Thư của ÐTC Gioan Phaolô II

gởi cho các linh mục

nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh

năm 2004

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thư của ÐTC Gioan Phaolô II gởi cho các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2004 (toàn văn bản dịch tiếng Việt).

(Radio Veritas Asia 7/04/2004) - Bức Thư đã được Ðức Thánh Cha ấn ký ngày 28 tháng 3 năm 2004, Chúa Nhật thứ V Mùa Chay, và đã được Ðức Hồng Y Dario Castrillon Hoyos, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, cùng với Ðức Tổng Giám Mục Csaba Ternyak, Tổng Thư Ký, giới thiệu cho giới báo chí, trong cuộc họp báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, lúc 11 giờ trưa thứ Ba mùng 6 tháng 4năm 2004. Sau đây mời quý vị và các bạn theo dõi bản dịch tiếng Việt của Ðặng Thế Dũng.

 

Anh em linh mục rất thân mến,

Với niềm vui và lòng cảm mến tôi viết thư nầy cho anh em, nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh, thể theo một truyền thống đã được khởi sự với lễ Phục Sinh đầu tiên của Tôi như là giám mục Roma, cách đây 25 năm. Việc chúng ta gặp nhau qua bức thư  nầy có một chiều kích đặc biệt huynh đệ xét vì sự tham dự chung của chúng ta vào Chức Tư Tế của Chúa Kitô; cuộc gặp nhau nầy được đặt nằm trong khung cảnh phụng vụ của Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, với hai cử hành đặc biệt: Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào buổi sáng và Thánh Lễ Tiệc Ly vào ban chiều.

Trước hết, Tôi nghĩ đến cảnh anh em hiệp nhau trong các Nhà Thờ Chính Tòa của những giáo phận anh em, quanh vị giám mục bản quyền, để lặp lại những lời hứa khi chịu chức linh mục. Nghi thức hết sức hùng hồn nầy, diễn ra sau khi đã làm phép các Dầu thánh, đặc biệt là Dầu Thánh Chức (Crisma), và được đặt trong khung cảnh việc cử hành làm nổi bật hình ảnh của Giáo Hội, như là dân tư tế được các Bí tích thánh hóa và được sai đi phổ biến trong thế giới hương thơm của Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế (x. 2 Co 2, 14-16).

Vào ban chiều, Tôi nhìn thấy anh em bước vào phòng Tiệc Ly để bắt đầu Ba Ngày Thánh. Mỗi Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở về, bước vào "Căn Phòng ở Lầu Trên" (Lc 22,12) nầy; và thưa anh em thân mến trong chức Tư Tế, chính nơi "Căn Phòng Ở Lầu Trên"  nầy tôi rất muốn gặp gỡ với anh em. Trong Bửa Tiệc Ly, chúng ta được sinh ra như là những linh mục: đây là lý do giải thích tại sao cuộc gặp gỡ của chúng ta nơi Phòng Tiệc Ly vừa là điều tốt đẹp vừa là một bổn phận, vừa chia sẻ với nhau, với lòng đầy biết ơn, về sứ mạng cao cả mà chúng ta  cùng có chung với nhau.

2. Linh Mục chúng ta được sinh ra từ Bí Tích Thánh Thể. Nếu chúng ta nói được rằng toàn thể giáo hội sống nhờ Bí Tích Thánh Thể ("de Eucaristia vivit"), như tôi đã quả quyết trong thông điệp mới đây, thì chúng ta cũng có thể nói được như vậy cho chức tư tế thừa tác. Chức tư tế thừa tác nầy được bắt nguồn, được sống, được tác động và trổ sinh hoa trái là nhờ Bí Tích Thánh Thể ("de eucaristia") (x. CD Trento, sess. XXII, can. 2: Dsc 1752). "Không thể có Bí Tích Thánh Thể nếu không có chức tư tế" cũng như không có Chức tư tế, nếu không có Bí tích Thánh Thể" (trích Hồng Ân và Mầu Nhiệm, xuất bản dịp 50 năm linh mục của ÐTC Gioan Phaolô II, Vatican, 1996, trg 89).

