Những lời nhắn nhủ
của ÐTC Gioan Phaolô II
cho các Giám Mục
thuộc giáo tỉnh Besancon và Strasbourg
bên Pháp
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những
lời nhắn nhủ của ÐTC Gioan Phaolô II cho các Giám Mục thuộc giáo tỉnh
Besancon và Strasbourg, bên Pháp.
(Radio Veritas Asia 1/03/2004) - Quý vị
và các bạn thân mến, Thứ Sáu 27/02/2004, ÐTC Gioan Phaolô II
đã tiếp kiến chung nhóm các giám mục Pháp thuộc giáo Tỉnh
Besancon (Bơ-săn-xông) và Tổng Giáo Phận Strasbourg
(= Stras-bourd), nhân dịp chuyến viếng thăm Tòa Thánh và
viếng mộ hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, theo như
luật định. Trong những ngày trước đó, ÐTC đã tiếp
riêng từng vị. Và hôm thứ Sáu, ngày 27 tháng 2 năm 2004, ÐTC
đã tiếp chung tất cả, và đã đọc cho các ngài bài diễn
văn nhắc đến những thách thức
quan trọng mà các giám mục Pháp đang phải đối diện. Mục thời
sự hôm nay xin lượt thuật phần thứ nhất
của bài diễn văn nầy.
Sau khi chào chúc và nói lên niềm vui được gặp chung các giám mục Pháp, vấn đề đầu tiên được ÐTC nhắc đến là sự hiệp nhất của Ðại Lục Âu Châu nhờ được thấm nhuần những giá trị kitô. ÐTC nói như sau:
"Tôi đặc biệt cảm nhận việc anh em đã nhắc đến Ðức Tổng
Giám Mục Michael Courtney, sứ thần tòa thánh tại Burundi, đã bị
giết chết hồi tháng 12 năm 2003. Trước đây, khi ngài
thi hành sứ vụ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh
tại Stras-bourg, ngài đã là một kẻ xác tín xây dựng sự
cộng tác của các Quốc Gia thuộc đại lục Châu Âu nầy. Ngày
nay, tôi mời gọi các gíao
hội địa phương hãy dấn thân mỗi ngày một mạnh mẽ hơn để
ủng hộ cho việc hòa hợp toàn Châu Âu. Ðể đạt đến kết
quả nầy, thì cần phải đọc lại lịch sử và nhớ rằng, qua
các thế kỷ, những giá trị kitô trên bình diện nhân học,
luân lý và thiêng liêng, đã đóng góp nhiều để hình thành
các quốc khác nhau tại Âu Châu và để dệt nên những mối
giây liên kết sâu xa. Nhiều ngôi
nhà thờ đẹp đẽ, dấu chỉ cho đức tin của những thế hệ
trước chúng ta, được dựng lên trên đại lục âu châu,
chứng minh rõ ràng điều
nói trên và nhắc chúng ta nhớ rằng những giá trị kitô nầy
đã và còn đang là nền
tảng, là chất xi-măng liên kết những tương quan giữa
các cá nhân cũng như giữa các dân
nước; vậy người ta không thể thực hiện sự hiệp
nhất âu châu vừa gây thiệt thòi cho những giá trị kitô,
hoặc trong cách thức nghịch lại những giá trị nầy. Quả thật,
những tương quan giữa các quốc gia khác nhau không thể chỉ dựa
trên những lợi lộc kinh tế hay chính trị. --- những tranh luận
quanh việc toàn cầu hóa chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều
nầy --- cũng không thể dựa
trên những "liên kết vì tiện lợi"; những liên kết như
thế có lẽ làm cho việc nới
rộng cộng đoàn âu châu trở nên mõng dòn,
và có thể dẫn đến
việc phục hồi những ý thức hệ quá khứ,
đã từng dày đạp con người và nhân loại. Những mối
dây liên lạc nói trên phải
nhắm đến mục tiêu là kết thành một Âu Châu
hiệp nhất các dân tộc, và như thế cho phép vượt
qua một cách vĩnh viễn và tận căn những cuộc xung đột
đã làm cho đại lục âu châu đẫm máu trong suốt thế kỷ
20. Với giá đã phải trả, sẽ phát sinh Âu Châu mà thực thể sẽ được dựa trên một cộng đoàn những
giá trị, một âu châu của tình huynh đệ
và của tình liên đới, một âu châu có khả năng lưu
ý đến những khác biệt,
bởi vì nhắm đến việc cổ võ
phẩm vị con người, đến việc tôn trọng những quyền lợi
không thể nhượng được, và nhắm đến việc mưu tìm công
ích, ngõ hầu tất cả mọi người được hạnh phúc và thịnh
vượng. Do bởi sự hiện diện từ nhiều thế kỷ trong những
quốc gia khác nhau của đại lục âu châu, do bởi sự tham dự
vào sự hiệp nhất giữa
các dân tộc và giữa các nền văn hóa cũng như tham dự vào
sinh hoạt xã hội, nhất là trong những lãnh vực giáo dục, từ
thiện, y tế và xã hội, Giáo Hội mong ước góp phần mỗi
ngày một hơn vào sự hiệp nhất của đại lục nầy (x. Tông Huấn Giao Hội tại Âu Châu, số 113). Như tôi đã nói
với ban chủ tịch Nghị Viện
Âu Châu,
điều người ta tìm kiếm trước hết
là việc phục vụ cho con người và cho các dân tộc,
trong sự tôn trọng những niềm tin và những khát vọng sâu
xa.
