Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger

nhận định về thế kỷ thứ XX

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger nhận định về thế kỷ thứ XX.

Tin Roma (Zenit 19/02/2004) - Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger cho rằng năm 1968, năm nổi loạn của các sinh viên, và năm 1989, năm sụp đổ của chế độ cộng sản tại Trung và Ðông Âu, là chìa khóa để hiểu thế kỷ 20. Ngài nhận định rằng sau khi những ý thức hệ Mác-xít bị sụp đổ, thì đã không có cuộc phục hưng những giá trị luân lý, mà ngược lại, con người đặt vấn đề về những giá trị luân lý và sống theo chủ nghĩa thực tiển.

Ðức Hồng Y Ratzinger đã trình bày quan điểm trên của ngài trong lời tựa của ấn bản lần thứ 12 của tập sách của ngài có tựa đề là "Nhập Môn Kitô Giáo", do nhà xuất bản Queriniana phát hành tại Italia. Tập sách thu góp giáo trình giảng dạy thần học của Ðức Hồng Y lúc còn  là giáo sư thần học tại Ðại Học Tubingen, Ðức Quốc, trong thập niên 1960. Trong  phần nhập đề của Tập Sách, Ðức Hồng Y thẩm định những ảnh hưởng của khoảng thời gian lịch sử  30 năm qua trên Giáo Hội.

Ngài viết như sau: "Năm 1968 được liên kết với cuộc nổi dậy của thế hệ mới, một thế hệ  không những nhìn công cuộc tái thiết sau thế chiến thứ hai như là một công cuộc có nhiều thiếu sót, đầy bất công, ích kỷ, tham lam chiếm hữu, mà còn quan niệm toàn thể tiến bộ của lịch sử như là một sai lầm và thất bại. Với ước mong canh tân lịch sử và muốn sáng tạo ra một thế giới của tự do, bình đẳng và công bằng, thế hệ trẻ tưởng rằng họ đã gặp được con đường tốt nhất trong dòng suy tư theo Karl Marx. Năm 1989 đã chứng kiến sự sụp đổ lạ lùng của những chế độ xã hội chủ nghĩa tại Âu Châu, để lại phần gia tài đầy đau buồn là những đất nước và những tâm hồn đã bị tàn phá... Trớ trêu thay, con người tưởng rằng để đạt được những mục tiêu cao thượng --- như  thiết lập công bằng cho tất cả mọi người, xây dựng hòa bình, hủy bỏ những tương quan thống trị vô lý của con người trên con người, vân vân... --- thì cần phải bỏ đi những nguyên tắc luân lý và rằng hành động khủng bố có thể được xử dụng như là phương tiện để đạt đến điều tốt. Nhưng rồi khi đã đến lúc tất cả mọi người đều thấy --- ít ra bên ngoài --- những sụp đổ gây ra cho nhân loại do bởi tư tưởng trên, thì con người lại chạy trốn trong một thái độ sống theo chủ nghĩa thực tiển và công khai  đặt vấn đề đối với nền luân lý." Vấn đề được đặt ra giờ đây là: đâu là tiếng nói của Ðúc Tin Kitô trong thời lịch sử nầy? Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger cho rằng trả lời cho câu hỏi nầy là thách thức của kitô giáo hiện nay.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page