Luật thị trường
chưa đủ để thực thi công lý
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Luật
thị trường chưa đủ để thực thi công lý.
Vatican
(Zenit
15/12/2003) -
Cũng trong dịp tiếp kiến tân đại sứ cộng hòa SANTO DOMINGO đến trình thư ủy nhiệm, ÐTC Gioan Phaolô II đã
đề cập đến nhu cầu đặt sự đoàn kết lên trên những lợi
lộc kinh tế.
Theo
Ðức Gioan Phaolô II, qui luật thị trường và toàn cầu hóa
không phải là nền tảng để đảm bảo công lý. Ngài nói như
sau: "Trong thế giới ngày nay, con người không thể giới hạn
mình trong những qui luật của thị trường và sự toàn cầu hóa.
Cần phải xây dựng tình đoàn kết, tránh những điều xấu
phát sinh từ chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa đặt lợi lộc
cao hơn con người và biến con người thành nạn nhân của bao
sự bất công. Một mô hình phát triển mà không coi trọng và
đáp ứng tình trạng không đồng đều này,
sẽ không được thịnh vượng. Người nghèo luôn luôn
là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong các cuộc
khủng hoảng. Ðây là lý do tại sao họ phải là mục tiêu đáng
quan tâm của các chính phủ. Cuộc đấu tranh chống nghèo đói
không đơn giản là cải thiện đời sống của người nghèo,
nhưng là giúp đưa họ ra khỏi tình cảnh bất công, kiến tạo
những điều kiện để họ có công ăn việc làm vững vàng.
Ðể đạt được mục tiêu này, giáo dục và huấn luyện là
hai yếu tố thiết yếu trong cuộc đấu tranh chống nghèo đói,
tôn trọng các nhân quyền cơ bản - những nhân quyền không
thể bị hy sinh vì những mục tiêu lợi lộc khác bởi vì làm
như thế sẽ là một xúc phạm đối với nhân phẩm con người".
Qua bài diễn văn này, ÐTC như muốn nhắn gửi tới những người nghĩ rằng giáo hội không nên lên tiếng về những vấn đề liên quan tới kinh tế hay chính trị. Ngài nói tiếp như sau: "Tuy trong sự phục vụ của mình cho xã hội, vai trò của giáo hội không phải là đưa ra những giải pháp chính trị hay có tính cách kỹ thuật, tuy nhiên giáo hội phải và muốn nêu bật những điều khích lệ và hướng dẫn đến từ Tin Mừng để soi sáng con đường mưu tìm những câu trả lời và giải pháp. Cội rễ của những vấn nạn xã hội, kinh tế và chính trị của con người thường khi là do sự chối bỏ hay coi thường các giá trị thực của luân lý, tinh thần và thiêng liêng. Sứ mạng của giáo hội là nhắc nhở, bảo vệ và củng cố các giá trị đó. Ðể tìm giải pháp cho những khó khăn vừa nói, phải luôn nhớ rằng lợi ích chung của mọi người là mục tiêu cần phải đạt tới; về điểm này, giáo hội không tự coi mình có khả năng ngoài sứ mạng của mình, nhưng chỉ muốn đóng góp sự hợp tác của giáo hội cho các chính phủ và xã hội".
(Việt Hùng)