Các nhà lãnh đạo tôn giáo
và dân sự Sri Lanka lên án
những vụ tấn công vào các nhà thờ
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các
nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự Sri Lanka lên án những
vụ tấn công vào các nhà thờ.
(Radio
Veritas Asia 7/01/2004) - Quí thính giả, các bạn thân mến. Theo
tiết lộ với giới báo chí của ông John Amaratunga, một người
công giáo và là bộ trưởng Sri Lanka đặc trách kitô giáo
vụ, trong những ngày cuối năm 2003, tổng cộng đã có khoảng
20 nhà thờ công giáo và kitô giáo trên toàn quốc Sri Lanka
bị tấn công bởi những phần tử tôn giáo cực đoan. Nguyên
do dẫn tới những vụ bạo động này là do cái chết của một
nhà sư phật giáo nổi tiếng đã từng chỉ trích các giáo hội
kitô "chiêu mộ người phật giáo cải đạo" bằng những
phương cách thiếu đạo đức. Thượng tọa Gangodawila Soma Thero,
54 tuổi, đột ngột qua đời vào ngày 12 tháng 12 năm 2003, vì
bệnh tim trong lúc đang có mặt tại Nga. Kết quả giảo nghiệm
thi thể cho thấy thượng tọa chết vì bệnh tim. Tuy nhiên đã
có nhiều lời đồn đoán tại Sri Lanka là người kitô có dính
líu tới cái chết của vị thượng tọa này.
Trong
sứ điệp năm mới (2004) gửi dân chúng toàn quốc, bà tổng
thống Chandrika Kumaratunga đã gọi những vụ tấn công vào các
nơi thờ phượng của kitô giáo là những biến chuyển đáng
sợ. Tuy nhiên bà cho rằng đây chỉ là hành động nhất thời
của một số nhỏ phần tử cực đoan và bà kêu gọi người
dân Sri Lanka hãy chứng tỏ họ không mắc bẫy âm mưu muốn tạo
ra một sự chia rẽ mới trong khi quốc gia đang trên đường phục
hồi từ những thập niên của cuộc xung đột sắc tộc.
Trong
khi đó, trong thông báo công bố ngày mùng 2 tháng Giêng năm
2004, thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã bày tỏ quan tâm về sự
lan rộng của những vụ bạo động tôn giáo gần đây tại Sri
Lanka. Ông đề nghị thành lập những ủy ban hòa bình trên toàn
quốc để ngăn ngừa các vụ bạo động vì lý do tôn giáo.
Thành viên của các ủy ban này gồm những nhà giáo dục, xã
hội và đại diện của bốn tôn giáo chính tại Sri Lanka, gồm:
Phật Giáo, Kitô Giáo, Ấn giáo và Hồi Giáo.
Ngoài
tổng thống và thủ tướng Sri Lanka, nhiều tổ chức và nhân
vật có tiếng tăm tại Sri Lanka cũng ra thông cáo phê bình những
người chủ mưu các vụ tấn công và những nơi thờ phượng
của kitô giáo.
Thượng
tọa Galagama Dhammaransi Thero, một nhà lãnh đạo phật giáo, cho
rằng một nhóm người cực đoan đang âm mưu phá vỡ tiến trình
hòa bình quốc gia bằng cách tạo nên bạo động tôn giáo. Ngài
kêu gọi người dân Sri Lanka nên đoàn kết và cảnh giác đối
với những kẻ đang thừa cơ nước đục thả câu ngay cả khi
ngọn lửa cuộc xung đột sắc tộc sâu xé Sri Lanka từ mấy
thập niên qua chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Từ
phía Giáo Hội Anh Giáo tại Sri Lanka, Ðức
Giám Mục Anh Giáo tại thủ đô Colombo,
Ðức Cha Duleep de Chickera, trong
sứ điệp đầu năm đã kêu gọi người dân Sri Lanka
hãy từ bỏ bạo động, sự hoài nghi hay không tôn trọng
các tôn giáo khác ngoài tôn giáo của mình, và hãy tiến tới
đối thoại xây dựng. Ngài nói như sau: "Niềm hãnh diện
chung của chúng ta là chúng ta cùng thuộc về một đất nước
qui tụ bốn tôn giáo lớn của thế giới. Ðây là di sản mà
chúng ta cần phải biết quí trọng, bảo vệ và hân hoan".
Trong
khi đó thì một tổ chức Ấn Giáo tại Sri Lanka đã kêu gọi
tổng thống Kumaratunga và thủ tướng Wickremeshinghe hãy đảm bảo
quyền tự do và an ninh cho tín hữu thuộc tất cả các tôn giáo,
đồng thời để ý tới những trường hợp chiêu mộ tín đồ
các tôn giáo khác hầu tránh gây sự bất hòa giữa các tôn
giáo với nhau. Ông Thiagaraja
Meheswaran, bộ trưởng Sri Lanka đặc trách về Ấn Giáo cũng lên
tiếng cảnh giác về những vụ tấn công vào các nơi thờ phượng
của kitô giáo. Ông cũng nhắc lại những vụ tấn công vào
các nơi thờ phượng của Ấn Giáo trước đây tại Sri Lanka.
Về vấn đề chiêu mộ tín đồ, vị bộ trưởng này cho biết
là trong thập niên vừa qua, có khoảng 7 ngàn gia đình Ấn Giáo
tại miền Bắc, miền Ðông và miền Trung Sri Lanka đã cải đạo
theo kitô giáo. Ông Meheswaran cũng ghi nhận là những người Ấn
Giáo này đã "theo đạo kitô"â qua những phương cách
"chiêu mộ tín đồ" thiếu đạo đức của các giáo phái
kitô.
Dạo trung tuần tháng 12 năm 2003, Hội Ðồng Giám Mục Sri Lanka cũng đã ra một thông cáo nói rằng Giáo hội Công giáo Sri Lanka không có ý định chiêu mộ tín đồ của các tôn giáo khác để theo đạo công giáo bằng những phương cách bất hợp pháp. Các Giám Mục Sri Lanka cho rằng hành động chiêu mộ tín đồ của những giáo phái kitô đang làm gián đoạn sự chung sống hòa hợp giữa các cộng đoàn tôn giáo trong nước.
(Việt Hùng)