Tường Thuật về Chuyến Viếng Thăm

của ÐTC Gioan Phaolô II tại Thụy Sĩ

ngày Chúa Nhật mùng 6 tháng 6 năm 2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường Thuật Chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Thụy Sĩ ngày Chúa Nhật 6/06/2004.

(Radio Veritas Asia 7/06/2004) - ÐTC Gioan Phaolô II đã kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm ngắn tại Thụy Sĩ trong hai ngày 5 và 6 tháng 6 năm 2004, tại một địa điểm duy nhất là thủ đô Berne, với hai biến cố chính là gặp gỡ với giới trẻ Thụy Sĩ vào chiều thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2004, và Thánh Lễ cho dân chúng vào sáng Chúa Nhật mùng 6 tháng 6 năm 2004.

Theo nhận định chung của Ban Tổ Chức, xét về mặt số lượng người tham dự vào hai biến cố chính, thì chuyến viếng thăm của ÐTC tại Thụy Sĩ đã vượt quá mức đã được dự trù trước.

Ban Tổ chức đã dự trù khoảng 10 ngàn bạn trẻ tham dự biến cố vào chiều thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2004, nhưng thật sự con số đã gia tăng đến khoảng 14 ngàn.

Ban Tổ chức dự trù con số tín hữu tham dự thánh lễ ÐTC cử hành vào sáng Chúa Nhật, mùng 6 tháng 6 năm 2004, là 50 ngàn, nhưng thật sự con số đã lên đến khoảng 70 ngàn.

Ðây là cuộc tập họp tín hữu công giáo đông nhất trong vòng 50 năm qua. Ðược biết, ngày 16 tháng 5 năm 1954, tức  cách đây 50 năm, cuộc tập họp lớn, gọi là "Ngày Người Công Giáo Toàn Quốc Thũy Sĩ" đã quy tụ được khoảng 80 ngàn tín hữu tại thành phố Fribourg. Trong chuyến viếng viếng thăm trước đây (tức chuyến viếng thăm thứ II của ÐTC Gioan Phaolô II tại Thụy Sĩ vào năm 1984, cách đây 20 năm), thì  con số tập họp cao nhất là 45 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ ÐTC lúc đó cử hành tại thành phố SION.

Ban tổ chức đã có nhận định tích cực về chuyến viếng thăm của ÐTC. Bầu khí các cuộc gặp gỡ với ÐTC là nồng nhiệt và huynh đệ, chẳng hạn như cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ vào chiều thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2004, là thật vui tươi, như bao cuộc gặp gỡ khác của ÐTC với giới trẻ. Không có sự cố tiêu cực quan trọng nào đã xảy ra, ngoài cuộc biểu tình nhỏ và không có phép của nhóm người có tinh thần chống lại Ðức Giáo Hoàng, hôm chiều thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2004.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại vài điểm chính của biến cố Thánh Lễ của ÐTC tại Cánh Ðồng Cỏ Rộng nằm ở ngoại Ô Thủ Ðô với khoảng 70 ngàn người tham dự.

Thánh Lễ đã được ÐTC cử hành vào lúc 10.30 sáng, giờ địa phương, với sự hiện diện của Tổng Thống Thụy Sĩ, ông Joseph DEISS. Trước khi bắt đầu thánh lễ, Ðức Cha Kurt Koch, giám mục giáo phận Bale, đã nói vài lời chào mừng ÐTC, và nhắc đến thách thức mà Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Sĩ đang phải đương đầu; đó là việc thông truyền Ðức Tin từ thế hệ nầy cho thế hệ khác. Ðức Cha đã nói như sau: "Từ Ðức Thánh Cha và từ sự hiện diện của ngài nơi đây, chúng con chờ đợi lời khuyến khích cho công cuộc "trẻ trung hóa" kitô giáo tại Thụy Sĩ". Ðược biết trong vòng khoảng 10 năm qua, giáo hội công giáo tại Thụy Sĩ đã bị giãm đi khoảng 150 ngàn. Hiện nay tại Thụy Sĩ, như đã nói, có 11% dân chúng tuyên bố không theo tôn giáo nào cả. Cách đây khoảng 10 năm, thì chỉ có khoảng 7.5% dân chúng tuyên bố mình là "vô tôn giáo".

