Giáo Hội có thể giúp cho
tiến trình toàn cầu hóa
trở nên nhân bản hơn
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giáo
Hội có thể giúp cho tiến trình toàn cầu hóa trở nên nhân
bản hơn.
Vatican
(Zenit
7/12/2003) -
Giáo hội Công giáo có thể làm được nhiều điều để giúp
tiến trình toàn cầu hóa trở nên có ý nghĩa hơn và nhắm tới
phục vụ cho nhân loại.
Ðức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình đã đưa ra nhận xét trên đây tại Hội Nghị Quốc Tế về Ðức Cố Giáo Hoàng Lêo XIII. Hội nghị 2 ngày này do văn phòng Quốc Vụ Khanh đứng ra tổ chức; và kết thúc vào hôm thứ Bảy (6/12/2003). Chủ đề bài chia sẻ của Ðức Hồng Y Martino là "Giáo Huấn của Giáo Hội về Toàn Cầu Hóa". Theo Ðức Hồng Y Martino, Giáo hội Công giáo vẫn luôn nhấn mạnh tới nhu cầu toàn cầu hóa tình đoàn kết, mưu tìm việc cùng nhau hướng tới một quy tắc luân lý chung. Ngài giải thích như sau: "Ðiều này không có nghĩa là một hệ thống kinh tế xã hội hay văn hóa sẽ khống chế hay áp đặt trên luân lý những giá trị và tiêu chuẩn riêng của hệ thống hay nền văn hóa đó. Chúng ta phải mưu tìm những tiêu chuẩn cho đời sống xã hội dựa trên giá trị phổ quát của con người được Thiên Chúa tạo thành. Cuộc nghiên cứu này không thể thiếu được nếu chúng ta muốn bảo đảm sao cho việc toàn cầu hóa không chỉ là danh hiệu của sự tương đối hóa các giá trị tuyệt đối, hay đồng nhất hóa lối sống và văn hóa. Giáo hội đồng hành với nhân loại để khám phá ra chiều kích nhân bản của toàn cầu hóa. Giáo hội làm như thế để đảm bảo có sự ý thức ngày một nhiều hơn rằng, đằng sau vấn đề của các loại thực vật biến đổi di truyền, chúng ta vẫn thấy khuôn mặt của những nông dân bên Châu Phi; đằng sau danh sách những con số trên màn ảnh chúng ta thấy được cái gì đó cho các nền kinh tế đang phát triển; đằng sau những vệ tinh và sợi quang học, chúng ta thấy nhiều người trẻ tại các nước nghèo có thể được huấn luyện những kỹ thuật mới; đằng sau những biểu đồ tối tân của nền kinh tế tân thời, chúng ta thấy các doanh nghiệp như là cộng đoàn của những con người; và đằng sau những giờ làm việc được co giãn theo nhu cầu, chúng ta thấy được hình ảnh của một gia đình lao động. Ðó chính là lập trường của kitô giáo cho một tiến trình toàn cầu hóa khả thi về mặt quản trị.
(Việt Hùng)