Ðức Hồng Y Francis Arinze

tổng trưởng bộ Phụng Tự

và Kỷ Luật Bí Tích

giới thiệu Huấn Thị mới

Rdemptionis Sacrametum

Bí Tích của Ơn Cứu Rỗi

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Francis Arinze, tổng trưởng bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích giới thiệu Huấn Thị mới Rdemptionis Sacrametum, Bí Tích của Ơn Cứu Rỗi.

Tin Vatican (Vat. 23/04/2004) - Như quý vị và các bạn đã biết, trưa thứ Sáu ngày 23 tháng 4 năm 2004, Ðức Hồng Y Francis Arinze, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, cùng với những viên chức cao cấp khác, đã giới thiệu Huấn Thị Mới Nhất của Bộ, có tựa đề là "Redemptionis Sacramentum", "Bí Tích của Ơn Cứu Rỗi". Trong bài giới thiệu về Văn Kiện nầy, Ðức Hồng Y Francis Arinze đã nhắc lại lịch sử soạn thảo của Huấn Thị với những lời như sau:

"Ngày 17 tháng 4 năm 2003, ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong buổi cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC Gioan Phaolô II đã ấn ký và trao cho Giáo Hội thông điệp thứ 14 của ngài, là thông điệp về Bí Tích Thánh Thể. Trong thông điệp nầy, Ðức Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng bí tích Thánh Thể là "trung tâm của đời sống giáo hội" (số 3). Ðồng thời, ÐTC cũng ghi nhận rằng sau Công Ðồng Vaticanô II, những yếu tố tích cực và tiêu cực đã nẩy sinh trong việc cử hành Phụng Vụ (số 10), và rằng những lạm dụng đã làm cho nhiều tín hữu phải đau khổ. ÐTC cho rằng ngài có bổn phận lên tiếng ngõ hầu trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, những quy định phụng vụ được tuân giữ cách trung thành. (số 52). Và ÐTC đã nói thêm trong thông điệp của ngài như sau: "Chính để củng cố ý nghĩa sâu xa của những quy định phụng vụ, mà tôi đã yêu cầu những bộ có thẩm quyền về vấn đề nầy tại Giáo Triều tại Roma, hãy chuẩn bị một Văn Kiện riêng biệt hơn, và cả có tính cách pháp lý, về đề tài hết sức quan trọng nầy. Không ai có quyền coi thường Mầu Nhiệm đã được trao phó cho chúng ta gìn giữ; đây là mầu nhiệm thật cao cả, đến độ không ai được phép cho mình có quyền đối xử với Bí Tích Thánh Thể theo ý riêng của cá nhân, và không tôn trọng đủ đặc tính thánh thiêng và chiều kích phổ quát của bí tích." (số 52).

Ðó là nguồn gốc của Huấn Thị mà Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích  gởi đến giáo hội công giáo nghi thức latinh, với sự cộng tác chặt chẽ với Bộ Giáo Lý Ðức Tin.

Sau đó, về ý nghĩa của những quy định phụng vụ được Huấn Thị đề ra, Ðức Hồng Y Francis Arinze đã giải thích thêm như sau: "Những quy định phụng vụ là điều cần thiết, bởi vì "việc phụng tự công khai và toàn vẹn được cử hành bởi Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là bởi Vị Thủ Lãnh và những thành phần của Nhiệm Thể. Do đó, mọi cử hành phụng vụ, xét như là việc làm của Chúa Kitô Linh Mục và của Nhiệm Thể Chúa là Giáo Hội, là hành động thánh thiêng tuyệt hảo nhất" (Hiến chế về Phụng Vụ, số 7). Tuyệt đỉnh của Phụng vụ là việc cử hành bí tích Thánh Thể. Và Không ai nên ngạc nhiên, nếu trong dòng lịch sử, Giáo Hội, Mẹ chúng ta, đã triển khai những lời nói, việc làm, và do đó, những tiêu chuẩn hướng dẫn, đối với hành động cao cả nầy của việc Phụng Tự. Những quy định để cử hành bí tích Thánh Thể, đã được soạn ra, để diễn tả và bảo toàn Mầu Nhiệm Thánh Thể, và hơn nữa, để biểu lộ rằng chính giáo hội là chủ thể cử hành hy tế cao cả và là bí tích nầy. Như Ðức Gioan Phaolô II đã nói, phụng vụ không phải là sở hữu của riêng một ai, không phải là sở hữu riêng của vị chủ tế hay của cộng đoàn mà trong đó các Mầu Nhiệm được cử hành. Vì thế, vị linh mục cử hành Thánh Lễ cách trung thành, đúng theo những quy định Phụng vụ và cộng đoàn tuân theo những quy định nầy, cả hai sẽ chứng tỏ cho thấy tình yêu của họ đối với Giáo Hội. Dĩ nhiên, một sự tuân giữ bề ngoài mà thôi, thì không đủ. Số 5 của Huấn Thị  nhắc rằng việc tuân giữ bên ngoài cần phải được soi sáng bởi Ðức Tin và Ðức Bác Ái, làm cho ta được kết hiệp với Chúa Kitô và với nhau, và làm phát sinh tình thương đối với những anh chị em nghèo cùng và với những ai đang đau khổ."

(còn tiếp)

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page