ÐTC Gioan Phaolô II

nhận giải thưởng quốc tế Charlemagne

vì đã có công cổ võ Hòa Bình

và Hiệp Nhất Âu Châu

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

ÐTC Gioan Phaolô II nhận giải thưởng quốc tế "Charlemagne" vì đã có công cổ võ Hòa Bình và Hiệp Nhất Âu Châu.

Tin Vatican (Apic, VIS 24/03/2004) - Thứ Tư, 24/03/2004, Ông Jurgen Linden, thị trưởng thành phố Aachen, Ðức Quốc, cùng với Ông chủ tịch Hội Ðồng Giải Thưởng Charlemagne, đã trao cho Ðức Gioan Phaolô II giải thưởng quốc tế mang tên Vị Hoàng Ðế của Những Người Franks, Hoàng Ðế Charlemagne (742-814). Hằng năm, Thành Phố Aachen, bên Ðức, trao giải thưởng Charlemagne, cho những nhân vật nổi tiếng, có công xây dựng Hòa Bình và Hiệp Nhất Âu Châu. Thành Phố Aachen là nơi sinh trưởng của Hoàng Ðế Charlemagne vào năm 742, và cũng đã là thủ đô của Vương Quốc của hoàng đế Charlemagne.

Lễ Nghi Trao Giải Thưởng đã diễn ra sáng thứ Tư 24 tháng 3 năm 2004, tại Vatican, với sự hiện diện của các Vị Hồng Y tại Giáo Triều Roma, và những vị đại sứ cạnh tòa thánh của các quốc gia Ðức, Áo, Pháp, Bỉ và Anh quốc. Giải Thưởng nầy đã được thành lập vào năm 1949, sau thế chiến thứ hai; và kể từ năm 1950 đến nay (2004), hằng năm đều có trao giải thưởng nầy cho những nhân vật nổi tiếng có công xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình Âu Châu, chẳng hạn như cho Thủ tướng Konrad Adenauer, người Ðức, vào năm 1953; cho Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill vào năm 1955; cho Robert Schuman vào năm 1958; cho Thống Chế George Marshall vào năm 1959. Ðặc biệt cho năm 2004, thì có hai lần trao giải thưởng, lần thông thường và lần ngoại thường. Vị được nhận giải Charlemagne thông thường của năm 2004 là Ông Pat Cox, chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, và lễ nghi trao giải thưởng sẽ diển ra tại Tòa Thị Chính Thành Phố Aachen vào tháng 5 năm 2004.   giải thưởng "Charlemagne Ngoại Thường" được trao cho Ðức Gioan Phaolô II; và lễ nghi trao giải đã diển ra tại Vatican, thứ tư 24 tháng 3 năm 2004.

Trong bài diễn văn  đọc trong dịp nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã nói lên mơ ước của ngài về một Âu Châu hiệp nhất, trong đó tự do tôn gíao và tự do xã hội được trổ sinh như  những hoa trái quý báu của kitô giáo. ÐTC đã nói như sau: "Âu Châu mà tôi mơ ước trong tâm trí mình là Sự Hiệp Nhất Chính Trị và Tinh Thần trong đó những chính trị gia có niềm tin  Kitô thuộc mọi quốc gia kết thành Âu Châu nầy dấn thân hành động, với ý thức rõ ràng, theo ánh sáng đức tin và những giá trị nhân bản. Tôi nghĩ đến một Âu Châu không có tinh thần quốc gia ích kỷ, trong đó các quốc gia được nhìn nhận như là những trung tâm của sự phong phú văn hóa đáng được bảo vệ và cổ võ để mưu ích cho tất cả mọi người. Tôi nghĩ đến một Âu Châu trong đó những thành đạt khoa học, kinh tế, và sự phát triển xã hội, không dẫn đến tinh thần hưởng thụ vô nghĩa, nhưng hướng đến việc phục vụ cho mỗi công dân, và đến việc trợ giúp vì tình liên đới cho những quốc gia đang cố gắng cung cấp an sinh xã hội cho người dân của mình. Tôi nghĩ đến một Âu Châu mà sự hiệp nhất được xây dựng trên sự tự do thật... Không có tự do, thì sẽ không có  trách nhiệm, trước Thiên Chúa cũng như trước con người. Quốc gia tân tiến ngày nay không thể nào được gọi là một "quốc gia theo pháp quyền", nếu quốc gia đó không bảo vệ và không cổ võ sự tự do của các công dân được biểu lộ chính mình trên bình diện cá nhân cũng như cộng đồng... Ước gì Âu Châu, sau khi đã đau khổ nhiều vì những cuộc chiến đẩm máu trong lịch sử của mình, -- trở thành yếu tố tích cực xây dựng hòa bình trên thế giới".

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page