Thư của Ðức TGM Phạm Minh Mẫn
gửi cho lm. Nguyễn Tấn Khóa
quyền Chủ tịch UBÐK.CGVN
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Tin Việt Nam - (1/02/2003) - Ngày 25/12/2002, Ðức TGM Phạm Minh Mẫn Tổng Giáo Phận Saigon đã gửi cho lm. Nguyễn Tấn Khóa, quyền Chủ tịch Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo Việt Nam và các Ðại biểu Ðại Hội những người Công Giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ IV. Sau đây, là nguyên văn bức thư:
TP. Saigon, ngày 25/12/2002
Kính gởi Linh mục Nguyễn Tấn Khóa, quyền Chủ tịch UBÐK.CGVN
và các Ðại biểu Ðại hội những người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ IV.
Anh chị em đồng đạo thân mến,
Chân thành cám ơn linh mục Chủ tịch đã gởi giấy mời tôi dự Ðại hội. Trước hết tôi xin gởi lời chào thăm sức khoẻ và kính chúc bình an của Chúa Kitô đến các Ðại biểu. Sau đây, vì công việc mục vụ không cho phép tôi đến dự Ðại hội, tôi xin mượn lá thư này góp vài ý kiến với các Ðại biểu trong nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh hiện nay.
"Phục vụ con người là mục đích tối cao" của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh, làm trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội trong cộng đồng dân tộc. Phải chăng khẳng định nầy muốn nói lên chân lý căn bản nảy ra những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng trong hoàn cảnh hiện tại để xây dựng một xã hội nhân bản hơn cho tổ quốc Việt Nam. Những đòi hỏi bức thiết đó gồm có hai việc chính sau đây: I. Xóa bỏ dần những khuyết tật hiện hữu của xã hội; II. Phát huy những giá trị nhân bản làm cho mọi công dân ngày càng sống ấm no, sống "độc lập, tự do và hạnh phúc", sống xứng với phẩm giá con người.
I. Xóa bỏ dần những khuyết tật hiện hữu của xã hội:
1. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người:
Sự tha hóa là hiện tượng đánh mất phẩm giá con người. Hiện tượng nầy xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:
- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả đối;
- khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;
- khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;
- khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, thay vì được coi như là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Khi tách lìa chân lý về phẩm giá con người, tự do chỉ còn là sự tùy tiện, hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền lực và thế lực. Tự do như thế, thay vì đem lại an cư lạc nghiệp và hạnh phúc cho mọi người, có nguy cơ tạo ra những bất công chồng chất trong xã hội.
2. Xóa bỏ khuyết tật lớn thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người:
Cơ chế xin-cho là một điển hình về cơ chế bất công và tha hóa. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:
- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép. Như thế cơ chế xin-cho vừa xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một nhà nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.
- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% từ các nguồn thu vào của công quỹ, và làm thất thoát 50% của phần còn lại khi phải chia ra cho công ích. Ðiều này có nghĩa là một thiểu số nhỏ của những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống qui mô trong xã hội ngày nay là một cản trở hết sức to lớn cho việc phát triển đất nước cũng như cho việc phát huy phẩm giá con người.
II. Phát huy những giá trị nhân bản làm cho xã hội ngày càng nhân bản hơn:
1. Phát huy phẩm giá và nhân cách con người. Công việc này đòi hỏi mọi tổ chức, mọi cơ chế, trong các quan hệ xã hội quan tâm tôn trong con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là phải hướng các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội đi đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện với cả ba mặt vật chất, tinh thần và tâm linh làm nên phẩm giá và nhân cách con người. Hình như hệ thống giáo dục ngày nay chỉ nghiêng về chuyển giao kiến thức chuyên môn hơn là quan tâm phát triển nhân cách con người. Ðịnh hướng này có nguy cơ tạo ra những lớp người hụt hẫng, què quặt, dị tật cho dân tộc.
2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.
3. Phát huy tính liên đới trong cộng đồng dân tộc. Tính liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người và các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của mọi tổ chức công dân, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tính liên đới phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triễn vững bền, cho sự thăng tiến lâu dài của con người, gia đình và xã hội.
4. Phát huy tính phụ đới của tổ chức xã hội. Việc xây dựng tính liên đới và đoàn kết trong lòng một dân tộc chỉ đạt kết quả khi mọi tổ chức xã hội thể hiện được tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cao cấp không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của tập thể cấp thấp, song tạo điều kiện cho nó được tự do phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của các tập thể khác trong xã hội. Trong tổ chức xã hội mang tính phụ đới, mọi công dân, mọi tập thể công dân tôn giáo hay không tôn giáo, không phân biệt giai cấp, được tự do sáng kiến và hoạt động nhằm phát triển và thăng tiến con người và gia đình, củng cố nền tảng pháp lý quốc gia.
Tính phụ đới không cho phép một tổ chức hay tập thể xã hội, dù là tổ chức cấp cao nhất như Nhà Nước, chiếm độc quyền trong dân tộc. Vã lại, độc quyền là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn vừa đánh mất phẩm giá con người vừa cản trở việc phát triển đất nước.
Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng nầy, Nhà Nước của dân, do dân và vì dân, từ một tổ chức phục vụ nhân dân, trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành công cụ mù quáng và miễn cưởng phục vụ cỗ máy đó. Sự đảo ngược đó làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.
5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết, công ích là những điều kiện cần thiết cho việc thi hành các quyền tự do của mọi công dân, cho việc phát huy phẩm giá con người. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi hỏi tổ chức Nhà Nước: (1) phải tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân, mọi tổ chức xã hội được hưởng những tự do xứng hợp với phẩm giá con người và cần thiết cho sự phát triển đất nước; (2) phải xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.
Tôi nghĩ rằng người công giáo mong đợi các Ðại biểu góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc theo phong cách, theo lương tâm và theo niềm tin của người công giáo, là những yếu tố làm phong phú nền văn hóa và nội lực của dân tộc Việt Nam. Kính chúc Ðại hội một năm mới có những bước đi mới và những thành đạt mới.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám Mục TP Saigon