Thư mục vụ Mùa chay 2003 của TGP Huế
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Toà Tổng Giám Mục Huế
6 Nguyễn Trường Tộ, Huế
Thư Mục Vụ Mùa Chay
Kính gửi :
Quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân.Anh chị em thân mến,
Với nghi thức xức tro trên đầu, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh, chuẩn bị tâm hồn đón mừng Ðại lễ Phục Sinh. Thời Giáo Hội sơ khai, việc chuẩn bị nầy chỉ kéo dài 3 ngày, bằng việc tổ chức Tam nhật Vượt Qua. Nhưng chẳng bao lâu sau, các tín hữu thấy rằng 3 ngày quả thật là quá ngắn ngủi đối với những người muốn thật tình canh tân đời sống. Họ cần phải có nhiều thời gian hơn, để việc dứt bỏ các tật xấu được quyết liệt và để việc tập lại các thói quen sống đạo đức được vững bền hơn. Vì vậy, ngay từ thế kỷ thứ tư, Giáo Hội đã quy định Mùa Chay kéo dài 40 ngày, để mọi tín hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu chay tịnh trong hoang địa mà chiến đấu với các tính xấu, chuyên chăm cầu nguyện, giữ lòng thanh tịnh, thi hành bác ái, hầu xứng đáng hát lên khúc Alleluia mừng Chúa Phục sinh với tâm hồn mới mẽ.
Chính trong tinh thần canh tân và củng cố đời sống đạo đức của Mùa Chay mà tôi thân ái gửi đến anh chị em bức thư nầy, để nói vài điểm cốt yếu về gia đình kitô hữu , tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba. Ðây là đề tài trọng điểm mà Hội Ðồng Toà Thánh về Gia đình đã gửi cho các gia đình trên toàn thế giới trong năm nay, đáp lại lời kêu gọi của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông thư Tiến tới ngàn năm thứ ba.
1. Thực trạng gia đình hiện nay.
Phải nói rằng các giá trị cao quý và truyền thống của gia đình ngày nay đang suy giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vợ chồng dễ đi đến ly hôn hoặc ly thân, khi cuộc tình không còn suôn sẻ. Họ nhân danh tự do và quyền hưởng thụ để phá vỡ những ràng buộc cần thiết tạo nên giá trị nền tảng của gia đình. Con cái là nạn nhân đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề nhất của tình trạng nầy. Vợ chồng đùn đẩy cho nhau gánh nặng nuôi con và, tệ hơn nữa, họ khước từ bổn phận đó, khiến con cái bị lôi cuốn vào các hành vi phạm pháp.
Ở Việt Nam, theo thư Mục Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 2002, vẫn còn rõ nét trong xã hội hình ảnh một gia đình trọng chữ Hiếu, vợ chồng giữ lòng tín trung, con cái ăn ở thuận hoà, mọi người đề cao tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, những biến động do ảnh hưởng công nghiệp hoá, đô thị hoá trên dân cư và những trào lưu nặng tính vật chất hưởng thụ cũng đang làm cho những nét đẹp của đời sống hôn nhân gia đình truyền thống mờ nhạt đi cách đáng ngại.
Riêng ở Tổng Giáo Phận Huế chúng ta, trừ những trường hợp cá biệt, đa số gia đình kitô hữu vẫn quý trọng những giá trị căn bản của gia đình truyền thống. Ðiều đó, một phần là nhờ cộng đoàn dân cư ít chịu sự biến động, nhờ ông bà cha mẹ hướng dẫn con cái và nhất là nhờ các linh mục, tu sĩ nam nữ luôn quan tâm dạy giáo lý và có những nổ lực hàn gắn đời sống hôn nhân một khi có dấu hiệu rạn nứt, bất hoà. Không ít gia đình trung thành đọc kinh sáng tối, siêng năng tham dự thánh lễ, nhiệt thành tham gia vào các sinh hoạt tông đồ và bác ái trong giáo xứ, khuyến khích con cái dâng mình cho Chúa và cảm thấy vinh hạnh được Chúa chọn con cái vào đời sống thánh hiến. Tuy thế, nền đạo đức của gia đình chưa hẳn là hoàn hảo và vững bền. Ðàng khác, các nguy cơ đe doạ sự thánh thiện của gia đình vẫn luôn rình rập để làm tan vỡ những giá trị cơ bản của gia đình. Cho nên, chúng ta hãy lắng nghe những huấn dụ của Hội Thánh về gia đình, để luôn nổ lực canh tân đặc biệt trong Mùa Chay Thánh nầy.
2. Duy trì và phát huy các giá trị hôn nhân và gia đình.
Trước nạn ly hôn, ly thân, tự do luyến ái và đồng tính luyến ái đang lan rộng ở một số quốc gia và trước những lý lẽ mà xã hội hôm nay đưa ra để biện hộ cho lối sống nầy, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong tông thư Tiến về ngàn năm thứ ba, nhắc lại rằng "mối tương quan giữa một người nam và một người nữ - mối tương quan hỗ tương và toàn diện, đơn nhất và bất khả phân ly - nằm trong chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa", do đó "về điểm nầy, Hội Thánh không thể lùi bước trước những sức ép của một thứ văn hoá nào, dầu nó lan rộng và hiếu chiến đến mức nào đi nữa".