Giới truyền thông báo chí đều nhắc đến điểm nổi bật trong bài giảng của ÐTC là lời kêu gọi của ngài cho những người kitô hãy dấn thân thực hiện sự hiệp nhất. ÐTC xác nhận quyết tâm của ngài đi trên con đường  khó khăn thực hiện sự hiệp nhất hoàn tòan giữa tất cả mọi người Kitô. ÐTC đã xử dụng ba thứ tiếng chính tại Thụy Sĩ là Pháp, Ðức và Ý. Với giọng đọc mạnh và rõ tiếng, ÐTC nhắc lại rằng sự dấn thân thực hiện sự hiệp nhất những người kitô là lời mời gọi được gởi đến mọi thành phần dân Chúa, giáo dân và chủ chăn. Sự đóng góp mạnh mẽ cho công cuộc đại kết đến từ  ý muốn của người công giáo sống hiệp nhất với nhau. Một giáo hội địa phương trong đó được trổ sinh tinh thần tu đức hiệp thông, sẽ biết cách để thanh tẩy chính mình liên lỉ khỏi những chất độc hại của sự ích kỷ; những chất độc hại nầy sẽ làm phát sinh những ganh tị, nghi ngờ, chống đối phá đổ.

ÐTC đã không quên ngỏ lời một lần nữa với các bạn trẻ --- mà ngài đã gặp đặc biệt hôm chiều thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2004 --- với những lời như sau:

"Hỡi các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy biết rằng vị Giáo Hoàng nầy yêu mến các con. Và  trong  ngày hôm nay, ngày kỷ niệm cuộc đổ bộ các lực lượng đồng minh lên vùng Normandie, vào năm 1944, vị giáo hoàng nầy nhắc chúng con rằng nguồn mạch đích thực làm cho con người được trở nên cao cả là "chính phẩm giá không thể phá bỏ của con người".

ÐTC nhắc lại cho mọi người nhớ rằng Thụy Sĩ là quốc gia có truyền thống mạnh tôn trọng con người, một truyền thống được đặt dưới dấu hiệu của Hội Hồng Thập Tự; Hội nầy đã được ông Henri Dunant, một công dân Thụy Sĩ, thành lập vào năm 1863, để trợ giúp cho những nạn nhân của các cuộc chiến. ÐTC cũng đã không quên khen ngợi truyền thống gởi những thanh niên Thụy Sĩ sang Vatican để bảo vệ Ðức Giáo Hoàng. Vào năm 2005 sắp đến, Truyền Thống nầy sẽ mừng kỷ niệm 500 năm được thành lập.

Kết thúc Thánh Lễ, trước khi xướng kinh Truyền Tin với cộng đoàn hiện diện, ÐTC đã phó dâng Thụy Sĩ cho Mẹ Maria. ÐTC xin Mẹ Maria trợ giúp cho những con dân Thụy Sĩ được sống trong hòa hợp và hiệp nhất giữa các nhóm ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau kết thành liên bang Thụy Sĩ.

Ðặc biệt người ta nhớ lại rằng trước thánh lễ, ÐTC đã làm phép nước lấy từ bốn con sông chính chảy qua Thụy Sĩ, đem đổ đầy một chậu lớn đặt trước bàn thờ. Cử chỉ lấy nước từ bốn con sông chính chảy qua Thụy Sĩ, đổ chung lại trong một chậu, muốn nói lên sự phong phú của những khác biệt chủng tộc và ngôn ngữ tại Thụy Sĩ. Rồi Nước Thánh đã được làm phép nầy được các giám mục đem rảy trên cộng đoàn, trước khi thánh lễ được tiếp tục với Kinh Vinh Danh.

Ban tổ chức thông báo là số tiền xin được trong thánh lễ nầy, một phần được dùng để trang trải các chi phí tổ chức, một phần sẽ được gởi đến Cộng Hòa Nam Phi, để giúp cho các người trẻ bị bệnh Lịệt Kháng.

Sau Thánh Lễ, ÐTC dùng cơm trưa với Hội Ðồng Giám Mục Thụy  Sĩ tại Cư Xá dành cho Người Cao Niên, nơi ÐTC cư ngụ trong hai ngày viếng thăm nầy. Vào ban chiều ngày Chúa Nhật mùng 6 tháng 6 năm 2004, ÐTC có cuộc gặp gỡ ngắn với Hiệp Hội của những cựu Bảo Vệ Ðức Giáo Hoàng, rồi lên đường trở về lại Roma, kết thúc hai ngày viếng thăm Thụy Sĩ.

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page