Vài nhận định của Ðức Tân Giáo Chủ

của Giáo Hội Công Giáo Chalđê

về Hiện Tình IRAQ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của  Ðức Tân Giáo Chủ của Giáo Hội Công Giáo Chalđê về Hiện Tình IRAQ.

(Radio Veritas Asia 6/12/2003) - Quý vị và các bạn thân mến, Trong bản tin đã phát, chúng ta biết ÐTC Gioan Phaolô II đã chấp nhận Ðức Tân Thượng Phụ Giáo Chủ của những người công giáo Chalđê, với danh hiệu  là: Ðức Emmanuel III  Delly.

Ðức Tân Thượng Phụ Giáo Chủ Emmanuel Ðệ Tam Delly sinh tại TELKAIF, miền bắc Iraq, ngày 6 tháng 10 năm 1927. Thụ Phong Linh Mục  ngày 21 tháng 12 năm 1952. Ðược tấn phong giám mục làm Phụ Tá cho Ðức Thượng Phụ tại Bagdad ngày 19 tháng 4 năm 1963. Và từ đó đến nay (2003), Ngài đã làm giám mục phụ tá cho hai vị Thượng Phụ Giáo Chủ tại Bagdad, trước hết là cho Ðức Thượng Phụ Phaolô II CHIEKHO từ năm 1958 cho đến năm 1989, rồi kế đến là cho Ðức Thượng Phụ Raphael Bidawid I, từ năm 1989 cho đến năm 2003. Ðức Thượng Phụ Raphael Bidawid I đã qua đời tháng 7 năm 2003 tại Liban. Ngày 3 tháng 12 năm 2003, Ngài đã được 22 vị giám mục của Giáo Hội Công Giáo Chalđê họp Hội Ðồng tại Roma chọn làm Thượng Phụ, kế vị Ðức Raphael Bidawid I; và Ngài đã lấy danh hiệu là Emmanuel III. Với kinh nghiệm mục vụ 40 năm phục vụ tại Bagdad,  Ðức Tân Thượng Phụ Emmanuel III  Delly được xem như là vị thích hợp nhất để hướng dẫn Giáo hội Công giáo Chalđê tại Iraq, trong tình hình  phức tạp hiện nay.

Giáo Hội Công Giáo Chaldê hiện nay hiện có khoảng 700,000 tín hữu sinh sống rải rác trên khắp thế giới; nhưng đa số --- tức  khoảng 550 ngàn ---  sinh sống tại Iraq, và khoảng 150 ngàn  sinh sống bên ngoài Iraq, tại vùng Trung Ðông, tại Âu Châu, Hoa Kỳ và Úùc Châu. Ðược biết Giáo hội Công giáo Chalđê, thuộc về  phía Giáo hội Công giáo Ðông phương, và vào năm 431, đã tách ra khỏi Giáo hội Công Giáo toàn cầu, vì theo giáo thuyết của Nestorius chống lại giáo huấn của Công Ðồng Ephêsô. Nhưng rồi vào năm 1551, thì bắt đầu trở lại với sự hiệp thông trong Giáo hội Công giáo Roma. Cho đến năm 1830, sự hiệp thông trở nên hoàn tất, dưới triều giáo hoàng của Ðức Piô VIII;  Từ lúc đó vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Chalđê mang danh hiệu là Thượng Phụ của Những Tín Hữu Chalđê, với Tòa Giáo Chủ được đặt tại Bagdad, thủ đô của Iraq. Hiện tại, đa số tín hữu công giáo Chalđê sống tập trung tại thủ đô Bagdad, với khoảng 300 ngàn tín hữu, trong tổng số khoảng 550,000 tín hữu công giáo Chalđê trong toàn quốc Iraq.