Qua những lời nầy, Vị Ðại Diện Chúa Kitô ở trần gian cương quyết nhắc lại rằng tình yêu hôn nhân kết hợp đôi nam nữ trở thành vợ chồng là do Thiên Chúa dựng nên và gia đình là một định chế bền vững. Thiên Chúa không buộc mọi người phải bước vào tình yêu hôn nhân, nhưng khi đã trở nên vợ chồng, đôi nam nữ phải trao cho nhau trọn vẹn tình yêu, bảo vệ và phát triển tình yêu đó cho đến chết. Hội Thánh không bao giờ nhân nhượng trước bất cứ lý thuyết hay chiêu bài nào có ý đồ phá vỡ tính cách bất khả phân ly của hôn nhân hay coi nhẹ những giá trị cơ bản của gia đình.
Ðáp lại lời giáo huấn của Ðức Thánh Cha, từ năm 1994 đến nay, Hội Ðồng Toà Thánh về Gia đình đã tổ chức 4 cuộc gặp gỡ quốc tế về gia đình. Cuộc gặp gỡ thứ tư vào tháng giêng năm 2003 tại Phi Luật Tân đã nêu lên những điểm cốt yếu về ý nghĩa và sứ mệnh cao cả của gia đình kitô hữu. Ước mong các cha quản xứ giúp anh chị em sống năm gia đình này một cách phong phú, qua việc hướng dẫn anh chị em giáo dân hiểu rõ thêm về những điểm cốt yếu đó. Trong khuôn khổ của bức thư nầy, tôi xin nhắc lại vài điểm đạo đức then chốt trong tình yêu hôn nhân và đời sống gia đình, tương quan với tràng hạt Mân Côi để cùng Mẹ ra khơi.
3. Vài điểm đạo đức then chốt trong tình yêu hôn nhân và đời sống gia đình.
Hôn nhân Kitô giáo là một bí tích. Bí tích là dấu chỉ hữu hình của một thực tại vô hình. Trong đời sống hôn nhân gia đình, vợ chồng không chỉ nghĩ tới việc thụ hưởng, nhưng còn được mời gọi để trở nên dấu chỉ hữu hình của mầu nhiệm Chúa Kitô yêu Hội Thánh Ngài. Cũng như linh mục làm cho bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, vợ chồng phải làm cho tình yêu trở nên dấu chỉ rõ rệt của tình yêu mà Chúa Kitô trao cho Hội Thánh Ngài. Tình yêu vợ chồng không còn là tình yêu thuần tuý nhân loại, phàm tục, thụ hưởng, nhưng là tình yêu mang những nét thánh thiện, đức độ như tình yêu của Chúa Kitô.
Ðể gia đình được trở nên dấu chỉ rõ rệt của sự thánh thiện, trước hết vợ chồng phải biết chiêm ngắm tình yêu Chúa Kitô, sống thân mật với Ngài, qua các giờ kinh nguyện, những buổi tĩnh tâm. Chính nhờ liên kết mật thiết với Chúa Kitô, gia đình sẽ thấm nhuần và chiếu giải tinh thần Phúc Âm, vui tươi, có sức thu hút đối với những người chung quanh. Gia đình sẽ trở nên một Hội Thánh tại gia, thờ phượng Thiên Chúa, sống thông hiệp chặt chẽ với nhau; chu toàn bổn phận che chở, bênh vực và phát triển sự sống và tình yêu, cương quyết không xử dụng những phương thế phản luân lý chống lại sự sống; yêu thương và hy sinh cho nhau một cách không giới hạn như Chúa Giêsu đã làm gương khi thiết lập bí tích Thánh Thể; trân trọng phong tục tập quán đạo đức của cộng đoàn, để các thanh niên nam nữ tìm hiểu và kết hôn trong bầu khí trong lành thánh thiện, và đồng hành với họ trong đời sống lứa đôi; thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội, quan tâm và góp phần với cộng đồng dân cư giúp đỡ những người kém may mắn, nghèo khổ, bệnh tật hoặc bị ngược đãi. (xem sứ điệp Mùa Chay 2003 của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II "cho thì có phúc hơn nhận").
Trong gia đình, việc giáo dục con cái phải được các bậc cha mẹ quan tâm một cách đặc biệt. Gia đình là chiếc nôi đức tin và văn hoá quan trọng nhất trong đời mỗi người.
Trong thông điệp "Bách chu niên" Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết rằng: "Trong cuộc sống gia đình, con người đón nhận những ý niệm đầu tiên có tính cách quyết định liên quan tới chân lý và sự thiện. Trong gia đình con người học biết thế nào là yêu thương và được yêu thương và do đó cũng học biết một cách cụ thể thế nào là làm một con người". Nhìn vào hình ảnh gia đình Nadarét, một gia đình gương mẫu, ta mới hiểu hết giá trị của một gia đình kitô giáo.
