Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II

trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 6/06/2004

tại Thụy Sĩ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong thánh lễ sáng Chúa Nhật 6/06/2004 tại Thụy Sĩ: Vài Thách Thức của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ Ngày Nay.

(Radio Veritas Asia 11/06/2004) - Quý vị và các  bạn thân mến, sáng Chúa Nhật 6/06/2004), ÐTC Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ cho khoảng 70 ngàn tín hữu, tại Cánh Ðồng Cỏ Lớn ở vùng ngoại ô Thủ Ðô Thụy Sĩ. Trong bài giảng lễ, sau những lời chào chúc và giải thích vắn tắt về Lễ Trọng Kính Thiên Chúa Ba Ngôi, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc đến những thử thách được đề ra cho Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ ngày nay. Mục Thời Sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi một đoạn bài giảng của ÐTC nói về những thử thách nầy.

ÐTC nói lên ước nguyện của Ngài được làm "chứng nhân của niềm hy vọng" khi đến thăm Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ. ÐTC nói như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi được trở nên chứng nhân của niềm hy vọng giữa anh chị em, một niềm hy vọng "không lừa dối" ai, bởi vì được thiết lập trên tình yêu Thiên Chúa, một "Tình Yêu đã được Chúa Thánh Thần đổ tràn xuống trong tâm hồn chúng ta" (Roma 5,5). Ðây chính là điều thế giới ngày nay đặc biệt cần đến: cần được tăng thêm niềm hy vọng!

Tiếp đến, dựa trên mẫu gương hiệp thông và hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, ÐTC nói đến sự hiệp thông và hiệp nhất giữa những người kitô, với những lời như sau:

"Sự  hiệp thông sâu xa giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được Chúa Kitô trình bày như là mẫu gương cho chúng ta, những đồ đệ của Người, khi Chúa cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: "Ước gì tất cả  được nên một, như Cha ở trong Con và Con trong Cha. Ước chi họ nên một, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Gn 17,21). Việc hằng năm mừng lễ kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi luôn thôi thúc những người kitô dấn thân xây dựng sự hiệp nhất. Ðây là lời mời gọi có liên quan đến tất cả chúng ta, chủ chăn và tín hữu; một lời mời gọi khuyến khích chúng ta có một ý thức mới về trách  nhiệm của mình trong giáo hội, hiền thê của Chúa Kitô. Với những lời của Chúa Kitô như vừa được nhắc lại trên dây, thì thử hỏi làm sao không nhìn thấy mối quan tâm  đại kết đang thúc bách chúng ta? Nhân dịp nầy, một lần nữa, tôi xác nhận ý chí muốn tiến tới trên con đường khó khăn, nhưng phong phú niềm vui và sự hiệp thông trọn đầy của tất cả mọi người tin vào Chúa.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng sự đóng góp lớn cho công cuộc đại kết, đến từ ý chí của những người công giáo sống hiệp nhất với nhau. Trong tông thư "Bước vào ngàn năm thứ ba", tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết "phải làm cho Giáo Hội trở nên nhà và trường học của sự hiệp thông", với cái nhìn của con tim gắn chặt vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đang ngự trị trong chúng ta; ánh sáng của mầu nhiệm nầy cần được nhìn thấy trên dung mạo người anh chị em. Chính  nhờ vậy, mà được nuôi dưỡng "con đường tu đức của Hiệp Thông", con đường được khởi sự từ những nơi trong đó con người được huấn luyện trên bình diện nhân bản và kitô, để cuối cùng đến trong các giáo  xứ, các hiệp hội và phong trào. Giáo hội địa phương nào trổ sinh "nền tu đức hiệp thông", thì giáo hội đó biết cách luôn thanh luyện mình khỏi "những chất độc" của ích kỷ, làm phát sinh những ganh tị, những nghi kỵ, đóng kín và chống đối phá bỏ".

Việc liệt kê những nguy hiểm trên khơi dậy trong chúng ta lời cầu nguyện tự phát dâng lên Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu đã hứa sai xuống trên chúng ta: "Khi Thánh Thần sự Thật đến, ngài sẽ hướng dẫn chúng con tiến vào sự thật trọn vẹn" (Gn 16,13). Thử hỏi sự Thật là gì? Chúa Giêsu đã phán: "Ta là đường, là sự Thật và là sự sống" (Gn 14,6). Thử hỏi "công thức đúng" như vừa nói --- "Ta là đường, là Sự Thật, và là sự sống" --- không trả lời cho câu hỏi:"Sự Thật là Gì" hay sao? Nhưng thử hỏi: Ai là sự  thật? Ðây cũng là câu hỏi mà con người của ngàn năm thứ ba  đặt ra.