Thừa tác vụ do Thánh Chức, một thừa tác vụ không bao giờ được rút gọn về chỉ như là một vai trò mà thôi bởi vì thừa tác vụ nầy thuộc về bình diện "hữu thể", (thừa tác vụ Thánh Chức đó) làm cho thừa tác viên tư tế được hành động như thể chính Chúa Kitô (in persona Christi) và đạt đến cao điểm khi linh mục thánh hiến bánh và rượu, lặp lại những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong bửa Tiệc Ly.

Ðứng trước thực tại ngoại thường nầy, chúng ta khâm phục và không biết nói lời gì hơn; quả thật to lớn biết bao lòng khiêm tốn hạ mình của Thiên Chúa để ngài đến kết hiệp với con người! Nếu chúng ta đã cảm động trước máng cỏ khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời, thì thử hỏi chúng ta cảm nghiệm điều gì trên Bàn Thờ, nơi mà, qua đôi tay không xứng đáng của linh mục, Chúa Kitô làm cho Hy Tế của Người được hiện diện trong thời gian? Chúng ta không biết làm gì khác hơn là bái quỳ khâm phục và trong thinh lặng tôn thờ Mầu Nhiệm cao cả của Ðức Tin.

3. "Mysterium Fidei". Ðây là mầu nhiệm Ðức Tin. Vị linh mục đã xướng lên như thế sau khi Truyền Phép. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm Ðức Tin. Và suy nghĩ thêm, chúng ta cũng nói được rằng chức tư tế cũng là mầu nhiệm Ðức Tin (x. Hồng ân và Mầu nhiệm, sách đã dẫn, các trg 89tt). Cùng một mầu nhiệm của sự thánh hóa và tình thương, công việc của Chúa Thánh Thần, qua đó bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, (cùng một mầu nhiệm) tác động nơi chính con người của thừa tác viên vào lúc được thụ phong linh mục. Như thế, có một tương quan hổ tương đặc biệt giữa Bí tích Thánh Thể và Chức Tư Tế, một tương quan hổ tương phát sinh từ Phòng Tiệc Ly: hai bí tích đã được sinh ra chung cùng lúc, và vận mệnh của hai bí tích nầy được liên kết với nhau mãi mãi không thể tách rời ra được cho đến tận thế.

Chúng ta nói đến nơi đây điều mà tôi đã gọi là "đặc tính tông truyền của Bí tích Thánh Thể" (x. Thông điệp Bí Tích Thánh Thể, các số  26-33). Bí tích Thánh Thể - cũng như bí tích Hòa Giải - đã được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ và sau đó được các ngài và những Ðấng kế vị các tông đồ thông truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Vào lúc khởi đầu của cuộc đời công khai, Ðấng Thiên Sai đã kêu gọi 12 Tông Ðồ, thiết lập các ngài, để các ngài "ở lại với Người" và sau đó sai các ngài ra đi thi hành sứ mạng (x. Mc 3,14-15). Trong bửa Tiệc Ly, việc  các Tông Ðồ "ở lại với Chúa" đạt đến cao điểm của nó. Khi cử hành Bửa Tiệc Vượt Qua và thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Thầy Chí Thánh đã làm cho ơn gọi của các  Tông đồ nên trọn. Khi nói với các tông đồ "Chúng con hãy làm việc nầy để mhớ đến Ta", Chúa đóng dấu ấn Thánh Thể vào sứ mạng của các tông đồ; và qua việc kết hiệp họ với Chúa một cách bí tích, Chúa đã trao phó cho các tông đồ  tác vụ duy trì mãi mãi cử chỉ hết sức thánh thiện nầy.

Khi Chúa thốt lên những lời: "Chúng con hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta", Chúa đã nghĩ đến những kẻ kế vị các Tông Ðồ, đến những ai duy trì mãi mãi sứ mạng của các tông đồ, qua việc phân phát Bánh hằng sống cho đến tận cùng trái đất. Và như thế, thưa anh em linh mục thân mến, theo một nghĩa nào đó, trong Phòng Tiệc Ly, chúng ta cũng đã được đích danh kêu gọi, từng người một, "với tình yêu huynh đệ", đến lãnh nhận từ đôi tay thánh thiện và đáng kính của Chúa Bánh Thánh Thể, để bẻ ra nuôi sống Dân Chúa, đang hành hương qua dòng thời gian trên khắp các nẻo đường tiến về Quê Hương trên trời.

