Phân tích về khủng bố
điểm nổi bật trong sứ điệp hòa bình
của ÐTC Gioan Phaolô II
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Phân
tích về khủng bố, điểm nổi bật trong sứ điệp hòa bình của
ÐTC Gioan Phaolô II.
Vatican
(Zenit
17/12/2003) -
Ðiểm nổi bật trong sứ điệp hòa bình của ÐTC Gioan Phaolô II
cho ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2004, là những phân tích của
ngài về nạn khủng bố.
Ðó
là nhận định của Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng
Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đưa ra trong cuộc họp báo giới
điệu sứ điệp tại Vatican vào hôm thứ Ba (16/12/2003). Ngài
nói với các ký giả trong cuộc họp báo như sau: "Trong cuộc
chiến chống khủng bố, ÐTC Gioan Phaolô II đưa ra hai nhận định
quan trọng, nhận định thứ nhất có tính cách chính trị và giáo
dục; nhận định thứ hai liên quan đến công pháp quốc tế".
Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh trong sứ điệp của ngài rằng
cần phải loại trừ những nguyên nhân gốc rễ của những tình
huống bất công mà từ đó đôi khi phát sinh những hành động
khủng bố đẫm máu nhất. ÐTC quả quyết rằng, giáo dục
được khích lệ bởi sự tôn trọng sự sống con người
trong mọi hoàn cảnh là điều kiện thiết yếu để giải quyết
nạn khủng bố. Về nhận định thứ hai của Ðức Gioan Phaolô
II liên quan đến luật pháp quốc tế, Ðức Hồng Y Martino giải
thích như sau: "Cũng cần phải thể hiện tình yêu trong luật
pháp quốc tế. Luật quốc tế không bao giờ có thể tách rời
ra khỏi những trách nhiệm luân lý và đạo đức. Áp dụng
luật quốc tế không có nghĩa là áp dụng luật của kẻ mạnh
nhất".
Nhiều lần trong cuộc họp báo, Ðức Hồng Y Martino nhấn mạnh tới giá trị vững chắc của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Ngài cho biết thêm là các vị Giáo Hoàng thời nay của Giáo hội Công giáo đều có ước muốn cải tổ Liên Hiệp Quốc. Ðức Hồng Y Martino giải thích thêm như sau: "ÐTC tin rằng cứu cánh không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện. Các chính phủ dân chủ biết rõ rằng việc sử dụng võ lực chống khủng bố không thể biện minh cho việc chối bỏ các nguyên tắc của một quốc gia có luật pháp. ÐTC nhắc lại điều thường bị bỏ quên: đó là chỉ có hai trường hợp ngoại lệ để sử dụng võ lực: trước hết là quyền tự vệ; và quyền nầy cần được thực thi tùy theo nhu cầu và mức độ tương xứng với sự gây hấn; và trường hợp thứ hai khi việc sử dụng võ lực được quyết định trong một hệ thống an ninh chung. Ðây là công tác được giao cho Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với những trách nhiệm và khả năng trong những vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình".
(Việt Hùng)