Anh chị em rất thân mến,

Chúng ta không thể nào im lặng, bởi vì chúng ta đã biết sự thật nầy rồi. Sự Thật là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đến trong thế gian, để mạc khải cho chúng ta và trao ban cho chúng ta tình yêu thương đối với Thiên Chúa Cha. Chúng ta được gọi làm chứng nhân cho sự thật nầy, bằng lời nói, nhưng nhất là bằng chính đời sống chúng ta!

Thưa anh chị em, Giáo Hội là truyền giáo! Ngày nay, giáo hội cần đến những vị tiên tri có khả năng khơi dậy, trong cộng đồng, (khơi dậy) đức tin vào Ngôi Lời, Ðấng mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa giàu lòng nhân từ. Ðã đến lúc chuẩn bị cho thế hệ trẻ trở thành những tông đồ không sợ hải trong việc công bố Phúc Âm. Ðối với bất cứ ai đã lãnh nhận bí tích rửa tôi, thì điều cần thiết là phải tiến từ một "đức tin vì tiện lợi" đến một "đức tin trưởng thành"; đức tin trưởng thành nầy được thể hiện rõ ràng trong những chọn lựa cá nhân, rõ ràng, có xác tín và can đảm.

Chỉ một đức tin như thế, --- một đức tin được cử hành và được chia sẻ trong sinh hoạt phụng vụ và trong đức bác ái huynh đệ, --- (chỉ một đức tin như thế) mới có thể nuôi sống và củng cố cộng đoàn những môn đệ của Chúa và xây dựng Giáo Hội truyền giáo, một giáo hội được giải thoát khỏi những lo sợ giả tạo, bởi vì được Tình Yêu của Thiên Chúa Cha bảo đảm cho.

"Tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn xuống trên chúng ta nhờ bởi Chúa Thánh Thần" (Roma 5,5). Nhưng đây không phải do công  nghiệp gì của chúng ta, để được như vậy. Ðây là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban  cho. Mặc cho gánh nặng những tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã cứu chuộc chúng ta bởi Máu Thánh Chúa Kitô. Ân Sũng của ngài đã chữa lành chúng ta nơi tận thâm sâu tâm hồn.

Vì thế, chúng ta có thể công bố cùng với tác giả thánh vịnh như sau: "Lạy Chúa, Tình Thương của Chúa là thật cao cả biết bao khắp nơi vũ trụ!" Tình Thương Chúa là thật cao cả biết bao, nơi tôi, nơi kẻ khác, nơi  mọi người nam nữ! Ðó là nguồn mạch đích thật cho sự cao cả của con người; đó là gốc rễ của phẩm giá không thể phá bỏ được của con người! Nơi mọi người, có phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa. Chính đây là sự thật sâu xa nhất của con người, một sự thật không thể nào chối bỏ hay xúc phạm. Mọi xúc phạm đến con người, là xúc phạm đến Ðấng Tạo Hóa hằng yêu thương con người như một người Cha.

Thật vậy, Thụy Sĩ  có truyền thống dài lâu về việc tôn trọng con người. Ðó là truyền thống được đặt dưới dấu hiệu của Thập Giá: Hội Hồng Thập Tự! Hỡi những người kitô của đất nước  Thụy Sĩ cao quý, hãy sống xứng đáng với quá khứ vinh sáng của đất nước. Nơi mọi người nam nữ, hãy biết nhìn nhận và tôn vinh hình ảnh của Thiên Chúa! Nơi con người, được Thiên Chúa tạo dựng, được phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy cùng nhau  xướng lên: "Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần, Sáng Danh Thiên Chúa, Ðấng hiện có, đã có và đang đến". Amen.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Vừa rồi là một đoạn trích từ bài giảng của ÐTC trong thánh lễ sáng Chúa Nhật mùng 6  tháng 6 năm 2004, tại Thủ Ðô Thụy Sĩ. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page