4. Bí Tích Thánh Thể, cũng như Thánh Chức Tư Tế, là hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân  "tự căn gốc của nó vượt trên quyền hạn của cộng đoàn" và là hồng ân mà cộng đoàn "lãnh nhận qua việc tiếp nối tông truyền từ các Tông Ðồ" (thông điệp Bí Tích Thánh Thể, số 29). Công Ðồng Vaticanô II dạy rằng "linh mục thừa tác, với quyền năng thần thiêng được trao cho... chu toàn Hy tế Thánh thể "in persona Christi", như  thể chính Chúa Kitô, và dâng Hy tế nầy lên Thiên Chúa Cha nhân danh toàn dân" (Hiến chế về Gíao Hội, Ánh Sáng muôn dân, Lumen Gentium, số 10). Cộng đoàn tín hữu, --- hiệp nhất trong đức tin và trong Chúa Thánh Thần và được phong phú hóa bởi nhiều hồng ân khác nhau, và là nơi trong đó Chúa Kitô "hiện diện trong Giáo Hội của Người, một cách đặc biệt trong những cử hành phụng vụ" (hiến chế về Phụng Vụ Thánh, số 7), --- (cộng đoàn tín hữu nầy) không tự mình có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể, và cũng không có quyền "tự đặt cho mình" thừa tác viên thánh chức.

Tuy nhiên, Dân Kitô có lý để cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Bí Tích ThánhThể và Chức Tư Tế, vừa đồng thời không ngừng cầu nguyện ngõ hầu Giáo Hội không bao giờ bị thiếu đi các linh mục. Con số các linh mục không bao giờ đủ để đáp ứng những đòi hỏi càng ngày càng gia tăng của công việc rao giảng Phúc âm và chăm sóc mục vụ cho các tín hữu. Tại vài nơi trên thế giới sự khan hiếm các linh mục được ghi nhận cách khẩn thiết hơn, bởi vì cộng đoàn các linh mục từ từ bị giãm xuống mà không có thêm những linh mục mới để thay thế vào. Tại những nơi khác, nhờ ơn Chúa, thì đang hứa hẹn một mùa xuân ơn gọi. Ngoài ra cũng được gia tăng trong Dân Chúa ý thức phải  cầu nguyện và hoạt động tích cực cho các ơn gọi linh mục và ơn gọi sống đời tận hiến.

5. Phải, những ơn gọi là hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta cần phải cầu xin không ngừng. Lắng nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu, trước hết chúng ta cần cầu xin Chủ Ruộng sai những thợ đến làm mùa (x. Mt 9,37). Chính lời cầu nguyện, được hòa với việc âm thầm dâng hiến sự đau khổ, là phương thế đầu tiên và hữu hiệu nhất của việc mục vụ ơn gọi. Cầu nguyện là luôn hướng nhìn về Chúa Kitô, với lòng tin tưởng rằng chính từ Người, Linh Mục Thượng Phẩm Duy Nhất, và từ sự dâng hiến thần thiêng của Người, mà được phát triển dư tràn, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, những hạt giống ơn gọi cần thiết cho đời sống và sứ mạng của giáo hội mọi thời đại.

Chúng ta hãy dừng lại trong Phong Tiệc Ly và chiêm ngắm Ðấng Cứu Thế thiết lập bí tích Thánh Thể và chức Tư Tế trong Bửa Tiệc Ly. Trong đêm thánh thiêng đó, Người đã kêu gọi đích danh từng linh mục của mọi thời đại. Người nhìn đến từng linh mục với cùng một cái nhìn đầy tình yêu thương và chăm sóc dự phòng, giống như Ngài đã nhìn Simon và Anrê, Giacobê và Gioan,  nhìn Nathanael dưới gốc cây vã, nhìn Mathêu đang ngồi nơi bàn thu thuế. Chúa Giêsu đã gọi chúng ta và, qua nhiều nẻo đường Chúa tiếp tục mời gọi nhiều người khác nữa theo làm thừa tác viên của Người.

Từ Phòng Tiệc Ly Chúa Kitô không bao giờ mệt mõi đi tìm và kêu gọi. Chính đây là khởi đầu và là nguồn mạch thường hằng của việc mục vụ đích thực về ơn gọi linh mục. Thưa anh em, chúng ta hãy kể mình như là những người đầu tiên có trách nhiệm về mục vụ ơn gọi, luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai mà Chúa muốn liên kết với chức Tư Tế của Người, ngõ hầu họ biết đáp trả cách quảng đại lời mời gọi của Chúa.

