Saddam Hussein nên được xét xử

trước pháp quyền tương xứng

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Saddam Hussein nên được xét xử trước pháp quyền tương xứng.

Vatican (Zenit 16/12/2003) - Trong cuộc họp báo công bố sứ điệp của ÐTC nhân ngày Thế Giới Cho Hòa Bình vào hôm thứ Ba (16/12/2003), Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã bày tỏ mong đợi là cuộc xét xử ông Saddam được thực hiện trước một pháp quyền tuong xứng.

Ðức Hồng Y Martino không nói cụ thể pháp quyền này là như thế nào, bởi vì Tòa Thánh chỉ là quan sát viên nên không thể nói là ông Saddam phải được xét xử trước tòa án này hay tòa án kia. Liên quan tới những đồn đoán rằng ông Saddam có thể bị tử hình, Ðức Hồng Y Martino nhắc lại rằng ÐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng chống án tử hình. Theo Ðức Hồng Y, Liên Hiệp Âu Châu đã xóa bỏ án tử hình, đồng thời tòa án quốc tế về cuộc diệt chủng tại Rwanda cũng như tại cựu Nam Tư cũng không có án tử hình. Ngài ghi nhận rằng trong 16 năm làm quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, ngài cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm chống án tử hình. Ðức Hồng Y Martino là một chuyên gia về quan hệ quốc tế và  ghi nhận rằng việc bắt giữ và xét xử ông Saddam phải là một đóng góp cho tiến trình hòa bình và dân chủ hóa tại Iraq. Tuy nhiên, thật là điều ảo tưởng để nghĩ rằng việc bắt giữ và xét xử này sẽ giải phóng ta khỏi  "cảm nghĩ thất bại", khi nhân loại phải dùng đến phương tiện chiến tranh để giải quyết vấn đề. Chiến tranh luôn luôn là một thất bại.

Vị chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng nmói lên tâm tình cảm thông khi thấy hình ảnh ông Saddam bị bắt giữ. Ðức Hồng Y cho rằng tuy việc bắt giữ ông Saddam tự nó đã là trả lời cho nhiều câu hỏi, nhưng đó chưa phải là giải pháp hoàn toàn cho những vấn nạn do khủng bố mang lại. Ngài nói như sau: "Hàng ngàn tay khủng bố có thể bị loại trừ, nhưng nếu không giải quyết được nguyên nhân dẫn đến khủng bố, thì khủng bố sẽ vẫn còn đó". Về điểm này, Ðức Hồng Y đề nghị mọi người đọc kỹ số 8 trong sứ điệp của ÐTC là đoạn đề cập tới nạn khủng bố. Và ngài kết luận với cùng một suy nghĩ được ÐTC nói đến trong sứ điệp của ngài, đó là nhu cầu phải vượt thắng  "mức độ đơn giản của công bằng" và cởi mở chính mình để yêu thương và tha thứ. Ðây là điều khó chấp nhận, nhưng lại chính là sứ điệp của kitô giáo".

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page