Phản ứng về quyết định

cấm các biểu tượng tôn giáo

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phản ứng về quyết định cấm các biểu tượng tôn giáo.

Pháp (Zenit 18/12/2003) - Các Giám Mục Pháp cho rằng quyết định của tổng thống Jacques Chirac ủng hộ luật cấm các biểu tượng tôn giáo, sẽ không giải quyết vấn đề về tính cách thế tục  của nước Pháp, cũng không giải quyết được vấn đề về sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước.

Hôm thứ Năm (18/12/2003), tổng thống Chirac cho biết là ông ủng hộ luật cấm sử dụng các biểu tượng tôn giáo trong các trường học. Ông chấp thuận hầu hết những đề nghị của ủy ban tham vấn --- ( STASI) --- đưa ra hồi tuần trước. Thành viên của Ủy ban này do ông bổ nhiệm để cứu xét vấn đề cho phép sử dụng các biểu tượng tôn giáo. Chính ông Chirac đã yêu cầu cấm những biểu tượng rõ ràng của tôn giáo, cụ thể là khăn choàng đầu của phụ nữ hồi giáo, mũ nhỏ chụp trên đầu của đàn ông Do Thái Giáo, và thánh giá lớn quá cỡ.  Bản văn dùng cách nói "cấm những biểu tượng rõ ràng", nghĩa là những biểu tượng có chiều kích lớn quá rõ. Còn những dấu hiệu nhỏ, kín đáo, thì không cấm.

Ông cũng bác bỏ đề nghị của ủy ban Stasi công nhận hai ngày lễ --- một của Do Thái Giáo và một của Hồi Giáo --- trong niên lịch của trường học, đó là ngày lễ cuối tháng chay tịnh Ramadan của Hồi Giáo và lễ Ðại Ân Xá của Do Thái Giáo. Tuy nhiên ông đồng ý để các học sinh của hai tôn giáo này xin phép nghỉ học trong dịp lễ tôn giáo lớn. Ông Chirac cũng ủng hộ luật không cho bệnh nhân điều trị tại các bệnh viên công được quyền từ chối không để cho bác sĩ khác phái trị bệnh. Tại Pháp hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ Hồi Giáo từ chối không để cho bác sĩ nam khám bệnh.

Trong thông các công bố vào hôm thứ Năm (18/12/2003), Ðức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Ricard, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp cho rằng: "Bộ luật thế tục, được đề ra bởi tổng thống cộng hòa Pháp và được trao phó cho chính phủ, có thể nhắc nhở cách hữu hiệu những nguyên tắc và luật lệ liên quan đến vấn đề này. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng bản chất thế tục trước hết là nghệ thuật chung sống với nhau, được phong phú hóa bởi kinh nghiệm và thực hành. Nhà nước có bổn phận đảm bảo sự tôn trọng và thông cảm như nhau đối với tất cả các tôn giáo. Những nghi vấn đề trang phục tôn giáo hay các biểu tượng trong các trường công và trong các công sở là trọng tâm của tranh luận. Tổng thống cộng hòa Pháp muốn giải quyết bằng luật pháp. Ông đưa ra những đề cương. Nhưng chúng tôi --- các giám mục Pháp --- không tin rằng, việc bỏ phiếu  để quyết định về những luật lệ mới này sẽ là những câu trả lời cho tất cả những vấn đề liên quan đến các biểu tượng tôn giáo... Cần phải thận trọng khi đưa ra những đạo luật, để những đạo luật đó không bị coi là dấu hiệu của sự tình nghi trên người dân, khi mà những biểu tượng tôn giáo của họ không phải gây rối cho trật tự công cộng".

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page