Trước hết và hơn mọi sáng kiến khác để cổ võ ơn gọi, sự trung thành của chính chúng ta là điều cần thiết. Thật vậy, điều quan trọng là chính sự gắn bó của chúng ta vào Chúa Kitô, là tình yêu mà chúng ta có đối với bí tích Thánh Thể, là sự sốt sắng chúng ta có khi cử hành bí tích nầy, là lòng mộ mến chúng ta có khi tôn thờ Thánh Thể, là việc chúng ta sốt sắng phân phát bí tích Thánh Thể cho anh chị em, nhất là cho những kẻ  đau yếu. Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm tiếp tục mời gọi đích danh những người thợ mới đến làm vườn nho của Người, nhưng ngay từ đầu Chúa muốn nhờ đến sự cộng tác tích cực của chúng ta. Những linh mục say mê Thánh Thể thì có khả năng thông truyền cho những thanh thiếu niên "sự mến phục đối với Thánh Thể", mà tôi đã cố ý khơi dậy với thông điệp về Bí Tích Thánh Thể (x. số 6). Cách chung, chính những linh mục như thế là những kẻ thu hút người trẻ trên đường tiến đến chức Tư Tế, như  lịch sử ơn gọi của chính chúng ta có thể minh chứng cho điều nầy.

6. Thưa anh em linh mục thân mến, theo ánh sáng  của những gì vừa nói trên, trong số những sáng kiến khác nhau, anh em hãy ưu tiên chăm sóc cho những trẻ giúp lễ; những trẻ nầy là như "vườn ươm trồng" những ơn gọi linh mục. Khi được anh em theo dõi chăm sóc bên trong cộng đoàn giáo xứ, nhóm những trẻ giúp lễ nầy có thể đi qua con đường vững chắc của sự trưởng thành kitô, và được xem như  một thứ "tiền chủng viện". Anh em hãy huấn luyện giáo xứ, như gia đình của các gia đình, biết nhìn nơi những trẻ giúp lễ như là những con cái mình, như là những "chồi cây ôliu quanh bàn tiệc" của Chúa Kitô, Bánh hằng sống (x. TV 128, (127), 3).

Nhờ đến sự cộng tác của những gia đình nhạy cảm sẳn sàng nhất và của những giáo lý viên, anh em hãy lo chăm sóc cho nhóm trẻ giúp lễ, sao cho qua việc phục vụ nơi bàn thờ, mỗi  trẻ giúp lễ có thể học biết yêu thương Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn, biết nhìn nhận Chúa hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể, và có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của việc phụng vụ. Tất cả những sáng kiến cho những trẻ giúp lễ, được tổ chức ở cấp giáo phận hay vùng mục vụ, đều cần được cổ võ và khích lệ, với sự chú ý đến những hạng tuổi khác nhau. Trong những năm thi hành thừa tác vụ giám mục tại Cracovia, tôi đã có thể ghi nhận những điều hữu ích đến từ sự dấn thân trong công tác huấn luyện nhân bản, thiêng liêng, và phụng vụ cho những trẻ giúp lễ nầy. Khi các thanh thiếu niên phục vụ nơi bàn thờ một cách vui tươi và hăng say, thì chúng cống hiến cho những bạn đồng tuổi một chứng tá hùng hồn cho tầm quan trọng và vẽ đẹp của bí tích Thánh Thể. Nhờ vào cảm năng tưởng tượng bén nhọn riêng của hạng tuổi chúng, cùng với những giải thích và mẫu gương của các linh mục và của những kẻ đồng hành lớn tuổi hơn, thì cả những trẻ nhỏ cũng có thể lớn lên trong đức tin và bị thu hút bởi những thực tại thiêng liêng.

