trong cuộc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua, điều nầy có nghĩa là trở nên "nhà rao truyền" biến cố mà nghi thức thực hiện. Theo một  nghĩa nào đó, điều nầy có nghĩa là làm cho mầu nhiệm trở nên "hiện tại" trong mọi lúc, cho đến khi Chúa lại đến.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống thực tại kỳ diệu của ngày lễ trọng hôm nay Kính Mình Máu Thánh Chúa (Corpus Christi); trong ngày lễ trọng nầy, giáo hội không những cử hành Thánh Thể, nhưng còn "rước kiệu Thánh Thể" cách long trọng, vừa công khai rao giảng rằng hy tế của Chúa Kitô là để cứu rỗi toàn thế giới. Với tâm tình biết ơn vì hồng ân  vô cùng to lớn nầy, Giáo Hội đến gần với Bí Tích rất thánh nầy, bởi vì bí tích nầy là nguồn mạch và là chóp đỉnh của thực thể và hành động của chúng ta. "Ecclesia de Eucharistia vivit!" Giáo Hội sống nhờ Bí Tích Thánh Thể, và biết rõ rằng sự thật nầy không những nói lên kinh nghiệm đức tin hằng ngày, nhưng còn diễn tả cách tổng hợp "trung tâm điểm" của Mầu Nhiệm chính thực thể của giáo hội (x. Thông Ðiệp "Ecclesia de Eucharistia", số 1).

 Từ  khi, với biến cố Hiện Xuống, dân của giao ước mới "bắt đầu cuộc hành hương hướng về quê hương trên trời, thì Bí Tích Thánh Thể tiếp tục nhào nắn những ngày sống của họ, làm cho những ngày đó được đầy tràn niềm hy vọng đầy xác tín". Khi suy nghĩ đặc biệt về việc nầy, tôi đã muốn dành cho bí tích Thánh Thể thông điệp đầu tiên của ngàn năm mới và giờ đây tôi sung  sướng công bố Năm Ðặc Biệt Bí Tích Thánh Thể. Năm nầy bắt đầu với Ðại Hội Quốc Tế về Thánh Thể, được đự trù tổ chức từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004, tại Guadalajara (Mehico) và sẽ kết thúc với biến cố khóa họp thông thường của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, được tổ chức tại Vatican, từ ngày 2 đến 29 tháng 10 năm 2005, với chủ đề:"Bí Tích Thánh Thể: nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo hội".

Nhờ qua bí tích thánh thể, cộng đoàn giáo hội được xây dựng như một Giêrusalem mới, là nguyên tắc hợp nhất trong Chúa Kitô giữa các dân tộc  và các  quốc gia khác nhau.

"Chúng con hãy cho họ ăn!" (Lc 9,13)

Trang Phuc Âm chúng ta vừa nghe  trình bày hình ảnh hữu hiệu về mối liên kết sâu xa giữa Thánh Thể và sứ mạng phổ quát của Giáo Hội. Chúa Kitô, "bánh hằng sống từ trời xuống" (Gn 6,51) là Ðấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của con người mọi thời đại và mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, Chúa không muốn làm điều nầy một mình, và như thế, như trong phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa để cho các môn đệ cộng tác vào: "Chúa cầm lấy năm cái bánh và hai con cá,  nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng và bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ, để các ngài mang đến cho dân chúng" (Lc 9,16). Dấu chỉ lạ lùng nầy là hình ảnh cho mầu nhiệm cao cả của tình yêu, được lặp lại mỗi ngày trong Thánh Lễ: qua các thừa tác viên có chức thánh, Chúa Kitô trao ban Mình và Máu Người để nhân loại được sống. Và tất cả những ai đến nuôi sống mình một cách xứng đáng nơi bàn tiệc của Chúa, thì trở nên những phương tiện sống động cho sự hiện diện của Chúa, sự hiện diện đầy yêu thương, nhân từ và hòa bình.

Hỡi Sion, hãy chúc tụng Ðấng cứu thế. Lauda Sion Salvatorem! Hãy chúc tụng Ðấng hướng dẫn và là chủ chăn, với những bài thánh vịnh và thánh ca.

Với tâm tình xúc động sâu xa, chúng ta cảm nghiệm lời mời gọi hãy chúc tụng và hãy vui lên, vang lên trong tâm hồn chúng ta. Vào lúc kết thúc Thánh Lễ, chúng ta sẽ rước kiệu Bí Tích Thánh, đến đền thờ Ðức Bà Cả. Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn  sức mạnh biến đổi của bí tích Thánh Thể. Lắng nghe lời Mẹ Maria, chúng ta sẽ gặp được trong Mầu Nhiệm Thánh Thể sự can đảm và sức mạnh theo Chúa Kitô, Ðấng chăn chiên nhân lành, và phục vụ Người trong những anh chị em chúng ta."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page