4. Gia đình với tràng chuổi Mân Côi.
Trong sứ mạng trở nên dấu chỉ sống động của tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh Ngài, Mẹ Maria là ngôi sao sáng cho đời sống gia đình. Thật vậy, Mẹ đã trãi qua mọi trạng huống của đời sống gia đình, từ những biến cố vui mầng cho đến những hoàn cảnh đau thương. Mẹ đã hoà nhập vào Mầu Nhiệm Ðức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Khi đọc kinh Mân Côi trong gia đình, cha mẹ và con cái cùng chiêm ngắm các mầu nhiệm của Ðức Kitô mà Mẹ đã được tham gia một cách sâu đậm nhất. Cùng với Mẹ, gia đình kitô hữu sống lại các mầu nhiệm cứu rỗi ấy và nhờ chiêm ngắm các mầu nhiệm Ðức Kitô với Mẹ, mà đời sống gia đình kitô hữu được biến đổi và được thánh hoá.
-Năm sự Vui dẫn gia đình đến chiêm ngưỡng mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể và các biến cố thời thơ ấu của Ngài. Mẹ sẽ ban cho gia đình được thấm nhuần đức khiêm nhượng, yêu người, nghèo khó, vâng lời và trung tín với Chúa.
-Khi gẫm năm sự Sáng, gia đình chiêm ngắm Chúa Giêsu là sự sáng chiếu soi trần gian. Ngài trao cho mọi kitô hữu sứ mệnh phải trở nên đèn toả sáng. Ðể gia đình chiếu toả ánh sáng của Chúa, Mẹ sẽ ban ơn được sống xứng đáng làm con Chúa, luôn vững tin vào Ngài, tuân theo ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, siêng năng rước Chúa vào lòng và nếu có sa cơ lỗi phạm, biết mau mắn thống hối ăn năn.
-Khi gẫm năm sự Thương, cùng với Mẹ, gia đình chiêm ngắm Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó. Nhờ việc chiêm ngắm đó, Mẹ cho cha mẹ con cái được thật lòng đau đớn vì tội lỗi, biết thông hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chế ngự thân xác, sẵn sàng vác thập giá theo Chúa và vui lòng chịu sỉ nhục vì Phúc Âm.
-Khi gẫm năm sự Mầng, cùng với Mẹ, gia đình kitô hữu say sưa chiêm ngắm Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển, và cầu xin Người nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, canh tân đời sống, yêu chuộng những giá trị tồn tại vĩnh cửu và cuối đời trần thế, được hưởng phúc Thiên Ðàng cùng với Mẹ.
Tôi xin được nhắc lại cho anh chị em những lời của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông thư mới nhất của Ngài: "Kinh Mân Côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các thành viên của gia đình lại gần nhau. Khi hướng mắt về Chúa Kitô, họ có được khả năng nhìn thẳng vào mặt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ cho nhau và nhìn thấy giao ước của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa". (Kinh Mân côi của Ðức Trinh Nữ Maria, số 41).
5. Gia đình cùng Mẹ ra khơi.
Cầu xin các ơn lành của Mẹ, thấm nhuần các nhân đức của Mẹ không phải để được sống an lành trong khung cảnh gia đình êm ấm và tách biệt, nhưng là để mọi thành viên trong gia đình được trang bị hành trang dấn thân lên đường như Mẹ và Chúa Giêsu đã làm. Khi còn ở dương thế, các Ngài đã dẹp bỏ những ràng buộc lo toan về tiện nghi cuộc sống, để đi đến gặp gỡ phục vụ kẻ khác và thánh hoá mọi tương giao trong đời. Cũng vậy, sứ mệnh ra khơi của người kitô hữu không hệ ở việc di dời chổ ở, nhưng là thoát khỏi những bận tâm quá đáng về những nhu cầu và tiện nghi vật chất, để thiết lập những tương quan mới với tha nhân và không ngừng canh tân những tương quan đó ngày càng tốt đẹp, thân ái và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm hơn. Sứ mệnh ra khơi còn đòi buộc người kitô hữu, khi tìm kế sinh nhai nuôi sống gia đình trong các ngành nghề, xí nghiệp công tư, biết chu toàn công việc cách chu đáo với lương tâm trách nhiệm. Chính nhờ bản lĩnh đạo đức và tận tâm trong bổn phận đó, mà môi trường làm việc của người kitô hữu được dậy men Tin Mừng.
Mùa Chay là thời gian chỉnh đốn các lệch lạc, rèn luyện các nhân đức thêm vững chắc. Gia đình kitô hữu là nơi phụng thờ Chúa, là trường học căn bản và đầu tiên con cái thụ huấn đức tin và các đức tính nhân bản. Sứ mệnh của cha mẹ rất cao cả và nhiệm vụ đầy nặng nhọc, nhưng ơn Chúa cũng dồi dào chan chứa. Cùng với sự trợ lực của Thánh Mẫu La Vang, anh chị em hãy cương quyết đổi mới đời sống gia đình để thật sự được phục sinh với Chúa Kitô.
Huế, ngày 01 tháng 03 năm 2003.
Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế
TGM Têphanô Nguyễn Như Thể