Sau đây kính mời quý vị và các bạn theo dõi vài nhận định của Ðức Tân Thượng Phụ Emmanuel III Delly, về tình hình IRAQ ngày nay. Ngài cho biết như sau:

 

Sự đau khổ và thiếu an ninh của dân chúng Iraq đang gia tăng. Dân chúng đang phải sống trong cảnh thiếu an ninh và thiếu việc làm. Chiến tranh đã kéo dài trong vòng 13 năm. Tôi nói là 13 năm, vì tôi kể luôn những năm bị cấm vận kinh tế; cuộc cấm vận kinh tế nầy là như một cuộc chiến tuy không dùng đến vũ khí, nhưng đã gây ra cảnh nhiều người dân bị chết đói. Rồi đến cuộc chiến do Hoa Kỳ và Anh Quốc lãnh đạo, từ tháng 3 năm 2003. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh Quốc nghĩ  rằng họ can thiệp để làm cho tình hình trở nên tốt hơn cho dân chúng, nhưng mãi cho đến nay chưa có được sự an ninh cho dân chúng. Hiện tại dân chúng Iraq rất cần một Hiến Pháp mới, trong đó được bảo đảm sự tự do tôn giáo, tự do giáo dục và giảng dạy trên bình diện văn hoá và xã hội. Những nhân quyền cần được bảo vệ. Chúng tôi mong muốn có một Hiến Pháp theo hướng đời thường, chớ không theo hướng tôn giáo; bởi vì nếu theo hướng tôn giáo, thì phải áp dụng Luật Hồi Giáo; theo hướng đời thường, thì hiến pháp mới sẽ bảo đảm cho tất cả mọi thành phần dân chúng đều được hưởng tự do tôn giáo; người kitô cũng như người hồi giáo, và các tín đồ  của các tôn giáo khác, mọi người đều được bình đẳng trước luật pháp. Hiện tại chúng tôi đang làm việc với những vị lãnh đạo chính trị, theo hướng nầy, và chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt. Chúng tôi xin anh chị em cầu nguyện và nâng đỡ chúng tôi, bởi vì tuy có những tín đồ Hồi giáo đồng ý với lập trường chúng tôi, nhưng có những tín đồ Hồi giáo quá khích thì không muốn như vậy. Tại Iraq, những người kitô chỉ chiếm 3% dân số. Chúng tôi cần sự ủng hộ  để có một hiến pháp mới không có tính cách hồi giáo.

Trên bình diện cụ thể, chúng tôi sinh sống với những anh chị em hồi giáo trong tinh thần yêu thương và bác ái, cách ôn hòa từ 15 thế kỷ qua. Tất cả mọi người, kitô và hồi giáo, tại Iraq, đều đang sống trong tình trạng khó khăn. Chúng tôi cần có hòa bình và yên hàn. Cần phải cấp bách thiết lập lại sự an ninh, điều kiện đầu tiên để bắt đầu lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi, những người Kitô, hiện được hưởng sự tự do phụng tự, chớ chưa phải là sự tự do tôn giáo trọn vẹn. Chúng tôi có tự do thực hành đức tin kitô trong các nhà thờ chúng tôi. Những anh chị em hồi giáo không được thay đổi tín ngưỡng theo kitô giáo.

Phương thế duy nhất để giúp cho cộng đoàn kitô là nêu gương tốt cho anh chị em hồi giáo. Nếu những anh chị em hồi giáo tuân giữ kinh Coran, và những anh chị em kitô tuân giữ Kinh Thánh, thì mọi sự được yên ổn trong trật tự. Nếu không, thì rất nguy hiễm. Hiện tại, không có luật nào chống lại người kitô. Tuy nhiên, nếu Luật Pháp quốc Gia Iraq theo hướng Hồi Giáo, thì những anh chị em kitô phải gặp khó khăn. Nếu không có sự tự do tôn giáo thật sự, thì những nguời Kitô sẽ bỏ đất  nước đi nơi khác. Các nhà lãnh đạo hiện nay tại Iraq đang thuyết phục những anh chị em hồi giáo đa số chấp nhận một hiến pháp theo hướng đời thường, và bảo đãm tự do cho tất cả mọi người dân tại Iraq."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page