Trong
lần họp Hội Ðồng Giám Mục vừa qua, anh em đã đề cập đến chỗ đứng của Giáo Hội trong xã hội, trong viễn
tượng của việc đi tìm "cuộc chung sống tốt đẹp hơn". Một
trong những đặc điểm của những môn đệ Chúa Kitô là
ước muốn tham dự tích cực, ---trên bình diện cá
nhân hay nhờ qua hiệp hội, --- vào sinh hoạt công cộng,
ở mọi giai tầng xã hội,
để phục vụ cho những anh chị em mình. Trong
quan niệm và trong tình thương đối với con người, Giáo
Hội không thể lãnh đạm với cuộc sống của con người; và
giáo hội xem thế giới như là môi trường cho mình
hiện diện và hoạt động.
Ðó là những nhận định của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II về sự Hiệp Nhất Âu Châu dựa trên những giá trị kitô. Vấn đề thứ hai được ÐTC nhắc đến là việc giáo dục dành cho giới trẻ. ÐTC đã nói với các giám mục Pháp như sau:
"Có
lẽ tôi không nói quá, khi
khuyến khích các vị chủ chăn hãy chú ý đến việc huấn luyện
toàn diện cho giới trẻ, nhất là cho những ai sẽ lãnh lấy
trách nhiệm phục vụ quốc gia, ngõ hầu, bất cứ làm việc nơi
đâu và trong bất cứ sự dấn thân nào, họ có
được những yếu tố
cần thiết để suy nghĩ về những hoàn cảnh của con nguời và
xã hội, với sự chú ý dành cho con nguời, để rồi đi đến
quyết định dựa trên những tiêu chuẩn luân lý; Giáo Hội
ước mong cống hiến cho họ ánh sáng Phúc Âm và Giáo Huấn
của mình. Trong lãnh vực nầy, những Ðại Học Công Giáo có
một sứ mạng đặc biệt để cùng suy tư với những thành
phần xã hội khác, ngõ hầu giúp họ phân tích những hoàn
cảnh cụ thể và làm thế nào để luôn luôn đặt con người
vào trung tâm của những quyết định. Một đường lối hoạt động như thế không những được dành cho các
tín hữu công giáo, nhưng còn cho tất cả mọi người thiện
chí muốn suy nghĩ trong sự thật về tương lai của nhân loại.
Về vấn đề nầy, tôi muốn ca ngợi công việc của những
"Tuần Lễ Xã Hội" được tổ chức tại Pháp; đây là
điều anh em rất trân trọng và sắp mừng kỷ niệm một
trăm năm thành lập. Trong những cuộc gặp gỡ hằng năm quy
tụ càng ngày ngày nhiều tham dự viên hơn, --- và đây là
dấu chỉ cho biết rằng những nghiên cứu của Tuần lễ Xã Hội
đáp ứng những chờ đợi của con người, --- (trong những
cuộc gặp gỡ hằng năm như vậy) các tham dự viên được dịp
đặt ra cho mình những câu hỏi về vấn đề xã hội mà thế
giới chúng ta đang phải đương đầu, theo ánh
sáng của Tin Mừng và của giáo huấn xã hội của Giáo
Hội; giáo huấn nầy không ngừng được làm phong phú thêm,
kể từ thông điệp "Tân Sự" của
Ðức Lê-ô thứ XIII, vị tiền nhiệm của tôi.
Tôi vui mừng về những mối liên lạc mà các Tuần Lễ
Xã Hội cổ võ và phát triển tại Âu Châu, và như thế tạo
ra trong Ðại Lục Âu Châu một phong trào suy tư về những vấn
đề càng ngày càng phức tạp hơn của thế giới hiện nay
vừa liên kết những con người lại với nhau trong công
việc thiết lập những nền tảng cho xã hội ngày mai."
Quý vị và
các bạn thân mến,
Vừa rồi là
những nhận định của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong dịp tiếp kiến
các giám mục Pháp thuộc giáo tỉnh Besancon (Bơ-săn-xong) bên
Pháp, hôm thứ Sáu ngày 27 tháng 2 năm 2004, về hai vấn đề: Sự Hiệp Nhất
Âu Châu dựa trên những giá trị Kitô và
việc giáo dục toàn diện dành cho giới trẻ.
Trong bài diễn văn, ÐTC còn nói đến vấn đề về sự
tham dự của giáo dân vào trong sinh hoạt công cộng trong xã
hội. Chúng tôi sẽ kể lại điểm nầy trong mục Thời Sự
kỳ tới.
Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.
(Ðặng Thế Dũng)