Liên Hiệp Quốc

cần một cuộc cải tổ thỏa đáng

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Liên Hiệp Quốc cần một cuộc cải tổ thỏa đáng.

Vatican (Zenit 22/12/2003) - Trong dịp nói chuyện với hãng thông tấn Zenit, Ðức Hồng Y Georges Cottier, thần học gia của phủ Giáo Hoàng, đã chú trọng tới một trong các đề tài được ÐTC nói đến trong sứ điệp hòa bình năm 2004, đó là nhu cầu thiết lập một trật tự quốc tế mới. Theo Ðức Hồng Y Cottier, lời kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc của Ðức Gioan Phaolô II trong sứ điệp này là một kết luận đã có gốc rễ sâu trong sự tiến trình khai triển giáo huấn xã hội của hội thánh.

ÐTC đã nói trong đoạn cuối của số 7 sứ điệp hòa bình của ngài như sau: "Liên Hiệp Quốc cần vươn lên hơn nữa để vượt lên khỏi tình trạng lạnh lùng của một cơ chế quản trị hành chánh; và ngày càng phải trở nên một trung tâm tinh thần, nơi tất cả các nước trên thế giới cảm thấy như ở nhà mình và phát triển một nhận thức chung, --- như đã từng có trước đây, --- là cùng thuộc về một gia đình các dân nước". Ngài nói thêm trước đó rằng: "Các quốc gia cần xem xét mục tiêu này --- (tức là mục tiêu tổ chức lại Liên Hiệp Quốc) --- như một nghĩa vụ luân lý và chính trị rõ ràng, đòi hỏi sự thận trọng và quyết tâm". Sứ điệp của ÐTC không yêu cầu Liên Hiệp Quốc trở thành như một "siêu quốc gia", nhưng cần được cải tổ, để cho tổ chức này hoạt động cách hữu hiệu trong việc theo đuổi các mục tiêu dẫn tới sự hình thành của tổ chức này. Về điểm này, Ðức Hồng Y Cottier nghĩ rằng giáo huấn xã hội của hội thánh đã đóng góp một tiến hóa lý thú về chính trị. Ðức Hồng Y nói như sau: "Kể từ khi có tông thư "Hòa Bình Dưới Thế" của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, có một sự ý thức là những vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng đều được đặt ra ở cấp độ thế giới.

Ngài giải thích tiếp rằng, luôn cả ở bình diện chính trị, nguồn khích lệ từ phúc âm giúp lý trí con người hiểu được nhu cầu cần có những cơ chế tương xứng với sự hiệp nhất của nhân loại. Vì vậy, cần phải có một thẩm quyền cao hơn các quốc gia. Mặc dù sự thật là giáo hội biết rõ những giới hạn và yếu kém của Liên Hiệp Quốc, giáo hội luôn ủng hộ việc để Liên Hiệp Quốc can thiệp, chẳng hạn như can thiệp vào các cuộc xung đột. Vì lý do này, Liên Hiệp Quốc cần có một quyền hạn mạnh hơn để can thiệp, để bảo vệ quyền của con người, để đấu tranh chống nghèo đói. v.v... Quyền can thiệp của LHQ là một điểm mới lạ được trưởng thành trong thời Công Ðồng Vatican II, --- và có thể  là trước đó nữa, --- nhưng đây là một chiều kích quan trọng trong giáo huấn của triều đại Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page