Hòa Giải là ơn gọi

của người công giáo tại Thánh Ðịa

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hòa Giải là ơn gọi của người công giáo tại Thánh Ðịa.

Vatican (Zenit 7/12/2003) - Trong một tài liệu được công bố, Tòa Thượng Phụ Công Giáo theo nghi lễ La Tinh tại Jerusalem đã xác định rằng hòa giải là ơn gọi của người công giáo tại Thánh Ðịa. Tài liệu này do Ủy Ban Thần Học của giáo phận soạn thảo dưới sự giám sát của Ðức Thượng Phụ Michel Sabbah, trong đó có đề cập tới ba vấn đề: bạo động và khủng bố, quan hệ giữa người công giáo và người Do Thái Giáo tại Thánh Ðịa; và sau cùng là quan hệ giữa người công giáo và người Hồi Giáo.

Phân tích về đề tài bạo động, các thần học gia trong ủy ban nói trên đã khẳng định rằng giáo hội tại Jerusalem luôn lên án và tiếp tục lên án mọi hành vi bạo động nhấm vào các cá nhân cũng như cộng đoàn trong xã hội. Sứ điệp ghi như sau: "Chúng tôi lên án đặc biệt là nạn khủng bố, một hình thức bạo động nghiêm trọng nhất, được thực hiện với mục đích gây thương tích, tử thương cho những người vô tội... Trong trường hợp của khủng bố, cả hai phía đều có trách nhiệm, một bên là những người hành động khủng bố, những người ra kế hoạch và hỗ trợ cho hành động khủng bố; và bên kia là những người tạo nên hoàn cảnh bất công để khích động khủng bố. Thiên Chúa luôn luôn kêu gọi các môn đệ của Ðức Giêsu Kitô trở thành một cộng đoàn của hòa giải. Chúng ta được mời gọi trở thành những chứng nhân tiên tri mang tin mừng của hòa bình đến với mọi người. Chúng ta hoàn thành sứ mạng này, không phải bằng những hành vị bạo động nhưng với những cử chỉ cụ thể để xây dựng hòa bình, chống lại nền văn hóa của sự chết và đóng góp cho nền văn hóa của sự sống".

Về mối quan hệ giữa người Công Giáo và Do Thái Giáo tại Thánh Ðịa, sứ điệp nhắc lại rằng Giáo hội Công giáo chia sẻ với người Do Thái cội rễ đức tin từ Cựu Ước. Với toàn thể giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Công giáo tại Jerusalem bày tỏ sự hối tiếc về thái độ kỳ thị, những xung đột và hành vi gây hấn đã xảy ra trong lịch sử quan hệ giữa Do Thái Giáo và Công Giáo. Thách đố lớn lao của người kitô tại Thánh Ðịa, là nơi có đa số dân gốc Ả Rập, là làm thế nào để đạt tới sự chung sống hòa bình với người anh em Do Thái Giáo, không giống như những gì đang xảy ra giữa nước Do Thái và cộng đồng Ả Rập qua xung đột kể từ năm 1948. Về điểm này, sứ điệp được ghi như sau: "Là Giáo Hội, chúng tôi chứng kiến cảnh chiếm đóng quân đội Do Thái trên đất của người Palestine, và cuộc xung đột đẫm máu giữa hai dân tộc này. Cùng với tất cả những người có thiện chí và yêu chuộng hòa bình, --- trong số này có nhiều người Do Thái Giáo, người Hồi Giáo Palestine,người kitô, --- chúng ta, những người công giáo, được mời gọi trở nên tiếng nói của sự thật. Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới đều biết rằng cuộc đối thoại với người Do Thái được phân biệt rõ ràng ra khỏi và khác với lập trường chính trị của nước Do Thái. Sự hiện hữu của quốc gia Do Thái và quan điểm chính trị của quốc gia này không thể được coi là mang tính cách tôn giáo, nhưng đúng hơn được qui chiếu dựa trên các nguyên tắc của công pháp quốc tế. Cuộc đối thoại giữa người công giáo và Do thái giáo hiện giờ được nằm trong khuôn khổ một bối cảnh chung, đó là hiện tình của vùng Thánh Ðịa bị sâu xé bởi chiến tranh và bạo động".

Sau cùng, trong đề tài thứ ba về quan hệ giữa người công giáo và người hồi giáo tại Thánh Ðịa, sứ điệp phân tích mối quan hệ này dựa trên hai nguyên tắc như sau: "Trước tiên, tất cả ai là người gốc Ả Rập, dù là người kitô hay người hồi giáo, đều thuộc về một dân tộc, cùng chia sẻ một lịch sử lâu dài, nói cùng một ngôn ngữ, có cùng một văn hóa. Nguyên tắc thứ hai là trong tư cách là người kitô gốc Ả Rập, những người này được mời gọi trở nên chứng nhân của Ðức Kitô trong xã hội Ả Rập và Hồi Giáo". Tuy thừa nhận mối quan hệ tốt giữa người kitô và người Hồi Giáo, các thần học gia công giáo tại Jerusalem cũng không quên nêu bật những khó khăn hiện giờ, cụ thể là chiều hướng Hồi Giáo hóa trong một số phong trào chính trị. Ðây là mối đe dọa không chỉ riêng đối với người kitô nhưng còn với nhiều người Hồi Giáo mong muốn có một xã hội cởi mở. Khi hiện tượng hồi giáo hóa trở nên quá khích và hạn chế sự tự do của người kitô, thì người kitô phải bảo vệ căn cước của mình và đòi hỏi quyền tự do tôn giáo của mình được tôn trọng. Trong hoàn cảnh này, người kitô gốc Ả Rập giữ một vai trò trọng yếu để hỗ trợ cho các anh em kitô giáo khác. Dù là một cộng đoàn nhỏ, nhưng điều này không có nghĩa người công giáo tại Thánh Ðịa phải bị coi là không có giá trị, hay phải rơi vào tuyệt vọng. Họ được kêu gọi để giành chỗ đứng xứng hợp của mình trong đời sống công cộng và giúp xây dựng một xã hội theo đúng mọi chiều kích của xã hội đó.

 

(Việt Hùng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page