ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến
phó Tổng Thống Hoa Kỳ Ông Dick Cheney
thứ Ba 27 tháng Giêng năm 2004
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
ÐTC
Gioan Phaolô II tiếp kiến phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Ông Dick
Cheney, thứ Ba 27 tháng Giêng năm 2004.
Tin
Vatican (Apic 26/01/2004) - Sáng thứ
Ba 27 tháng Giêng năm 2004, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến phó Tổng
Thống Hoa Kỳ, Ông Dick Cheney. Các
quan sát viên dự đoán là hai vị sẽ trao đổi về Vai trò của
Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và về
chiến tranh tại Iraq.
Ðược
biết Tòa Thánh và Hoa Kỳ đã thiết lập liên lạc ngoại giao
từ năm 1984. Trong vòng 20 năm qua, Hoa Kỳ đã gởi đến
Vatican sáu vị Ðại Sứ tiếp nối nhau;
cả sáu vị nầy đều là người công giáo. Và từ
phía Tòa Thánh, thì đã cử ba vị Sứ Thần Tòa Thánh
đến Washington, Hoa Kỳ.
Ðức
Hồng Y Pio Laghi, --- hiện nghỉ hưu, nhưng
đã từng là sứ thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ từ năm
1984 cho đến năm 1990, --- trong một bài phỏng vấn đăng trong
nhật báo "Người Ðưa Tin Chiều",
cho biết rằng trong hai mươi năm liên lạc ngoại giao,
Hoa Kỳ và Tòa Thánh Vatican
đã có những cộng tác tốt đẹp, mặc dù không thiếu
những trở ngại và khó khăn. Những trở ngại đó
là những khác biệt về quan điểm, chẳng hạn như về
cuộc chiến tại vùng Vịnh , tại Kosovo,
và tại Iraq. Ðức Hồng Y Pio Laghi,
sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại Hoa Kỳ (1984 - 1990) sau
khi đã thi hành vai trò "khâm sứ
Tòa Thánh" tại Hoa Kỳ trong vòng 4 năm, từ năm 1980 -
1984, đã nhắc lại rằng, trước khi chiến tranh tại Iraq bùng
nổ, Tòa Thánh Vatican đã cử một phái đoàn đến Washington,
--- do chính Ðức Hồng Y cầm đầu ---, để trình bày cho Tổng
Thống Bush lập trường khác biệt của Tòa Thánh, dựa trên
xác tín rằng người ta đã chưa
tìm ra và thi hành hết mọi
giải pháp có thể có, để không gây thiệt hại cho những tương
quan với thế giới hồi giáo. Nhưng lập luận của Tòa Thánh
lúc đó không được lắng nghe. Ðức Hồng Y còn cho biết thêm
như sau: "Tiếp nối theo lập trường nói trên,
ngày hôm nay chúng tôi cho
rằng cần điều hành giai đoạn
hậu chiến tranh tại Iraq trong khung cảnh của công pháp quốc tế
và nhờ qua vai trò của những Tổ Chức Quốc Tế." Lập trường
nầy của Tòa Thánh xem ra cũng khác biệt với lập trường của
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Ông Dick Cheney, vì
Ông nầy cho rằng Tổ Chức Liên Hiệp Quốc " sau gần 60
năm hoạt động, nay không còn phù hợp với thế giới hiện
tại nữa, bởi vì các thế lực đã không được đại diện
cách tương xứng trong tổ chức nầy."
Ðược
biết lần cuối cùng trước đây một Viên chức cao cấp của
Chính Phủ Hoa Kỳ đến thăm Ðức Gioan Phaolô II tại Vatian, là
Ngoại Trưởng Colin Powell, vào ngày 2 tháng 6 năm 2003. Lúc đó
hai bên đã thảo luận về việc tái thiết vật chất và tinh
thần cho Iraq, về diễn tiến hòa bình tại Trung Ðông và về
cuộc chiến chống lại những thiên tai và tật bệnh tại Phi
Châu.
Cũng
xin được giải thích thêm về hai chức vụ "Khâm Sứ Tòa
Thánh" và "Sứ Thần Tòa Thánh".
Khi
Tòa Thánh và Quốc Gia liên hệ không có liên lạc ngoại giao
chính thức , thì Tòa Thánh chỉ gởi vị đại diện đến với
Giáo Hội tại quốc gia liên hệ, trong chức vụ " Khâm Sứ
Tòa Thánh".
Và
trường hợp thứ hai, khi Tòa
Thánh và Quốc Gia liên hệ có liên lạc ngoại giao chính thức,
thì Tòa Thánh gởi Sứ Thần Tòa Thánh, như là đại sứ của
Tòa Thánh tại Quốc Gia có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh,
vừa đồng thời như là đại diện của Tòa Thánh với giáo
hội tại địa phương.
Như thế, Ðức Hồng Y Pio Laghi là "khâm sứ Tòa Thánh" tại Hoa Kỳ từ năm 1980 đến năm 1984, trong thời gian chưa có liên lạc ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ. Khi Tòa Thánh và Hoa Kỳ thiết lập liên lạc ngoại giao vào năm 1984, thì Ðức Hồng Piô Laghi là "Sứ Thần Tòa Thánh" tại Hoa Kỳ.
(Ðặng Thế Dũng)