Cuối cùng, anh em đừng quên rằng chính anh em là những tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm: chứng tá của anh em có giá trị hơn bất cứ phương tiện và sự trợ giúp nào khác. Trong những cử hành thường xuyên ngày Chúa Nhật và những ngày lễ, các trẻ giúp lễ gặp gỡ anh em; chúng nhìn thấy nơi đôi tay anh em cử hành bí tích Thánh Thể; chúng đọc được trên gương mặt anh em ánh phản chiếu của Mầu Nhiệm, và nhìn thấy nơi tâm hồn anh em lời mời gọi của một tình yêu cao cả hơn. Ðối với các trẻ giúp lễ, anh em hãy là người cha, là vị thầy và là người chứng cho lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể và cho sự thánh thiện trong đời sống.

7. Thưa anh em linh mục rất thân mến, sứ mạng đặc biệt của anh em trong giáo hội đòi buộc anh em hãy là những người bạn của Chúa Kitô, nhờ không ngừng chiêm ngắm dung nhan Chúa và bước vào cách dễ dạy nơi trường học của Mẹ Maria rất thánh. Anh em hãy cầu nguyện không ngừng, như thánh Tong đồ Phaolô đã khuyên (x. 1thes 5,17), và hãy mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho ơn gọi, cho sự bền đỗ của những kẻ đã được gọi sống đời linh mục và cho sự thánh hóa của tất cả các linh mục. Anh em hãy giúp cho những cộng đoàn của anh em biết yêu mến mỗi ngày một hơn "hồng ân và mầu nhiệm" đặc biệt nầy, là chức Tư Tế Thừa Tác.

Trong bầu khí cầu nguyện của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tôi nhớ lại những lời kinh cầu dâng lên Chúa Giêsu Kitô Linh Mục và Lễ Vật (x. Hồng Ân và Mầu Nhiệm, trg 113-116), mà từ biết bao năm qua tôi đã luôn dùng đến và thấy mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng; lời kinh cầu như sau:

Lạy Chúa Giêsu, Linh Mục và Lễ Vật,

Lạy Chúa Giêsu Linh Mục, trong bửa Tiệc Ly, Chúa đã thiết lập hình thức hiến tế thường xuyên,

Lạy Chúa Giêsu, vị Thượng Tế  đến từ giữa muôn người,

Lạy Chúa Giêsu, vị Thượng tế được thiết lập cho muôn người,

Lạy Chúa Giêsu, Vị Thượng Tế đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha làm lễ vật hy sinh,

Xin Thương xót chúng con!

Xin thương sai đến cho Dân Chúa những mục tử theo lòng Chúa mong ước,

Xin thương sai những người thợ trung thành  đến làm mùa cho Chúa,

Xin thương thêm số những kẻ phân phát trung thành những mầu nhiệm của Chúa,

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa, xin  thương nghe lời chúng con!

8. Tôi xin phó thác mỗi người anh em và thừa tác vụ hằng ngày của anh em cho Mẹ Maria, Mẹ của Các Linh Mục. Khi lần chuỗi Mân Côi, mầu nhiệm thứ năm của Sự  Sáng dẫn đưa chúng ta đến việc chiêm ngắm hồng ân bíù tích Thánh Thể với đôi mắt của Mẹ Maria, đến việc kính phục "tình yêu cho đến mức tận cùng" (Gn 13,1) mà Chúa Giêsu đã biểu lộ trong Phòng Tiệc Ly và kính phục sự hiện diện khiêm hạ của Chúa trong mọi Nhà Tạm. Nguyện xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa ban cho anh em ơn đừng bao giờ nhàm lờn với Mầu Nhiệm được đặt vào đôi tay anh em. Với lời cảm tạ không ngừng đâng lên Chúa vì hồng ân ngoại thường Mình và Máu Thánh Chúa, anh em hãy kiên vững trong sự trung thành với thừa tác vụ linh mục  mà anh em đã lãnh nhận.

Và Lạy Mẹ, là Mẹ của Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm, xin Mẹ hãy luôn cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội được nhiều ơn gọi thánh thiện, những thừa tác viên trung thành và quảng đại của bàn thờ.

Thưa anh em linh mục rất thân mến, tôi chúc anh em và những cộng đoàn của anh em một lễ Phục Sinh thánh thiện, và tôi chân thành ban phép lành cho tất cả.

 

Từ  Vatican, ngày 28 tháng 3, Chúa Nhật V Mùa Chay năm 2004, năm thứ 26 tôi làm giáo hoàng.

Ký tên

Gioan Phaolô Ðệ Nhị

 

(Ðặng Thế Dũng chuyễn dịch Việt Ngữ)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page