ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi
hãy có thái độ sống nội tâm làm linh hồn
cho những thực hành đạo đức
như cầu nguyện, ăn chay, hãm mình
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi hãy có thái độ sống nội tâm làm linh hồn cho những thực hành đạo đức như cầu nguyện, ăn chay, hãm mình.
(Radio
Veritas Asia 27/02/2004) - Trong nghi thức xức tro vào sáng thứ
Tư 25/02/2004, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô,
ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi hãy có thái độ sống nội
tâm làm linh hồn cho những thực hành đạo đức như cầu
nguyện, ăn chay, hãm mình, từ bỏ những gì mình có để thực
thi tình liên đới với anh chị em xung quanh.
Bắt đầu bài giảng, ÐTC trích lời Phúc âm theo thánh
Mathêu, chương 6 câu 4 như sau:
"Cha
của anh chị em, Ðấng nhìn
thấy trong âm thầm, sẽ thưởng
công cho anh chị em" (Mt 6,4 và 6,
18).
Những
lời trên của Chúa Kitô được gởi
đến mỗi người chúng ta, vào lúc bắt đầu cuộc hành trình
Mùa Chay. Chúng ta bắt đầu Mùa Chay với việc Xức Tro, một cử
chỉ thống hối khắc khổ, rất quen thuộc với truyền thống kitô.
Cử chỉ nầy nhấn mạnh ý thức của con người về chính mình
như là kẻ tội lỗi trước vẽ uy nghi và sự thánh thiện của
Thiên Chúa. Ðồng thời cử chỉ nầy nói lên thái độ sẳn
sàng chấp nhận và diển tả sự gắn bó của con người với
Tin Mừng, trong những chọn lựa cụ thể.
Những
công thức đi kèm với việc xức tro
đều có ý nghĩa sâu xa. Công thức thứ nhất được
trích từ sách Sáng Thế như sau: "Hãy nhớ rằng con là tro
bụi, và con sẽ trở về bụi tro" ( STK 3,19); công thức nầy
nhắc lại thân phận con người được đặt dưới dấu chỉ của
sự tạm bợ chóng qua và
giới hạn. Công thức thứ hai được trích từ Phúc âm
theo thánh Marcô chương 1, câu 15, như sau: "Hãy ăn năn thống
hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15); công thức nầy là lời
khẩn thiết mời gọi con người hãy thay đổi đời sống. Cả
hai công thức trên mời gọi chúng ta bước vào Mùa Chay với
thái độ lắng nghe và chân thành trở lại cùng Chúa.
Phúc
âm nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Ðấng nhìn thấy những điều
âm thầm, nghĩa là ngài là Ðấng nhìn thấy trong tâm hồn. Những
việc làm bên ngoài để diển tả việc ăn năn đền tội, chỉ
có giá trị nếu chúng diễn tả thái độ nội tâm, nếu chúng
nói lên quyết tâm mạnh mẽ xa tránh điều xấu và bước
theo con đường của sự sự tốt lành. Ðó là ý nghĩa sâu
xa của việc khổ hạnh kitô.
Từ
"Khổ Hạnh" --- trong nguyên ngữ hy lạp --- gợi lên hình ảnh
của việc "tiến tới những mục tiêu cao
đẹp hơn". Ðiều nầy nhất thiết đòi hỏi những hy
sinh và những từ bỏ. Thật vậy, con người phải
bỏ bớt đi gánh hành lý cho đến mức còn lại những
gì thiết yếu, sao cho đương sự không bị "gánh nặng" làm
ngả quỵ trên đường, sẵn sàng
đối diện với bất cứ khó khăn nào và vượt qua mọi trở
ngại để đạt đến mục tiêu mong ước. Ðể trở thành những
đồ đệ đích thực của Chúa Kitô, thì điều cần thiết là
biết từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mọi ngày mà
theo Chúa (x. Lc 9,23). Ðây là con đường khó khăn tiến đến
sự thánh thiện, mà mọi người đã lãnh nhận bí tích Rửa
Tội đều được mời gọi đi theo.
Giáo
Hội đã luôn luôn chỉ cho thấy vài phương thế hữu hiệu để
tiến tới trên con đường sống thánh thiện. Trước hết là
sự khiêm tốn và dễ dạy gắn bó với Thánh Ý của Thiên
Chúa, một sự gắn bó đi kèm với lời
cầu nguyện không ngừng; kế đến là những hình thức
ăn năn đền tội riêng biệt của truyền thống Kitô, như
việc kiêng thịt, ăn chay,
khổ hạnh hy sinh và từ bỏ cả những gì mình có quyền có;
những cử chỉ cụ thể chấp nhận người lân cận, mà trang
Phúc âm hôm nay nhắc đến, bằng
từ "việc bố thí". Tất
cả những gì vừa nói trên,
đều được đề nghị thi hành một cách mạnh mẽ trong thời
gian Mùa Chay, thời gian "đặc biệt" cho việc huấn luyện thiêng
liêng và cho công việc quảng đại phục vụ anh chị em."
Vì
thế, trong sứ điệp Mùa Chay, Tôi
muốn lưu ý cách đặc biệt về những hoàn cảnh khó khăn
trong đó nhiều trẻ em trên thế giới bị rơi vào, vừa nhắc
lại nhửng lời sau đây của Chúa Kitô: "Ai tiếp đón một
trong những trẻ nhỏ nhân danh Thầy, là đón tiếp thầy" (Mt
18,5). Thật vậy, thử hỏi ai là kẻ cần được bênh
đỡ nhất, nếu không phải là những trẻ nhỏ
yếu đuối và không gì tự vệ nầy?
Có
nhiều vấn đề phức tạp đang tấn
công vào thế giới của trẻ nho. Tôi hết sức hy vọng rằng
những trẻ bé nhỏ nhất nầy,
và thường bị bỏ rơi, sẽ được chăm sóc như chúng đáng
được, nhờ qua tình liên đới. Ðây là việc làm thức cụ
thể để thể hiện cố gắng chúng
ta sống Mùa Chay.
Anh
chị em rất thân mến, với những tâm tình trên, chúng ta bắt
đầu mùa chay, bắt đầu cuộc hành trình cầu nguyện, làm việc
đền tội và thực hành tinh thần khổ hạnh kitô. Nguyện xin
Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, đồng hành với chúng ta. Ước chi mẫu
gương và lời khẩn cầu của Mẹ giúp chúng
ta vui mừng tiến đến Phục Sinh.
Quý vị và các bạn thân mến, vừa rồi là vài lời nhắn nhủ của ÐTC vào sáng thứ Tư Lễ Tro 25/02/2004. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)